(XHTT) Ngày 4/6, chính quyền Ukraina thông báo, hơn 300 chiến binh ly khai thân Nga ở Slaviansk đã chết bởi chiến dịch “chống khủng bố” trong 24 giờ qua. Những cuộc đụng độ dữ dội đã xảy ra ở Slaviansk, thuộc tỉnh Donetsk ở miền Đông Ukraine trong ngày 3/6, là ngày thứ hai quân đội Ukraina triển khai “chiến dịch truy quét những người phản đối chính phủ” ở Slaviansk, khiến nhiều thường dân phải sơ tán. Quân đội Ukraina sử dụng pháo và các loại vũ khí tự động tấn công lực lượng ly khai. Chính quyền Kiev khẳng định, các hoạt động “chống khủng bố” ở Slaviansk, một trong những thành trì của những người chống chính phủ đã làm hơn 300 tay súng thân Nga thiệt mạng trong 24 giờ qua. Tuy nhiên, phía lực lượng ly khai phủ nhận con số này và cho rằng quân đội Ukraina chịu thương vong nhiều hơn so với tổn thất của họ. Ông Aleksander Boroday, Thủ tướng tự xưng của "Cộng hòa Nhân dân Donetsk" cho biết: “Quân đội Ukraina chịu thiệt hại nặng nề hơn so với lực lượng của chúng tôi. Ít nhất 9 binh sĩ quân đội đã chết và 15 người khác bị thương trong các cuộc đối đầu với lực lượng tự vệ vũ trang thân Nga ở Slaviansk trong những ngày qua”. Xe bọc thép của quân đội Ukraina chốt chặn trên một con đường vào thành phố Slaviansk. Tiếng súng máy đã vang lên ở nhiều nơi khiến người dân phải tìm cách sơ tán. Do sơ tán vội vã, nhiều gia đình chỉ kịp mang theo vài đồ đạc cần thiết. Slaviansk nằm tại điểm giao cắt giữa 3 vùng chính ở phía đông Ukraina, là nơi sinh sống của 130.000 người và đây là thành trì mang tính chiến lược của lực lượng ly khai thân Nga. Ngoài chiến dịch ở Slaviansk, quân đội Ukraina cũng triển khai các hoạt động quân sự ở Lugansk, với những đợt không kích dữ dội. Chính phủ Ukraina thừa nhận, máy bay chiến đấu và trực thăng tấn công đã nã hơn 150 quả tên lửa không đối đất xuống khu vực này. Ít nhất một quả bắn trúng tòa nhà công quyền ở Lugansk làm 8 thường dân thiệt mạng. Song song với những diễn biến quân sự ở Ukraine nói trên, Hội nghị G7 đã khai mạc tại Brussels (Bỉ) vào tối 4/6, với chủ đề chính là vấn đề Ukraine và quan hệ với Nga. Đây là lần đầu tiên G7 họp tại Brussels, trụ sở của Liên minh châu Âu (EU) mà không có sự tham dự của Nga. Chủ tịch EC Manuel Barroso (trái), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (giữa) và Chủ tịch EU Herman van Rompuy trong cuộc gặp bên lề hội nghị G7. Sau các cuộc hội đàm tại Brussels, thông cáo của G7 đưa ra nêu rõ: “Các hành động nhằm gây bất ổn miền đông Ukraine là không thể chấp nhận và phải ngừng lại. Chúng tôi sẵn sàng tăng cường các biện pháp trừng phạt có mục đích và triển khai các biện pháp chế tài bổ sung đáng kể khiến Nga phải trả giá hơn nữa nếu cần phải như vậy”. Trong một diễn biến có liên quan, ngày 4/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông sẵn sàng gặp Tổng thống mới đắc cử Petro Poroshenko của Ukraine tại buổi lễ kỷ niệm ngày D-Day (6/6), diễn ra trong tuần này tại Pháp. Về việc Mỹ tuyên bố có các bằng chứng về sự can thiệp quân sự của Nga tại Ukraine, ông Putin nói: “Bằng chứng à? Hãy cho chúng tôi xem. Cả thế giới đều nhớ rằng Ngoại trưởng Mỹ đã đưa ra bằng chứng về vũ khí hủy diệt hàng loạt của Iraq khi vung vẩy các ống nghiệm chứa bột giặt tại Hội đồng bảo an Liên hợp quốc”. Ông cũng cáo buộc Mỹ đạo đức giả trong nỗ lực “hung hăng” nhằm trừng phạt Nga vì vấn đề Ukraine. Thanh Trà (tổng hợp) Nguồn Xã hội thông tin