Ba trạm vệ tinh mô hình dựa trên hệ thống định vị Bắc Đẩu của Trung Quốc mới được giới thiệu tại một khu công nghiệp ở Thái Lan hôm 18/6, đánh dấu bước đi đầu tiên trong mục tiêu mở rộng dịch vụ ra khắp khu vực ASEAN. Theo Xinhua, đây là một phần trong thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa chính phủ Trung Quốc và Thái Lan. Các trạm cơ sở sẽ hoàn thành tại Thái Lan trong vòng hai năm. Hình minh họa một vệ tinh trong hệ thống định vị toàn cầu Bắc Đẩu của Trung Quốc. (Ảnh: china.org.cn) Hai bên sẽ hình thành một mạng lưới liên kết phủ sóng mọi khu vực tại Thái Lan, tiến tới mở rộng trong các quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN. Các hoạt động hợp tác với Myanmar và Malaysia sẽ được tăng cường trong hai năm tới. "Hệ thống vệ tinh định vị Bắc Đẩu được dự kiến sẽ phủ sóng toàn cầu cho đến năm 2020 với khoảng 32 vệ tinh", Li Deren, chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Thông tin Không gian địa lý Bắc Đẩu tại tỉnh Vũ Hán, một đơn vị tham gia dự án, cho hay. Mạng lưới vệ tinh sẽ cải thiện tính chính xác, độ nhạy và tăng tốc độ các dịch vụ định vị. Khi phủ sóng khắp thế giới, nó có thể hỗ trợ các hoạt động sản xuất điện, khai thác dầu, khoáng sản, nông nghiệp, giám sát môi trường, điều khiển giao thông và nhiều lĩnh vực khác. Bắc Đẩu là hệ thống vệ tinh định vị của Trung Quốc, có chức năng tương tự như hệ thống GPS của Mỹ, GLONASS của Nga và Galileo của Châu Âu. Trước đây, chỉ chính phủ và quân đội Trung Quốc sử dụng hệ thống này để dự báo thời tiết, kiểm soát giao thông và hỗ trợ hoạt động cứu nạn. Nguồn VNExpress