Cách phòng tránh và điều trị mụn cóc

Discussion in 'Sống khỏe' started by bboy_nonoyes, Mar 2, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 497)

    Lành tính, không quá nguy hiểm, nhưng mụn cóc khiến người bệnh cảm thấy khó chịu vì đau nhức và mất thẩm mỹ. Bệnh còn rất dễ lây cho người khác.
    Mụn cóc là những u nhỏ lành tính, bề mặt thường sần sùi, gây ra bởi virus HPV (Human Papilloma Virus). HPV xâm nhập vào da qua những vết trầy xước bên ngoài. Mụn cóc có thể phát triển trong nhiều tháng mới nhìn thấy được.
    Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng tỷ lệ mắc ở trẻ em cao hơn vì trẻ hiếu động, thường xuyên làm trầy sướt chân tay, hay đi chân không, cắn móng tay, nghịch đất cát, lê la dưới đất - nơi có virus HPV.
    Phụ nữ làm móng, cắt khóe móng chân, tay, cũng là nguyên nhân gây mụn cóc. Ngoài ra, người bị suy giảm hệ miễn dịch như khi bị ung thư máu, lymphoma hay nhiễm HIV/AIDs dễ bị mụn cóc và thường lâu khỏi.
    [​IMG]
    Mục cóc có thể lây lan rất nhanh và dễ tái phát nếu không điều trị đúng cách.
    Các dạng mụn cóc thường gặp
    Mụn cóc thông thường (common warts) là những cục sẩn cứng nhô trên da, mặt sần sùi, hình tròn, kích thước từ 2 mm đến vài chục milimét, có màu xám. Loại mụn cóc này có thể mọc ở một số vị trí đặc biệt ở dưới lòng bàn chân, dưới móng chân tay, khi chạm vào thường gây đau nhói.
    Trong nhóm này còn có mụn cóc Mosaic thường có nhiều mụn nhỏ mọc thành chùm ở lòng bàn chân, gót chân. Mụn cóc ở bộ phận sinh dục (Genital Warts) gặp ở bộ phận sinh dục đàn ông, đàn bà, chung quanh hậu môn, có triệu chứng gần giống như bệnh mào gà.
    Dạng thứ hai là mụn cóc phẳng (Plane warts), đây là những sẩn nhỏ hơi nhô cao trên mặt da, nhìn và sờ kỹ mới phát hiện được. Kích thước từ 1 mm đến 5 mm, màu vàng nâu, bề mặt trơn láng. Mụn cóc này thường lây lan nhanh nên thường có vài chục đến hàng trăm cái mọc trên da, có khi mọc thành vệt dài gọi là hiện tượng Koebner. Vị trí thường gặp ở lưng bàn tay, cẳng tay, mặt cổ. Khi mụn cóc đã lây lan nhiều, việc điều trị cần được thực hiện nhiều lần rất mất thời giờ.
    Bệnh dễ lây lan
    Tất cả mụn cóc có thể lây khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Ngoài ra, bệnh cũng có thể lây qua việc dùng chung vật dụng với người có mụn cóc như khăn lau, giầy dép, quần áo. Thông thường phải mất 2 đến 3 tháng sau khi tiếp xúc với người bệnh thì mới biết có bị lây hay không.
    Bệnh cũng có thể tự lây nhiễm (dân gian còn gọi là “nhảy”) trên bản thân người bệnh. Từ vài mụn cóc lớn ban đầu (còn được gọi là “mụn cóc mẹ”), chúng lây lan sang những vùng da lân cận hay những vùng da bị tiếp xúc trực tiếp (như cào, gãi, cầm nắm) và tạo ra nhiều “mụn cóc con” nhỏ li ti. Những mụn con này sẽ phát triển rồi tiếp tục lây lan theo cấp số nhân.
    Ngoài việc gây mất thẩm mỹ, mụn cóc bàn chân còn gây ra một số triệu chứng khác. Khi phát triển to hoặc nằm ở những vị trí bị đè ép khi đi bộ hay chạy (gót chân, đầu ngón chân cái…), chúng sẽ gây đau hay tạo cảm giác vướng cộm rất khó chịu. Mụn cóc quanh móng chân có thể làm nứt nẻ và đau.
    Một số trường hợp mụn cóc bàn chân có thể tự biến mất sau nhiều tháng hay nhiều năm, nhưng đa số vẫn tồn tại, phát triển và lây lan trong thời gian dài. Vì vậy, khi chúng phát triển nhiều, to, đau, chảy máu khi va chạm, làm khó chịu, mất thẩm mỹ thì cần phải điều trị. Mụn cóc là những u sùi lành tính ngoài da, vì vậy việc điều trị cũng phải lành tính, không gây hại cho bệnh nhân và giảm thiểu tối đa các tác dụng phụ.
    Các phương pháp điều trị
    Đây là bệnh gây ra do virus, có khi bệnh tự nhiên khỏi không để lại dấu vết gì trong vòng 6 tháng. Trường hợp này cũng ít xảy ra, chủ yếu là ở trẻ em. Càng để lâu mụn cóc thường có khuynh hướng lây lan nhiều hơn, do đó nên điều trị càng sớm càng tốt.
    Có nhiều phương pháp gọi là "chữa mẹo" trong dân gian. Đến nay chưa có phương pháp nào đáng tin cậy hoàn toàn vì đã nhiều người áp dụng nhưng không thấy có kết quả .
    Nên chọn giày dép thích hợp, vừa vặn, không chật hay rộng quá. Giữ chân luôn khô ráo và thay tất thường xuyên. Dùng các miếng đế lót, đệm lót (trong giày dép) ở vị trí có các mụn cóc để giảm đau hay khó chịu. Ngoài ra, có thể dùng đá bọt nhám khi tắm chà lên bề mặt mụn để giảm bớt kích thước và độ sần sùi.
    Sử dụng dung dịch acid Salicylic và Lactic (Duofilm, Collomack), chấm nitơ lỏng, đốt điện, tiểu phẫu… là những cách khác có thể điều trị mụn cóc. Tuy nhiên tốt nhất người bệnh nên đến bệnh viện có chuyên khoa da liễu để được bác sĩ khám và tư vấn cách điều trị hợp lý.
    Bác sĩ Lê Đức Thọ
    Trưởng khoa Da Liễu - Bệnh viện Fortis Hoàn Mỹ Sài Gòn
    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Cách phòng tránh và điều trị mụn cóc

Share This Page