(XHTT) Báo cáo của Vodafone được công bố hôm thứ sáu ngày 6/6 cung cấp nhiều thông tin cho thấy chính phủ các nước đã thực hiện hàng trăm ngàn lệnh nghe lén và khai thác dữ liệu người dùng thông qua mạng lưới toàn cầu của Vodafone. Nhà khai thác viễn thông Vodafone cho biết các cơ quan chính phủ ở nhiều quốc gia có thể truy cập trực tiếp vào mạng lưới quốc gia của nhà mạng, cho phép các cơ quan này có thể nghe lén trực tiếp các cuộc gọi điện trên mạng lưới viễn thông quốc gia của họ. Tiết lộ trên nằm trong báo cáo được công bố hôm thứ sáu ngày 6/6 – báo cáo cung cấp nhiều thông tin được xem là một trong những khảo sát toàn diện nhất từ trước đến nay về việc chính phủ truy cập trực tiếp vào các cuộc gọi điện thoại và khai thác những thông tin khác thông qua mạng lưới viễn thông toàn cầu. Báo cáo cung cấp thông tin cho thấy chính phủ các nước đã thực hiện hàng trăm ngàn lệnh nghe lén và khai thác dữ liệu người dùng thông qua mạng lưới toàn cầu của Vodafone. Vodafone – công ty có mạng lưới khắp 29 quốc gia – là công ty gần đây nhất công khai báo cáo trong làn sóng tiết lộ những thông tin liên quan đến các cuộc nghe lén và khai thác thông tin người dùng qua mạng viễn thông, vẽ nên một bức tranh hoàn chỉnh hơn về cách thức các công ty điện thoại hợp tác với các cơ quan tính báo trên thế giới. Một số công ty bao gồm cả AT&T Inc. và Verizon Communications INC ở Mỹ nằm trong danh sách những công ty công bố thông tin về các lệnh nghe lén của cơ quan tình báo trong nỗ lực hạn chế những hậu quả do rò rỉ thông tin từ cựu thành viên của cơ quan tình báo Mỹ Edward Snowden tiết lộ. “Đây có thể là báo cáo toàn diện nhất tính đến nay được công bố bởi nhà mạng viễn thông” – Jonas Kron, phó chủ tịch cấp cao của công ty Trillium Asset Management chuyên về trách nhiệm xã hội có trụ sở tại Boston đã nói. “Những thỏa thuận của Vodafone cho phép chính phủ các nước truy cập trực tiếp vào mạng lưới của mình dấy lên lo ngại nghiêm trọng về hành vi của chính phủ cũng như những gì nhà mạng có thể làm để bảo vệ nhân quyền cho chính khách hàng của mình” Vodafone cho biết trong số sáu quốc gia có hoạt động này, chính phủ có đường dây trực tiếp kết nối vào mạng lưới của Vodafone, cho phép họ có thể nghe lén các cuộc đàm thoại trực tiếp và thu âm lại các cuộc đàm thoại này. Một vài nước còn có thể truy ra địa điểm của khách hàng sử dụng di động. Trong một số trường hợp, chính phủ không cần phải gửi yêu cầu nghe lén để lấy dữ liệu mà họ tự động truy cập trực tiếp vào cơ sở hạ tầng của Vodafone. Trong sáu quốc gia đó, việc truy cập trực tiếp là hợp pháp. Vodafone từ chối tiết lộ tên các quốc gia do lo sợ các biện pháp trừng phạt từ các quốc gia này lên nhân viên của họ. Báo cáo có thể dùng để phụ vụ như là một báo cáo đối trọng với chính phủ các nước châu Âu khi họ cáo buộc các công ty quá hợp tác với chính phủ Mỹ trong vụ rò rỉ thông tin từ ông Snowden. Một phụ lục của báo cáo có thông tin chi tiết về luật của một số quốc gia, bao gồm cả điều luật được duyệt tại Pháp vào cuối năm qua, cho phép các nhà điều tra của chính phủ có thể yêu cầu một loạt các dữ liệu người dùng từ các công ty viễn thông và Internet mà không cần sự cho phép của thẩm phán. “Theo chúng tôi, chính phủ - chứ không phải những nhà khai thác viễn thông – có trách nhiệm cung cấp những thông tin rõ ràng hơn” – Vodafone đã viết trong báo cáo của mình. Vodafone cho biết, những yêu cầu xuất phát từ chính phủ được tiết lộ hôm thứ sáu vừa rồi được áp dụng cho tất cả các nhà mạng tại các quốc gia được công bố, chứ không chỉ riêng Vodafone. Thật vậy, một cựu nhân viên tình báo châu Âu cho biết, các cơ quan tình báo châu Âu sử dụng thường xuyên mạng lưới viễn thông trong lãnh thổ của họ, cũng như ở nước ngoài để tìm kiếm dữ liệu về vị trí của người dùng mục tiêu cũng như nội dung của các cuộc trò chuyện. “Tất cả những thông tin đi qua mạng lưới của chúng tôi, chúng tôi đều có thể nghe trộm” một nhân viên viễn thông châu Âu cho hay. Ngoài ra, nhân viên này còn cho biết thêm rằng với các công cụ tình báo, các cơ quan có thể “nhìn thấy dữ liệu duyệt web của bạn, nơi bạn đang đi, bạn đang đăng tải thứ gì …” Các công ty công nghệ và viễn thông đang chịu sức ép trên cả hai bờ Đại Tây Dương yêu cầu họ cung cấp thêm thông tin về cách họ tương tác với các chính phủ và cơ quan thực thi pháp luật nơi họ hoạt động. Ví dụ như gần đây, các công ty công nghệ cao của Mỹ đã công khai dữ liệu đã được kiểm duyệt trong nhiều năm, và gần đây nhất là đầu năm, họ đã thành công trong việc thỏa thuận với chính phủ Mỹ cho phép họ công bố một số thông tin giới hạn về những yêu cầu mà họ nhận được từ cơ quan Tòa án tình báo nước ngoài – một toàn án chuyên về vấn đề an ninh quốc gia mà những quyết định của họ thường là bí mật. Các công ty viễn thông thường hạn chế cung cấp thông tin những giao dịch của họ với chính phủ. Nhưng với báo cáo của Vodafone và phạm vi của báo cáo này, các nhà mạng khác tại châu Âu và Mỹ đang chịu sức ép về việc cung cấp nhiều thông tin hơn về việc họ xử lý những yêu cầu tương tự của chính phủ các nước như thế nào. “Đây là thời điểm tốt cho các công ty viễn thông khác minh bạch những thông tin mà họ chia sẻ cho chính phủ các quốc gia” – Một quan chức của Ủy ban châu Âu cho hay. Một phát ngôn viên của BT Group – một nhà mạng cung cấp đường dây cố định tại Anh cho biết “Chúng tôi không bình luận về các vấn đề an ninh quốc gia. Chúng tôi tuân thủ pháp luật nơi chúng tôi hoạt động”. Deutsche Telekom đầu năm nay đã công bố một báo cáo minh bạch tại Đức, và họ cho biết, họ sẽ tiếp tục thực hiện một báo cáo tương tự về các quốc gia mà họ đang hoạt động. Oragne SA nói rằng, họ “tuân thủ tuân thủ luật pháp một cách nghiêm ngặt về những yêu cầu giám sát từ phía cơ quan nhà nước tại những quốc gia họ đang cung cấp dịch vụ”. Một số người ủng hộ quyền riêng tư cho rằng, việc minh bạch các báo cáo có thể là một động thái đánh lạc hướng nhằm mục đích thay đổi khung pháp lý, từ đó cho phép chính phủ có quyền nghe lén các cuộc gọi. Joe McNamee – giám đốc điều hành nhóm European Digital Rights nói “Minh bạch là một điều tốt, nhưng nó không phải là thuốc được bán ra để chữa bách bệnh. Minh bạch không có nghĩa là làm những điều sai trở thành đúng. Nó không làm những điều bất hợp pháp trở nên hợp pháp”. Một vấn đề các công ty phải đối mặt chính là việc họ bị hạn chế về thông tin được phép tiết lộ, và việc này khiến việc so sánh trở nên khó khăn. Ví dụ như Ý, đứng đầu trong số những quốc gia khi gửi đến 606.601 yêu cầu “dữ liệu cuộc gọi” trong năm 2013 theo báo cáo của Vodafone, nhưng công ty cũng chú thích rằng, một yêu cầu đơn cũng có thể bao gồm nhiều người dùng, hoặc tên người dùng có thể là 1 lệnh cho nhiều yêu cầu. Hơn nữa, Vodafone cho biết việc tiết lộ thông tin về việc nghe lén hay chặn những nội dung cuộc gọi và nhắn tin từ Albania, Ai Cập, Hungary, Ấn Độ, Malta, Qatar, Romania, Nam Phi, và Thổ Nhĩ Kỳ là bất hợp pháp. Do vậy họ không công bố những thông tin liên quan về các quốc gia này. Vodafone cho biết họ sẽ cập nhật báo cáo này hàng năm. Công ty còn nói trong khi khách hàng của họ có “quyền riêng tư” được quy định trong luật nhân quyền quốc tế, công ty còn phải tuân theo luật pháp của mỗi quốc gia mà họ hoạt động, bao gồm cả những thông tin tình báo. “Từ chối tuân thủ luật pháp của một quốc gia không phải là một lựa chọn. Nếu chúng tôi không thực thi theo những yêu cầu hợp pháp của chính phủ nhằm hỗ trợ họ, chính phủ có thể tước giấy phép hoạt động của chúng tôi, ngăn cản chúng tôi trong việc cung cấp dịch vụ cho khác hàng” – Vodafone cho biết. Thanh Hòa (Theo The Wall Street Journal) Nguồn Xã hội thông tin