Hôm 16/7, tàu vũ trụ vận tải tư nhân Cygnus đã "cập bến" Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) thành công sau chuyến bay kéo dài 2 ngày, nhằm cung cấp thực phẩm, các thiết bị khoa học và một số vệ tinh nhỏ... cho các phi hành gia đang làm việc trên trạm, theo Reuters. >>> Tàu chở hàng Cygnus lắp ghép thành công với trạm ISS Theo Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) thì con tàu không người lái của Công ty Orbital Sciences (Mỹ) khi bay đến tiếp cận ISS (ở quỹ đạo phía trên Libya khoảng 418km) đã được các phi hành gia dùng cánh tay robot Canadarm2 "túm lấy" vào kéo về kết nối với trạm vũ trụ vào lúc 17 giờ 36 phút ngày 16/7 (giờ Việt Nam). Con tàu vũ trụ Cygnus này được đặt tên là Janice Voss nhằm tưởng nhớ phi hành gia năm lần bay vào vũ trụ trên tàu con thoi của Mỹ, người đã chết vào năm 2012 vì bệnh ung thư. Tàu Cygnus - Janice Voss đặt trên tên lửa đẩy hai tầng Antares rời bệ phóng tại Trung tâm phóng tên lửa Wallops của NASA trên đảo Wallops, bên bờ Đại Tây Dương ở Virginia (Mỹ) vào lúc 12 giờ 52 phút ngày 13/7 (giờ Mỹ). Cánh tay robot của ISS kéo tàu Cygnus về trạm - (Ảnh: NASA) Reuters cho biết, sau khi tàu lắp ghép với mô-đun Harmony của ISS, chỉ huy trưởng trạm vũ trụ Steven Swanson cùng 5 đồng nghiệp sẽ bước vào khoang tàu để vận chuyển 1.630kg hàng hóa gồm thực phẩm, các vật tư, thiết bị khoa học... Ngoài ra, trong số hàng hóa do tàu Cygnus chuyển lên đợt này còn có 28 vệ tinh loại nhỏ cỡ hộp giày của công ty tư nhân Planet Labs (Mỹ), được thiết kế để ghi lại hình ảnh Trái đất. Chúng sẽ được triển khai trong mùa hè này từ bệ phóng vệ tinh nhỏ đặt tại mô-đun Kibo của Nhật Bản. "Mục tiêu của chúng tôi là ghi hình toàn bộ Trái đất mỗi ngày và đưa chúng lên mạng để mọi người đều có thể truy cập", Reuters dẫn lời Robbie Schlinger, đồng sáng lập Planet Labs - công ty có trụ sở tại San Francisco - nói trước khi tàu Cygnus cất cánh. Tàu Cygnus - Janice Voss sẽ ở lại trạm vũ trụ trị giá 100 tỉ USD được xây dựng bởi 15 quốc gia cho đến giữa tháng 8. Sau đó, nó sẽ mang theo rác thải rời trạm và bị đốt cháy khi bay vào khí quyển Trái đất. Được biết, sứ mệnh lần này là chuyến bay thương mại thứ hai trong tổng số tám chuyến của tàu Cygnus mang hàng hóa đến cung cấp cho ISS, theo bản hợp đồng trị giá 1,9 tỉ USD giữa NASA với Orbital Sciences. Chuyến đầu tiên được thực hiện vào tháng 1/2014 với tàu Cygnus - Gordon Fullerton. Ngoài Orbital Sciences, Công ty SpaceX của tỉ phú internet Elon Musk (Mỹ) cũng có được hợp đồng trị giá 1,6 tỉ USD ký kết hồi năm 2008 với NASA cho 12 chuyến bay thương mại của tàu Dragon đến ISS. Đến nay, SpaceX đã thực hiện được ba chuyến bay thương mại của tàu Dragon mang hàng hóa đến ISS vào tháng 10/2012, tháng 3/2013 và tháng 4/2014. Sứ mệnh thứ tư của tàu Dragon dự kiến diễn ra vào ngày 8/8/2014, trong khi sứ mệnh thứ ba của tàu Cygnus dự kiến diễn ra vào ngày 3/10/2014. Khác với tàu Cygnus bị đốt cháy trong bầu khí quyển cùng rác thải của ISS, tàu Dragon của SpaceX có thể quay trở về Trái đất và công ty này đang xây dựng một con tàu vũ trụ có thể mang người lên quỹ đạo. Nguồn VNExpress