Nhà sản xuất chính các sản phẩm của Apple này được cho là sẽ kết hợp khoảng 10.000 robot vào dây chuyền lắp ráp của họ nhằm đáp ứng nhu cầu ước đoán khá cao của mẫu iPhone 6 sắp ra mắt. Trong một cuộc họp cổ đông gần đây, Chủ tịch kiêm CEO Terry Gou của Foxconn cho biết công ty ông có kế hoạch sẽ sử dụng các robot trên dây chuyền lắp ráp các sản phẩm của Apple, đặc biệt là cho mẫu smartphone iPhone thế hệ mới mà có thể trong thời gian sản xuất được gọi là "iPhone 6". Theo vị Giám đốc điều hành này của Foxconn, các robot - gọi là "Foxbots" - đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng và có thể sẽ được triển khai trong ít nhất một nhà máy lớn của họ trong tương lai gần. Các dây chuyền dành riêng cho thiết bị của Apple sẽ được ưu tiên hàng đầu. Robot sẽ được đưa vào dây chuyền sản xuất để thay thế cho một số lực lượng lao động hiện tại của Foxconn. Các nhà phân tích cho rằng, robot sẽ được đưa thẳng vào dây chuyền sản xuất mà không cần phải qua lớp đào tạo như người lao động thông thường. Đối với máy Mac, iPhone và iPad với thiết kế và kỹ thuật ngày càng hiện đại, thủ tục lắp ráp cũng ngày càng trở nên phức tạp mỗi năm, do vậy sẽ gây ra rất nhiều căng thẳng cho người lao động. Nếu robot được huấn luyện để thực hiện các qui trình một cách chính xác, sự hiện diện của chúng có thể nâng cao hiệu quả đáng kể. Tuy nhiên, sản phẩm cuối cùng dù sao cũng phải qua khâu kiểm tra tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt đặc biệt của Apple, vốn được thực hiện bằng những người lao động có chuyên môn đặc biệt. Trong quá trình triển khai ban đầu, Foxconn được cho là có kế hoạch thiết lập 10.000 robot để thay thế người lao động, có thể bao gồm cả những người đang sản xuất các dòng sản phẩm iPhone phổ biến của Apple. Mỗi Foxbot có thể hoàn thành trung bình 30.000 thiết bị mỗi năm, có nghĩa là 10.000 robot về mặt lý thuyết sẽ mang lại 300 triệu chiếc iPhone nếu hoàn toàn tốt nhiệm vụ trong dây chuyền sản xuất. Với chi phí từ 20.000 đến 25.000 USD mỗi robot, những người máy này cũng có thể là một khoản tiết kiệm đáng kể cho Foxconn, vốn hiện có hơn 1,2 triệu công nhân tại các nhà máy khác nhau của họ trên toàn Trung Quốc. Bên cạnh tiền lương làm thêm giờ, chi phí nhà ở và qui trình ngừng dây chuyền sản xuất để thay ca, sự ra đời của giải pháp sản xuất hoàn toàn tự động này có thể giải quyết những rắc rối về quyền lợi cho người lao động đang diễn ra liên tục gần đây đối với nhà sản xuất đối tác của Apple. Dự án dây chuyền sản xuất bằng robot của Foxconn đã bị trì hoãn kể từ khi nó lần đầu tiên được công bố vào năm 2011. Vào thời điểm đó, CEO Terry Gou cho biết Foxconn sẽ có khoảng 10.000 robot được đưa vào hoạt động, con số này được cho là sẽ tăng lên 300.000 vào năm 2012 và sau đó sẽ đạt mốc một triệu vào năm 2014. Hiện nay số lượng robot thực tế được sử dụng trong các nhà máy của Foxconn không được công bố. Mặc dù kỳ vọng vào sự tiến bộ của dự án robot, Foxconn vẫn phải dựa chủ yếu vào bàn tay con người trong tương lai gần. Trong tháng 6 vừa qua, một số nguồn tin cho biết nhà sản xuất này muốn thuê thêm khoảng 100.000 nhân viên nhằm tăng cường cho dây chuyền sản xuất iPhone thế hệ tiếp theo của Apple, được cho là sẽ bắt đầu vào tháng này. Apple iPhone 6 dự kiến sẽ có một thiết kế hoàn toàn mới, mỏng hơn và trang bị bộ xử lý thế hệ tiếp theo "A8" SoC. Điểm mới trong lần ra mắt năm nay là Apple có thể sẽ giới thiệu 2 phiên bản 4,7 inch và 5,5-inch, trong đó phiên bản sau là một "phablet" biến thể, có thêm tính năng ổn định hình ảnh quang học và tùy chọn dung lượng lưu trữ 128GB cao hơn. Tin đồn gần đây nhất cho biết ngày phát hành của mẫu iPhone 6 sẽ được tổ chức vào ngày 25/9, trong khi những nguồn tin khác cho rằng sự kiện sẽ diễn ra vào ngày 19/9. Nguồn PC World VN