Số lượng hợp đồng gia công phần mềm tăng, nhiều công ty CNTT mới mở là những nguyên nhân khiến thị trường nhân lực CNTT vốn đã thiếu về số lượng, yếu về chất lượng lại càng khan hiếm trong năm 2013. Ông Chu Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Aprotrain Aptech, cho biết, vài năm trở lại đây, số lượng các hợp đồng gia công phần mềm đổ về Việt Nam nhiều hơn, một phần do những biến động trên thị trường gia công phần mềm thế giới. Các nhà đầu tư đang “chán” dần các thị trường truyền thống là Trung Quốc, Ấn Độ vì chi phí nhân công, nạn ăn cắp bản quyền phần mềm tăng. Các nhà đầu tư đang có xu hướng dịch chuyển sang các quốc gia khác như Việt Nam, Philippines, Myanmar... Thêm vào đó, "ngày càng có nhiều công ty CNTT mới được mở tại Việt Nam (phần lớn là các công ty của Nhật với quy mô vừa và nhỏ) khiến việc cạnh tranh trong tuyển dụng càng khốc liệt”, Yasukura Hiroaki, Tổng giám đốc Công ty Iconic sở hữu trang web chuyên tuyển dụng nhân lực CNTT cho thị trường Nhật Bản, bổ sung. Ngay từ đầu năm, nhiều công ty chuyên gia công phần mềm như FPT Software, TMA, Global CyberSoft, Havey Nash, KMS… đã gấp rút tuyển nhân lực cho các dự án. Đại diện FPT Software dự tính năm nay công ty cần tuyển hơn 2.000 nhân viên. Công ty TMA cho biết vài năm gần đây công ty có nhu cầu tuyển khoảng 200 người mỗi năm. Công ty Havey Nash cũng có nhu cầu tuyển dụng liên tục cho các dự án gia công (BPO và ITO)… CNTT, phần mềm luôn nằm trong "top" những ngành nghề hấp dẫn với nhu cầu tuyển dụng cao, chỉ sau bán hàng. Theo ông Tuấn Anh, so với trước đây, số lượng doanh nghiệp đến tuyển học viên của trung tâm ít đi nhưng số lượng mỗi đợt tuyển lại tăng đột biến. Cụ thể, trước đây mỗi doanh nghiệp chỉ tuyển 10 người một đợt thì nay, số lượng lên tới 50 đến 100 người. Nhiều nơi còn cho biết họ gặp khó khăn trong việc tuyển đủ số lượng nên có xu hướng hạ thấp yêu cầu đối với ứng viên, trong khi mức lương khởi điểm có vẻ cao hơn trước. Ông Yasukura Hiroaki chia sẻ, thậm chí "nhiều công ty không yêu cầu ứng viên phải biết bất kỳ ngôn ngữ lập trình nào, chỉ yêu cầu về kỹ năng CNTT, đầu óc làm việc tỉnh táo và thái độ làm việc tốt". Ông kể, "5 năm trước, các doanh nghiệp kỳ vọng sinh viên ra trường phải làm được việc ngay. Song, có lẽ sau một thời gian dài không tìm được những ứng cử viên đủ năng lực, các doanh nghiệp giờ đang 'thỏa hiệp' dần với khả năng hiện có của ứng viên và chấp nhận đào tạo lại". Trước đây, các ứng viên tốt nghiệp Aptech thường được chào mức lương khởi điểm 300 USD một tháng kèm các yêu cầu như kinh nghiệm làm việc, kỹ năng mềm về giao tiếp, làm việc nhóm, tiếng Anh... Tuy nhiên, mới đây, một doanh nghiệp đã thông qua hệ thống đào tạo Aptech tuyển 100 ứng viên, lương khởi điểm 500 USD cho vị trí nhân viên tổng đài contact center chỉ với yêu cầu giao tiếp tốt bằng tiếng Anh qua điện thoại, kiến thức cơ bản về công nghệ. "Điều này cho thấy thị trường đang rất khan hiếm nhân lực", ông Tuấn Anh nhận định, "nhất là trong vài năm gần đây, sinh viên đổ xô theo học các ngành tài chính – ngân hàng”. Báo cáo của Hiệp hội Tin học TP HCM (HCA) năm 2012 cũng cho thấy đào tạo CNTT hệ chính quy chỉ tuyển được 85% chỉ tiêu, còn các trung tâm đào tạo CNTT phi chính quy (như Aptech, NIIT, Hanoi CTT) 3 năm gần đây đã giảm 30% doanh thu mỗi năm. “Vấn đề đáp ứng nhân lực trong ngành CNTT đang ngày càng cấp thiết. Liệu Việt Nam có thể thu hút nhiều công ty nước ngoài trong ngành CNTT hay không phụ thuộc cao vào sự đáp ứng các nhân tài ngành CNTT trong tương lai”, ông Yasukura Hiroaki nhận định. Sinh viên CNTT cần chuẩn bị tốt kiến thức công nghệ và ngoại ngữ để tìm được một vị trí trong ngành này. Ảnh: Hải Mỹ. Bà Nguyễn Hằng, trưởng phòng nhân sự công ty KMS, cho rằng, nhu cầu về nhân sự ngành CNTT gia tăng khiến cơ hội việc làm cho sinh viên trong năm 2013 càng lớn. Tuy nhiên, các sinh viên phải có kiến thức tốt, khả năng học hỏi và phát triển nhanh để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng. "So với cách đây 5 năm, các kỹ năng cần có của một ứng viên trong ngành CNTT không thay đổi, vẫn là khả năng tự học, giao tiếp, thái độ làm việc, kiến thức công nghệ và khả năng ngoại ngữ. Tuy nhiên, về kiến thức, có thể dịch chuyển từ những công nghệ trên nền tảng web-base sang mobile", ông Tuấn Anh nhận định. Hải Mỹ Nguồn: VNExpress