(XHTT) Giống tin đồn gần đây về iWatch của Apple, Microsoft cũng được cho là đang nghiên cứu sản xuất ra chiếc smartwatch của riêng họ. Microsoft được cho là đang có kế hoạch bước vào thị trường công nghệ thiết bị đeo người đang phát triển, với chiếc smartwatch dùng để đo nhịp tim có thể tích hợp với điện thoại iPhone, điện thoại chạy Android và Windows phone. Việc sản xuất thiết bị đa nền tảng có thể mang lại ưu thế cạnh tranh cho Microsoft đối với các hãng như Verizon và AT&T, theo đó, doanh số từ việc bán thiết bị đeo người mỗi năm có thể lên đến 1 tỷ USD như Gibit và Jawbone đã làm – trích thông tin từ phó chủ tịch AT&T Mobility David Garver. Chiếc smartwatch sẽ có vẻ ngoài gần giống với chiếc Gear Fit của Samsung, và có màn hình màu, cảm ứng, “kích thước bằng một nửa thanh kẹo cao su”, mặt hướng ra ngoài phía trong cổ tay giúp người dùng “xem thông báo một cách dễ dàng và riêng tư hơn”, theo Forbes. Tuy nhiên, nếu Gear Fit đòi hỏi người dùng phải tự kích hoạt để cập nhật nhịp tim bằng tay, thì chiếc smartwatch của Microsoft sẽ tự động báo cáo kết quả theo dõi nhịp tim của người dùng liên tục trong ngày. Ngày ra ngày mắt chiếc smartwatch này vẫn chưa được tiết lộ, nhưng Forbes cho rằng, có thể là trong mùa hè 2014. Người phát ngôn của Microsoft từ chối bình luận về dự đoán trên. Đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện các thônng tin về chiếc smartwatch của Microsoft. Vào tháng 7/2013, tờ The Wall Street Journal đã tiết lộ, Microsoft đang đàm phán với một nhà cung cấp châu Á về việc cung cấp màn hình 1,5 inch và những linh kiện khác cho thiết bị. Sau đó, cũng vào tháng 7/2013, trang The Verge đưa tin, đội ngũ nghiên cứu máy tính bảng Surface của Microsoft đang thử nghiệm một mẫu smartwatch chạy phiên bản cải tiến của Windows 8, với trọng tâm là để tích hợp với những thiết bị chạy Windows khác. Trong khi đó, trang Among Tech lại đưa tin, mẫu smartwatch có vỏ ngoài là nhôm oxynitride – được cho là cứng gấp ba lần thủy tinh, và có dây đeo tay thể tháo rời được với nhiều màu như: xanh, đỏ, vàng, đen, trắng và xám. Thông tin được đưa ra khi những tin đồn về chiếc iWatch của Apple được thu thập theo cách nhỏ giọt. Một ứng dụng được cấp bằng sáng chế thuộc AppleInsider đã được tiết lộ hồi đầu tháng cho hay, iWatch có thể có tính năng tự ôm cổ tay tương tự như chiếc máy đo huyết áp cá nhân và phần mềm theo dõi sức khỏe hợp tác với Nike Fuelband. Một tin đồn nữa là mặt đồng hồ sẽ theo dạng tròn truyền thống (tương tự chiếc Moto 360), sạc không dây, và thiết kế riêng cho nam và nữ. Người ta cho rằng, iWatch có thể được ra mắt vào tháng 9. Chức năng đo nhịp tim có thể chưa đủ hấp dẫn để thúc đẩy việc mua thiết bị này, ít nhất là cho đến khi thiết bị có thể đưa ra một nhận xét giá trị từ những dữ liệu thu nhập được. Bản thân dữ liệu được thu thập chưa đủ để một thiết bị đeo người có thể vượt qua một bài test được gọi là “Bài kiểm tra quay trở lại”. Mike Lee – người đồng sáng lập ra ứng dụng theo dõi chế độ dinh dưỡng khá phổ biến MyFitnessPal - cho hay: Bài kiểm tra đưa ra tình huống giả định, một người đi nửa chặng đường để đến một điểm nào đó mới chợt nhận ra là mình bỏ quên thiết bị ở nhà, và họ phải quay trở lại để lấy nó, nếu thành công, thiết bị coi như là vượt qua được bài kiểm tra. Hầu hết mọi người sẽ quay lại để lấy smartphone, nhưng ít người làm điều tương tự đối với các thiết bị đeo người, thậm chí còn ít hơn đối với các thiết bị đo lường nhịp tim như Gear Fit. “Vấn đề cốt lõi là bạn làm gì với dữ liệu thu thập được”, Lee nói, “và cách mà bạn mang dữ liệu đó trở lại với người dùng”. Một bên thứ ba có thể giúp các công ty sản xuất thiết bị giải quyết vấn đề này, và với dự án smartwatch liên quan đến lĩnh vực thể dục - sức khỏe, Microsoft có thể xem xét đến Caradigm – công ty liên doanh về sức khỏe của Microsoft với General Electric. Đây là một công ty về sức khỏe đại chúng, với 50% vốn sở hữu thuộc về Microsoft. Công ty hiện đang làm việc với các bệnh viện và bác sĩ nhằm quản lý sức khỏe bệnh nhân và phân tích những rủi ro như việc tái hòa nhập cộng đồng. Chưa rõ liệu Microsoft có muốn Caradigm đóng vai trò nào đó trong tương lai smartwatch của mình hay không, hay Microsoft muốn hợp tác với một bên thứ ba khác để giúp họ đưa ra đề xuất về chế độ tập luyện hay những chân đoán ban đầu cho người dùng trong tương lai? Bức tranh lớn hơn cho thấy, với việc theo dõi nhịp tim một cách liên tục, Microsoft sẽ giúp các thiết bị đeo người có bước tiến xa hơn trong vấn đề “người dùng hóa” việc chăm sóc sức khỏe. Đây là xu hướng mà trong đó, người ta càng ngày càng "phá vỡ" kiểu chăm sóc sức khỏe truyền thống với các dữ liệu được thu thập có thể giúp họ tự chẩn đoán, và một điều khác còn đang tranh cãi, đó là việc người dùng có thể “sở hữu” dữ liệu sinh trắc học cá nhân của mình. Nhắc đến tự chẩn đoán. Ngày nay, người ta vẫn đơn giản chỉ là tự tra Google về tình trạng của mình và theo đó là một loạt những đường link dẫn đến những bài viết đáng sợ về ung thư. Ngày nay, họ có thể tự đo lường chính xác dữ liệu sức khỏe của mình và hiển thị nó trên một chiếc máy. Ví dụ như, một dịch vụ online có tên là HealthTap có thể để người dùng (đã đăng ký tài khoản) đăng một câu hỏi nặc danh ngắn (giới hạn 150 từ) cho một cộng đồng 40.000 bác sĩ, và các bác sĩ có thể bình chọn cho câu trả lời của bác sĩ khác. Người dùng có đóng phí có thể đăng tải hồ sơ bệnh án của mình và những thông tin khác cho các bác sĩ này. Ron Gutmann – người sáng lập dịch vụ trên – cho rằng, các bác sĩ trong tương lai “sẽ phải trở thành một nhà khoa học về dữ liệu” để có thể phân tích chính xác dữ liệu đến từ nhiều nguồn, ví dụ như nhịp tim và thông tin về giấc ngủ đến từ một thiết bị đeo người nào đó, hoặc dữ liệu về dinh dưỡng từ những ứng dụng như Runkeeper hay MyFitnessPal. Ông nói: “Các bác sĩ sẽ dành ít thời gian hơn cho những tiểu tiết và dành nhiều thời gian hơn cho việc phân tích dữ liệu”. Thanh Hòa (Theo Telegraph và Fobes) Nguồn Xã hội thông tin