Google Glass và những trải nghiệm thực tế

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by bboy_nonoyes, Mar 2, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 486)

    Dự án Google Glass ban đầu được khởi xướng bởi Babak Parvizas, thành viên của phòng bộ phận Google’s X Lab – nơi Google thử nghiệm đủ thứ từ tham vọng đến điên khùng, từ xe tự lái đến mạng thần kinh nhân tạo. So với nhiều thứ khác trong X Lab, Glass – bất chấp nhiều ý kiến trái chiều hiện nay - có vẻ như là một trong những ý tưởng thực tế nhất và sẽ sớm tiếp cận người dùng nhất. Chỉ vài năm trước đây thôi, các khái niệm wearable computer (tạm dịch: máy tính đeo người) vẫn còn khá xa lạ với nhiều người. Thậm chí trong suốt năm vừa qua khi mà hàng loạt sản phẩm được cho là cùng nhóm wearable computer liên tục được giới thiệu tại các hội chợ như E3 (chủ yếu là các sản phẩm theo dõi- chăm sóc sức khỏe), đầu tàu Glass vẫn có vẻ khá im hơi lặng tiếng. Mãi đến buổi hội thảo kín của Google hồi cuối năm ngoái, các nhà phát triển mới có cơ hội tiếp cận và mua các phiên bản sơ khai của Glass. Và ngay trong tuần vừa rồi, Google đã bắt đầu kế hoạch cho người dùng tại Mỹ tham gia thử nghiệm thông qua Twitter, với bước đi đầu tiên là thăm dò hướng sử dụng của những người dùng tiềm năng.
    Chúng ta hãy cùng theo dõi ký sự của Joshua Topolsky, phóng viên trang tin theverge, một trong số ít người được thực sự tiếp cận đội ngũ phát triển Glass và cũng là một trong những người đầu tiên được thực sự trải nghiệm chiếc kính nổi tiếng này.

    Trong văn phòng làm việc được bài trí khá đơn giản, đối diện tôi là hai trong số những nhân vật quan trọng nhất của dự án: giám đốc sản xuất Steve Lee và trưởng bộ phận thiết kế Isabelle Olsson. Bộ đôi này khá phù hợp để đảm nhiệm vai trò phát ngôn viên cho một dự án như Glass. Là người nắm bắt rõ nhất định hướng phát triển, mục tiêu ra đời của Glass và đã đi cùng dự án từ những ngày đầu, có thể dễ dàng nhận thấy mắt Steve sáng rực mỗi khi nói về những tham vọng mà Google ấp ủ cùng Glass. Isabelle, tỏ ra điềm dạm và thận trọng hơn, nhưng luôn tỏ ra đầy đam mê khi nói về các sự kiện khi thiết kế Glass.
    [​IMG]

    Dù rằng tôi muốn nhảy ngay vào những câu hỏi liên quan đến thiết kế, nhưng những sản phẩm như Glass dù sao cũng không thể bị coi như một món đồ trang sức, và với số vốn mà Google đã bỏ ra, câu hỏi quan trọng đầu tiên sẽ phải là
    "Tại sao chúng tôi đầu tư công sức vào Glass ư?”. Steve hồ hởi. “Chúng ta đều biết trong thế giới hiện đại, con người được kết nối theo rất nhiều cách. Chúng ta nhắn tin cho gia đình và bạn bè hàng ngay, hàng giờ, chúng ta chia sẻ những bài hát, thông tin về đội bóng yêu thích qua rất nhiều kênh mạng xã hội. Chúng ta cập nhật thông tin đường xá, chuyến bay trước mỗi cuộc hành trình. Công nghệ ngày nay cho phép người dùng kết nối với nhau theo vô số cách. Nhưng một vấn đề cực lớn đi kèm là sự xao nhãng mà cách các thiết bị hiện nay tương tác và cung cấp thông tin cho chúng ta tạo ra. Thử tưởng tượng anh đang xem lũ trẻ nhà mình chơi bóng hay biểu diễn âm nhạc, đột nhiên một khoảnh khắc xuất thần của đứa bé xuất hiện khiến mọi người đều muốn ghi lại. Tất cả quay ra loay hoay với chiếc camera hay smartphone và ding, khoảnh khắc đó trôi qua, chúng ta đã đánh mất khoảnh khắc quý báu đó”.
    [​IMG]
    Steve:“Tại sao chúng ta không đưa công nghệ đến gần hơn với các giác quan của mình”.

    Công nghệ giao tiếp của chúng ta đã trải qua một bước nhảy vọt khi sự ra đời của iPhone kéo theo cả một cuộc cách mạng cho thiết bị di động. Nhưng vấn đề về sự xao lãng cũng từ đó mà nảy sinh: phần lớn mọi người không thực sự chú ý đến những gì mình đang làm khi có các thiết bị đó xung quanh. Những khoảnh khắc quý giá trôi đi khi ta đang bận rộn thao tác ghi lại bằng cách thiết bị công nghệ hiện đại này, hoặc bị chen ngang bởi các thông báo liên hồi. Các phương tiện kết nối lúc này lại trở thành kẻ phá bĩnh, nhắc chúng ta về thế giới bên ngoài đúng vào những thời điểm ta cần không gian riêng tư nhất.
    Steve tiếp tục: "Chúng tôi tự hỏi: tại sao không đưa công nghệ đến gần hơn với các giác quan của con người? Chẳng phải điều đó sẽ giúp chúng ta nhanh chóng tiếp nhận thông tin và kết nối với bạn bè, nhưng đồng thời với một chút tinh tế trong thiết kế - các thông tin này có thể nhanh chóng được gạt sang một bên để không gây xao lãng cho người sử dụng. Chính những suy nghĩ này đã dẫn chúng tôi đến với Glass” (Tôi vẫn khó mà rời mắt khỏi thiết bị trên mắt phải của Steve, dù rằng tấm kính chỉ rộng vài cm2). “Đây sẽ là bước đột phá khởi đầu cho các thiết bị đeo người. Cách tiếp cận này thực sự rất tham vọng và đòi hỏi rất nhiều công sức, nhưng cũng vì thế mà đội ngũ phát triển đã dành hết tâm huyết cho Glass”.
    Steve đã làm rõ ý của mình. Chúng ta ngày càng bị phân tâm bởi công nghệ, đánh mất đi những khoảnh khắc riêng tư, những giây phút quý báu trong cuộc đời khi đang bận bịu với các thiết bị di động ngày nay. Nhưng vấn đề này đâu có gì mới. Ngày trước đã có rất nhiều ý kiến phản đối việc đưa đĩa nhạc hay radio lên ô tô vì lí do gây xao lãng cho tài xế, nhưng chẳng phải chúng ta đã thích ứng được đấy thôi?
    [​IMG]

    Lời giải có lẽ đơn giản chỉ là: đội ngũ phát triển đầy tham vọng của Glass không muốn để mặc người dùng tự thích ứng và giải quyết vấn đề, khi mà họ có tất cả tài năng và nguồn lực để giải quyết nó một cách triệt để. Isabelle tiếp lời Steve trong câu chuyện về các thiết bị di động ngày nay: “Gia đình tôi sống ở San Frascisco, và những đợt phóng tàu con thoi ở đây thường thu hút rất nhiều người theo dõi. Mỗi lần có việc ghé qua bãi phóng vào thời điểm tàu sắp rời đi, cảnh tượng quen thuộc nhất là các hàng dài hàng chục người đứng cùng một tư thế” - Isabelle dừng lại và mô tả động tác chụp ảnh bằng smartphone. “Với tôi cảnh tượng không mấy đẹp đẽ đối, và chắc hẳn những người đó cũng không hoàn toàn thoải mái. Chính những cảnh tượng thường ngày đó thúc đẩy đội ngũ thiết kế trong việc tạo ra một Glass mà người dùng có thể thoải mái khi sử dụng. Mọi người có thể gọi dự án này là tham vọng, thậm chí là điên rồ trong thời điểm hiện nay, nhưng chúng tôi chắc chắn trải nghiệm Glass có thể khiến nhiều người bất ngờ”.
    Tham vọng, điên rồ? Có thể coi cách nói đó là hơi quá nếu như tôi không được Steve cho biết Google dự định đưa sản phẩm hoàn thiện đến tay người dùng cuối vào cuối năm nay, năm 2013!

    Google-level design

    Chúng ta hãy tạm quên đi hình ảnh quen thuộc của những chiếc kính chữa bệnh thông thường, hay những bộ kính thời trang, hay những chiếc kính râm bóng bẩy. Hãy tạm coi những thứ đó không tồn tại trước khi đánh giá thiết kế của Google.
    [​IMG]

    Công bằng mà nói, thiết kế của Glass rất đẹp và tinh tế. Có thể nói thiết kế này vừa toát lên vẻ thực tế nhưng đồng thời cũng vẫn mang màu sắc viễn tưởng. Hiện đại nhưng không quá đi trước thời đại – mang lại cảm giác như sản phẩm của một nhà thiết kế đại tài từ thời những năm 60 đang muốn mô phỏng công nghệ của thế kỉ 21. Nhiều người sẽ nói đây là thiết kế đẳng cấp Apple (Apple-level design). Không, phải nói rằng thiết kế này phần nào đã vượt qua cả phong độ gần đây của Apple. Đột phá, thú vị nhưng vẫn cực kỳ đơn giản. Cảm giác khi đeo và khi cầm trên tay rất chắc chắn, nhưng vẫn vô cùng nhẹ và thoải mái. Nếu Google giữ được phong độ này, một ngày nào đó biết đâu người dùng sẽ ca ngợi các thiết kế đẹp bằng cách nói “thiết kế đẳng cấp Google”?
    [​IMG]

    Glass được tạo từ một vài mảnh ghép khá đơn giản. Phần thân chính chỉ là một thanh nhựa mềm chứa trong đó toàn bộ thiết bị xử lý và pin, kèm theo một đối trọng nằm phía sau tay người dùng. Bộ khung đeo là một thanh kim loại mảnh, kéo dài qua tai và kèm theo tấm đỡ trên mũi tạo dáng dấp của một chiếc kính cho Glass.
    [​IMG]

    Google còn cẩn thận cung cấp 5 tùy chọn màu cơ bản cho phiên bản đầu tiên của Glass, bao gồm: xám, cam, đen, trắng và xanh nhẹ. Tương ứng theo đó là 5 cái tên khá kêu: Shale, Tangerine, Charcoal, Cotton và Sky. Theo như Isabelle, yếu tố màu sắc của sản phẩm là cực kỳ quan trọng. “Màu sắc là một trong những nhân tố được nhiều người nghĩ đến theo kiểu 'Cũng quan trọng đấy, nhưng vẫn thuộc nhóm yếu tố phụ thôi'. Nhưng chúng tôi đã nhận ra rằng một trong những lí do đầu tiên thu hút sự chú ý cũng như khiến người dùng gắn bó với một sản phẩm chính là màu sắc”.
    [​IMG]


    Isabelle đến với dự án từ studio Yves Behar khoảng vài tháng sau khi ý tưởng về Glass ra đời. Vào thời điểm đó, nhìn vào ảnh chúng ta có thể thấy Glass mang vẻ ngoài hết sức thảm hại với một bộ khung bằng nhựa gắn kèm một vài bảng mạch điện tử. Đội ngũ thiết kế đã bỏ ra khá nhiều công sức để biến mớ bòng bong này thành một thứ khiến người dùng cảm thấy mình có thể đeo được, dù rằng việc họ có muốn đeo nó ra đường không thì phải một thời gian nữa chúng ta mới biết được. Isabelle thừa nhận rằng còn rất nhiều điều phải làm trước khi đi đến một thiết kế chính thức cho Glass.
    [​IMG]

    Phiên bản Explorer mà Google chuẩn bị cung cấp cho người dùng thử có đi kèm một bộ tròng kính râm có thể dễ dàng tháo lắp. Và thực sự mà nói thì chỉ khi lắp các tròng này vào, người đeo Glass mới có vẻ bớt kỳ quặc đi đôi chút. Steve và Isabelle cũng cho biết các module sẽ được cung cấp cho người dùng dưới dạng tách rời chứ không bị khóa cứng. Phần gọng đeo kim loại, bộ xử lí chính và màn hình hiển thị sẽ được tách riêng. Ý tưởng về việc kết hợp bộ xử lí và màn hiển thị với các gọng đeo khác nhau rất thú vị và chắc chắn là một trong những điểm cộng lớn trong thiết kế của Glass. Có vẻ thông tin về hãng sản xuất mà Google đang hợp tác để thiết kế thêm các bộ khung gọng khác vẫn nằm trong vòng tuyệt mật, nhưng ít nhất việc tiếp xúc với Isabelle cũng khiến tôi tin rằng Google hiểu tầm quan trọng của việc khiến cho người dùng thấy thoải mái khi đeo một thứ mang hơi hướng Sci-fi như Glass ra đường.

    Trải nghiệm

    Kết thúc buổi trò chuyện cũng là lúc tôi chính thức có cơ hội trải nghiệm Glass trong thế giới thực. Khi khởi động Glass, theo đúng thiết kế thì sẽ lập tức xuất hiện một khung hiển thị nho nhỏ ở góc ngoài phía trên mắt phải của người dùng. Tuy nhiên có vẻ với mỗi người thì việc điều chỉnh để khung này xuất hiện đúng vị trí khác nhau khá nhiều, khiến cho lần khởi động đầu tiên của tôi khá vất vả, nửa trên khung hình chập chờn còn nửa phía dưới thì mờ tịt. Cũng may rằng việc điều chỉnh lại không mấy khó khăn.
    Thực lòng mà nói, việc làm quen với khung hiển thị này tốn nhiều thời gian hơn mong đợi. Trong trạng thái nghỉ, chỉ có thời gian hiện tại và một dòng text ngắn “ok glass” được hiển thị. Đó cũng là câu lệnh để “đánh thức” Glass. Quy trình khởi động để sử dụng gồm 2 bước: chạm nhẹ vào mặt bên của bộ xử lí (bề mặt nhựa này hoạt động như một touchpad) hoặc nghiêng nhẹ đầu về phía trước để Glass bắt đầu nhận lệnh; sau đó ta có thể bắt đầu vào chế độ ra lệnh qua giọng nói bằng cách khởi đầu với “ok glass” hoặc trượt nhẹ tay trên touchpad để chọn các option xuất hiện trên màn hình. Các option sẽ được cuộn theo thao tác trượt tay của ta trên mặt touchpad sau đó ta có thể chạm nhẹ để select, không có khác biệt gì lớn so với các touchpad thường gặp. Tuy nhiên dĩ nhiên là phần lớn các tác vụ sẽ được thực hiện qua lệnh nói.
    Glass có thể kết nối trực tiếp vào mạng qua Wi-fi, hoặc cũng có thể tether qua Bluetooth với các thiết bị Android hay iOS để sử dụng kết nối 3-4G trên đó. Kết nối radio không có mặt, nhưng Google cũng đã xoay sở tích hợp được chip GPS vào trong Glass.
    Đến lúc này tôi có thể nói những gì mà Google giới thiệu trong video demo mới nhất hoàn toàn là hình ảnh thật, không hề sử dụng kỹ xảo. Chiếc Glass thật khi đeo lên mắt không khác mấy so với trong video, thanh mảnh, tinh tế và hình dạng có vẻ khá… hợp lí. Màn hình hiển thị không hề cản trở tầm nhìn, cũng như cân nặng vừa phải không hề gây mỏi cho người sử dụng. Thông tin cần thiết xuất hiện khi người dùng cần, rồi sau đó khi ta hướng sự chú ý của mình đến nơi khác, có thể nói màn hình đó hầu như biến mất. Không hoành tráng, không màu mè, không gây ấn tượng mạnh cho mắt. Và chính sự đơn giản đó lại là lý do khiến cho thiết kế của Glass thực sự ấn tượng. Có thể nói Google đã bước đầu làm được những gì mà Steve mô tả: loại bỏ yếu tố gây xao nhãng cho người dùng.
    [​IMG]

    Glass có thể thực hiện khá nhiều thứ khi người dùng bắt đầu ra lệnh với “ok glass”. Lệnh “Take a picture” để chụp hình và “Record a video” sẽ ghi lại một video khoảng 10 giây (chạm vào mặt bên của Glass để thấy các option thời lượng dài hơn). Và dĩ nhiên, “ok glass, Google” sẽ cho phép người dùng truy cập công cụ tìm kiếm huyền thoại đã góp phần biến Glass trở thành hiện thực. Chức năng tìm kiếm trên Glass hoạt động không khác mấy so với những gì mà Google đã thực hiện với Google Now và Knowledge Graph. Câu trả lời được hiển thị dưới dạng card thông tin tương tự khi ta sử dụng Google Now trên Android.
    Việc tìm kiếm bằng giọng nói hoạt động ổn trong phần lớn trường hợp, nhưng khi có trục trặc, mọi chuyện trở nên khá rối rắm, kết quả trả về gồm hàng loạt các text lỗi hoặc sai kết quả mà không có chỉ dẫn nào giúp người dùng xử lí tình huống đó. Thực tế thì cũng không thể đòi hỏi Glass nghe hoàn toàn chính xác lời nói của người dùng trong tất cả các trường hợp, nhưng tốc độ nói tỏ ra khá quan trọng. Ngay cả các lệnh kích hoạt chức năng cũng cần được nói trong khoảng tốc độ phù hợp, Glass có vẻ kém trong việc bắt kịp các lệnh nói quá nhanh. Nhưng một khi đã bắt được câu lệnh, tốc độ xử lí và phản hồi tỏ ra khá tốt, kết quả tìm kiếm hoặc hình ảnh sau khi chụp được hiển thị gần như ngay lập tức.
    [​IMG]

    Trong giai đoạn này, một trong những vấn đề lớn nhất với Glass vẫn là việc kết nối lấy dữ liệu. Khá nhiều chức năng của Glass cần có kết nối tốt và ổn định, vì vậy tình trạng mất kết nối hoặc sóng chập chờn sẽ khiến sản phẩm mới của Google trở nên khá vô dụng.Các điểm yếu này đều được Steve và Isabelle thừa nhận. Cả hai cho biết Google dự định sẽ có các bản vá, cập nhật theo từng tháng cho các thiết bị được triển khai trong đợt thử nghiệm Explorer sắp tới. Dù sao cũng cần nhớ rằng Glass vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện.
    Nhưng phần thú vị nhất của Glass không hẳn là chức năng tìm kiếm, hay các chức năng lấy nhiều dữ liệu từ môi trường mạng nói chung. Những công việc đó vẫn có thể được thực hiện bởi thiết bị di động truyền thống. Mục tiêu của Glass, như Steve đã mô tả, là những gì người dùng đang trải nghiệm trong thời điểm hiện tại. Bạn cần thời tiết? Glass có sẵn. Cần chỉ đường? Glass luôn sẵn sàng. Và khó có thể quên được khá năng chụp ảnh – quay video ngay lập tức, tại mọi thời điểm từ góc nhìn thứ nhất - theo đúng mọi nghĩa của nó. Khả năng ghi hình và chụp ảnh này trên Glass thực sự rất mạnh mẽ, đến mức có phần đáng sợ. Không đáng sợ sao được khi mà người dùng có thể lập tức ghi hình chỉ bằng vài lời đơn giản hoặc vài cú chạm nhẹ nhón tay.
    [​IMG]
    Trong quá trình thử nghiệm, chúng tôi có ghé qua một Starbucks (note: chuỗi cửa hàng café nổi tiếng của Mỹ). Nhóm quay phim của chúng tôi như mọi khi luôn đem theo máy quay của mọi mọi lúc mọi nơi. Ngay khi chúng tôi vào trong cửa hàng, nhân viên của Starbucks lập tức yêu cầu nhóm dừng việc quay phim. Điều thú vị là, tôi đã khởi động chức năng quay video của Glass từ trước khi vào cửa hàng, và trong suốt thời gian chúng tôi ở đó, nó vẫn hoạt động. Có một đèn nhỏ trên Glass cho thấy việc quay phim đang diễn ra, nhưng có vẻ phần lớn mọi người để ý nhiều hơn đến việc thứ tôi đang đeo là gì. Tay thu ngân có vẻ chỉ chực chạy ra thắc mắc về thứ kỳ quái trên mắt tôi, nhưng rốt cuộc không có câu hỏi nào được đưa ra, và toàn bộ buổi nói chuyện hôm đó được ghi lại hoàn hảo.
    Một khi phiên bản Explorer chính thức đến tay các người dùng thử nghiệm, người dùng chắc chắn sẽ ra sức sử dụng (và lạm dụng) các chức năng chụp ảnh và quay phim của Glass. Steve cho biêt một trong những mục tiêu quan trọng của chiến dịch Explorer là tìm ra những hướng mà người dùng sẽ sử dụng Glass. “Điều này thực sự rất quan trọng” - Anh cho biết, “Chúng tôi đang cố gắng mở rộng cộng đồng người sử dụng Glass. Hiện nay cộng đồng chỉ gồm các thành viên dự án và một vài nhân sự cao cấp của Google. Chúng tôi muốn mở rộng cộng đồng ra khỏi phạm vi Google và các lập trình viên. Điều này vô cùng thiết yêu cho sự phát triển của Glass, đây là một sản phẩm mới, và lại là không phải một phần mềm. Chúng tôi cần tìm hiểu cách mà người sử dụng sẽ ứng dụng nó vào đời sống hàng ngày của mình bằng cách thống kê”. Steve tiếp tục nhấn mạnh: "Glass là một sản phẩm sẽ thường xuyên hiện diện trong đời sống của người sở hữu nó. Google đang trao quyền quyết định định hướng và tương lai của Glass cho người dùng, các phản hồi được gửi về sẽ được sử dụng không chỉ để phát triển sản phẩm về mặt kỹ thuật, và còn để xây dựng các tiêu chuẩn sử dụng”.
    [​IMG]

    Khi tôi đặt các câu hỏi về “Quy tắc sử dụng Glass” hay “Liệu có các phiên bản chuyên biệt, hỗ trợ tối đa các tác vụ như retweet của Twitter hay share của FB?”, Steve đều nhấn mạnh “Điều đó sẽ được quyết định qua các kết quả phản hồi từ chiến dịch Explorer”. Có vẻ vấn đề về sự đúng-sai trong việc cung cấp cho người dùng khả năng ghi lại hình ảnh, âm thanh của người đối diện bất chấp người đó có nhận ra hay không sẽ là chủ đề tranh cãi trong thời gian dài. Google sẽ lại có một phen vật lộn với các vấn đề về quyền riêng tư. Giaỉ quyết chướng ngại này có thể sẽ còn khó hơn việc cải thiện thiết kế của Glass hơn nữa để người dùng có thể thoải mái đeo ra ngoài đường.
    Quay lại với trải nghiệm sử dụng. Bạn muốn hỏi cảm giác khi sử dụng Glass bên ngoài, ví dụ như khi đang đi dạo như thế nào? Nói ngắn gọn thì trải nghiệm khá là tuyệt vời.
    Hãy thử tưởng tượng thế này: bạn đang bộ đến công sở trên một con phố chật cứng người, bất chợt có tin nhắn hay điện thoại gọi đến. Với các thiết bị hiện nay, chúng ta sẽ phải đứng lại hoặc tìm một góc nào đó, tìm điện thoại trong túi và bắt đầu thao tác trên đó – tất cả đều chen ngang vào công việc mà ta đang làm: đi bộ. Còn với Glass, các thông tin mới đó được đưa đến ngay trong tầm mắt của chúng ta, và công việc xử lí thông tin đó (nghe, tắt hoặc mở tin) chỉ tốn một vài lần gõ ngón tay hay một cái lắc đầu và câu lệnh nói – tất cả đều cho phép ta tiếp tục cái sự đi bộ mà không phải dừng lại một giây nào cả.Một điều tưởng chừng rất đơn giản, nhưng sẽ có tác động vô cùng mạnh mẽ.
    [​IMG]

    Việc định hướng cũng tương tự. Dù đã ở New York hơn một thập kỉ, đôi lúc tôi vẫn phải phụ thuộc vào Google Maps sau khi xuống khỏi tàu điện ngầm. Khi sử dụng Glass, quãng thời gian tiêu tốn cho việc dừng lại tìm kiếm và thao tác trên bản đồ hoàn toàn không còn. Việc nhận được thông tin chỉ đường ngay trong từng bước đi mà không phải dừng lại nhìn vào màn hình mỗi khi ta quên một ngã rẽ thực sự là một trải nghiệm thú vị. Trong các thành phố sôi động như New York, Glass thực sự là một công cụ mạnh mẽ, nhưng đồng thời vẫn phục vụ được mục tiêu của nó: cung cấp thông tin mà không gây xao nhãng cho người dùng.
    Tuy vậy hiện nay việc đeo Glass đi loanh quanh vẫn tạo cảm giác hơi kì quoặc và thu hút khá nhiều sự chú ý. Việc tất cả những người tôi gặp hay chỉ đơn giản là đi ngang qua đều bị thu hút và có vẻ chỉ chực tuôn ra một tràng câu hỏi về nó quả thực không mấy dễ chịu. Steve cho biết các thành viên dự án đã đeo Glass suốt cả năm nay và công nhận trong giai đoạn này việc này thu hút rất nhiều sự chú ý. “Chúng tôi rất tự tin về sản phẩm và thiết kế của mình, nhưng ta không thể biết chắc thiết kế của mình được đánh giá như thế nào trừ khi ta thực sự đeo nó lên và cho mọi người xem”. Anh cho biết.
    Dù thuận tiện đến mấy, có vẻ Glass khó mà phù hợp trong tất cả các tình huống. Khi đi xem một buổi biểu diễn hay tham quan một thắng cảnh, hiển nhiên việc giải phóng đôi tay khỏi chiếc camera hay smartphone tỏ ra khá thuận tiện. Hay khi ta đang đi du lịch và thường xuyên cần thông tin chỉ đường, sự có mặt của Glass sẽ giúp ích rất nhiều. Nhưng trong một buổi hẹn hò, tiệc tùng, một buổi họp hay khi đi xem phim, việc đeo Glass trên mắt có thể sẽ khiến nảy sinh các tình huống khó xử, hay đơn giản chỉ là khiến không khí trở nên không được tự nhiên.Đôi lúc chúng ta muốn được “gọi” bởi các thiết bị di động truyền thống. Và trong phần lớn trường hợp, ta muốn những người đi cùng chú ý đến mình chứ không phải thiết bị công nghệ mà mình đeo trên mặt. Điều này khó mà tránh được khi mà thiết bị đó có khả năng ghi hình họ bất cứ lúc nào.
    Tất cả đưa tôi trở về với câu hỏi ban đầu: Liệu người dùng có muốn đeo thứ này ở nơi công cộng?
    [​IMG]

    Câu hỏi chính xác là: khi nào?

    Thực lòng mà nói, khi đã làm quen được với Glass, chúng ta sẽ khó mà không thích nó. Cảm giác đeo Glass không hề bất tiện, nhưng lại đem đến các thông tin, tầm nhìn mới (cả theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng); và không cần nói cũng biết việc này có vô số tiềm năng sử dụng. Trong thời gian đầu, tôi cảm thấy việc thay thế chiếc kính truyền thống bằng Glass có hơi gượng gạo, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn sự lạ lẫm nhanh chóng tan biến, thay vào đó là cảm giác thuận tiện. Tròng kính râm mà Google cung cấp cùng Glass góp phần rất lớn vào việc đem lại cảm giác tự nhiên cho bộ khung. Và cũng không thể quên rằng sẽ còn nhiều loại gọng nữa ra đời khi Google hoàn tất việc hợp tác với các công ty chuyên nghiệp như Ray-Ban hay Warby Parker..
    Glass liệu đã sẵn sàng cho mọi người sử dụng? Chưa hẳn. Nhóm phát triển còn rất nhiều việc phải làm để nâng tầm trải nghiệm sử dụng lên mức hoàn hảo? Chắc chắn là vậy. Nhưng ít nhất lần này, công sức của các thành viên trong dự án Glass đã thuyết phục được tôi rằng đây không phải là một ý tưởng điên rồ ném tiền qua cửa sổ khác của Google. Họ đã tiến rất gần đến việc biến một ý tưởng tưởng chừng chỉ dành cho dân tự kỉ cuồng công nghệ thành một sản phẩm mà người dùng cuối có thể thoải mái sử dụng trong đời sống. Chỉ một vài giờ trải nghiệm, tôi đã không còn tự hỏi liệu người dùng có muốn sử dụng Glass ở nơi công cộng? Câu hỏi lúc này chỉ còn là Khi nào Glass sẽ sẵn sàng cho tất cả chúng ta. Và nếu những gì Steve nói là chính xác, thời điểm đó chỉ còn cách chừng 10 tháng nữa.

    Tác giả: Joshua Topolsky và cộng sự - TheVerge
    Nguồn: GenK
     
  2. Facebook comment - Google Glass và những trải nghiệm thực tế

Share This Page