(XHTT) Tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển tiên tiến Bal-E mà Việt Nam sở hữu, cho phép tấn công tiêu diệt mọi mục tiêu ở cự ly xa nhất đến 120km. Tờ Kommersant (Nga) ngày 26/5, dẫn nguồn tin đặc biệt từ Tập đoàn Tên lửa Chiến dịch – Chiến thuật (KTRV), cho biết Việt Nam là quốc gia thứ hai sau Nga đưa vào trang bị các tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển tiên tiến Bal-E. Ở góc độ khác (kiểm chứng cho việc này), trong báo cáo tài chính của KTRV cũng cho thấy, vào tháng 12/2012, KTRV đã hoàn thành một hợp đồng cung cấp các tên lửa chống hạm 3M24 Uran phiên bản đặt trên đất liền cho lực lượng Hải quân Việt Nam. Xe phóng tổ hợp Bal-E với giàn phóng 8 ống cùng đạn tên lửa Kh-35E. Nga gọi là tổ hợp phòng thủ bờ biển Bal-E, nhưng NATO định danh là SSC-6 Sennight. Bal-E được thiết kế để kiểm soát các vùng biển và các khu vực eo biển; bảo vệ các căn cứ hải quân, bảo vệ các mục tiêu khác và hạ tầng trên bờ; bảo vệ bờ biển trên những hướng đối phương có thể đổ bộ các tàu chiến của đối phương trong phạm vi tấn công (ở tầm cách bờ/đảo, đảo ngầm) 120km với tổng số đạn tên lửa được trang bị cho một tổ hợp lên đến 64 quả. Cũng cần nhấn mạnh rằng, tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển Bal-E sử dụng loại đạn 3M24 Uran quen thuộc trong lực lượng Hải quân Việt Nam. Và đạn tên lửa Uran cũng chính là loại vũ khí tiêu chuẩn trang bị trên các tàu tên lửa lớp Gepard 3.9 và lớp Molniya hay BPS-500 của Hải quân Việt Nam. Cấu trúc của một tổ hợp Bal-E bao gồm xe chỉ huy và liên lạc cơ động, 4 xe bệ phóng lắp các container ống phóng (dùng 8 hoặc 4 ống) chứa tên lửa chống tàu cận âm Kh-35E Uran và 4 xe nạp đạn, tiếp đạn cho các loạt bắn tiếp theo. Thuộc tổ hợp này, tên lửa Kh-35E phóng từ đất liền có thể đạt tầm bắn tối đa 120km, lắp đầu nổ nặng 145kg (biến thể xuất khẩu là Uran-E), dùng đầu tự dẫn radar chủ động ARGS-35E (kích hoạt khi cách mục tiêu 20km) ở pha cuối. Theo tính toán, tên lửa Kh-35E được cho là đủ khả năng đánh chìm những tàu chiến cỡ 5.000 tấn. Tên lửa chống tàu/hạm Kh-35E được phóng từ xe bệ phóng. Tên lửa chống tàu Kh-35E (hay còn gọi là 3M-24E) có chiều dài 3,75m, sải cánh 0,93m, đường kính 0,42m, trọng lượng phóng 630kg (với động cơ tăng cường). Trên thân quả đạn có 4 cánh ổn định ở giữa thân (có thể gập gọn) cùng 4 cánh lái ở đuôi. Còn Bal-E là một tổ hợp vũ khí cơ động, tất cả các thành phần chiến đấu - hỗ trợ đều đặt trên khung bệ xe bánh lốp MAZ 7930 bao gồm: Đến 2 xe chỉ huy, kiểm soát, liên lạc tự hành. Tuy không có sức mạnh về tầm xa và tốc độ như đạn tên lửa hành trình Yakhont của hệ thống Bastion-P, nhưng Bal-E lại có khả năng cơ động nhanh, tấn công bất ngờ và ồ ạt vào các tàu địch, thay đổi trận địa trong khoảng thời gian ngắn, rồi lại sẵn sàng thực hiện cuộc tấn công mạnh mẽ tiếp theo. Vì vậy, có thêm Bal-E, Hải quân Việt Nam sẽ tạo ra một mạng lưới tên lửa tích hợp giữa bờ và biển, hỗ trợ đắc lực cho nhau trong nhiệm vụ tấn công phá hủy các tàu chiến đối phương và bảo vệ bờ biển. Như vậy, sức mạnh phòng thủ bờ biển của Hải quân Việt Nam đã được tăng lên rõ rệt. Xe đài điều khiển, liên lạc cùng xe tổ hợp phòng thủ bờ biển Bal-E. Theo thiết kế, Bal-E có thể bắn tới 32 quả tên lửa trong một loạt bắn từ 4 xe phóng, đủ sức tiêu diệt cụm tàu sân bay hoặc một cụm tàu tấn công (gồm 3 tàu hộ vệ) hay binh đoàn tàu đổ bộ cách bờ 7-120km. Sau 30-40 phút tái nạp, hệ thống có thể phóng tiếp loạt thứ 2. Trong tác chiến bảo vệ bờ biển tầm gần, Bal-E hiện được xem là loại vũ khí không có đối thủ với hỏa lực như vũ bão, chính xác và cơ động cao. Thanh Trà (tổng hợp) Nguồn Xã hội thông tin