(XHTT) Liên quan đến vụ chiếc máy bay mang số hiệu MH17 của Malaysia bị bắn rơi ở miền Đông Ukraine làm gần 300 người thiệt mạng, nhiều nước đang dồn nghi vấn vào Nga. Tổng thống Putin có thể bị kiện Theo báo Tiền Phong, The Telegraph (Anh) đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể phải đối diện với vụ kiện đòi bồi thường khi thân nhân các nạn nhân người Anh cho rằng, giới lãnh đạo Nga có liên quan trong vụ chiếc máy bay MH17 của Malaysia bị bắn rơi ở khu vực miền Đông Ukraine. Hiện trường vụ tai nạn. Theo The Telegraph, một hãng luật của Anh đã cử người tới Ukraine để chuẩn bị hồ sơ đại diện cho gia đình các nạn nhân Anh, dự định kiện ông Putin tại Mỹ. Ngoài ra, những tướng lĩnh và chính trị gia thân tín với ông Putin cũng có thể trở thành mục tiêu trong vụ kiện này. Các luật sư của hãng luật McCue & Partners bay tới Ukraine trong tuần trước để thảo luận cách thức thực hiện vụ kiện. Phát ngôn viên của McCue & Partners nói trong một thông báo: “Đã có những cuộc thảo luận về việc kiện Malaysia Airlines, nhưng những người phải chịu trách nhiệm ngay lập tức không chỉ là những tay súng ly khai bị cáo buộc bắn tên lửa vào chuyến bay MH17”. McCue & Partners cho rằng, lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine được bên ngoài hỗ trợ tài chính, vật chất và phương tiện. Các nước châu Âu tẩy chay World Cup 2018 tại Nga Vụ máy bay MH17 của Malaysia bị bắn rơi ở Ukraine đang là nguyên cớ để tạo ra một làn sóng phản đối việc Nga đăng cai World Cup 2018 ở châu Âu. Trả lời phỏng vấn của báo Sunday Times hôm 27/7/2014, Phó Thủ tướng Anh Nick Clegg đã lên tiếng tán đồng đề nghị của nhiều chính trị gia Đức, đòi truất quyền tổ chức Giải vô địch bóng đá thế giới 2018 của Nga, sau vụ chiếc máy bay của hàng không Malaysia MH17 bị bắn rơi ở miền đông Ukraine, trang BizLIVE đưa tin. Theo ông Clegg - lãnh đạo đảng Tự do Dân chủ Anh, đồng minh trong chính phủ bảo thủ của Thủ tướng David Cameron, các sự kiện thể thao cũng cần được coi là một trong những biện pháp trừng phạt Nga. Tuy nhiên, đáp lại những lời cảnh báo và thậm chí là đe dọa tẩy chay đấy, Chủ tịch FIFA Sepp Blatter tuyên bố rằng, chính việc đăng cai World Cup 2018 trên đất Nga mới là “động lực tích cực” cho những đối thoại hòa bình và dân chủ. Chủ tịch FIFA còn đưa ra thông điệp “Bóng đá không thể bị chính trị chi phối và bóng đá là cầu nối hữu hiệu nhất để kết nối hòa bình trên toàn cầu cùng đi đến những điều tốt đẹp do bóng đá mang lại” – Báo Pháp luật TP.HCM đã dẫn. Nhưng thực chất, FIFA rất sợ việc rút quyền đăng cai của một quốc gia nào đó vì sức ép chính trị, bởi tổ chức bóng đá thế giới này lo ngại sẽ tạo một tiền lệ khi bị chi phối bởi các thế lực ngoài bóng đá. Bởi lẽ, một World Cup mà không có các quốc gia như đương kim vô địch Đức hay Hà Lan, Anh và nhiều quốc gia khác cũng tẩy chay không tham dự thì không còn là World Cup nữa. Thế nên chắc chắn FIFA sẽ không thể nhượng bộ, ngay việc làm hài lòng tiếng nói của những nhà chính trị can thiệp vào bóng đá hay muốn dùng bóng đá để tạo ra những thế lực riêng. Nga cũng vào cuộc điều tra vụ MH17 Theo Tiếng nói nước Nga, Bộ Giao thông vận tải Nga đã thành lập một nhóm chuyên viên tham gia điều tra vụ rơi máy bay Boeing-777 trong khu vực Donetsk, Ukraine, trang BizLIVE đưa tin. Nhóm điều tra vụ MH17 bị bắn rơi ở miền Đông Ukraine do phó lãnh đạo Cơ quan hàng không Nga Rosaviatya, ông Oleg Storchevoy trực tiếp chỉ đạo - Thông tin báo chí của Bộ Giao thông vận tải (Nga) cho biết như thế vào ngày 27/7. "Thành lập nhóm các chuyên gia sẽ tham gia vào việc điều tra vụ tai nạn của Boeing-777 hãng hàng không Malaysia xảy ra trên lãnh thổ Ukraine ngày 17/07/2014," tuyên bố cho biết. Trước đó, người đứng đầu Rosaviatya, ông Alexander Neradko cho biết, cơ quan này sẵn sàng cung cấp cho ủy ban điều tra tất cả các thông tin có sẵn, cũng như cử chuyên gia tham gia tìm hiểu tình huống thảm kịch. Thanh Trà (tổng hợp) Nguồn Xã hội thông tin