Thiết bị đeo không chỉ dành cho thị trường tiêu dùng mà còn được sử dụng rất nhiều trong y tế, quốc phòng và hàng không vũ trụ, doanh nghiệp… Thiết bị đeo trong y tế, thể thao Các nhà phân tích dự báo thị trường công nghệ thiết bị đeo trong y tế tăng trưởng CAGR với tốc độ 50% trong giai đoạn 2012-2016 và dự kiến sẽ đạt doanh thu 8,1 tỷ USD vào năm 2018. Một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào sự tăng trưởng của thị trường này là sự đổi mới công nghệ, nhưng đó cũng là một thách thức khi mọi thứ về thiết bị đeo chỉ mới bắt đầu. Trong lĩnh vực y tế thì dòng sản phẩm thiết bị đeo được phân thành các nhóm với những tính năng chuyên biệt. 4 nhóm chính được ứng dụng công nghệ đeo trong y tế là: Vital Signs Monitoring - chuyên dùng để giám sát các dấu hiệu bệnh lí quan trọng; In Vivo/Implants - thiết bị vô tính/cấy ghép sinh học; Chronic Disease management – thiết bị quản lý bệnh mãn tính; và cuối cùng là Brain/Eye Movement – thiết bị tương tác não bộ và chuyển động của mắt. Bộ đồ Neoman của AiQ Một số nhà cung cấp sản phẩm thiết bị đeo đáng chú ý trên thị trường bao gồm The AiQ Smart Clothing – nhà sản xuất quần áo thông minh trang bị cảm ứng theo dõi cơ thể như lượng calo, nhịp tim, hô hấp, nhiệt độ cơ thể… Trong lĩnh vực này còn nổi lên các công ty khác như Heapsylon chuyên sản xuất “tất thông minh”. Quần áo giữ nhiệt đến từ Kolon Glotech của Hàn Quốc, hay T.Ware đến từ Singapore với sản phẩm T.Jacket có tính năng theo dõi vị trí và các hoạt động của trẻ. Chăm sóc bệnh mãn tính nổi lên với BodyTel Europe GmbH đến từ nước Đức. Những sản phẩm đáng chú ý của nhà sản xuất này bao gồm máy đo đường huyết, hệ thống thiết bị quản lý bệnh tiểu đường Gluco Tel, hay Pressure Tel – thiết bị giám sát lượng máu tại bắp tay, thiết bị giám sát bệnh béo phì WeightTel. Hệ thống chăm sóc sức khỏe của BodyTel Europe GmbH Ngoài ra hàng loạt công ty khác đang có những sản phẩm đã được định hình trên phân khúc y tế như Danfoss PolyPower A/S đến từ Đan Mạch, DexCom, Polar Electro - đến từ Mỹ, Philips Healthcare đến từ Hà Lan Dòng sản phẩm như Google Glass, Samsung Gear, Fitbit… có thể đã chứng minh được các chức năng của nó làm cuộc sống của người sử dụng dễ dàng hơn. Nhưng công nghệ cấy ghép có thể thay đổi nhiều hơn đối với cơ thể con người. Ban đầu chủ yếu sẽ thay thế một số tiện ích và tiến xa hơn thay thế một số cơ quan của cơ thể, tăng cường khả năng tự nhiên của con người. Cấy ghép tai nghe Nếu sử dụng một tai nghe cho người khiếm thính có quá nhiều rắc rối thì người dùng bây giờ có thể cấy ghép trực tiếp thiết bị nghe vào bên trong tai. Rich Lee đến từ Utah là một trong những "biohackers” (những người tích hợp công nghệ cơ thể) đã tiên phong trong việc tích hợp thiết bị phát vào tai nghe. Với tai được cấy ghép, Lee có thể nghe nhạc với một cuộn dây đeo quanh cổ của mình, có thể chuyển đổi âm thanh thành các trường điện từ, tạo ra 'tai nghe nội bộ'. Thuốc mật khẩu – password pill Cơ thể con người sẽ trở thành một thiết bị xác thực. Nhờ công nghệ tương tự với giao tiếp gần NFC, Motorola đang phát triển thiết bị RFID kích hoạt bằng mật khẩu. Thiết bị có thể được cấy vào cơ thể người dùng cùng với các dữ liệu liên quan. Thiết bị này sẽ khiến mọi rắc rối liên quan đến mật khẩu được loại bỏ, cơ thể của người dùng trở thành thiết bị xác thực cho xe hơi, cửa ra vào, ổ khóa cá nhân… Dấu sinh học – Biostamp Sự gia tăng của các cuộc cách mạng kỹ thuật số giúp mọi người có thể theo dõi nhịp tim của họ thông qua điện thoại thông minh và smartwatch. Nhưng những biostamp ở dạng hình xăm điện tử có khả năng thu thập các tin hiệu điện từ não bộ và theo dõi nhiệt độ cơ thể, nhịp tim. Các thông tin lấy từ cơ thể con người sau đó sẽ được gửi trực tiếp đến các bác sĩ. Điều này sẽ tạo khả năng phục hồi nhanh hơn đối với bệnh nhân sau phẫu thuật. Thiết bị đeo trong quân sự Những người lính trong tương lai rất có thể sẽ là nhân vật chính của ứng dụng sản phẩm công nghệ đeo. Nhiều quốc gia trên thế giới đang nhìn thấy giải pháp thiết bị đeo sẽ là nhu cầu thiết yếu trên chiến trường. Thiết bị đeo đã được giới thiệu cho quân đội Mỹ vào năm 1989. Đây là một máy tính nhỏ có khả năng hỗ trợ binh sĩ tại chiến trường. BioHarness hay MC10 là những ví dụ điển hình. Cảm biến BioHarness được tích hợp trong áo sơ mi và đo được mức độ căng thẳng của lính cứu hỏa, bộ binh và thậm chí cả các phi hành gia. Còn MC10 là cảm biến cho mũ bảo hiểm có thể xác định những vết thương vào đầu. Các cảm biến này được đặt vào bên trong trang phục của người lính và hình thành nên hệ thống theo dõi cơ thể từ nhịp tim đến nhiệt độ để tạo ra nguồn dữ liệu phục vụ cho huấn luyện và chiến đấu. Thậm chí các cảm biến này có thể phát hiện các tác động của đạn hoặc chấn thương để nhanh chóng điều trị. Cảm biến BioHarness được tích hợp trong áo sơ mi và đo được mức độ căng thẳng của lính cứu hỏa, bộ binh và thậm chí cả các phi hành gia. QinetiQ North America là nhà cung cấp lớn trong lĩnh vực wearable dành cho ngành quân sự trong hệ thống Gunshot Detection. Hãng này đã cung cấp hệ thống thiết bị đeo SWATS (Shoulder-Worn Acoustic Targeting System) hỗ trợ phát hiện tiếng súng để bảo vệ người lính. Thiết bị đeo này có khả năng phát hiện nguồn gốc của đạn bắn ra trong vòng chưa đầy một giây nhằm giảm thiểu thương vong. Hãng này đã triển khai thiết bị đeo này từ năm 2007 và đến hiện tại đã trang bị hơn 17 ngàn hệ thống SWATS cho binh sĩ Mỹ. Gần đây nhất QinetiQ North America đã ký hợp đồng cung cấp thiết bị cho quân đội Đức. MC10 là cảm biến gắn trên mũ người lính có thể xác định những vết thương vào đầu. Ngoài vấn đề thể chất ra thì các thiết bị đeo trong quân sự còn có nhiều tính năng khác, ví dụ như cải thiện tính di động. Bộ năng lượng mặt trời được phát triển ở Anh cho phép trang phục quân sự có thể thu thập năng lượng mặt trời giảm đáng kể trọng lượng của ba lô truyền thống có chứa pin mà người lính phải mang theo để cung cấp điện cho các thiết bị. Họ cũng sử dụng các nguồn năng lượng sạch, tái tạo và tăng cường tính độc lập đối với các nguồn năng lượng truyền thống. Air Warrior cho phép phi công quan sát, điều khiển máy bay trực thăng và các phương tiện bay thấp tốt hơn. Thiết bị đeo dành cho phi công chiến đấu có một số sản phẩm đáng chú ý. Công ty Raytheon của Mỹ đang phát triển hệ thống điều khiển dành cho phi công máy bay trực thăng và máy bay chiến đấu, thậm chí hệ thống này không cần người lái trên máy bay. Thiết bị này được trang bị công nghệ “nhận thức tình huống” cho phép cảm nhận và nghe tất cả mọi thứ xảy ra xung quanh máy bay mà không cần trực tiếp ngồi trong buồng lái. Thiết bị kết nối, kính hiển thị thông tin và hệ thống hỗ trợ sự sống cho phi công. Mũ phi công Air Warrior đang được quân đội Mỹ sử dụng tại chiến trường Afghanistan. Mũ thuộc dự án này cho phép phi công quan sát, điều khiển máy bay trực thăng và các phương tiện bay thấp tốt hơn. Ứng dụng thiết bị đeo trong doanh nghiệp Thiết bị đeo có tiềm năng ứng dụng lớn đối với các doanh nghiệp trong thời đại kỹ thuật số. Bất cứ ai cũng có thể đưa thông tin hữu ích nhất với tốc độ nhanh nhất giúp cho việc ra quyết định quan trọng đạt được lợi thế cạnh tranh. Và đây cũng là một yếu tố quan trọng có thể giúp thúc đẩy sự phát triển của thiết bị đeo. Ngày càng nhiều công ty trang bị thiết bị đeo trên người cho nhân viên, vừa cung cấp một thiết bị hỗ trợ huấn luyện thể lực đồng thời các nhà quản lý còn có thể quản lý vấn đề sức khỏe của nhân viên một cách tập trung hơn. Người khổng lồ trong ngành dầu khí BP đã hợp tác với trung tâm quản lý y tế StayWell để trang bị Fitbit cho nhân viên. Đây là một trong nhiều chương trình Wellness BP của công ty này nhằm khuyến khích nhân viên tăng cường hoạt động thể chất, cải thiện sức khỏe. Mục tiêu của ý tưởng này là tạo ra lực lượng lao động khỏe mạnh trong bối cảnh chi phí bảo hiểm chăm sóc sức khỏe đang tăng lên. Cùng chung ý tưởng và mục đích là công ty phần mềm Autodesk (ADSK), chương trình đã được công ty thực hiện vào năm 2011. Giám đốc điều hành James Park của Fitbit thông báo với giới truyền thông rằng, hiện đã có hơn 30 công ty trong danh sách Fortune 500 đang sử dụng sản phẩm đeo trên người dành cho việc theo dõi sức khỏe. Thông tin này cũng có thể được sử dụng bởi các bác sĩ trong trường hợp chấn thương hoặc các tổn thương khác. Công nghiệp thời trang Năm ngoài, một cuộc trình diễn tại Tuần lễ thời trang New York bởi nhóm Cute Circuit minh họa cho một phần tương lai của ngành công nghiệp thời trang khi tích hợp thiết bị đeo lên trang phục của mình. Cute Circuit được thành lập bởi bộ đôi nhà thiết kế Francesca Rosella và nghệ sĩ Ryan GENZ. Hai người đã cùng làm việc với nhau trên các công nghệ điều khiển điện thoại trong hơn 10 năm và phần ấn tượng của họ chính là thiết bị wearable. Sau khi phát hành album thứ hai "Nocturne" nghệ sĩ electropop người Anh Little Boots (hay còn gọi là Victoria Hesket) đã quyết định sử dụng chiếc váy giống như trong Cô bé Lọ Lem với hệ thống đèn LED gắn kèm dành cho tour diễn thế giới của cô. Nhà thiết kế New York - Michelle Wu là một người mới trong lĩnh vực ứng dụng wearable tạo ra trang phục. Chiếc váy của ông thiết kế cho Little Boots là sự phát triển mở rộng của công nghệ cảm ứng của lưới đèn LED Tenori-On, chiếc váy này có khả năng kiểm soát âm thanh và hiệu chỉnh âm nhạc. Chiếc váy giống như trong Cô bé Lọ Lem với hệ thống đèn LED. Các nhà thiết kế tại Studio Roosegaarde đã tạo ra một chiếc váy khêu gợi có tên là "Intimacy" có khả năng giám sát nhịp tim người mặc khi tiến hành các cuộc gặp gỡ hẹn hò thân mật. Các nhà thiết kế đã tạo ra hai phiên bản của trang phục đã có, và hiện đang tìm kiếm các chuyên viên thời trang cao cấp để phát triển phiên bản thứ 3, được gọi là Intimacy 3.0. Intimacy 2.0 byBorre là thương hiệu thời trang đang dẫn đầu trong việc ứng dụng thiết bị đeo với dòng sản phẩm BB.Suit. Sản phẩm này được tích hợp thiết bị điện tử ngay trên các tấm vải, một trong những tính năng đáng chú ý là khả năng kết nối Wi-Fi. Đây là những thương hiệu, nhà thiết kế thời trang đã sử dụng công nghệ thiết bị đeo để tạo ra trang phục. Mặc dù cũng đang vào thời điểm manh nha phát triển nhưng xu hướng ứng dụng thiết bị đeo là một phần không thể thiếu của ngành thời trang trong tương lai. PC World VN, 05/2014 Nguồn PC World VN