Tắc kè, hạt giống cây và một số mẫu vật liệu được đưa lên vũ trụ trong một dự án nghiên cứu sinh học và vật lý của Nga. Tên lửa đẩy Soyuz 2-1a đưa tàu vũ trụ Foton M4 được phóng đi từ sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan vào lúc 20h50 (giờ GMT) hôm 18/7. Trong hành trình nghiên cứu này, Foton M4 mang theo vệ tinh nghiên cứu của Nga, tắc kè, giống cây trồng và một số mẫu vật liệu. Tên lửa đẩy đưa tàu vũ trụ Foton M4 được phóng đi từ sân bay vũ trụ Baikonur. (Ảnh: Roscosmos) Tàu vũ trụ Foton M4 sẽ ở trong quỹ đạo 60 ngày, thực hiện 22 thí nghiệm nghiên cứu ảnh hưởng của môi trường khắc nghiệt trong không gian đối với sinh vật, vật liệu sản xuất... Các chuyên gia sẽ quan sát ảnh hưởng của môi trường không trọng lực đối với tắc kè trưởng thành, trong đó có hành vi giao phối và sự phát triển phôi thai. Theo Space, hạt giống sấy khô và trứng tằm sẽ được nghiên cứu để xác định phản ứng của chúng với bức xạ vũ trụ. Tắc kè được giữ trong khoang riêng trên Foton M4 trước khi được đưa lên vũ trụ. (Ảnh: Roscosmos) Thí nghiệm hợp tác giữa Nga và Đức sẽ tập trung nghiên cứu tinh thể chất bán dẫn trong môi trường không trọng lực. Các chuyên gia hy vọng kết quả nghiên cứu sẽ mở đường cho những bước tiến công nghệ tế bào năng lượng mặt trời, đi-ốt phát quang, bóng bán dẫn và ứng dụng khác trong công nghiệp điện. Sứ mệnh của Foton M4 với nhiều cải tiến và nâng cấp trong hệ thống tấm pin năng lượng mặt trời và mô-đun đẩy, giúp kéo dài thời gian của chuyến bay và điều chỉnh độ cao. Nguồn VNExpress