Lọt vào vùng lạ, phi thuyền Mỹ liên tục hứng "sóng thần"

Discussion in 'Thiên văn - Vũ trụ' started by bboy_nonoyes, Jul 10, 2014.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 397)

    Hàng loạt đợt xung chấn mạnh trong vũ trụ tấn công một phi thuyền của Mỹ sau khi nó trở thành vật thể đầu tiên của loài người ra khỏi hệ Mặt Trời.

    >>> Video mô phỏng vị trí của tàu Voyager 1

    Hôm 9/7, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo phi thuyền Voyager 1 của họ đã lọt vào không gian liên sao, trở thành vật thể đầu tiên của con người ra khỏi Thái Dương Hệ. Các nhà khoa học NASA rút ra kết luận dựa vào những đợt "sóng thần" dội vào tàu, RT đưa tin.

    "Thông thường không gian liên sao giống như một hồ phẳng lặng. Nhưng khi một đợt bùng phát vật chất xuất hiện trên mặt trời, khoảng một năm sau xung chấn sẽ lan tỏa tới tận phi thuyền Voyager 1. Xung chấn sẽ khiến vật chất plasma xung quanh phi thuyền rung chuyển", Ed Stone, một chuyên gia của Viện Công nghệ California tại Mỹ, tuyên bố trên trang web của NASA. Stone là trưởng nhóm chuyên gia của chương trình Voyager từ năm 1972.

    [​IMG]
    Hình minh họa phi thuyền Voyager 1 của NASA trong vũ trụ. (Ảnh: NASA)

    Hệ thống cảm biến của Voyager 1 phát hiện sự thay đổi rõ rệt về nồng độ của hai loại hạt mang điện tích trong môi trường xung quanh nó từ ngày 25/12/2012. Một loại hạt mang điện tích tồn tại bên trong hệ Mặt Trời, còn một loại tồn tại bên ngoài hệ (tức là nó thuộc không gian liên sao).

    "Nồng độ hạt mang điện tích trong hệ Mặt Trời giảm 1% so với trước đây, trong khi nồng độ hạt mang điện tích từ không gian liên sao tăng gần gấp đôi", nhà thiên văn Bill Webber, giáo sư danh dự của Đại học New Mexico, phát biểu. Webber là trưởng nhóm phân tích dữ liệu của tàu Voyager 1.

    Số lượng hạt mang điện là một trong ba dấu hiệu mà NASA sử dụng để tính toán thời gian tàu vượt ra khỏi ranh giới của hệ Mặt Trời. Sự gia tăng mạnh của số lượng luồng hạt đồng nghĩa với việc tàu sắp hoặc đã lọt vào không gian liên sao. Dựa vào một số dữ liệu khác, NASA kết luận Voyager 1 đã tiến vào không gian liên sao từ tháng 8/2012.

    "Vào ngày 25/8/2012, khoảng cách giữa tàu với trái đất là 121 đơn vị thiên văn, nghĩa là gấp 121 lần khoảng cách giữa địa cầu với mặt trời", giáo sư Don Gurnett, một chuyên gia của Đại học Iowa và phụ trách nhóm phân tích dữ liệu của thiết bị Plasma Wave Science, phát biểu.

    Voyager-1 được phóng vào ngày 5/9/1977. Còn Voyager-2, một phi thuyền khác, bay lên vũ trụ vào ngày 20/8 cùng năm. Nhiệm vụ ban đầu của hai tàu là thám hiểm các sao Mộc, Thổ, Hải Vương, Thiên Vương. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ vào năm 1989, chúng bay về phía trung tâm dải Ngân Hà theo hai hướng. Lò phản ứng hạt nhân của hai tàu sẽ ngừng sản xuất điện trong khoảng 10 tới 15 năm nữa. Sau khi lò phản ứng ngừng hoạt động, các thiết bị điện tử và phát sóng của hai tàu sẽ "yên nghỉ" vĩnh viễn.

    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Lọt vào vùng lạ, phi thuyền Mỹ liên tục hứng "sóng thần"

Share This Page