Chúng ta đều biết rằng, Mặt trăng là một tinh cầu không tự thân phát sáng hay cũng không phát nhiệt. Trong màn đêm của vũ trụ, chúng ta quan sát được Mặt trăng là do sự phản xạ ánh sáng chiếu từ Mặt trời. Tuy nhiên, bí ẩn về Mặt trăng vẫn còn không ít. Một nghiên cứu mới đây được đăng trên Tạp chí Nature đã mô tả, Mặt trăng không thực sự tròn, nó "giống như quả chanh với một đường phình to ở xích đạo", hay có hình dạng như một quả bóng nước khi quay. Mặt trăng nằm trên quỹ đạo quay đồng bộ, điều đó có nghĩa nó hầu như giữ nguyên một mặt hướng về Trái đất ở tất cả các điểm. Khi mới hình thành, Mặt trăng quay chậm dần và bị khóa ở vị trí hiện tại vì những hiệu ứng ma sát xuất hiện cùng hiện tượng biến dạng thủy triều do Trái đất gây ra. Lực ma sát này khiến cho lớp vỏ phình to, mở rộng ra ở một số điểm. Khi Mặt trăng di chuyển tiến xa hơn Trái đất, một làn sóng biến dạng thủy triều của Trái đất dường như đã "đóng băng" lại, khiến Mặt trăng có chỗ "phình" to - nâng cao khoảng 6m. Garrick-Bethell - nhà khoa học hành tinh thuộc ĐH California, Santa Cruz và đồng nghiệp đã sử dụng máy đo độ cao bằng laser để tạo ra bản đồ siêu chính xác cho bề mặt của Mặt trăng. Theo ông, sự biến dạng của Mặt trăng do lực hút từ Trái đất là một thách thức lớn trong việc đo đạc, tìm ra hình dạng thực sự của Mặt trăng. Garrick-Bethell cho biết: "Phương pháp này sẽ giúp chúng ta có được bức tranh rõ ràng nhất về hình dạng thực sự của Mặt trăng". Nguồn VNExpress