Vụ án ở Vinalines: Liệu Dương Chí Dũng có thoát án tử?

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by Robot Siêu Nhân, Apr 26, 2014.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 426)

    (XHTT) Phiên xử phúc thẩm vụ án tham ô và cố ý làm trái ở Vinalines chiều qua 25/4 đã có diễn biến mới: Tòa chưa tuyên án và tiếp tục tranh luận.


    Chưa tuyên án vụ Dương Chí Dũng

    Theo kế hoạch, chiều 25/4 HĐXX phúc thẩm của TAND tối cao tại Hà Nội sẽ tuyên án chung cuộc vụ án ở Vinalines, nhưng việc tuyên án đã không diễn ra. Nhận thấy nhiều điểm trong vụ án còn chưa rõ, tòa quyết định xét hỏi thêm. Như thế, khả năng thay đổi tội danh với các bị cáo (trong đó có Dương Chí Dũng), đang đối mặt với mức án cao nhất là tử hình đang được mở ra.

    Cuối giờ chiều qua, bị cáo Dương Chí Dũng (đứng đầu vụ án) rời tòa. Được đưa ra sau cùng, vừa thấy bóng Dũng ở cửa phòng, tiếng gọi, vẫy tay rộ lên từ ngoài tường bao bên hông tòa. Một giọng nữ nổi trội lên: “Bố ơi, con yêu bố!”. Còn Dương Chí Dũng vừa đi vừa quay người đáp lại: “Bố yêu con!”, rồi hua tay qua phía những người quen: “Cảm ơn nhé. Chúc sức khỏe các anh nhé!”.

    [​IMG]

    Dương Chí Dũng rời phòng xử án chiều 25/4 trong niềm hân hoan thấy rõ cùng những tiếng reo hò của người thân.

    Còn vợ Dương Chí Dũng cũng không giấu niềm vui, bên hông xe, cố nghển cổ hướng lên ô cửa thông gió phía gần nóc xe, bà giơ nắm tay lên ra hiệu. Vẫy chào tạm biệt chồng, bà còn bắc tay nói to để Dương Chí Dũng nghe: “Đêm nay ngủ ngon nhé!”, sau đó còn chạy theo xe ra đến tận cổng tòa.

    Về diễn biến bất ngờ của phiên xử, luật sư Hoàng Huy Được nhận định, việc HĐXX phúc thẩm hoãn tuyên án (chiều 25/4) rõ ràng cho thấy, các bị cáo chính trong vụ án vẫn còn hy vọng về khả năng “thoát án tử”, khác với bản án sơ thẩm. Rõ ràng, còn nhiều vấn đề tòa thấy chưa rõ ràng nên chưa thể tuyên án, ông nói.

    Tòa đã quyết định kéo dài thêm thời gian và sáng thứ 2 tuần tới (28/5), sẽ tiếp tục phần tranh luận.

    Khắc phục hậu quả để giảm tội

    Trước khi phiên tòa phúc thẩm diễn ra, Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội từng cho biết, gia đình ông Dương Chí Dũng đã đến Cục nộp 4,7 tỉ đồng, là số tiền khắc phục hậu quả trong vụ án. Còn gia đình ông Mai Văn Phúc - nguyên Tổng Giám đốc Vinalines, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải cũng đã nộp 3,5 tỉ đồng.

    Luật sư Trần Đình Triển cho biết, gia đình của 2 bị cáo nộp tiền với ý định khắc phục một phần hậu quả vụ án, song Cục Thi hành án dân sự TP.Hà Nội lại yêu cầu viết rõ là nộp khắc phục hậu quả của tội “Tham ô tài sản”. Trước đó, tòa sơ thẩm kết tội 2 bị cáo này tội tham ô, mỗi người 10 tỉ đồng và cùng phải nhận bản án tử hình.

    Theo Nghị quyết 01/2001 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn xử lý với tội tham ô tài sản, trường hợp người phạm tội tham ô bị xử phạt tử hình nhưng nếu đã bồi thường được một phần đáng kể giá trị tài sản bị chiếm đoạt, hoặc người thân thích, ruột thịt... của người phạm tội bồi thường thay cho người phạm tội, thì có thể không xử phạt tử hình người phạm tội và tùy vào số tiền bồi thường mà có thể xử phạt người phạm tội tù chung thân hoặc tù có thời hạn.

    Bản tuyên thệ của ông Goh Hoon Seow

    Trước khi phiên tòa phúc thẩm diễn ra, luật sư Trần Đình Triển và các công sự – người nhận bào chữa chi bị án Dương Chí Dũng đã sang Singapore gặp ông Goh Hoon Seow, đại diện cho Công ty AP, đơn vị môi giới bán ụ nổi 83M cho Vinalines, để thu thập thêm chứng cứ. Và Bản tuyên thệ của ông Goh là một trong những “mắt xích” cực kỳ quan trọng trong phiên xử phúc thẩm lần này. Để thấy rõ hơn, xin đăng toàn văn (bản dịch) của nó dưới đây:

    Tôi là Goh Hoon Seow, (Mã số công dân S0169163E), đại diện cho Công ty AP, đơn vị môi giới bán ụ nổi 83M.

    1) Tôi là Giám đốc điều hành của công ty AP, đơn vị môi giới bán ụ nổi 83M.

    2) Tôi có biết ông Dũng, nguyên chủ tịch HĐQT Vinalines và các con của ông ấy khi họ học tại Singapore. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ liên lạc hay bàn bạc cá nhân hay gián tiếp với ông Dũng về việc bán ụ nổi 83M. Tôi cũng không liên lạc hay bàn bạc với ông Phúc (nguyên Tổng giám đốc Vinalines) về việc bán ụ nổi 83M. Tôi chỉ gặp ông Phúc 1 lần và chào xã giao tại trụ sở Vinalines tại Hà Nội cùng với ông Chiều, ông Sơn và người phiên dịch.

    3) Nhờ có quan hệ từ trước, tôi được công ty Global Success (viết tắt: GS) liên hệ để được tư vấn về cách thức vận chuyển và bảo hiểm cho quá trình vận chuyển ụ nổi vì tôi có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Tôi đã cam kết điều này với các điều tra viên phía Việt Nam trong bản khai ngày 2/11/2012.

    4) GS đã đàm phán với Vinalines trước khi tôi tham gia vào thương vụ ụ nổi 83M. Chủ sở hữu ụ nổi 83M muốn bán ụ nổi thông qua công ty của mình ở nước ngoài theo phương thức FOB qua công ty Nakhodka (Nga), trong khi Vinalines muốn theo phương thức CIF giao hàng tại cảng Việt Nam. Khi đàm phán bế tắc, GS đã liên hệ với AP – đơn vị môi giới để thực hiện các giao dịch bán hàng. Lần đầu tiên tôi gặp đoàn Vinalines để bàn chuyện mua ụ nổi 83M là tại Vladivostok, Nga.

    5) Sau khi GS và Vinalines đồng ý mua bán ụ nổi 83M qua công ty AP, AP đã gửi đến Vinalines bản đề nghị chính thức về việc mua bán theo hướng dẫn của phía GS và đàm phán về việc bán ụ nổi 83M được bắt đầu sau đó. Việc đàm phán được tiến hành giữa tôi và đại diện Vinalines là anh Sơn.

    6) Một thỏa thuận giữa AP và GS được được ký kết để tạo cơ sở cho việc AP làm môi giới cho GS. Các điều khoản của thỏa thuận do GS đưa ra và quyết định.

    7) Trong khi bàn bạc và đàm phán với ông Sơn cùng cộng sự của ông ấy về thương vụ 83M, tôi không đề cập bất cứ điều gì về khoản “lại quả”. Ông Sơn không biết tiếng Anh. Mọi thỏa thuận và đàm phán giữa tôi và ông Sơn đều qua phiên dịch.

    8) Việc thanh toán mua ụ nổi 83M được thực hiện dưới hình thức Tín dụng thư của Vinalines theo thỏa thuận mua bán. Số tiền 1,666 triệu USD là một phần của khoản thanh toán theo Tín dụng thư để trả cho việc chuẩn bị hồ sơ xin phép, thủ tục hải quan và xuất khẩu liên quan đến ụ nổi 83M. Khi ký thỏa thuận, AP không hề biết công ty Phú Hà.

    9) Tôi không yêu cầu ông Sơn mở tài khoản của Phú Hà tại ngân hàng UOB. AP lần đầu nghe tới tên Phú Hà qua GS với tư cách là một công ty sẽ nhận các khoản thanh toán cho việc chuẩn bị hồ sơ xin phép, thủ tục hải quan và xuất khẩu ụ nổi 83M sau khi Tín dụng thư được phát hành. Chi tiết tài khoản công ty của Phú Hà được ông Sơn gửi cho AP sau đó để tôi thực hiện thanh toán theo Tín dụng thư cho Phú Hà theo các điều khoản của bản thỏa thuận. Tôi không thỏa thuận với ông Dũng và ông Phúc về khoản tiền 1,666 triệu USD.

    10) Theo yêu cầu của ông Sơn, tôi đã ký một thỏa thuận đầu tư Dự án khai thác điểm thông quan nội địa (cảng cạn) ngay sau khi hoàn thành thỏa thuận mua bán ụ nổi 83M. Tôi không nhớ rõ ngày ký thỏa thuận này, không có bản sao của thỏa thuận và cũng không tham gia vào hoạt động của công ty liên doanh. Tôi nhớ có một tập tài liệu được ký để chấm dứt hoạt động của liên doanh này sau đó, cũng theo yêu cầu của ông Sơn.

    Tôi xin cam đoan những lời khai trên hoàn toàn đúng sự thật, theo đúng quy định của Đạo luật Khai báo và Tuyên thệ của Singapore (khoản 211), nếu khai man tôi xin chịu mọi hình phạt theo quy định của Luật”.

    Cùng đó là phần xác nhận của công chứng viên Lui Jong Sim và đóng dấu của phòng công chứng Singapore (vào ngày 16/4/2014) và chứng nhận hợp pháp hóa lãnh sự, có đóng dấu của Đại sứ quán nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tại Singapore.

    Thanh Trà (tổng hợp)

    Nguồn Xã hội thông tin
     
  2. Facebook comment - Vụ án ở Vinalines: Liệu Dương Chí Dũng có thoát án tử?

Share This Page