Một chiếc máy bay Boeing 777 mang tên MH17 của hãng hàng không Malaysia chở 298 người kể cả phi hành đoàn vừa bị rơi tại miền Đông Ukraine và nhiều thông tin ban đầu cho thấy rất có thể nó đã bị trúng tên lửa đất đối không Buk. Những thông tin ban đầu cho thấy nhiều khả năng MH17 đã bị trúng tên lửa khi đang bay ở độ cao khoảng 10.000 mét trên không phận thuộc miền Đông Ukraine – nơi đang diễn ra giao tranh giữa quân đội Ukraine và quân li khai thân Nga. Các chuyên gia quân sự cho biết ở độ cao từ 10.000 mét trở lên thì tại khu vực trên chỉ có tên lửa hiện đại được phóng từ mặt đất hoặc máy bay quân sự mới tiếp cận được cho nên một số cáo buộc đang tập trung vào tên lửa Buk. Các tên lửa Buk, hay còn gọi là SA-11 hay SA-17, là một loại tên lửa lớn đất đối không có thể đạt độ cao tối đa giữa 11.000 và 25.000 mét tùy theo phiên bản. Đây là một loại khí tài quân sự do Nga sản xuất. Tên lửa Buk Một tiểu đoàn Buk tiêu chuẩn bao gồm: một xe chỉ huy; 1 trạm trinh sát/bắt bám và điều khiển đặt trên xe (TAR); 6 xe phóng (TELAR), mỗi xe mang 4 quả tên lửa sẵn sàng phóng và 4 quả dự trữ; và 3 xe tiếp đạn. Một khẩu đội tên lửa Buk gồm 2 xe TELAR và TEL. Khẩu đội chỉ cần 5 phút để triển khai chiến đấu và rút khỏi trận địa sau khi phóng. Thời gian phản ứng của khẩu đội từ khi theo dõi mục tiêu tới khi phóng tên lửa là khoảng 22 giây. Đặc điểm của loại tên lửa Buk này là nó sẽ được dẫn đường bởi một radar dưới mặt đất và có thể tiêu diệt các mục tiêu trên không một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự cho biết, Buk không phân biệt được đâu là máy bay dân sự đâu là máy bay quân sự nên nhiều khả năng MH17 đã rơi vào vùng kiểm soát của radar và bị tiêu diệt "nhầm". Larry Johnson, một cựu quan chức CIA có kinh nghiệm chống khủng bố vừa cho hãng tin AP biết: "Buk sử dụng một hệ thống camera để xác định mục tiêu nhưng đó không phải là loại camera mà các hãng hàng không thường dùng để kiểm soát không lưu. Những gì bạn thấy trên màn hình chỉ là một chấm nhỏ đang di chuyển. Tôi không nghĩ rằng hành động này là có chủ đích, họ chỉ xác định nhầm mục tiêu mà thôi". Hiện tại việc xác định bên nào đã phóng tên lửa Buk nhằm vào MH17 là vô cùng khó khăn bởi nó được cả quân đội Ukraine và quân ly khai sử dụng. Khi quân đội Ukraine rút khỏi miền Đông đã để lại một vài hệ thống tên lửa này và lực lượng li khai đã chiếm dụng làm vũ khí cho mình. Được biết, Buk được chế tạo từ năm 1979 và quân đội Liên Xô đã dùng nó để bắn hạ tên lửa đối phương, các mục tiêu trên không và các loại bom thông minh. Cho dù phe nào đã bắn tên lửa Buk vào MH-17 chăng nữa thì cả thế giới cũng không khỏi bàng hoàng trước sự ra đi của gần 300 hành khách và phi hành đoàn MH17. Vậy là sau vụ mất tích bí ẩn của MH370, hàng không Malaysia nói riêng và thế giới nói chung lại đón nhận thêm một thảm họa máy bay mới. Nguồn KhoaHoc.com.vn