(XHTT) Nói với với BBC hôm 23/5 từ Viện Nghiên cứu Quốc gia về Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông của Pháp tại Paris (INALCO), Giáo sư Francois Huchet cho rằng tính toán của ê kíp lãnh đạo do ông Tập Cận Bình đứng đầu có thể đang dẫn tới "một sai lầm lớn". Sai lầm này có thể xảy ra với Trung Quốc, khi hàng loạt các quốc gia láng giềng ở khu vực lần lượt bị đẩy tới thế "bắt tay nhau" trong một dạng thức "liên minh mới" được Hoa Kỳ hậu thuẫn để đối lại Trung Quốc. Cựu Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc Đương đại thuộc Đại học Rennes II của Pháp, nói: "Sau một loạt các diễn biến, tôi cho rằng Trung Quốc đã đang nhận thấy một tình thế nguy hiểm, bên bờ xảy ra, khi một loạt quốc gia xung quanh Trung Quốc từ Nhật Bản tới Việt Nam, hay Philippines và Hàn Quốc thảo luận với nhau và đều nổi giận với Trung Quốc. "Tôi nghĩ sẽ ngày một khó khăn hơn cho Trung Quốc đẩy tới các áp lực và đưa ra các hành động khiêu khích khác trong tương lai." Tàu Trung Quốc ngang ngược phun vòi rồng vào tàu Việt Nam Trước câu hỏi liệu động thái đưa giàn khoan HD-981 của Trung Quốc vào khu vực Hoàng Sa trên Biển Đông có phải là một động thái và tính toán "khôn ngoan" hay không, nếu Việt Nam, quốc gia lâu nay vẫn bị Trung Quốc gây áp lực về chủ quyền biển đảo, tìm cách tiếp cận gần hơn nữa với Hoa Kỳ và xoay hẳn lưng lại với Trung Quốc, GS Huchet nói: "Rõ ràng là nếu Trung Quốc tiếp tục tỏ ra hung hăng trên các vùng biển ở khu vực như họ đã làm đặc biệt trong hai ba năm trở lại đây, chắc chắn các quốc gia bị thách thức và khiêu khích trong vùng sẽ tìm kiếm sự bảo vệ từ Hoa Kỳ. "Chúng ta đã thấy xuất hiện hàng loạt các tuyên bố giữa các quốc gia đó với Hoa Kỳ, với Hoa Kỳ cũng tích cực hoạt động và hiện diện nhiều hơn trong khu vực trong hai năm trở lại đây". "Tổng thống Obama đã nói Hoa Kỳ muốn trở lại ở khu vực và Hoa Kỳ cũng đã đang có lập trường rất mạnh mẽ, như trong chuyến thăm gần đây ở châu Á, tại Nhật Bản, ông Obama đã nói quần đảo Senkaku thuộc quyền tài phán của người Nhật Do đó Hoa Kỳ đưa quần đảo này vào vùng ảnh hưởng của mình. Từ đó, tôi nghĩ rằng mọi sự sẽ trở nên khó khăn hơn cho Trung Quốc nếu họ tiếp tục hung hăng, lấn tới". "Bởi vì các hành động này của Trung Quốc không chỉ gây ra các xung đột đơn lẻ với từng quốc gia mà Trung Quốc khiêu khích, thách thức, mà còn tạo ra một dạng thức liên minh mới với Hoa Kỳ. Mà liên minh này sẽ không chỉ giới hạn ở các khu vực như Biển Đông, hay biển Hoa Đông, mà cũng liên quan tới cả nơi khác như Ấn Độ". "Hiện tại Ấn Độ đang tìm kiếm nhiều hơn một liên minh với Hoa Kỳ từ năm 2005 tới nay, do đó, ở chung quanh Trung Quốc, có thể ngoại trừ Pakistan, Kazakhstan hoặc Triều Tiên - quốc gia có quan hệ đặc biệt với Trung Quốc. Nhưng chúng ta thấy một dạng liên minh để bảo đảm rằng Trung Quốc sẽ không dám hung hăng hơn và không dám mở rộng ảnh hưởng của nước này quá xa." Trung Phạm (theo BBC) Nguồn Xã hội thông tin