(XHTT) Quần đảo Thổ Chu cách bờ khoảng 200km gồm 8 đảo, trong đó đảo Thổ Chu là lớn nhất, khoảng 10 km2 và có dân sinh sống; các đảo còn lại có tổng diện tích khoảng 1km2. Theo tuyên bố ngày 12/11/1982 của Việt Nam, đã xác định điểm A1 có tọa độ (09015’ Bắc – 103027’ Đông) trên Hòn Nhạn - một đảo nhỏ thuộc quần đảo Thổ Chu (có diện tích khoảng 2.000m² với điểm cao nhất đạt độ cao 40m so với mực nước biển), là một trong những điểm chuẩn đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam. Đây là quần đảo tiền tiêu ở phía Tây Nam của Tổ quốc, giao thông đi lại với đất liền cách trở, điều kiện sinh hoạt trên đảo còn nhiều thiếu thốn, khó khăn. Một góc quần đảo Thổ Chu. Đánh đuổi Khmer Đỏ, giành lại Thổ Chu Vừa thống nhất đất nước được 10 ngày, ngày 10/5/1975, lực lượng Khmer Đỏ bất ngờ dùng tàu đổ bộ LSM và 3 tàu tuần tra PCF đưa quân đánh chiếm đảo Thổ Chu, bắt hơn 500 người dân Việt Nam sinh sống trên đảo đưa về Campuchia và tàn sát toàn bộ. Chỉ một vài người dùng xuồng máy chạy trốn được vào bờ và báo tin cho chính quyền. Không thể nhún nhường họ, Việt Nam quyết định điều lực lượng Hải quân ra giành lại lại quyền kiểm soát và giữ chủ quyền đảo này. Quần đảo Thổ Chu trên bản đồ. Lúc bấy giờ, lực lượng Hải quân ta còn rất nhiều khó khăn. Tám ngày sau khi Khmer Đỏ đánh chiếm đảo Thổ Chu, căn cứ hải quân An Thới, Phú Quốc mới được Quân khu 9 bàn giao lại cho Quân chủng Hải quân. Nhưng với quyết tâm bằng bất cứ giá nào cũng phải bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, Đoàn Hải quân Phú Quốc vẫn dốc toàn lực và phối hợp cùng bộ binh Quân khu 9 để giành lại đảo, trả “nợ máu” cho hàng trăm đồng bào đã bị quân Khmer Đỏ tàn sát. Theo đó, Các tàu thuyền của chế độ cũ nhanh chóng được sửa chữa để sẵn sàng tham gia chiến đấu. Lúc bấy giờ, thông tin về lực lượng đối phương rất sơ lược, chủ yếu thông qua những người dân trốn thoát về cho biết: Trên đảo Thổ Chu có khoảng 1 tiểu đoàn lính Khmer Đỏ, được tăng cường hỏa lực mạnh, có 3 trọng liên 12,7mm, 3 súng cối 60, 81 và 82mm, 1 khẩu ĐKZ 75mm và 1 khẩu ĐKZ 106,7mm. Đối phương bố trí ở bãi Ngự - phía Tây Nam đảo Thổ Chu 1 trung đội, ở bãi Mun và bãi Giang - phía Đông Nam đảo 1 trung đội, ở bãi Cao và Hòn Từ 2 trung đội. 19h35’ ngày 23/5/1975, lực lượng tham gia chiến đấu tái chiếm đảo Thổ Chu tập hợp đội hình ở Bãi Cao Cát - chuẩn bị xuất phát đổ bộ. Hải quân Việt Nam đưa vào trận 2 tàu vận tải (T-643 và T-657) của Đoàn 125, chở theo một phân đội đặc công 39 người, cùng với 3 tàu tuần tiễu PCF, có lượng giãn nước 16 tấn, trang bị trọng liên 12,7mm và súng cối 81mm. Lực lượng đổ bộ là 2 đại đội (140 người) của tiểu đoàn bộ binh 410, trung đoàn 95, Quân khu 9, cùng 1 trung đội địa phương (25 người) của đảo Phú Quốc và 11 cán bộ, dân địa phương dẫn đường. Toàn bộ được chở trên hai tàu đổ bộ cơ giới LCM-8, có lượng giãn nước 113 tấn, trang bị 2 trọng liên 12,7mm của Rạch Giá. Do các tàu PCF, tàu LCM-8 mới tiếp thu được của chế độ cũ, nên ta tạm sử dụng lái tàu và pháo thủ của lực lượng Hải quân Việt Nam cộng hòa trước đây. Trên mỗi tàu tuần tiễu PCF có 4 người lính chế độ cũ và 3 chiến sĩ đặc công đi kèm. Theo kế hoạch, ta sẽ bí mật đổ bộ lên đảo, sau đó đồng loạt nổ súng tấn công các vị trí phòng ngự của quân Khmer Đỏ, dưới sự yểm trợ của hỏa lực trên tàu chiến. Đánh nhanh, thắng nhanh 21h15’, tàu vận tải T-643 bắt đầu tiến vào bờ biển phía Đông Bắc đảo Thổ Chu, đưa phân đội đặc công lên chiếm bãi đổ bộ. 15 phút sau, đặc công đã chiếm được bãi đổ bộ, để 2 tàu đổ bộ LCM-8 đưa bộ binh vào. Sau 45’, các phân đội bộ binh đổ bộ xong. Theo kế hoạch đã được vạch sẵn, phân đội đặc công sẽ tiến công bãi Mun, trung đội địa phương Phú Quốc sẽ chiếm bãi Giang, còn tiểu đoàn 410 sẽ giải quyết hai mục tiêu là bãi Ngự và bãi Nhất. 3h45’ sáng 24/5, Sở Chỉ huy lệnh cho 2 tàu đổ bộ LCM-8 ở lại cảnh giới phía Bắc đảo Thổ Chu, cách bãi đổ bộ chừng 1 hải lý; 3 tàu tuần tiễu PCF vòng qua hướng Tây, dừng lại ở Hòn Khô, sẵn sàng chi viện cho mũi tiến công bãi Ngự; còn 2 tàu vận tải quân sự vòng qua hòn Cao Cát sang phía Đông Nam tạo thành hình cánh cung. 5h15’ sáng 24/5, tiểu đoàn 410 nổ súng đánh chiếm bãi Ngự. Các mũi khác cũng đồng loạt nổ súng theo hiệp đồng trước đó. Ba tàu tuần tiễu PCF tiến vào trước bãi Ngự, dùng hỏa lực trên tàu chi viện cho bộ binh tiến công quân Khmer Đỏ. Ngay từ những phút đầu trận đánh, phân đội đặc công đã làm chủ bãi Mun. Đến 7 giờ sáng, trung đội địa phương đảo Phú Quốc cũng đã làm chủ được một phần bãi Đông, buộc quân Khmer Đỏ phải co cụm trong công sự chống trả. 7h15’ sáng, hai tàu LCM-8 cảnh giới ở phía Bắc đảo phát hiện thấy một tàu lạ tiến tới. Lập tức, 3 tàu tuần tiễu PCF được lệnh vòng lên phía Bắc để kiểm tra, nắm tình hình, sẵn sàng đánh trả. Còn từ hướng Đông Nam, tàu T-643 cũng chở theo một tổ đặc công đến chi viện. 3 tàu PCF tiếp cận tàu lạ và báo về: Trên tàu lạ có nhiều người, có vũ khí và treo cờ đỏ. Hải quân ta lập tức tổ chức vây bắt. Dưới sự yểm hộ của đồng đội, tàu T-643 và một tàu LCM-8 cập sát tàu lạ, bắt sống tàu cùng 40 lính. Tàu T-657 tiến về bãi Đông cũng phát hiện một thuyền máy của quân Khmer Đỏ đi từ Hòn Từ sang, lập tức nổ súng tiêu diệt. Đến 8h30’ sáng, quân ta làm chủ bãi Đông. Riêng ở bãi Ngự, cuộc chiến diễn ra rất quyết liệt. Suốt buổi sáng 24/5, quân Khmer Đỏ dựa vào hai điểm tựa tự nhiên ở phía Bắc và phía Đông Nam của bãi Ngự để chống trả lực lượng của ta. 14h30’ chiều, tàu T-643 và 3 tàu tuần tiễu PCF bắt đầu nổ súng chi viện hỏa lực cho tiểu đoàn 410 trên bãi Ngự. Quân Khmer Đỏ vẫn ngoan cố bắn trả tàu ta bằng súng cối và ĐKZ. Đến 16h chiều, để nhanh chóng giải quyết trận đánh, Sở Chỉ huy tăng viện thêm cho lực lượng tái chiếm đảo 2 tàu tuần tiễu K-62, lượng giãn nước 135 tấn, trang bị 2 pháo 37mm 2 nòng và 2 pháo 25mm 2 nòng. Tàu T-657 lập tức đi đón hai tàu này. 9h sáng 25/5, quân ta tiếp tục tấn công bãi Ngự. Được tăng cường thêm hai tàu tuẫn tiễu, hỏa lực yểm hộ bộ binh mạnh lên rõ rệt. Hải quân ta kiên quyết dùng pháo 37mm khống chế cao điểm Đông Nam bãi Ngự, và dùng pháo 25mm bắn bộ binh địch. Kinh hoàng trước hỏa lực của ta, quân Khmer Đỏ nhanh chóng tan rã. Điểm tựa phía Bắc bãi Ngự bị ta chiếm, hơn 100 lính Khmer Đỏ ra hàng. Đến 12h trưa, điểm tựa phía Đông Nam cũng bị hạ, 56 lính Khmer Đỏ cũng ra hàng. 18 lính khác chạy ra bãi Mun cũng phải đầu hàng bộ đội đặc công ta ở đây. Quân ta giành quyền kiểm soát toàn đảo Thổ Chu và sau đó, triển khai đánh chiếm nốt các đảo còn lại. Đến ngày 27/5/1975, trận đánh kết thúc. Sau 3 ngày chiến đấu, lực lượng hỗn hợp của Hải quân Nhân dân Việt Nam và Quân khu 9 đã toàn thắng, giành lại chủ quyền đối với quần đảo Thổ Chu. Thanh Trà (tổng hợp) Nguồn Xã hội thông tin