Công nghệ điện ảnh kỹ thuật số ra đời mang đến những bộ phim với độ phân giải và dải động tốt hơn hình ảnh phim nhựa 35mm truyền thống. Việc chuyển từ phim nhựa sang phim kỹ thuật số có nhiều lợi ích về mặt kinh tế, môi trường và thực tế. Nhưng khi số sản phẩm phim ảnh kỹ thuật số ngày càng tăng, vấn đề mới sẽ nảy sinh là việc bảo quản. Những bộ phim mà bạn yêu thích có thể thuộc thể loại kinh điển như “Cuốn theo chiều gió”, hay loại hiện đại như “Ở nhà một mình”, cũng có thể là loại bom tấn như “Captain America”. Hãy hình dung nếu một ngày nào đó những bộ phim này biến mất và bạn có thể không bao giờ xem lại chúng trên màn ảnh lớn được nữa. Bạn không cần phải lo chuyện này sẽ xảy ra vì hầu hết các hãng phim lớn đều đang nỗ lực để bảo vệ tài sản quý báu của họ. Họ có thể thực hiện việc này một cách hữu hiệu và ít tốn kém bởi lẽ phim quang hóa không đắt tiền và dễ bảo quản. Chỉ cần một phòng lạnh với độ ẩm hợp lí là có thể lưu trữ loại phim được xử lý hóa học trong hơn 100 năm. Các nhà lưu trữ phim đều biết điều này vì vẫn còn đó nhiều tác phẩm từ những ngày đầu tiên của ngành điện ảnh, được sản xuất trong thập niên đầu của thế kỷ 20 hay trước đó. Nhiều thế kỷ sau, khán giả vẫn có thể dễ dàng truy cập những gì được lưu trên các loại phim nhựa này, chỉ cần một nguồn ánh sáng và một thấu kính. Thậm chí ngay cả khi người xem không có thông tin về cách làm ra những bộ phim này. Với sự xuất hiện của công nghệ điện ảnh kỹ thuật số, hầu hết phim ngày nay không còn được quay trên phim nhựa nữa mà được ghi lại bằng bit và byte với các loại máy quay điện tử chuyên dùng. Độ phân giải và dải động của hình ảnh kỹ thuật số có thể tương đương hay tốt hơn phim nhựa 35mm truyền thống, nên thường không bị mất chất lượng. Quả thật, việc chuyển từ phim nhựa sang phim kỹ thuật số có nhiều lợi ích về mặt kinh tế, môi trường và thực tế. Đó là lý do hơn 80% các rạp chiếu phim ở Mỹ không còn chiếu phim nhựa. Họ hoàn toàn dùng máy chiếu kỹ thuật số và hệ thống trình chiếu kỹ thuật số. Nói chung thì việc chuyển tiếp này là một lợi điểm đối với các nhà làm phim và cả với người xem. Nhưng khi số sản phẩm phim ảnh kỹ thuật số ngày càng tăng, một vấn đề nhức nhối mới sẽ nảy sinh, đó là việc bảo quản. Phim kỹ thuật số không dễ bảo quản lâu dài như loại phim nhựa cũ. Năm 2007, Ủy ban Khoa học và Công nghệ trực thuộc Viện Nghệ thuật và Khoa học Điện ảnh Mỹ đã ước đoán rằng chi phí bảo quản hàng năm cho một bản gốc phim kỹ thuật số có dung lượng 8,3 terabyte là vào khoảng 12.000 USD, gấp 10 lần chi phí bảo quản một bản gốc phim nhựa truyền thống. Con số này dựa trên chi phí hàng năm là 500 USD mỗi terabyte để lưu trữ có quản lý hoàn toàn 3 bản. Dù đã có giảm từ khi bản báo cáo này được công bố, mức chi phí này vẫn còn khá cao. Chi phí trên không bao gồm tiền bảo quản các phiên bản dự trữ hay tài liệu nguồn của bộ phim hay chi phí duy trì khả năng truy cập tác phẩm kỹ thuật số, vì định dạng tập tin, phần cứng và phần mềm sẽ bị thay đổi theo thời gian. Kho lưu trữ phim Hollywood tại Viện Nghệ thuật và Khoa học Điện ảnh Mỹ hiện có 4 hầm lưu trữ với hệ thống điều hòa và chứa 70.000 bộ phim. Quá trình sản xuất phim ảnh luôn yêu cầu phải có nhiều thành phần khác nhau (và nay là các tập tin kỹ thuật số) mà khán giả sẽ xem trong rạp chiếu trong hoặc ngoài nước. Bảng sau cho thấy các thành phần này và tùy theo tuổi thọ chúng sẽ được tô màu khác nhau. Màu vàng dùng cho các tập tin được sử dụng, màu xám cho các thành phần được lưu trữ và màu vàng có khung xám cho các tập tin được sử dụng và cũng được lưu trữ. Nếu chụp ảnh bằng camera số hay quay video trên smartphone và lưu trữ tập tin trên laptop, bạn cũng gặp phải vấn đề tương tự dù ở quy mô nhỏ hơn. Mỗi vài năm, bạn phải chuyển tất cả nội dung số đó sang một phương tiện ghi khác nếu không sẽ bị mất hết. Có thể tránh phiền phức trên bằng cách lưu trữ các bộ sưu tập số của mình lên đám mây, nhưng hãy nhớ rằng không có dịch vụ đám mây nào mà bạn có thể tin cậy là sẽ lưu trữ dữ liệu mãi mãi. Khi trang web lưu trữ hình ảnh Digital Railroad thình lình đóng cửa vào năm 2008, trang này chỉ cho người dùng 24 giờ để tải xuống hình ảnh của họ trước khi ngưng hoạt động. Có nhiều nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp và các cửa hàng nhiếp ảnh đã bị mất các sản phẩm nhiều năm của họ vì không kịp tải xuống. Đây không phải là cuộc khủng hoảng bảo quản phim ảnh đầu tiên. Trước khi ngành công nghiệp điện ảnh chuyển sang dùng loại phim nhựa an toàn chống cháy trong thập niên 1950, phim ảnh được ghi trên loại phim nhựa có gốc nitrát rất dễ bắt lửa. Loại phim này khi cháy tạo ra ôxy, do đó một khi bắt lửa sẽ hầu như không thể dập tắt. Các nhà sản xuất phim trước đây cũng không thực sự chú ý đến việc bảo quản. Nhiều lần người ta đã đốt thiêu hủy phim nhựa nitrát vì các phim này không đáng được lưu trữ. Theo các nhà nghiên cứu của Thư viện Quốc hội Mỹ, khoảng nửa số phim truyện sản xuất tại Mỹ trước năm 1950 và 20% phim của thập niên 1920 vẫn còn tồn tại. Những phim trước đây mà còn tồn tại là phần lớn nhờ vào nỗ lực của các nhà sưu tập tư nhân và của các tổ chức. Người dùng đã bắt đầu thay đổi thói quen khi có video gia đình, các loại đầu phát VHS, Betamax và sau đó là DVD, Blu-ray cùng xu hướng xem phim trên Internet hiện nay. Điều này càng khiến các hãng phim có động cơ kinh tế mạnh mẽ để bảo quản nội dung phim ảnh. Mỗi vài năm, tài liệu cũ có thể được bán cho khán giả mới và các đầu phim ít hấp dẫn hơn vẫn còn có thể sinh lợi. Vì thế, các hãng phim lớn của Hollywood đã đầu tư vào phương tiện lưu trữ phim. Ngày nay, các hãng phim có khuynh hướng giữ lại mọi thứ, từ các phiên bản khác nhau của bộ phim hoàn chỉnh cho đến âm bản camera gốc, dữ liệu camera gốc (đối với phim quay bằng kỹ thuật số), bản thu âm thanh gốc, các ảnh tĩnh chụp tại cảnh quay, bản thảo có ghi chú và nhiều thứ khác. Khi hết dùng phim nhựa analog, các nhà sản xuất và lưu trữ phim phải đương đầu với nhiều vấn đề mới, hầu hết xuất phát từ việc các thông tin kỹ thuật số lưu trong bản gốc của bộ phim chỉ trình bày bộ phim một cách gián tiếp. Nhiều lớp khác nhau như phương tiện lưu trữ, giao diện phần cứng và phần mềm giữa phương tiện lưu trữ cũng như loại máy tính được sử dụng, hệ điều hành và hệ thống tập tin của máy tính, định dạng tập tin âm thanh và hình ảnh kỹ thuật số, phần mềm ứng dụng âm thanh và xử lý hình ảnh… tất cả đều phải hoạt động hài hòa để biến mã nhị phân thành phim ảnh. Nhiều phim thời đó đã bị hủy vì các hãng phim không thấy có giá trị để bảo quản. Ngược lại, các hãng phim ngày nay có khuynh hướng lưu mọi thứ, nhưng lưu trữ các sản phẩm kỹ thuật số thì tốn kém hơn nhiều so với lưu trữ phim nhựa. Đây là một vấn đề phức tạp thực sự được quan tâm, nhất là đối với công việc lưu trữ phim ảnh trong thời gian 100 năm hay hơn nữa. Hầu hết phần cứng máy tính được thiết kế để sử dụng hiệu quả không quá 3 - 5 năm và phần mềm như hệ điều hành cũng như các ứng dụng đều được thay thế bằng các phiên bản nâng cấp mỗi vài năm. Hiện nay, vẫn còn lại vài loại phần cứng và phần mềm liên quan có thể đọc được đĩa mềm 8 inch và 5,25 inch, nhưng thực tế thì các loại đĩa này đã không còn tồn tại. Ngoài ra, lưu trữ kỹ thuật số cần được tích cực quản lý. Nghĩa là, dữ liệu phải được thường xuyên kiểm tra có bị lỗi không, cần phải sao lưu vào các nơi khác nhau, nhân viên kỹ thuật phải liên tục được huấn luyện thêm kỹ năng để theo kịp công nghệ và kỹ thuật mới, quan trọng nhất là luôn phải chi trả chi phí điện năng để hệ thống hoạt động. Dữ liệu kỹ thuật số, khác với phim nhựa, không thể tồn tại lâu nếu không được bảo quản tốt. Công nghệ kỹ thuật số bị lỗi thời rất nhanh, khiến người dùng công nghệ phải liên tục di chuyển dữ liệu, nghĩa là thường xuyên sao lưu các bộ dữ liệu từ các phương tiện và định dạng tập tin cũ sang các phương tiện và định dạng mới. Bạn có thể thực hiện việc này tương đối dễ dàng khi thay laptop cũ sang laptop mới, nhưng quy trình này không dễ dàng tí nào khi dữ liệu được tính bằng terabyte hay petabyte. Thí dụ, chuyển 1 petabyte dữ liệu (tương đương 1 tỷ megabyte) qua kết nối Ethernet 1 gigabit cần đến 90 ngày. Hiện nay, một bộ phim truyện số chiếm đến 2 petabyte, tương đương với gần nửa triệu đĩa DVD. Và trên thế giới, khoảng 7.000 bộ phim truyện mới được phát hành mỗi năm. Do đó chỉ di chuyển dữ liệu không thôi không phải là một giải pháp lâu dài. Tình trạng này quả thật đáng lo ngại. Chi phí lưu trữ kỹ thuật số cho mỗi bit đã giảm đáng kể trong 3 thập niên qua. Cách đây 30 năm, chi phí lưu trữ 1 gigabyte có thể lên đến vài trăm USD. Ngày nay, nó chỉ còn chưa đến 1 USD. Và chúng ta cũng có lý do để tin rằng các tiến bộ trong kỹ thuật tự động hóa sẽ làm giảm chi phí lao động, trong khi các tiến bộ về hiệu suất điện năng sẽ làm giảm chi phí điện năng. Nhưng một khi đã vào guồng công nghệ, bạn sẽ khó có thể thoát ra. Đối với các bộ sưu tập lớn, dữ liệu quan trọng thì các công nghệ lưu trữ kỹ thuật số hiện giờ không đảm bảo được là chúng có thể tồn tại cho các thế hệ tương lai. Tình trạng của việc bảo quản kỹ thuật số không chắc chắn như thế khiến hầu hết các hãng phim lớn tiếp tục lưu trữ phim ảnh của họ bằng cách chuyển đổi phim sang phim polyester âm bản đen trắng, mỗi âm bản cho mỗi màu đỏ, xanh lá và xanh dương. Phương pháp này áp dụng cho các tác phẩm được sản xuất bằng kỹ thuật số. Các hãng phim đã ý thức được mối nguy hiểm bị hư hại dữ liệu kỹ thuật số và đã cố gắng tìm cách giảm thiểu mối nguy này. Có những nhóm nghiên cứu cách bảo quản kỹ thuật số, hy vọng ngành điện ảnh trong tương lai sẽ có được những chiến lược hữu hiệu, hay ít ra cũng có thể tìm được người có khả năng thực hiện. Một bước tiến đầy hứa hẹn của Viện Điện ảnh là phát triển chuẩn định dạng cho tập tin hình ảnh kỹ thuật số, qua hệ thống mã hoá màu ACES (Academy Color Encoding System). Viện này đã bắt đầu nghiên cứu về hệ thống ACES cách đây 10 năm, khi chưa có một chuẩn rõ ràng nào để trao đổi các thành phần phim ảnh được thu gốc bằng kỹ thuật số. Định dạng tập tin DPX (Digital Picture Exchange), còn được gọi là chuẩn SMPTE 268M-2003, vẫn còn đang được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, định dạng này để người dùng cuối quyết định nhiều chi tiết kỹ thuật. Hiện nay, hình ảnh kỹ thuật số do các hãng phim sản xuất có thể ghi lại bằng nhiều định dạng tập tin và chương trình mã hóa màu. Kết quả của sự đa dạng này là hiệu quả giảm, chi phí tăng và chất lượng hình ảnh bị suy giảm. Trang thiết bị làm phim và video dùng trong ngành phim ảnh đang nhanh chóng được thay thế bằng hệ thống hoàn toàn kỹ thuật số. Một vấn đề đang phải đương đầu đối với các hãng lưu trữ là phải bảo quản các trang thiết bị đã lỗi thời để truy cập nội dung truyền thông cũ. Chuẩn ACES dùng để loại bỏ sự mơ hồ giữa các định dạng tập tin hiện giờ. Đơn giản là, các đoạn phim thô được chọn sẽ được chuyển đổi sang định dạng ACES. Định dạng này giúp phim dễ đọc được trong các bước sau này trong quá trình làm phim, gồm bước thêm hiệu ứng thị giác, hậu kỳ và làm bản phim gốc. Chuẩn này cho ta một bản gốc lưu trữ khả dụng dưới dạng kỹ thuật số. Định dạng ACES hiện đang được dùng trong nhiều loại phim ảnh, từ phim bom tấn cho đến các loại phim nhỏ. Định dạng này cũng đang được dùng trong lĩnh vực sản xuất chương trình TV vì nó cho hình ảnh chất lượng cao hơn các chuẩn HDTV. Các hãng sản xuất trang thiết bị và các bộ phận hậu kỳ, hiệu ứng thị giác cũng đang sử dụng định dạng này và tham gia vào công tác nâng cao chất lượng hệ thống. Hiệp hội Kỹ sư Điện ảnh và Truyền hình (Society of Motion Picture and Television Engineers) đã công bố 5 tài liệu về chuẩn ACES và sẽ công bố thêm tài liệu về chuẩn này. Làm thế nào để đảm bảo rằng các bộ sưu tập kỹ thuật số quan trọng của bạn không bao giờ bị mất? Hãy làm theo các phương pháp tốt nhất để bảo quản dữ liệu: Lưu nhiều bản sao ở nhiều chỗ, thường xuyên kiểm tra dữ liệu xem có bị hư hỏng hay không và hãy luôn cập nhật phần cứng, phần mềm cũng như các định dạng tập tin. PC World VN, 05/2014 Nguồn PC World VN