Một nghiên cứu mới phát hiện, mọi người thường có xu hướng tìm kiếm bạn đời có các điểm tương đồng về ADN với mình. Điều đó đã chứng minh câu thành ngữ "ngưu tầm ngưu, mã tầm mã" trong hôn nhân là đúng đắn. Nhiều nghiên cứu từng chỉ ra rằng, con người có xu hướng kết hôn với đối tượng có điểm chung với mình về nền tảng giáo dục, tầng lớp xã hội, chủng tộc và thậm chí cả trọng lượng cơ thể. Hiện tượng này được gọi là "hôn phối tương xứng". Các đôi vợ chồng được phát hiện có nhiều điểm tương đồng về ADN hơn so với những cặp ngẫu nhiên. (Ảnh minh họa: Shutterstock) Câu hỏi đặt ra với các nhà nghiên cứu là, liệu các khác biệt trong "hôn phối tương xứng" có rõ rệt ở cấp độ di truyền hay không. Nhà nghiên cứu Benjamin Domingue đến từ Đại học Colorado (Mỹ) và các cộng sự đã phân tích dữ liệu di truyền của 825 người Mỹ da trắng, không có gốc gác Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Họ đã tiến hành so sánh sự tương đồng về ADN giữa các cặp vợ chồng với sự tương đồng của những cá nhân ngẫu nhiên chưa kết hôn. Kết quả hé lộ, các cặp vợ chồng có nhiều đoạn ADN tương tự nhau hơn so với các cặp đôi lựa chọn ngẫu nhiên. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu nhận thấy, gene chỉ chiếm một vị trí nhỏ trong nhiều đặc điểm đã được con người sử dụng để tìm kiếm "một nửa" của mình, kể cả gốc gác địa lý, trí thông minh, học vấn, ... Các chuyên gia khám phá ra rằng, sau khi kiểm soát yếu tố nền tảng giáo dục và trình độ học vấn, ảnh hưởng của di truyền đã giảm 42%. Nhìn chung, nền tảng giáo dục và trình độ học vấn có ảnh hưởng lớn gấp 3 lần các gene trong quyết định chọn vợ, chọn chồng của các cá nhân. Theo các chuyên gia, mặc dù chỉ có tác động nhỏ, nhưng sự tương đồng về mặt di truyền có ảnh hưởng đến chuyện hôn phối. Nhóm nghiên cứu kết luận rằng, quyết định chọn vợ, chọn chồng rốt cuộc không ngẫu nhiên về mặt di truyền. Nguồn KhoaHoc.com.vn