Hồi năm 2012, Harold White, nhà vật lý học làm việc tại NASA, từng tiết lộ thông tin về dự án phát triển tàu không gian sử dụng động cơ Warp Drive chuyển động bằng cách làm biến dạng không gian nhằm đạt được vận tốc nhanh hơn cả ánh sáng. Và mới đây, đội ngũ nghiên cứu của White cùng các nhà thiết kế đã chính thức công bố những hình ảnh cụ thể của con tàu không gian mà theo ông, có thể bay đến hệ thống sao Alpha Centauri cách Trái Đất 4,3 năm ánh sáng chỉ trong thời gian 2 tuần. Theo chia sẻ của White, ý tưởng tàu không gian dựa trên lý thuyết làm biến dạng không - thời gian do nhà vật lý học Miguel Alcubierre đề xuất vào năm 1994. Theo lý thuyết này, một thiết bị mang tên Warp Drive có nhiệm vụ tạo ra từ trường mang năng lượng âm nhằm làm thời gian - không gian ở cả phía trước và phía sau con tàu bị nén lại hoặc giãn ra, từ đó tạo nên một cái bọt. Và con tàu không gian sẽ cưỡi trên cái bọt như đang lướt sóng trong vũ trụ. Quá trình này mô phỏng lại diễn biến của vụ nổ Big Bang khiến cho vật chất di chuyển với tốc độ nhanh hơn cả ánh sáng. Nhà vật lý lý thuyết người Mỹ Michio Kaku gọi mô hình của Alcubierre chính là "hộ chiếu để đi vào không gian". Nếu thành công, Warp Drive có thể uốn cong thời gian và không gian, mở ra triển vọng thực hiện những chuyến du hành liên sao giúp con người khám phá vũ trụ dễ dàng hơn. Theo ước tính của White, con tàu có thể bay đến hệ thống sao đôi Alpha Centauri trong vòng 2 tuần mặc dù cách Trái Đất tới hơn 4,3 năm ánh sáng. Về cơ bản, dù con tàu không sử dụng động cơ phản lực, nhưng phi hành gia bên trong con tàu vẫn cảm nhận được sự chuyển động mặc dù không hề có gia tốc được tạo ra. White cho biết: "Nên nhớ rằng, không một vật thể cục bộ nào có thể vượt quá vận tốc ánh sáng, nhưng không gian thì có thể có giãn ra hoặc co lại ở bất cứ tốc độ nào. Dù vậy, không - thời gian thật sự "cứng", do đó, để tạo nên sự co giãn đủ để đưa con tàu chúng ta di chuyển liên hành tinh cần phải dùng một nguồn năng lượng rất lớn. Tuy nhiên, dựa trên phân tích của tôi trong suốt 18 tháng qua, chìa khóa của vấn đề nằm ở cấu trúc hình học của hệ thống Warp Drive". Ông tiết lộ thêm rằng: "Tôi chợt nhận ra rằng nếu bạn tạo nên một chiếc vòng có hình dạng như bánh donut bao quanh thân con tàu. Chuyển động dọc của chiếc vòng sẽ tạo ra lượng năng lượng âm cần thiết để hình thành nên cái bọt. Thiết kế nói trên có thể giảm đáng kế lượng năng lượng cần thiết và ý tưởng cũng tiến gần tới thực tế hơn". Theo White, mức năng lượng mà con tàu của ông sử dụng thậm chí còn ít hơn so với tàu vũ trụ Voyager 1. Trong một thử nghiệm, nhóm nghiên cứu của White đã tạo nên mô hình chiếc vòng với các tụ điện trong phòng thí nghiệm và cung cấp điện thế lên tới hàng chục ngàn volt. Những gì mà nhóm nghiên cứu quan sát được chính là thế năng vô cùng lớn và chuyển động màu xanh tương tự như ánh đèn. Cho tới hiện nay, những gì mà các nhà nghiên cứu tại NASA đạt được mới chỉ là những thí nghiệm dựa trên lý thuyết. Các nhà vật lý vẫn cần phải thực hiện nhiều nghiên cứu hơn nữa để các giả thuyết có thể tiệm cận với thực tế hơn. Dù vậy, hy vọng rằng nghiên cứu sẽ sớm đạt được thành công trong thực tế và giấc mơ khám phá vũ trụ của con người sẽ hoàn toàn khả thi trong tương lai. Nhà vật lý học White đang trình bày về thiết kế mới của tàu không gian Wrap Drive (Từ 41:48) Nguồn VNExpress