(XHTT) Trước tình hình trên Biển Đông ngày một căng thẳng, Trung Quốc leo thang, lấn tới từng ngày, buộc các quốc gia có tuyên bố chủ quyền tại khu vực quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa phải “đoàn kết” lại. Nhật Bản - Philippines: Cùng kiềm chế và phải giải quyết tranh chấp bằng luật Trong chuyến thăm Tokyo của Tổng thống Philippines Benigno Aquino, ngày 24/6, Thủ tướng Nhật Bản và Tổng thống Philippines cùng nhấn mạnh việc sử dụng "quy tắc pháp luật" để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trong bối cảnh các nước trong khu vực đang vướng vào cuộc chiến giành chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông. Hai nước cũng thống nhất phản đối hành động Trung Quốc đơn phương cải biến hiện trạng tại Biển Đông, cùng hợp tác để kiềm chế sự mở rộng của Trung Quốc. Hai nhà lãnh đạo cho rằng, phải giải quyết mọi vấn đề theo luật pháp quốc tế, bảo vệ lợi ích chung của toàn cầu và khu vực. Và chính việc Bắc Kinh tăng "sức mạnh cơ bắp" nhằm gây ảnh hưởng tại các vùng biển trong khu vực đã buộc một số quốc gia trong khu vực đẩy nhanh tiến trình liên minh để đối phó với Trung Quốc. Tổng thống Philippines và Thủ tướng Nhật Bản tại cuộc họp báo ngày 24/6 "Trong bối cảnh tình hình an ninh khu vực ngày càng trở nên căng thẳng, cả hai nước đang tiến tới hợp tác chặt chẽ hơn. Trong ngày hôm nay, tôi đã tái khẳng định với Tổng thống Aquino về tầm quan trọng của các quy tắc pháp luật", tờ Channel News Asia dẫn lời Thủ tướng Shinzo Abe phát biểu trước giới báo chí trong cuộc họp báo chung sau hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Aquino. Còn Tổng thống Aquino cho biết, chuyến thăm của ông tới Nhật Bản tập trung vào "mối thách thức bảo vệ an ninh trong khu vực thông qua việc áp dụng quy định pháp luật để bảo vệ lợi ích chung tại khu vực và toàn cầu". Dù từng là đối thủ của nhau trong Thế chiến thứ Hai, song trong những năm gần đây, Tokyo và Manila đã xích lại gần nhau hơn khi cả hai nước đều đang phải đối phó với cuộc chiến giành chủ quyền với Trung Quốc. Kể từ khi nhậm chức năm 2010, đây là chuyến công du lần thứ năm của Tổng thống Philippines tới Nhật Bản - một trong hai đối tác chiến lược của Philippines bên cạnh Mỹ. Về phía Nhật Bản, trong chuyến thăm tới Manila hồi tháng 7 năm ngoái, Thủ tướng Abe đã cam kết hỗ trợ sức mạnh quốc phòng cho hải quân Philippines. Nhật Bản còn hứa tài trợ 10 tàu tuần tra cho lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines trong bối cảnh căng thẳng tranh chấp chủ quyền giữa Manila và Trung Quốc. Phát biểu tại buổi họp báo, Thủ tướng Nhật Bản Abe cũng nhấn mạnh: “Tôi đã chuyển lời đến Tổng thống Philippines rằng chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Philippines”. Để tăng cường quan hệ hợp tác an ninh, Nhật Bản sẽ cung cấp cho Philippines 10 tàu tuần tra. Trong đó, 3 tàu được giao cho Philippines vào năm tới, 7 tàu còn lại sẽ giao vào năm 2016. Phía Philippines cho biết, những chiếc tàu được Nhật Bản cung cấp sẽ giúp nước này nâng cao năng lực của lực lượng tuần tra bờ biển. Philippines kêu gọi 4 nước ASEAN hợp sức để đối phó TQ Theo hãng Kyodo ngày 24/6, Tổng thống Philippines Benigno Aquino tuyên bố Manila đã nối lại kế hoạch kêu gọi tổ chức một cuộc họp giữa 4 nước ASEAN, gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei, cùng có tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và đang trong tình trạng tranh chấp trên Biển Đông, để đề ra một lập trường chung về cách thức đối phó với Trung Quốc, quốc gia ngày càng manh động trong đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo này. Ông Aquino nói, “Chúng tôi đã nói với họ rằng chúng tôi sẽ thảo luận với các nước ASEAN anh em, đặc biệt là ba nước có tuyên bố chủ quyền (khác) đang chuẩn bị tiến hành cuộc gặp với Trung Quốc để chúng tôi có một lập trường chung.” Cũng nằm trong diễn biến, trong tuần trước, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nói rằng Manila đang cố gắng “tạo sự đồng thuận giữa các nước tuyên bố chủ quyền và hy vọng các bên sẽ nhất trí để chúng tôi có thể lên lịch trình.” Ông cho biết, Philippines sẵn sàng đứng ra tổ chức cuộc họp này và ông hy vọng sẽ diễn ra trước hội nghị ngoại trưởng ASEAN, dự kiến vào tháng Tám tới ở Myanmar. Ông khẳng định Manila sẽ hối thúc đưa ra một tuyên bố chung kêu gọi Trung Quốc ngừng công việc lấn biển tại những vùng biển tranh chấp, như bãi Johnson South (Gạc Ma) và Fiery Cross (Đá chữ thập) ở quần đảo Trường Sa. Thanh Trà (tổng hợp) Nguồn Xã hội thông tin