Đột nhiên, ngành công nghiệp di động bừng tỉnh nhận ra một thực tế là chúng ta không thể lúc nào cũng có kết nối Internet. 20 năm qua, ngành công nghiệp điện tử đã nỗ lực để kết nối mọi thiết bị có thể vào mạng Internet qua môi trường không dây, từ PC tới TV, máy ảnh, các hệ thống loa và dĩ nhiên là cả smartphone cũng như đủ loại thiết bị không dây khác. Smartphone của bạn có thể kết nối không dây thông qua mạng viễn thông di động băng rộng, Wi-Fi và Bluetooth. Cách nào cũng nhanh, đáng tin cậy và hầu như luôn sẵn sàng cho bất kỳ lúc nào. Vậy tại sao giờ đây lại có xu hướng rầm rộ tạo ra các ứng dụng offline, để thiết bị sử dụng ngay cả khi không có kết nối Internet? Giấc mơ chưa xa Những năm trước đây, đã từng có giấc mơ kết nối mọi thứ trên toàn thế giới. Toàn bộ các thành phố đều được phủ kín sóng Wi-Fi. Các trạm phát sóng viễn thông được thiết lập dày đặc khắp các vùng, miền. Những trạm vệ tinh địa tĩnh sẽ cung cấp kết nối Internet nhanh chóng cho tất cả mọi người, ở bất cứ đâu. Hãy xem những dự định hoành tráng của công ty Teledesic với sự hậu thuẫn của Bill Gates trong thập niên 1990: “Teledesic rồi đây sẽ cung cấp truy cập băng thông rộng viễn thông cho các doanh nghiệp, trường học và người dùng ở khắp mọi nơi trên hành tinh”. Teledesic đã dừng kinh doanh vào năm 2002, nhưng giấc mơ đẹp của công ty đã gần với hiện thực. Kết nối Internet gần như hiện diện khắp nơi. Và giờ đây, các công ty lại bắt đầu làm điều có vẻ ngược lại: Phát triển các ứng dụng và dịch vụ chạy offline. Thực tế là gần đây nhiều ứng dụng và dịch vụ offline đã đua nhau trình làng. Offline đem lại tiện dụng Google vừa mới cập nhật Google Maps cho phép xem bản đồ offline tốt hơn trên cả iOS và Android. Ứng dụng cho phép bạn chọn một khu vực rồi chạm một nút để tải về dữ liệu bản đồ, lưu lại trên điện thoại tiện cho sử dụng về sau, không cần phải kết nối Internet. Phiên bản Android của Google Search cũng đã có chế độ offline cho tính năng Google Now. Nghĩa là Google Search có thể nghe câu hỏi của bạn mà không cần có một kết nối mạng. Google cũng đang cải tiến Chrome OS để đưa các ứng dụng offline lên Chromebook. Chẳng hạn giờ đây bạn đã có thể sử dụng email, thêm các cuộc hẹn vào lịch… trên Chromebook mà không cần phải có kết nối Internet. Rồi đây, Chromebook sẽ có khả năng tải về và phát offline các chương trình TV và phim ảnh. Ứng dụng Facebook trên Android vừa được bổ sung tính năng offline. Người dùng Facebook đã có thể tạo bài viết và post lên Facebook ngay cả khi thiết bị không có kết nối Internet, hoặc kết nối quá yếu hoặc máy đang ở chế độ máy bay. Nội dung sau đó sẽ được tải ngay lên trang cá nhân của bạn khi kết nối đủ mạnh. Square là một sản phẩm và dịch vụ điểm thanh toán (PoS) cho điện thoại và máy tính bảng mà cho phép các công ty nhỏ và hộ kinh doanh gia đình chấp nhận thẻ tín dụng và thanh toán nói chung. Công ty đang quảng cáo giải pháp của mình đã chạy cả trong chế độ offline, cho phép các công ty chấp nhận khách hàng thanh toán bằng thẻ tín dụng cả khi mất kết nối Internet. Một khi kết nối được tái lập, các khoản thanh toán sẽ được xử lý. Kết nối Offline Xu hướng kết nối offline là để thiết bị vẫn hoạt động bình thường cho mọi tình huống, cả khi không thể truy cập Internet. Một công nghệ mới trên iOS 7 của Apple, gọi là Multipeer Connectivity Framework (kết nối mạng ngang hàng nhiều máy), cho phép kết nối ở những nơi không có Internet. Nó thực hiện điều này bằng cách thiết lập mạng không dây hình lưới (mesh), hoặc ngang hàng (peer-to-peer), bằng các ứng dụng được thiết kế nhằm hỗ trợ công nghệ Multipeer Connectivity Framework. Mạng không dây hình lưới có thể được tạo ra bằng cách sử dụng các nút mạng (node) vô tuyến mà có thể kết nối và được kết nối với các thiết bị không giây khác trong mạng, tạo thành một chuỗi kết nối ngang hàng tùy biến. Tùy thuộc vào các ứng dụng, hai loại mạng có thể được hình thành với công nghệ Multipeer Connectivity Framework. Một là dạng mạng biệt lập, mà được hình thành khi 10 thiết bị kết nối và giao tiếp với nhau nhưng không hề có kết nối Internet. Loại kia là một chuỗi các thiết bị kết nối với nhau và với một thiết bị có kết nối Internet, do đó các thiết bị đều được kết nối với Internet. Để rõ hơn, giả sử có 3 người A, B và C muốn chat với nhau. Với kết nối không dây thông thường, mỗi người trong số họ sẽ phải nằm trong cùng vùng phủ sóng của một mạng Wi-Fi hoặc di động viễn thông. Đó là kiểu cấu hình mạng mà mỗi thiết bị đều kết nối với một hub. Với mạng không dây hình lưới, A, B và C có thể thiết lập một mạng biệt lập của riêng họ hoặc có thể tạo thành một chuỗi kết nối Internet. Trong trường hợp mạng biệt lập, không ai trong số họ có thể truy cập Internet, nhưng 3 người có thể kết nối với nhau trong mạng riêng hình lưới của chính họ. Và họ có thể tạo thành một chuỗi nếu một trong số 3 người này đã có một kết nối Internet. Giả sử A có một kết nối Wi-Fi, trong khi B và C không có nhưng lại gần A. Trong trường hợp đó, B có thể kết nối với A qua Bluetooth và C có thể kết nối với B qua WiFi, và họ có thể chia sẻ kết nối của A. FireChat là một trong những ứng dụng đầu tiên hỗ trợ Multipeer Connectivity Framework. Ứng dụng cho phép mọi người liên lạc với nhau, ngay cả khi họ đang ở một khu vực không có kết nối Internet không dây. FireChat sử dụng cả sóng Bluetooth và Wi-Fi trên smartphone hay máy tính bảng iOS hoặc Android để tạo ra một mạng hình lưới. Đây là một kịch bản FireChat cơ bản: giả sử bạn tổ chức một hội nghị tại một khách sạn nhỏ nơi các phòng hội nghị tầng hầm không có kết nối viễn thông di động băng rộng hay Wi-Fi. Nếu tất cả những người dự họp đều sử dụng FireChat, họ sẽ có thể có được một kết nối Internet, ngay cả những người ở tầng hầm. Các thiết bị của những người trên sảnh đợi sẽ liên kết trực tiếp đến các thiết bị của người tham dự trên các cầu thang bộ và trong thang máy, hình thành các chuỗi kết nối xuống các phòng và hành lang bên dưới. Lưu ý rằng FireChat được thiết kế để mở rộng phạm vi của Internet, và yêu cầu ít nhất một thiết bị trong chuỗi kết nối online. Một ứng dụng iOS khác, gọi là HelloChat, được thiết kế để hoạt động mà không hề có bất kỳ kết nối Internet nào. Ứng dụng nhằm tạo ra mạng nội bộ kết nối các thiết bị với nhau. Rõ ràng là, FireChat cũng như HelloChat nhìn chung không tạo kết nối. Chúng chỉ tạo ra khả năng để sử dụng các công cụ nhắn tin hoặc trò chuyện trong những khu vực không có kết nối Internet. Mạng không dây hình lưới tồn tại đã lâu. Nhưng với công nghệ Multipeer Connectivity Framework của Apple, kiểu mạng này mới phát huy tác dụng để kết nối người dùng thiết bị di động. Rõ ràng là ngành công nghiệp di động cuối cùng đã từ bỏ ý tưởng cung cấp kết nối Internet cho mọi người bất kể ở đâu và khi nào. Và trong tháng vừa qua, chúng ta đã thấy một làn sóng mới của các sản phẩm và dịch vụ giúp người dùng sử dụng thiết bị offline. Nguồn PC World VN