10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Việt Nam sẽ cung ứng 80% chip máy tính của Intel...

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by Robot Siêu Nhân, Aug 4, 2014.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 353)

    (XHTT) Ngày 29/7, Intel Products Việt Nam công bố bộ vi xử lý đầu tiên được sản xuất tại đây. Đây cũng là sự vụ VT-CNTT nổi bật nhất trong tuần này.


    1- Công bố Sách trắng Công nghệ thông tin - Truyền thông 2014

    Trong khuôn khổ Hội thảo toàn cảnh Công nghệ thông tin – Truyền thông (CNTT-TT) Việt Nam lần thứ 19 năm 2014 với chủ đề: “Nền tảng thứ ba - Xu hướng và hiện thực triển khai (VIO 2014) tại TP.HCM, Bộ TT-TT đã công bố Sách trắng CNTT-TT 2014.

    “Trong giai đoạn 2013-2014, thứ hạng của Việt Nam hầu như ít biến động trên bản đồ CNTT-TT thế giới. Điểm sáng nhất của Việt Nam được các tổ chức quốc tế nhìn nhận vẫn thuộc về công nghiệp CNTT khi nước ta vẫn nằm trong Top 10 nước gia công phần mềm hấp dẫn nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương. TP.HCM và TP.Hà Nội vẫn được xếp Top 20, Top 30 các thành phố hấp dẫn nhất về gia công phần mềm”, TS. Nguyễn Trọng Đường cho biết.

    Theo đó, tổng doanh thu công nghiệp CNTT năm 2013 đạt trên 39 tỉ USD, tăng 55% so với năm 2013. Doanh thu công nghiệp phần cứng – điện tử năm 2013 đạt 36,8 tỉ USD (tăng 59,2% so với năm trước), chiếm 93% tổng doanh thu toàn ngành, trong đó xuất khẩu điện thoại di động chiếm tỉ trọng trên 60%.

    Thị trường viễn thông năm 2013 có nhiều thay đổi do chính sách thặt chặt quản lý giá cước và thuê bao di động trả trước cùng với sự bùng nổ của dịch vụ OTT. Số lượng thuê bao di động là 123,7 triệu, giảm hơn 8 triệu thuê bao so với năm 2012, tương ứng với 6%. Trái lại, số thuê bao 3G cán mốc 19,7 triệu, tăng gần 4 triệu thuê bao, tương ứng với 25,4%. Tổng doanh thu viễn thông đạt 7,4 tỷ USD giảm gần 13% so với năm trước. Tập đoàn VNPT vẫn làm chủ thị trường cố định, trong khi Viettel vẫn ở ngôi đầu trong thị phần thuê bao di động.

    2- Intel Việt Nam sẽ cung ứng 80% chip máy tính của hãng trên toàn cầu

    Ngày 29/7, Intel Products Việt Nam đánh dấu một mốc quan trọng trong lộ trình phát triển của họ tại thị trường Việt với việc công bố bộ vi xử lý đầu tiên, được sản xuất tại nhà máy này.

    [​IMG]

    Bà Sherry Boger (trái), Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà (giữa) và Giám đốc nhà máy C.T. Lau giới thiệu chip Haswell CPU đầu tiên tại Việt Nam ngày 29/7.

    Theo Intel Việt Nam, việc triển khai lộ trình sản xuất chip CPU bắt đầu từ tháng 4/2014 khi Intel Việt Nam chính thức nhận được thông báo sẽ tiếp nhận sản phẩm CPU Haswell. Lộ trình phát hành sản phẩm đang được hãng gấp rút thực hiện. Các chip CPU do nhà máy Intel Việt Nam sản xuất, khi chính thức tung ra thị trường sẽ chiếm đến 80% tổng sản phẩm của hãng trên phạm vi toàn cầu.

    Được biết, bộ vi xử lý (chip CPU) do Intel Việt Nam sản xuất là CPU Haswell thế hệ mới, được lắp ráp tại nhà máy lắp ráp và kiểm định ở TP.HCM. Đây không chỉ là nhà máy bán dẫn đầu tiên của Việt Nam, tọa lạc tại Khu Công nghệ cao Sài Gòn mà còn là cơ sở lắp ráp và kiểm định lớn nhất của Intel trên thế giới.

    3- Hội thảo “4G/LTE gieo mầm cho tương lai”, chuẩn bị cho mạng 4G

    Ngày 28/7, tại Hà Nội, Bộ TT-TT phối hợp với Huawei tổ chức Hội thảo “4G/LTE gieo mầm cho tương lai”. Tham dự có đại diện các Cục, Vụ chức năng của Bộ, đại diện Tập đoàn VNPT, Viettel,...

    Ông Phan Thảo Nguyên, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TT-TT cho biết, Việt Nam đang xem xét để triển khai 4G sau năm 2015. Tuy nhiên, từ năm 2010, Bộ TT-TT Việt Nam đã cấp phép thử nghiệm 4G/LTE cho một số doanh nghiệp viễn thông nhằm đảm bảo sự chuyển đổi từ 3G sang 4G thành công, cung cấp những dịch vụ tiên tiến, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

    Theo Huawei, hiện Huawei và Học viện công nghệ Bưu chính Viễn thông đang trong quá trình đàm phán về việc Huawei hỗ trợ Học viện đào tạo về LTE (phòng lab, học liệu, đào tạo giáo viên).

    4- VNPT sẽ phát triển theo hướng chuyên biệt, chuyên nghiệp

    Đó là định hướng của Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son cho Tập đoàn VNPT tại Hội nghị sơ kết công tác sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm và một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2014 của Tập đoàn.

    Theo báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2014 của Tập đoàn VNPT, tổng doanh thu đạt 57.758 tỷ đồng, đạt 47,8% kế hoạch và đạt 106,8% so với cùng kỳ; lợi nhuận đạt 5.182 tỷ đồng, đạt 52,3% kế hoạch năm và đạt 118,3% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, Công ty mẹ đạt 38.524 tỷ đồng, đạt 50,2% kế hoạch, đạt 111,2% so với cùng kỳ (lợi nhuận đạt 1.505 tỷ đồng, đạt 64,6% kế hoạch, đạt 154,8% so với cùng kỳ).

    Riêng Công ty VMS (đơn vị đã tách ra để đưa về Bộ), đạt 17.277 tỷ đồng, đạt 47,9% kế hoạch, đạt 104,7% so với cùng kỳ (lợi nhuận 3.598 tỷ đồng, đạt 49,3% kế hoạch, đạt 108,5% so với cùng kỳ)… Đặc biệt, có 34 VNPT tỉnh/thành đạt lợi nhuận dương so với cùng kỳ và có 17 đơn vị chuyển từ lợi nhuận âm sang lợi nhuận dương so với cùng kỳ. Doanh thu, phát triển thuê bao các dịch vụ Vinaphone, dịch vụ băng thông rộng cố định, dịch vụ MyTV đều có bước chuyển biến tích cực.

    Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng đề nghị Tập đoàn VNPT nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết phấn đấu triển khai nghiêm túc Quyết định số 888/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ xứng đáng với truyền thống của ngành Thông tin và Truyền thông.

    5- Nhiều Tổng biên tập báo không phải là nhà báo

    Nguyên Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn cho biết, năm 2013 cả nước đã bổ nhiệm 169 lãnh đạo cơ quan báo chí. Trong số này, có 43 người được điều từ ngành khác về, không có nghiệp vụ báo chí.

    Đây cũng là một trong những bất cập trong công tác quản lý báo chí, được các đại biểu nêu tại Hội nghị tham vấn chuyên gia về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực báo chí do Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức tại TP.HCM ngày 28/7.

    Đồng tình với nhìn nhận này, Thứ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn cũng đánh giá, Luật Báo chí hiện nay đã trở thành “chiếc áo quá chật”, không phù hợp với hoạt động báo chí hiện hành. Vì vậy, việc sửa Luật Báo chí là rất cần thiết và cần nhanh chóng.

    Việt Nam đã có đủ các loại hình báo chí: Báo in, báo điện tử, phát thanh - truyền hình… với đội ngũ người làm báo tăng nhanh từ 25.000 người năm 2005 lên 40.000 năm 2014, trong đó có 18.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề.

    6- Thí điểm 4 trạm “Điện thoại - Thông tin” tại TP.HCM

    UBND TP.HCM vừa có ý kiến chấp thuận cho VNPT TP.HCM triển khai thí điểm 4 trạm “Điện thoại - Thông tin” thay cho 4 trạm điện thoại công cộng trên địa bàn quận 1.

    Các trạm này được lắp đặt cùng vị trí và không lớn hơn trạm điện thoại công cộng cũ, bảo đảm an toàn, mỹ quan, công nghệ tiên tiến, dễ sử dụng.

    Sở TT-TT TP.HCM sẽ hướng dẫn, kiểm tra VNPT TP.HCM lắp đặt các trạm này, đồng thời đánh giá kết quả thí điểm và đề xuất kế hoạch triển khai nhân rộng trên địa bàn.

    Trước đó, VNPT TP.HCM đã tháo dỡ 629 trạm điện thoại công cộng dùng thẻ bị hư hỏng, không sử dụng được; đồng thời cam kết sẽ hồi sinh các trạm điện thoại công cộng dùng thẻ theo hướng hiện đại, có tích hợp công nghệ truyền phát tín hiệu sóng wifi phục vụ cho nhân dân và du khách.

    7- Đã sử lý xong cáp AAG, Internet đi quốc tế thông suốt

    Sự cố đứt cáp quang biển quốc tế AAG (Asia America Gate Way) chiều tối ngày 15/7 đã được khôi phục từ tối 27/7. Truy cập mạng Internet từ Việt Nam đi quốc tế đã trở lại bình thường. Như vậy, sau 12 ngày bị đứt, các đơn vị đã khẩn trương nỗ lực hàn nối và đã hoàn thành sớm hơn so với dự kiến 3 ngày.

    Cáp quang biển AAG được khánh thành và đưa vào sử dụng tháng 11/2009 với chiều dài hơn 20.000km, dung lượng thiết kế đạt 2 Terabit/giây, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ. Điểm cập bờ ở Việt Nam là ở Vũng Tàu. Ngoài khả năng kết nối Đông Nam Á với Mỹ, AAG còn có thể kết nối đến Australia, Ấn Độ, châu Âu và châu Phi thông qua các điểm cập bờ khác của hệ thống.

    8- VinaPhone nâng tốc độ truy cập 3G lên 42Mbps, gấp 6 lần trước đó

    Sau một thời gian nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao tốc độ truy cập và truyền tải dữ liệu, hiện các chuyên gia kỹ thuật của VinaPhone đã thử nghiệm thành công, cho phép tải (download) dữ liệu 3G với tốc độ tối đa lên đến 42Mbps nhờ đưa vào tính năng mới DC-HSDPA cho hệ thống 3G.

    Trong môi trường lý tưởng, khi chưa có DC-HSDPA, để download một bộ phim có dung lượng 5Gbits phải mất thời gian ít nhất 12’42’’, nhưng nhờ DC-HSDPA (hỗ trợ tốc độ tối đa 42Mbps), thời gian download giảm chỉ còn 2’7’’.

    Theo các chuyên gia, tốc độ vượt bậc này đã vượt qua tốc độ của công nghệ truy cập Internet băng rộng ADSL phổ biến hiện nay. Việc nâng cấp tốc độ sẽ giúp mạng VinaPhone hoạt động ổn định hơn và giúp hai đối tượng hưởng lợi – đó là người dùng 3G qua thiết bị di động và qua EZcom 3G của VinaPhone.

    Hiện, VinaPhone đã thử nghiệm tăng tốc độ truy cập 3G lên 42Mbps tại một số trạm thu phát sóng tại 3 thành phố lớn Hà Nội, Đà Nẵng và Hồ Chí Minh. Theo dự kiến, qua năm 2015, VinaPhone sẽ tăng tốc độ truy cập 3G rộng khắp trên toàn quốc, cho gần 13.000 trạm 3G của hãng, tiếp tục khẳng định vị trí “mạng di động có tốc độ 3G nhanh nhất” tại Việt Nam.

    9- Cảnh giác PM Onion tống tiền người dùng

    Onion - tên PM tống tiền (ransomware) mới vừa được Kaspersky Lab công bố, có khả năng khóa dữ liệu của người dùng để đòi tiền chuộc, đồng thời ẩn danh tránh truy vết.

    Onion là sự kế thừa các phần mềm độc hại thuộc nhóm ransomware khét tiếng: CryptoLocker CryptoDefence/CryptoWall, ACCDFISAandGpCode. Khi đã thâm nhập vào máy tính mục tiêu, nó mã hóa dữ liệu của nạn nhân và đếm lùi 72 giờ, thông báo thời hạn cho nạn nhân nộp tiền chuộc dữ liệu hoặc tất cả tập tin sẽ vĩnh viễn "ra đi".

    Tên gọi Onion (Củ hành) được các nhà nghiên cứu từ công ty bảo mật Kaspersky Lab đặt, do loại phần mềm tống tiền này sử dụng Tor, có biểu tượng "Củ hành", một phần mềm nguồn mở giúp mọi người dùng kết nối Internet ẩn danh (giấu địa chỉ IP), tránh truy vết, thậm chí có thể vượt tường lửa (firewall). Ngoài ra, khác với các ransomware trước đây, Onion đòi nạn nhân trả tiền kỹ thuật số Bitcoin thay vì tiền thật.

    10- Flappy Bird chính thức trở lại

    Đúng như đã thông báo trước đó, Nguyễn Hà Đông - cha đẻ của trò chơi Flappy Bird đã quyết định đưa trò chơi này quay trở lại với nhiều cải tiến.

    Điều “bất ngờ” là lần quay trở lại này của Flappy Bird chỉ xuất hiện trên Amazon Appstore, người chơi chỉ có thể chơi được qua Amazon Fire TV set-top box. Nghĩa là buộc người chơi phải chơi Flappy Bird thông qua màn hình TV và dùng bộ điều khiển bằng tay để điều khiển chú chim.

    Cạnh đó, Flappy Bird khi quay trở lại đã được Nguyễn Hà Đông đặt tên là Flappy Birds Family, hỗ trợ chế độ chơi hai người cùng lúc, kèm theo việc cung cấp "mạng sống" cho chú chim, giúp cho việc chơi game đỡ bị ức chế hơn.

    Hiện phiên bản Flappy Birds Family chưa có bản chạy trên iOS, Android hoặc Windows Phone. Tuy nhiên, theo nhiều người, việc Flappy Birds được đưa trở lại thì rất có khả năng trong thời gian tới, Flappy Birds Family sẽ được mở rộng ở các nền tảng khác.

    Trước đó, rạng sáng 10/2/2014 (giờ Việt Nam), Nguyễn Hà Đông đã gỡ bỏ trò chơi Flappy Bird ra khỏi hai kho ứng dụng trực tuyến lớn thế giới là App Store (iOS) và Google Play (Android), làm hàng triệu người thất vọng.

    Thanh Trà (tổng hợp)

    Nguồn Xã hội thông tin
     
  2. Facebook comment - 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Việt Nam sẽ cung ứng 80% chip máy tính của Intel...

Share This Page