XM-1203 NLOS-C từng được kỳ vọng sẽ là siêu pháo tự hành số 1 thế giới tuy nhiên nó đã chết yểu do quá hiện đại. Mặc dù ngày nay pháo binh không còn giữ vai trò chủ lực trong các cuộc chiến như trước kia, song nó vẫn là hỏa lực mặt đất không thể thiếu. Mỹ mặc dù là quốc gia có sức mạnh quân sự hàng đầu thế giới đặc biệt là Không quân và Hải quân nhưng họ vẫn khá chú trọng đến các loại vũ khí mặt đất hạng nặng. Nổi bật trong các chương trình vũ khí hạng nặng cho lực lượng mặt đất của Mỹ là đại bác không đường ngắm XM-1203 NLOS-C (Non-Line-of-Sight Cannon). Đây là một phần trong chương trình phát triển phương tiện chiến đấu mặt đất có người lái tương lai (Future Combat Systems Manned Ground Vehicles - FCS MGV). XM-1203 được phát triển dựa trên những công nghệ có được từ pháo tự hành XM-2001 Crusader bị hủy bỏ trước đó. XM-1203 đã được lên kế hoạch để thay thế cho pháo tự hành M-109A6 Paladin trong biên chế lực lượng mặt đất Mỹ. Nguyên mẫu XM-1203 hoàn thành năm 2008, nó bắt đầu tiến hành các cuộc thử nghiệm từ năm 2009. Ấn tượng đầu tiên về XM-1203 đó là một thiết kế rất hiện đại, pháo có cấu hình tương đối thấp với tháp pháo được thiết kế khá gọn. Nếu được đưa vào sản xuất loạt, XM-1203 sẽ là pháo tự hành số 1 thế giới XM-1203 được phát triển trên cơ sở khung gầm phương tiện chiến đấu mặt đất có người lái tương lai (FCS MGV). Nó sẽ là khung gầm tiêu chuẩn cho các phương tiện cơ giới bọc thép khác của quân đội Mỹ để tạo sự thống nhất trong quá trình duy tu bảo dưỡng nhằm tiết kiệm chi phí. Khung gầm FCS MGV trang bị giáp gốm tổng hợp, hệ thống phòng vệ chủ động, thụ động cùng một hệ thống đánh chặn các loại vũ khí chống tăng cá nhân như RPG, nó còn có khả năng bảo vệ kíp xe trước tác động của vũ khí hủy diệt hàng loạt (NBC). Pháo chính của NLOS-C cỡ 155mm với chiều dài nòng bằng 38 lần đường kính. Pháo có tầm bắn tối đa 30km, bắn được tất cả các loại đạn pháo thông thường cũng như đạn có điều khiển M-982 Excalibur. Điểm nổi bật thứ 2 của XM-1203 là được trang bị hệ thống điện tử cực kỳ hiện đại, hoạt động trên nền tảng tự động hóa cao nên ê kíp vận hành chỉ có 2 người trong khi các pháo tự hành khác phải cần ít nhất 4-5 người. Pháo sử dụng hệ thống nạp đạn tự động cho tốc độ bắn tối đa khoảng 10 viên/phút, cơ số đạn pháo mang theo gồm 24 viên. Việc tái nạp đạn cho pháo cũng được thực hiện tự động hoàn toàn với sự trợ giúp của xe tiếp đạn, ê kíp vận hành không cần phải bước xuống xe trong toàn bộ quá trình tái nạp. Điểm nổi bật thứ 3 của XM-1203 là hệ thống điều khiển hỏa lực tối tân. XM-1203 là loại pháo tự hành hiếm hoi trên thế giới có thể bắn ngay mà không cần dừng lại để tính toán phần tử bắn do tham số về mục tiêu đã được cập nhật thông qua mạng lưới giám sát di động toàn cầu của Mỹ. Dù có đặc tính kỹ chiến thuật vượt trội song do chi phí quá cao đã khiến XM-1203 sớm bị khai tử Khoang điểu khiển của pháo được trang bị các màn hình LCD hiển thị thông tin về mục tiêu dưới dạng bản đồ kỹ thuật số, sơ đồ bố trí lực lượng của đôi bên được cập nhật thông qua hệ thống định vị toàn cầu GPS và hệ thống kết nối thông tin thời gian thực. Hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại cho phép XM-1203 có thể bắn nhiều phát đạn đồng thời vào một mục tiêu (MRSI - Multiple Rounds Simultaneous Impact) thông qua các quỹ đạo khác nhau nhằm tăng xác suất tiêu diệt. XM-1203 là một giải pháp chi viện hỏa lực với độ chính xác cao và chi phí thấp. XM-1203 còn có khả năng tấn công các mục tiêu trong phạm vi của các hệ thống quan sát (hay còn gọi là hỏa lực trực tiếp) hoặc có thể tấn công các mục tiêu bên ngoài tầm nhìn của hệ thống quan sát BLOS (Beyond-Line-of-Sight hay hỏa lực gián tiếp) và nó cũng có thể bắn mà không cần ngắm mục tiêu từ trước NLOS (Non-Line-of-Sight). Siêu pháo tự hành XM-1203 được trang bị động cơ diesel-hybrid nhằm tiết kiệm tối đa nhiên liệu cũng như giảm độ ồn khi hoạt động, cho phép thực hiện các nhiệm vụ chiến thuật đặc biệt. XM-1203 được chế tạo từ các vật liệu tổng hợp công nghệ cao nên có trọng lượng nhẹ trong khi vẫn đảm bảo được khả năng bảo vệ. Trọng lượng chiến đấu của XM-1203 khoảng 27 tấn, nó dễ dàng vận chuyển ra chiến trường bằng các máy bay vận tải quân sự hạng nặng như Airbus A-400M, C-17 Globemaster. Các thử nghiệm trên thao trường với XM-1203 đã cho kết quả rất khả quan. Tuy nhiên, siêu pháo tự hành XM-1203 đã không được đưa vào sản xuất hàng hoạt do chi phí quá cao. Mặc dù cực kỳ hiện đại song hiệu quả chiến thuật mà XM-1203 mang lại không cao hơn quá nhiều so với các pháo tự hành đang hoạt động như M-109A6 Paladin. XM-1203 đã bị chết yểu do quá hiện đại, tuy nhiên một số công nghệ của nó đã được áp dụng trên pháo tự hành M-109A7 nhằm tiết kiệm chi phí. Nguồn KhoaHoc.com.vn