Su-25 là loại máy bay máy bay chiến đấu cường kích và hỗ trợ trên không ở cự ly gần, chủ yếu dùng để phá hủy xe tăng hay xe bọc thép, tuy nhiên bị nghi ngờ là có thể bắn hạ máy bay MH17 của Malaysia. Bộ Quốc phòng Nga hôm 21/7 tố cáo các chiến đấu cơ của Kiev có liên quan và đứng sau vụ máy bay MH17 bị bắn hạ ở miền đông Ukraine. Theo trung tướng Igor Makushev thuộc Không quân Nga, hệ thống kiểm soát không lưu phát hiện một máy bay không quân Ukraine, dường như là chiến đấu cơ Su-25, đuổi theo hướng chiếc Boeing của Malaysia. Một chiến đấu cơ SU-25 được trang bị một phần vũ khí. (Ảnh: Wikipedia) Theo một số giả thiết, chiến đấu cơ Su-25 của Không quân Ukraine được trang bị tên lửa phòng không và bay ở độ cao 10.000m, trong phạm vi cách MH17 khoảng 5km. Điều này ám chỉ rằng chính Su-25 của Ukraine đã bắn hạ MH17. Các hãng truyền thông chính của Nga, bao gồm kênh truyền hình tiếng Anh RT, hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti và Pravda.ru, đều đưa tin về sự việc. Sukhoi Su-25, tên ký hiệu của NATO là "Frogfoot", là một máy bay chiến đấu cường kích, chống tăng và chi viện không quân trực tiếp do Liên Xô sản xuất từ giai đoạn Chiến tranh Lạnh. Su-25 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1979, phục vụ cho không quân ở nhiều khu vực thuộc Liên bang Xô viết lúc bấy giờ, trong đó có Ukraine. Su-25 được bọc thép và trang bị vũ khí mạnh, với một khẩu pháo 30mm Gryazev-Shipunov GSh-30-2, vũ khí tấn công mặt đất khoảng 4.000kg. Trong số các loại vũ khí có tên lửa phòng không AA-8 Aphid, thường giới hạn phạm vi bắn dưới 3km. Đây là loại phương tiện chủ yếu dùng để phá hủy xe tăng, xe bọc thép, xe tải, boongke. Trước đó, hai chiến đấu cơ Ukraine cũng từng bị một nhân viên trạm kiểm soát không lưu phát hiện đang theo đuôi chuyến bay MH17 chỉ vài phút trước khi nó rơi. Các thông tin trên làm dấy lên mối nghi ngờ rằng Ukraine đứng sau vụ MH17. Một chiếc Su-25 tại Căn cứ Không quân Kubinka của Nga. (Ảnh: Wikipedia) Trên thực tế, Sukhoi Su-25 là loại phi cơ không được thiết kế để thực hiện nhiệm vụ phá hủy máy bay. Đây là loại phương tiện hỗ trợ trên không ở cự ly gần, hoặc máy bay tấn công mặt đất (máy bay cường kích). Su-25 chỉ có thể bay ở độ cao khoảng 7.000m, thấp hơn so với độ cao của MH17. Đối với một máy bay chống tăng, đây không phải là một vấn đề lớn, nhưng nó sẽ đặt ra câu hỏi đối với những giả thiết cho rằng Ukraine sử dụng Su-25 để bắn hạ máy bay MH17. Trong bối cảnh liên quan đến MH17, những khả năng thực tế mà loại máy bay này có thể và không thể làm được là thông tin mà Nga từ chối cung cấp. Sáng 21/7, một người dùng mạng có địa chỉ IP ở Moscow đã chỉnh sửa thông tin về chiến đấu cơ Su-25 trên trang Wikipedia của Nga, tăng độ cao tối đa của loại máy bay này lên khoảng 3.000m. Trong khi đó, các thông tin trên trang web của nhà sản xuất Su-25, nơi cung cấp thông tin từ phiên bản đầu tiên của chiến đấu cơ và khả năng thực tế của loại phương tiện này, lại phản ánh điều ngược lại. Theo đó, việc một chiếc Su-25 của Nga bắn hạ chiếc Boeing 777 là điều gần như không thể về mặt kỹ thuật. Chiếc Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Airlines hôm 17/7 bị bắn hạ ở khu vực miền đông Ukraine, khi đang trên đường từ Amsterdam tới Kuala Lumpur. Tất cả 298 người, gồm 15 người thuộc tổ bay, thiệt mạng. Mỹ và Ukraine cho rằng máy bay của Malaysia bị bắn hạ bằng đầu đạn tên lửa bắn ra từ hệ thống phòng không Buk do Nga cung cấp. Nga phủ nhận mọi việc liên quan đến hỗ trợ việc nổi dậy này, đồng thời cáo buộc Ukraine đứng sau vụ việc. Nguồn KhoaHoc.com.vn