10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Mobifone chính thức rời VNPT

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by Robot Siêu Nhân, Jul 7, 2014.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 356)

    (XHTT) “Số điện thoại đẹp”, “tên miền Internet hot” chính thức được đưa vào đấu giá, Đây là “điểm mới” theo quyết định của Chính phủ và cũng là sự vụ VT-CNTT nổi bật tuần qua.


    1- Mobifone chính thức rời VNPT về Bộ TT-TT

    Ngày 30/6, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son đã công bố quyết định điều chuyển Cty TNHH một thành viên Thông tin di động VMS (Mobifone) về Bộ TT-TT.

    [​IMG]

    Bắt đầu từ 1/7, mạng MobiFone chính thức hoạt động độc lập, không còn thuộc VNPT.

    Việc điều chuyển này đúng như lộ trình tái cơ cấu Tập đoàn VNPT theo quyết định số 888/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2014 - 2015 mới đây.

    Theo quyết định 888, Tập đoàn VNPT sẽ tái cấu trúc lại, tập trung vào sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ viễn thông, CNTT và truyền thông đa phương tiện, giữ vai trò chủ lực trong ngành viễn thông Việt Nam.

    Cùng với việc công bố quyết định điều chuyển Cty Thông tin di động VMS về Bộ TT-TT, Bộ trưởng cũng công bố quyết định điều chuyển Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông về Bộ TT-TT quản lý.

    2- Ngành viễn thông tổn thất 386 tỉ USD vì ứng dụng OTT

    Đây là “cuộc chơi” khó khăn đối với các hãng viễn thông toàn cầu trong những năm gần đây. Những công ty như China Mobile, Deutsche Telekom và Telefónica đang đối mặt với xu hướng giảm giá các dịch vụ thoại cơ bản và dịch vụ dữ liệu.

    Theo Ovum, hãng nghiên cứu và phân tích có trụ sở tại London, tình trạng này sẽ ngày càng trở nên tồi tệ. Ovum dự đoán ngành viễn thông sẽ tổn thất 386 tỉ USD giai đoạn 2012-2018 do khách hàng sử dụng các ứng dụng OTT (gọi điện thoại, nhắn tin di động miễn phí qua internet) như Skype và Lync.

    “Việc sử dụng ứng dụng OTT gọi điện qua internet (VoIP) sẽ tăng đáng kể trong 5 năm tới. Dẫu có chặn các dịch vụ này, thành lập liên doanh hay tìm cách vượt mặt các đối thủ cũng không thể ngăn được cơn sóng này”, Emeka Obiodu, chuyên gia phân tích tại Ovum, nhận xét.

    Theo Ovum, lưu lượng sử dụng ứng dụng VoIP sẽ đạt tốc độ tăng trưởng hằng năm kép tới 20% trong 2012-2018, đạt tới 1,7 ngàn tỉ phút. Con số này có nghĩa là phần doanh thu bị tổn thất của ngành viễn thông sẽ là 63 tỉ USD trong năm 2018.

    3- IDG dự đoán thị trường dịch vụ CNTT tại Việt Nam tăng khoảng 13%

    Bất chấp những thách thức kinh tế vĩ mô vẫn còn đó, chi tiêu dịch vụ CNTT tại Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh mẽ. Riêng năm 2013, thị trường dịch vụ CNTT đã tăng gần 10%, lên 446 triệu USD và dự báo năm 2014 sẽ tăng 12,7%. Đây là kết quả nghiên cứu thị trường của International Data Corporation (IDC).

    Theo IDC, với vị thế là một thị trường mới nổi nên đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Việt Nam đã và đang phát triển rất nhanh. Có thể thấy, các dịch vụ hỗ trợ phần cứng vẫn tiếp tục thống trị chi tiêu dịch vụ CNTT với 18,9% thị phần, tiếp theo là dịch vụ tích hợp hệ thống với 14,3% và dịch vụ triển khai phần mềm với 11,3%.

    IDC cũng nhận thấy,do thiếu kỹ năng kỹ thuật tiên tiến của người dùng cuối, chi tiêu cho các dịch vụ gia công tăng hơn 11%. Hiện các nhà tích hợp hệ thống nội địa đang rút ngắn khoảng cách kỹ năng bằng cách cung cấp dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật, chăm sóc khách hàng tốt hơn nhằm thu hút người sử dụng đến với dịch vụ gia công (outsourcing). Nhiều hãng đang nhảy vào lĩnh vực này và kết quả là tạo ra một thị trường có rất nhiều sự lựa chọn cho người dùng cuối.

    IDC kỳ vọng, chi tiêu dịch vụ CNTT của ngành ngân hàng sẽ tăng trở lại nhờ nhu cầu của các dự án mới về ngân hàng lõi (core banking) và dữ liệu lớn (big data). Ngoài ra, chi tiêu ngày càng tăng trong cơ sở hạ tầng như smart grid và các dự án giao thông thông minh sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với dịch vụ có liên quan đến CNTT như dịch vụ tư vấn và tích hợp hệ thống.

    4- VNPT sẽ trình đề án thành lập 3 Tổng công ty trực thuộc trong quý 3

    Ngày 30/6, tại Hội nghị công bố các quyết định chuyển VMS và Học viện Công nghệ BCVT từ Tập đoàn VNPT về Bộ TT-TT, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son đã giao nhiệm vụ và định hướng tổ chức cho Tập đoàn VNPT trong thời gian tới.

    Theo đó, cùng với việc xây dựng dự thảo Nghị định về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn VNPT, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã đề nghị VNPT xây dựng đề án thành lập 3 Tổng công ty: VNPT Net, VNPT Media và VinaPhone để cạnh tranh và trình lên Bộ trong quý 3/2014.

    Ông Son nêu định hướng: Mô hình tổ chức sản xuất của VNPT là Tập đoàn, Tổng công ty mẹ sẽ trở thành công ty quản lý tài chính, hoạch định chiến lược, kiểm tra, giám sát, khen thưởng, bên dưới tổng công ty mẹ có các công ty con. Các Tổng công ty (con) sẽ hình thành và phát triển theo 3 lớp: Lớp hạ tầng, lớp dịch vụ và lớp kinh doanh. Và các dịch vụ sẽ ngày càng hội tụ.

    5- Bắt tạm giam Phó Giám đốc Cty Việt Hồng và các đồng phạm trong vụ hơn 14.000 máy điện thoại bị nghe lén

    Liên quan đến vụ nghe lén hơn 14.000 thuê bao điện thoại, chiều 1/7, cơ quan CSĐT CA TP.Hà Nội (PC45) đã quyết định khởi tố vụ án hình sự số 158 về tội "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet" theo Điều 226 Bộ luật Hình sự xảy ra tại Cty TNHH công nghệ Việt Hồng (trụ sở tại phố Tô Vĩnh Diện, P.Khương Trung, Q.Thanh Xuân, TP.Hà Nội).

    [​IMG]

    Cơ quan cảnh sát điều tra đang làm việc tại Cty Việt Hồng.

    Đồng thời, cơ quan điều tra đã khởi tố 4 đối tượng gồm: Nguyễn Việt Hùng (SN 1974, trú tại phố Khương Hạ, Khương Đình, Q.Thanh Xuân, là PGĐ Cty Việt Hồng), Lê Thanh Lâm (SN 1982, trú tại Nhân Chính, Cầu Giấy, Hà Nội, trưởng phòng kỹ thuật Cty Việt Hồng), Trần Minh Ngọc (SN 1990, trú tại Thanh Trì, Hà Nội, nhân viên hỗ trợ khách hàng) và Đỗ Thị Nga (SN 1990, trú tại Định Công, Hà Nội, là nhân viên tư vấn khách hàng, hỗ trợ văn phòng). Hiện cơ quan điều tra đã bắt tạm giam 3 đối tượng Hùng, Lâm và Ngọc, riêng Đỗ Thị Nga được tại ngoại do đang mang thai.

    Theo thống kê, kể từ khi cung cấp gói phần mềm trên, đã có 14.140 tài khoản từng sử dụng phần mềm Ptracker, trong đó số lượng tài khoản hiện vẫn còn lưu trong máy chủ của Cty Việt Hồng là 7.447 tài khoản. Hiện vẫn còn có khoảng 600/14.140 tài khoản còn thời hạn sử dụng phần mềm. Ước tính, số tiền Cty Việt Hồng thu được từ việc kinh doanh phần mềm này là khoảng 900 triệu đồng.

    6- Mở sàn giao dịch TMĐT Zalora tại Việt Nam

    Cũng ngày 1/7, tại TP.HCM, Công ty Zalora Việt Nam (chuyên bán lẻ thời trang trực tuyến) giới thiệu sàn giao dịch thương mại điện tử mới Zalora Marketplace.

    Giám đốc Zalora Việt Nam chia sẻ: “Zalora Marketplace là một cơ hội kinh doanh tốt, giúp các nhà thiết kế trẻ, các thương hiệu độc lập biến giấc mơ thành hiện thực. Chỉ cần đăng ký gian hàng trực tuyến, đăng tải hình ảnh sản phẩm, mô tả sản phẩm và đăng giá, chúng tôi sẽ xử lý đơn hàng và giao sản phẩm đến khách hàng giúp bạn”.

    Trong giai đoạn thử nghiệm từ tháng 3/2014 đến nay, Zalora Marketplace đã hợp tác với hơn 100 nhà thiết kế trẻ xây dựng thương hiệu thời trang cá nhân. Hiện, công ty vẫn tìm kiếm hợp tác với các nhãn hiệu và nhà thiết kế trẻ tiềm năng.

    7- Đào tạo trực tuyến có thể giảm được 60% chi phí

    Mới đây, Hội thảo “Giải pháp đào tạo trực tuyến” đã được Trung tâm CNTT&TT (ICTI) phối hợp với Sở TT-TT, Sở GD&ĐT và Công ty Trí tuệ Nhân tạo (AI) tổ chức.

    Theo các chuyên gia, đào tạo trực tuyến là phương pháp phù hợp với Việt Nam hiện nay để xóa bỏ khoảng cách địa lý trong công tác giáo dục đào tạo. Giải pháp này giúp học sinh, sinh viên dễ dàng tiếp cận với các giáo sư, diễn giả giỏi. Đặc biệt, đào tạo trực tuyến khi triển khai có thể giảm khoảng được tới 60% chi phí đào tạo và giảm 20-40% thời gian đào tạo so với phương pháp giảng dạy truyền thống.

    Từ góc độ đã triển khai ứng dụng đào tạo trực tuyến, đại diện của ngân hàng VietinBank đánh giá cao giải pháp đào tạo này (AI eLearning). Riêng năm 2012, VietinBank đã có 48 lớp học trực tuyến với hơn 7.200 học viên, đã giúp họ tiết kiệm được 10 tỉ đồng. Dự kiến trong năm 2014, đơn vị này sẽ tiếp tục tổ chức gần 200 lớp học trực tuyến cho nhân viên.

    Giải pháp đào tạo trực tuyến – AI eLearning của Công ty Trí tuệ Nhân tạo (AI), được phát triển từ năm 2005, đến nay đã trở thành một trong những giải pháp đào tạo trực tuyến được nhiều doanh nghiệp, tập đoàn tại Việt Nam ứng dụng, như: FPT, Mobifone, Vinaphone hay các ngân hàng Vietinbank, VPBank…

    8- 81% các PM trên máy tính cá nhân tại Việt Nam là không phép

    Ngày 3/7, Liên minh Phần mềm (BSA) cho biết, những mối đe dọa về an ninh là lý do hàng đầu khiến người sử dụng từ chối dùng phần mềm không phép. Nguy cơ lớn nhất là nguy cơ mất dữ liệu, tiếp đến là nguy cơ thông tin bị tin tặc truy cập trái phép.

    Tuy vậy, cũng theo BSA, năm 2013, có tới 81% các phần mềm được cài đặt trên các máy tính cá nhân tại Việt Nam là không có giấy phép. Đây là một phần kết quả mà điều tra Phần mềm Toàn cầu của BSA công bố gần đây, nhấn mạnh sự cần thiết phải có một hệ thống quản lý phần mềm hiệu quả, đặc biệt là trong các môi trường kinh doanh.

    Điều tra Phần mềm Toàn cầu BSA được Tâp đoàn Dữ liệu quốc tế IDC tiến hành hai năm một lần cho BSA. Điều tra năm nay đã tiến hành lấy ý kiến người sử dụng máy tính tại 34 thị trường, thực hiện trên gần 22.000 đối tượng người dùng, người sử dụng máy tính tại các doanh nghiệp và hơn 2.000 nhà quản lý CNTT.

    9- 6 tháng đầu năm 2014, có 2,1 triệu thuê bao di động “mất tích”

    Theo số liệu trong dự thảo báo cáo giao ban quản lý Nhà nước vừa được Bộ TT-TT công bố, trong 6 tháng đầu năm, lượng thuê bao 3G tăng khoảng 3 triệu người, nhưng lại có 5 triệu người dùng thuê bao 2G ngừng kết nối.

    Theo đó, Bộ ước tính, tổng doanh thu thuần bưu chính, viễn thông 6 tháng đầu năm đạt khoảng 122.000 tỷ đồng, bằng 44% kế hoạch năm. Tổng trị giá điện thoại và linh kiện xuất khẩu trong 5 tháng đạt 10,6 tỷ USD, tăng 30,6% so với cùng kỳ năm trước. Điện tử, máy tính và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đạt 3,7 tỷ USD, giảm 4,9%. Lượng thuê bao cố định giảm, trên toàn mạng ước chỉ còn 7 triệu người dùng. Số thuê bao di động có phát sinh lưu lượng khoảng 121,12 triệu, giảm khoảng 2,1 triệu người dùng so với cuối năm 2013. Riêng lượng người dùng 2G và 3G có sự biến động mạnh. Cùng đó, trong 6 tháng đầu năm, lượng thuê bao 3G tăng khoảng 3 triệu người, nhưng lại có 5 triệu người dùng dịch vụ 2G ngừng kết nối. Hiện Việt Nam có khoảng 24 triệu thuê bao 3G đang hoạt động.

    10- Số điện thoại “đẹp”, tên miền “hot” chính thức được đấu giá

    Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 38/2014/QĐ-TTg, quy định về đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tên miền Internet; chuyển nhượng quyền sử dụng kho số viễn thông được phân bổ thông qua đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng tên miền Internet.

    [​IMG]

    Số điện thoại và tên miền Internet “đắt giá” chính thức được quản và đưa đấu giá.

    Theo đó, mọi tổ chức và cá nhân được tham gia đấu giá quyền sử dụng tên miền Internet; còn kho số viễn thông, chỉ doanh nghiệp mới được tham gia đấu giá. Mỗi doanh nghiệp, cá nhân trúng đấu giá được phân bổ một hoặc nhiều tên miền Internet, một hoặc một số mã, số, khối số theo quy định tại hồ sơ mời đấu giá.

    Về kho số điện thoại, đã có những đề nghị cho đấu giá các “số điện thoại đẹp” từ nhiều năm nay, và một số doanh nghiệp viễn thông - trong phạm vị của mình, đã cho đấu giá những “số đẹp” rồi đưa vào làm từ thiện, được xã hội ủng hộ. Nay với quy định này, việc làm trên đã trở nên “chính danh” và sẽ áp dụng cho tất cả các đối tượng.

    Đáng quan tâm hơn chính là tên miền Internet, bởi đang diễn ra nhiều sự tranh chấp về tên miền, hơn nữa, mọi cá nhân đều có quyền đăng ký, sử dụng tên miền Internet. Tên miền Internet nào được mang ra đấu giá sẽ được thực hiện thông qua việc khảo sát nhu cầu sử dụng để xác định. Cùng đó, những tên miền có nhu cầu đăng ký sử dụng nhiều cũng sẽ được mang ra đấu giá.

    Bộ TT-TT sẽ phê duyệt danh sách các tên miền, số điện thoại đưa vào đấu giá theo từng thời kỳ, căn cứ vào Quy hoạch kho số viễn thông, kho tên miền và tình hình thực tế của thị trường, đồng thời Bộ trưởng Bộ TT-TT là người quyết định giá khởi điểm trước khi tổ chức đấu giá. Hội đồng đấu sẽ thông báo mời tham gia đấu giá trên trang thông tin điện tử của Bộ TT-TT và trên một số phương tiện thông tin đại chúng.

    Việc tổ chức đấu giá được thực hiện trực tiếp hoặc qua mạng trực tuyến. Kết quả của việc đấu giá sẽ được công khai sau 15 ngày.

    Cạnh đó, Quyết định 38 cũng quy định về việc chuyển nhượng quyền sử dụng kho số viễn thông, tên miền Internet. Theo đó, các tổ chức, cá nhân không được phép chuyển nhượng tên miền Internet đối với tên miền được ưu tiên bảo vệ, gồm tên miền là tên gọi của các tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và tên miền khác liên quan đến lợi ích, an ninh chủ quyền quốc gia do Bộ TT-TT quy định; tên miền Internet đang xử lý vi phạm, đang trong quá trình giải quyết tranh chấp hoặc tên miền Internet đang bị tạm ngừng sử dụng...

    Thanh Trà (tổng hợp)

    Nguồn Xã hội thông tin
     
  2. Facebook comment - 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Mobifone chính thức rời VNPT

Share This Page