10 sự vụ VT-CNTT nổi bât trong tuần: Báo mạng sẽ là chủ lực trong tương lai

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by Robot Siêu Nhân, Jun 23, 2014.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 365)

    (XHTT) “Báo mạng sẽ là loại hình báo chí chủ lực trong tương lai” - Đó là khảng định của Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son tại chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tối 15/6 trên VTV.


    1- Báo điện tử sẽ trở thành chủ lực

    Cũng theo Bộ trưởng Son, hiện có 838 cơ quan báo in, 67 đài phát thanh và truyền hình với gần 200 kênh phát thanh và truyền hình đang hoạt động và hàng chục kênh truyền hình nước ngoài đang hoạt động, tác nghiệp tại Việt Nam. Ngoài ra, hệ thống báo mạng cũng đang phát triển mạnh. Vì thế, các cơ quan Nhà nước và một số tổ chức, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, kể cả người dân cũng đã nhận thấy và cảnh báo rằng, trong hoạt động báo chí đang có sự lãng phí về nguồn lực.

    Từ sự lãng phí này, dẫn đến hiện tượng có nhiều tờ báo na ná giống nhau, kể cả về nội dung, tôn chỉ, mục đích, làm giảm tính bản sắc của các tờ báo, đồng thời, trong sự phát triển mạnh mẽ số lượng của các cơ quan báo chí như vậy, cũng không thể tránh khỏi sự cạnh tranh về thông tin.

    Thế nên, Bộ Trưởng còn cho rằng, việc quy hoạch với báo chí trong lúc này là cần thiết. Quy hoạch không chỉ là để xem xét giảm số lượng báo chí mà quan trọng hơn là chúng ta phải đưa ra hành lang pháp lý, đưa ra những chính sách để xây dựng báo chí hợp lý về số lượng, đặc biệt, nâng cao chất lượng.

    2- Báo chí luôn sát cánh cùng Chính phủ

    [​IMG]

    Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong buổi gặp gỡ các cơ quan báo chí chiều 19/6/2014.

    Báo chí đã luôn sát cánh cùng Chính phủ, không chỉ phản ánh hoạt động mà còn có tiếng nói để toàn xã hội đồng thuận, cùng thực hiện những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước dưới sự điều hành của Chính phủ. Đó là khảng định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chiều 19/6/2014, trong buổi gặp gỡ các cơ quan báo chí nhân kỷ niệm 89 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2014), kỷ niệm 2 năm chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” do Văn phòng Chính phủ tổ chức.

    Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đánh giá cao những đóng góp của báo chí trong thời gian vừa qua, đặc biệt là trong 1 năm qua khi qua kênh báo chí - tiếng nói của nhân dân - không chỉ là khen, chê, mà còn hiến kế cho Chính phủ, góp phần hình thành chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước. Báo chí là tiếng nói của nhân dân, nói đúng tiếng nói của nhân dân.

    Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu đã cùng nhắc lại lời nhắn nhủ của Bác Hồ, báo chí cũng là vũ khí sắc bén để “phò chính, trừ tà”.

    Vì vậy, Phó Thủ tướng mong muốn báo chí sát cánh cùng Đảng, Chính phủ, nhân dân, cổ vũ nêu gương tốt trong cuộc sống hằng ngày, trong làm ăn kinh tế đến bảo vệ độc lập chủ quyền của Tổ quốc. Đồng thời, đấu tranh với tất cả những tiêu cực, từ thói quen rất nhỏ hằng ngày đến câu chuyện kinh doanh, làm ăn, quản lý Nhà nước. Trên hết, báo chí phải tôn trọng sự thật, nói đúng sự thật, hạn chế những thứ mang danh sự thật nhưng không phải là sự thật.

    Cũng tại buổi gặp gỡ, một số Bộ trưởng, thành viên Chính phủ đã giao lưu với các đại biểu về nội dung 2 năm thực hiện Chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời”.

    3- Thương hiệu Mobifone ước giá khoảng 3,4 tỷ USD

    Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho rằng, giá trị hiện tại của Mobifone là khoảng 3,4 tỷ USD và thậm chí có thể lên hơn 4 tỷ USD nếu doanh thu và lợi nhuận tiếp tục tăng sau khi tách khỏi VNPT.

    Theo HSC, năm 2013, Mobifone đạt doanh thu 41.000 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 6.000 tỷ đồng (khoảng 285,7 triệu USD). Như vậy, mức định giá mà HSC đưa ra hiện gấp 12 lần lợi nhuận năm 2013 của Mobifone. HSC cũng nhận định việc chia tay VNPT mà không phải kèm các công ty con hoặc tài sản lỗ là một cái kết tối ưu với Mobifone. Nhờ vậy, lộ trình cổ phần hóa của Mobifone có thể được diễn ra nhanh hơn.

    Thương hiệu này đã từng được định giá khoảng 2 tỷ USD, nhưng đó là chuyện của 8 năm trước - khi Nhà nước dự tính CP hóa Công ty MobiFone.

    4- VNPT sẽ hoàn thành tái cơ cấu vào cuối 2015

    Từ 1/1/2015 VNPT sẽ triển khai hoạt động theo mô hình mới. Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son đã cho biết như thế tại cuộc họp cuộc họp phổ biến, quán triệt Quyết định 888/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) giai đoạn 2014-2015 diễn ra tuần qua.

    “Mục tiêu của lãnh đạo Bộ TT-TT và Tập đoàn VNPT là phấn đấu từ 1/1/2015 sẽ triển khai hoạt động theo mô hình mới trong Đề án Tái cơ cấu VNPT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, Bộ trưởng Son cho biết.

    Quan điểm của Chính phủ là Tập đoàn VNPT sau khi tái cơ cấu sẽ tập trung phát triển các dịch vụ di động, băng rộng, tạo sự đột phá trong kinh doanh dịch vụ giá trị gia tăng công nghệ thông tin, lấy khách hàng làm trung tâm.

    Bộ trưởng Son cũng cho biết, nguyên tắc hoạt động của VNPT sẽ dựa trên việc cân đối hài hòa 3 yếu tố khách hàng - người lao động với hiệu quả kinh doanh. Hơn nữa, VNPT là thương hiệu quốc gia, đã được khẳng định và có sức lan tỏa lớn không chỉ trong nước mà còn cả với quốc tế, nên dù mảng bưu chính đã tách ra nhưng Chính phủ vẫn quyết định giữ nguyên tên gọi Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam VNPT.

    Sau khi tổ chức, sắp xếp, cơ cấu lại, VNPT cần hướng đến mục tiêu tổng quát là cung cấp đa dạng, đồng bộ các dịch vụ CNTT - TT với chất lượng cao, giá thành hợp lý, trên cơ sở cạnh tranh theo đúng yêu cầu của thị trường và của người dùng. 5 nhóm dịch vụ mà VNPT sẽ đẩy mạnh kinh doanh là dịch vụ di động, băng rộng, dịch vụ giá trị gia tăng CNTT, dịch vụ truyền thông, công nghiệp viễn thông - CNTT.

    Đặc biệt, Bộ trưởng chỉ đạo VNPT cần đặc biệt quan tâm tới việc phát triển công nghiệp CNTT, công nghiệp điện tử thông qua việc xây dựng Công ty TNHH một thành viên VNPT - Technology thành một thương hiệu Việt hàng đầu về công nghệ. "Tập đoàn cần đầu tư tích cực cho VNPT-Technology để tăng tỷ lệ nội địa hóa các thiết bị viễn thông, điện tử, thay thế dần thiết bị ngoại nhập, tiến tới một nền công nghiệp CNTT tự chủ. Bản thân VNPT cần phải trở thành khách hàng đầu tiên đặt hàng VNPT - Technology để ủng hộ sản phẩm do đơn vị thành viên sản xuất ra, từ đó giúp thương hiệu lan tỏa ra trong nước và quốc tế" - Bộ trưởng Son nhấn mạnh.

    5- MobiFone chính thức về Bộ TT-TT từ ngày 1/7 và sẽ thành TCty

    Ba đơn vị điều chuyển nguyên trạng từ Tập đoàn VNPT về Bộ TT-TT theo Quyết định 888/TTg, gồm mạng MobiFone, Bưu điện Trung ương và Học viện Công nghệ Bưu chính - Viễn thông, sẽ được chính thức bàn giao từ ngày 1/7/2014.

    Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, mốc thời gian này sẽ giúp phân tách dứt điểm hoạt động 6 tháng đầu năm và 6 tháng cuối năm của các đơn vị, thuận tiện cho việc sắp xếp, tổ chức lại cũng như hạch toán kết quả kinh doanh, kiểm toán sau này.

    Theo quan điểm của Bộ TT-TT, Công ty Viễn thông di động VMS (MobiFone) đang đề xuất thành lập Tổng công ty để có thể cạnh tranh "ngang sức" với các nhà mạng còn lại trên thị trường. Bộ đồng tình với đề xuất này, bởi "Nếu để một công ty cạnh tranh với một Tập đoàn thì e là không hợp lý", Bộ trưởng nhận định.

    Nếu không có gì thay đổi, qua quý III/2014, VMS sẽ được tổ chức lại thành một Tổng công ty hoàn chỉnh, hoàn thiện về bộ máy và đủ năng lực cạnh tranh với VinaPhone, Viettel. Đây là cơ sở để Bộ TT-TT có thể trình Chính phủ phương án cổ phần hóa nhà mạng này trong quý IV, đúng theo tinh thần của Quyết định 888.

    "Quyết định 888 hoàn toàn phù hợp với sự phát triển của VNPT cũng như với sự phát triển lành mạnh của thị trường viễn thông Việt Nam. Về phần VMS, nếu được phát triển hoàn chỉnh thì cũng sẽ xứng tầm với kỳ vọng của Chính phủ, tạo thế chân vạc cho thị trường phát triển bền vững, ổn định", Bộ trưởng kết luận.

    6- Facebook "sập mạng" tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam

    Người dùng Facebook tại hàng loạt quốc gia gồm cả Việt Nam đã không thể truy cập vào mạng xã hội này trong một khoảng thời gian ngắn vào chiều 19/6.

    Khi tìm cách truy cập vào Facebook, người dùng nhận được thông báo ngắn gọn rằng mạng xã hội này đang bị lỗi. Tình trạng này kéo dài trong khoảng 15 phút rồi sau đó, nhiều người dùng đã có thể truy cập lại vào trang Facebook, song vẫn gặp một số khó khăn khi muốn đăng tải thông tin hoặc hình ảnh.

    Theo CNBC, ngoài Việt Nam, người dùng một số quốc gia khác như Anh, Ấn Độ và Israel cũng không truy cập được vào Facebook trong khoảng thời gian nói trên và lỗi này xảy ra khi truy cập bằng máy tính hay ứng dụng trên điện thoại di động.

    Lỗi xảy ra kéo dài khoảng 30 phút, nhưng cũng đã khiến Facebook mất đi số tiền ước tính gần 600.000 USD doanh thu từ quảng cáo. Còn người dùng trên toàn cầu đã có một phen hoảng hốt vì sự cố này.

    7- Người dùng smartphone: Cẩn trọng với nhiều PM “gián điệp”

    Hiện tượng người dùng điện thoại thông minh (smartphone) bị theo dõi được cảnh báo từ lâu. Tuy nhiên, điều đáng báo động là những hành vi vi phạm pháp luật này ngày càng còn được tổ chức và kinh doanh công khai.

    Mới đây, Thanh tra Sở TT-TT Hà Nội phối hợp với Phòng PC50 - Công an TP.Hà Nội đã “bóc trần” Cty TNHH Việt Hồng (địa chỉ tại tòa nhà 110 Tô Vĩnh Diện, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội), đã kinh doanh phần mềm giám sát, theo dõi điện thoại trái phép là Ptracker (dành cho khách hàng cá nhân và PtrackerERP (dành cho khách hàng DN) đều sử dụng trên thiết bị chạy hệ điều hành Android.

    Với phần mềm Ptracker, DN này sẽ nhận được các thông tin riêng của người sử dụng điện thoại là: Âm thanh, hình ảnh, video, số liệu định vị, số điện thoại gọi đi/đến, nội dung tin nhắn, danh bạ điện thoại, thông tin về các trang web điện thoại đã truy cập. Còn phần mềm PtrackerERP, ngoài việc theo dõi vị trí, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi và các trang web đã truy cập của nhân viên DN, PtrackerERP còn có chức năng trao đổi thông tin, phục vụ nhiệm vụ báo cáo của nhân viên với người quản lý.

    Người dùng (điện thoại/máy tính) có thể vào trang web của Cty Việt Hồng để tải về, nhắn tin để nhận đường link, hoặc gọi nhân viên Cty trực tiếp cài trên máy. Đặc biệt, các phần mềm này không hiển thị trên màn hình của máy. Các file ảnh, ghi âm, video sinh ra từ việc khai thác các chức năng của phần mềm được tải lên máy chủ của Cty Việt Hồng và không được lưu tại máy điện thoại cài phần mềm.

    Sau khi phần mềm được cài đặt vào máy của đối tượng (khách hàng của Cty), Cty Việt Hồng có thể điều khiển Ptracker từ xa bằng SMS hoặc thao tác bằng cách đăng nhập vào tài khoản của người dùng tại máy chủ (qua website - vhc.vn) của Cty này.

    8- 6 tháng đầu năm 2014, hơn 34,5 triệu tin nhắn rác đã bị phát hiện

    Theo thống kê của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), trong 6 tháng đầu năm 2014, lượng tin nhắn rác có nội dung lừa đảo, dụ dỗ người dùng gọi điện tới tổng đài 1900 gia tăng.

    Các doanh nghiệp di động đã phát hiện được 12.256 thông điệp với hơn 34.520.902 tin nhắn quảng cáo vi phạm. VNCERT đã thu hồi mã số quản lý của 9 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo bằng tin nhắn; yêu cầu các doanh nghiệp di động thực hiện biện pháp ngăn chặn thuê bao phát tán tin nhắn rác và xử lý đầu số có liên quan. Theo đó, các doanh nghiệp di động đã xử lý 25 doanh nghiệp đối tác vì phát tán tin nhắn rác. VNCERT đang thực hiện lắp đặt hệ thống giám sát an toàn mạng Internet giai đoạn 2, thuộc dự án đầu tư Trung tâm kỹ thuật an toàn mạng quốc gia và dự án Xây dựng hệ thống phòng chống, ngăn chặn thư rác.

    9- Vina Phone “thêm trách nhiệm” với VNPT

    Từ 1/7, MobiFone chính thức tách ra khỏi VNPT, trực thuộc Bộ TT-TT, VinaPhone sẽ trở thành đơn vị chủ lực của Tập đoàn VNPT.

    Khi MobiFone tách ra, trọng trách sẽ đè nặng lên vai VinaPhone, bởi nhiều năm nay Tập đoàn VNPT đã “bay trên đôi cánh” MobiFone – VinaPhone. Khi MobiFone “ra đi”, gánh nặng sẽ dồn lên vai VinaPhone, nhất là khi MobiFone ra đi mà không phải kèm theo nhiều đơn vị kinh doanh kém hiệu quả như những dự tính ban đầu.

    Với tốc độ tăng trưởng bình quân 8%/năm, giai đoạn 2008-2013, VinaPhone đã đạt doanh thu 117.000 tỷ đồng, trong đó riêng 2013 là gần 30.000 tỷ đồng.

    Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, trong quý III/2014, Bộ TT-TT sẽ trình Dự thảo Nghị định về Điều lệ hoạt động, cơ chế tài chính, mô hình tổ chức của Tập đoàn VNPT lên Chính phủ. Kèm theo đó là việc xác định vốn điều lệ cùng với kế hoạch sản xuất kinh doanh trong năm 2014 - 2015, giai đoạn đến 2020 - tầm nhìn đến 2030 của VNPT.

    10- VDC nhận Bằng khen về giải pháp Hóa đơn điện tử của Tổng cục Thuế

    Theo ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC - thuộc Tập đoàn VNPT) là một trong những doanh nghiệp đầu tiên đã xây dựng và áp dụng thành công giải pháp Hóa đơn điện tử. Không chỉ áp dụng cho chính mình, VDC còn cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp khác, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai thí điểm hóa đơn điện tử, tạo tiền đề cho việc triển khai mở rộng CNTT trong lĩnh vực Thuế.

    Ngay sau khi ra mắt (ngày 21/10/2013), giải pháp/dịch vụ Hóa đơn điện tử của VDC đã vinh dự được nhận giải Ba, hạng mục sản phẩm CNTT triển vọng trong cuộc thi Nhân tài đất Việt năm 2013 và sau đó là nhận được Giải Sao khuê năm 2014 cho Nhóm sản phẩm và giải pháp phần mềm mới.

    Việc áp dụng hóa đơn điện tử có liên quan mật thiết đến tính pháp lý, bởi vậy không tránh khỏi sự è dè và thái độ thăm dò từ phía các doanh nghiệp. Tuy nhiên, dịch vụ đã nhận được sự ủng hộ từ những khách hàng lớn, như: Trung tâm Tín dụng Ngân hàng Nhà nước (thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) - áp dụng dịch vụ từ tháng 9/2013, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và nhiều khách hàng khác.

    Bản thân VNPT, VDC đã phát hành Hóa đơn điện tử từ tháng 4/2013, rồi tháng 4/2014 là VNPT TP.HCM. Sau đó, Công ty VinaPhone, VNPT Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và một số viễn thông tỉnh cũng đang xúc tiến triển khai và sử dụng Hóa đơn điện tử. Dự kiến đến hết năm 2015, toàn bộ 63 Viễn thông tỉnh/thành trên toàn quốc sẽ áp dụng Hóa đơn điện tử cho tất cả các dịch vụ đến mọi khách hàng (thuê bao).

    Thanh Trà (tổng hợp)

    Nguồn Xã hội thông tin
     
  2. Facebook comment - 10 sự vụ VT-CNTT nổi bât trong tuần: Báo mạng sẽ là chủ lực trong tương lai

Share This Page