Các nhà khoa học vừa phát hiện một thiên hà xa xôi chứa chấp không những một mà đến ba siêu hố đen trong lõi của nó. Lâu nay, giới chuyên gia cho rằng hầu hết các thiên hà chỉ sở hữu một siêu hố đen, với khối lượng gấp từ hàng triệu đến hàng tỉ lần mặt trời. Tuy nhiên, các thiên hà phát triển và tiến hóa thông qua hoạt động kết hợp, và kết quả là nhóm những thiên hà này đôi khi chứa chấp vài siêu hố đen cùng lúc. Vị trí của các hố đen ở thiên hà cách Trái đất 4,2 tỉ năm ánh sáng - (Ảnh: UCT/NASA Goddard) Điều đó đã được chứng thực khi các chuyên gia quan sát một thiên hà có tên là SDSS J150243.09+111557.3, nằm cách Trái đất 4,2 tỉ năm ánh sáng, theo Space.com dẫn lời nhà thiên văn học Roger Deane của Đại học Cape Town (Nam Phi). Để nghiên cứu thiên hà trên, họ tổng hợp tín hiệu của các ăng ten vô tuyến lớn nằm cách nhau đến 10.000km, cho phép các chuyên gia chụp được những hình ảnh với độ rõ nét cao gấp 50 lần so với kính Hubble. “Cả ba siêu hố đen điều có tỉ số khối gấp khoảng 100 triệu lần mặt trời”, theo chuyên gia Deane. Phát hiện mới cho thấy cộng đồng chen chúc các hố đen khổng lồ là một thực tế thường xảy ra hơn vẫn tưởng, từ đó có thể tiết lộ phương pháp mới để nhận diện chúng. Trước đây, giới thiên văn học đã tìm được 4 hệ thống chứa 3 hố đen, với khoảng cách gần nhất của chúng là 7.825 năm ánh sáng, Trong phát hiện mới, cặp hố đen gần nhất chỉ cách nhau 455 năm ánh sáng, theo báo cáo trên chuyên san Nature. Nguồn VNExpress