NASA vừa công bố 12 thiết kế tương lai hứa hẹn đưa con người đến những thế giới mới, chẳng hạn như tàu ngầm trên mặt trăng Titan và lưới khổng lồ tóm tiểu hành tinh. Trong nỗ lực tìm kiếm những công nghệ đầy tiềm năng có thể đưa con người đến những nơi bí ẩn của hệ mặt trời và xa hơn nữa, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã chọn ra 12 đề xuất ấn tượng nhất trong chương trình "Các khái niệm phát kiến hiện đại NASA 2014" (NIAC) để chuẩn bị chuyển sang giai đoạn nghiên cứu tiếp theo. Mục tiêu của NIAC là biến những khái niệm tưởng chừng như chỉ có trong phim viễn tưởng thành khoa học thực tiễn nhờ các kỹ thuật tiên phong. Những ý tưởng này sẽ bắt đầu được cấp kinh phí, cho phép các chuyên gia biến thành hiện thực. Hệ thống Wrangler quăng lưới bắt tiểu hành tinh Những đề xuất được lựa chọn chẳng hạn như tàu ngầm thám hiểm hồ khí methan trên mặt trăng Titan của sao Thổ hay lưới bắt tiểu hành tinh... NASA đổ tiền đầu tư vào các dự án này với hy vọng có thể thu được những công nghệ đột phá giúp hỗ trợ các sứ mệnh thám hiểm trong tương lai. Các chuyên gia sẽ tiến hành thẩm tra 12 dự án trong vòng 9 tháng trước khi NASA chọn lọc những ý tưởng sẽ nghiên cứu tiếp tục thêm 2 năm nữa. “Vòng chọn lọc mới nhất của NIAC bao gồm một số khái niệm hết sức thú vị trong lĩnh vực thám hiểm hành tinh”, theo Space.com dẫn lời Michael Gazarik của Ban giám đốc Sứ mệnh công nghệ không gian tại Washington. “Chúng tôi đang làm việc với những nhà phát minh trên toàn nước Mỹ để thay đổi tương lai của thám hiểm không gian, trong khi tập trung các nguồn đầu tư để giải quyết những thách thức trong các sứ mệnh trong vũ trụ và trái đất”, theo chuyên gia Gazarik. Hệ thống Herts - (Ảnh: NASA) Trong giai đoạn 1 của NIAC, NASA sẽ cung cấp 100.000 USD cho những nhóm được chọn ra, và nếu có kết quả sau 9 tháng, họ tiếp tục chuyển sang giai đoạn 2 với thêm 500.000 USD bổ sung để nghiên cứu tiếp 2 năm nữa. Sau đây là một số khái niệm lọt vào vòng 1: Tàu ngầm Titan: Thám hiểm Kraken, biển lớn nhất ở phía bắc của Titan, vốn chứa đầy khí methane. Buồm năng lượng mặt trời (Herts): Cánh buồm làm từ mạng dây điện với bề ngang đến 30km, gắn vào phi thuyền xoay để thu thập năng lượng từ mặt trời. Nó có thể đạt tốc độ tối đa hơn 700km/giây, cho phép con tàu chỉ mất khoảng 1 năm để đi từ mặt trăng đến Hải Vương tinh. Giường mô phỏng môi trường sao Hỏa: Thiết bị nhằm nghiên cứu khả năng sống sót của các hình thái sự sống trên bề mặt sao Hỏa. Bầy tàu du hành mini: Sử dụng nhiều tàu du hành nhỏ, giá rẻ để tác động lên các thiên thể như tiểu hành tinh và sao chổi trong hệ mặt trời. Aragoscope: là thiết bị quang học với độ phân giải cực mạnh có khả năng nâng cấp tầm quan sát của các kính viễn vọng không gian lên gấp 1.000 lần. Lưới Wrangler: Vệ tinh nhỏ được gọi là hệ thống Wrangler sẽ quăng lưới và bắt một thiên thể như tiểu hành tinh. Tận dụng những phân tử nóng nhất của vũ trụ để nghiên cứu các thế giới băng giá của hệ mặt trời: Đây là phương pháp dùng để đo độ sâu của các mặt trăng ở rìa ngoài như Europa, Ganymede và Enceladus. Nguồn KhoaHoc.com.vn