10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Thủ tướng luận về tái cơ cấu VNPT

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by Robot Siêu Nhân, Apr 14, 2014.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 399)

    (XHTT) Tiếp diễn tuần trước, trong tuần 15 này (từ 7/4-13/4/2014), sự vụ VT-CNTT nổi bât nhất cũng chính là kết luận của Thủ tướng Chính phủ về đề án tái cơ cấu Tập đoàn VNPT.


    1- Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Đề án tái cơ cấu VNPT

    Tái cơ cấu VNPT là yêu cầu cấp thiết để tổ chức lại thị trường viễn thông cạnh tranh ở Việt Nam và đổi mới cơ chế quản lý, tạo động lực để VNPT phát triển hiệu quả hơn.

    Theo Thông báo số 142/TB-VPCP, Thủ tướng Chính phủ kết luận về tái cơ cấu VNPT theo hướng: Điều chuyển nguyên trạng Công ty Thông tin di động (VMS) và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông từ VNPT về Bộ TT-TT quản lý; Điều chuyển nguyên trạng các bệnh viện, bệnh viện điều dưỡng, các trường trung học bưu chính viễn thông và CNTT thuộc VNPT về các địa phương quản lý (như đề nghị của Bộ TT-TT); Không chuyển quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại 62 công ty cổ phần nêu trong Đề án và hệ thống vệ tinh Vinasat 1, Vinasat 2 ra khỏi VNPT; Thực hiện sắp xếp lại Công ty Tài chính Bưu điện theo Nghị quyết số 15/NQ-CP ngày 6/3/2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

    [​IMG]

    Tập đoàn VNPT sẽ bắt tay thực hiện việc tái cấu trúc trong năm nay.

    Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ TT-TT căn cứ các chỉ đạo này, hoàn thiện Đề án và dự thảo Quyết định phê duyệt, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4/2014.

    2- VNPT xây dựng hạ tầng Chính phủ điện tử cho Tiền Giang

    Ngày 7/4/2014, tại Hà Nội, đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác chiến lược về VT-CNTT giai đoạn 2014-2020 giữa UBND tỉnh Tiền Giang và Tập đoàn VNPT.

    Theo đó, UBND tỉnh Tiền Giang và VNPT sẽ hợp tác chiến lược với nhau trong 4 lĩnh vực: Xây dựng hạ tầng VT-CNTT đáp ứng nhu cầu triển khai Chính quyền điện tử của tỉnh Tiền Giang; Ứng dụng CNTT để xây dựng Chính quyền điện tử của tỉnh; Xây dựng giải pháp tổng thể an toàn thông tin, Chính quyền điện tử; Và, đào tạo nguồn nhân lực VT-CNTT cho tỉnh.

    Để đáp ứng nhu cầu triển khai Chính quyền điện tử của tỉnh Tiền Giang, VNPT sẽ phối hợp, hỗ trợ Tỉnh đánh giá tổng thể hiện trạng, nhu cầu về hạ tầng mạng truyền số liệu, về lưu trữ dữ liệu để lập kế hoạch đầu tư xây dựng hạ tầng VT-CNTT trên địa bàn. VNPT sẽ cung cấp các dịch vụ truyền dẫn, chứng thực chữ ký số, lưu trữ dữ liệu, các dịch vụ viễn thông khác phục vụ việc kết nối, điều hành và triển khai Chính quyền điện tử của tỉnh trong phạm vi hạ tầng mạng viễn thông do VNPT cam kết hỗ trợ triển khai thực hiện. Và VNPT cũng cam kết hỗ trợ Tiền Giang xây dựng đề án và cung cấp giải pháp tổng thể an toàn thông tin, chính quyền điện tử phù hợp với quy hoạch và định hướng của tỉnh, bao gồm: Tư vấn hoàn thiện chính sách an toàn, an ninh thông tin; Kiện toàn quy trình quản lý, tổ chức phân loại thông tin và quản lý truy cập; Xây dựng cơ sở hạ tầng CNTT, cung cấp giải pháp đảm bảo thực thi chính sách an toàn thông tin đáp ứng yêu cầu thiết lập Chính quyền điện tử tỉnh Tiền Giang.

    [​IMG]

    Lễ ký kết hợp tác giữa Tập đoàn VNPT và UBND tỉnh Tiền Giang.

    Tỉnh Tiền Giang cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi để VNPT tiếp cận, nghiên cứu tìm hiểu nhu cầu ứng dụng CNTT của các Sở, Ban, Ngành vào quản lý, điều hành, cung cấp dịch vụ hành chính công. Đồng thời, Tiền Giang cũng tạo điều kiện để VNPT triển khai đầu tư, chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ VT-CNTT, đào tạo nguồn nhân lực VT-CNTT chất lượng cao phục vụ các lĩnh vực KT-XH mà tỉnh có nhu cầu.

    Trước đó, VNPT cũng đã tiến hành việc ký kết hợp tác chiến lược với UBND TP.Hải Phòng và UBND tỉnh Phú Yên.

    3- Di dời các công trình dọc quốc lộ 1A, VNPT có nguy cơ mất 2.600 tỷ đồng

    Tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước Quý I năm 2013 của ngành TT-TT (ngày 4/4), Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT Trần Mạnh Hùng đã cho biết nguy cơ trên.

    Cụ thể, ông Hùng cho biết, việc di dời các công trình viễn thông dọc quốc lộ 1A trước đây đã báo cáo khoảng 800 tỷ đồng, nhưng vừa qua, sau khi rà soát lại tổng độ dài 9.700km, các công trình cần được di dời với tổng số tiền khoảng 1.700 tỷ đồng và khả năng phát sinh thêm khoảng 900 tỷ đồng nữa. Hơn thế, các công trình này không phát sinh doanh thu, mà “ăn thẳng” vào doanh thu của VNPT, ông Hùng cho biết.

    Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son đã đề nghị Văn phòng Bộ, Cục Viễn thông có văn bản sang Bộ Giao thông Vận tải để làm việc với Bộ này, bàn về việc thay đổi Thông tư Liên tịch 07/2000/TTLT-GTVT-TCBĐ đã có từ năm 2000, không còn phù hợp với tình hình hiện nay.

    4- Công nghệ mới giúp tăng tốc Wi-Fi lên 3 lần

    Qualcomm vừa công bố các kế hoạch cho công nghệ mới của công ty này, theo đó có thể tăng tốc độ Wi-Fi tại gia đình, văn phòng và trên các mạng công cộng lên gấp 3. Hiện các mạng Wi-Fi chỉ có thể đáp ứng 1 thiết bị vào một thời điểm, quay vòng nhanh chóng cho nhiều người sử dụng khác nhau, dẫn đến tốc độ thấp hơn cho mỗi người khi ngày càng có nhiều thiết bị kết nối mạng.

    Công nghệ mới này là "MU-MIMO" (multi-user, multiple input, multiple output - nhiều người sử dụng, nhiều đầu vào, nhiều đầu ra). Qualcomm dự định bán các chip MU-MIMO cho các nhà sản xuất bộ định tuyến di động và các điểm truy cập, cũng như các công ty sản xuất smartphone, máy tính bảng và các sản phẩm điện tử tiêu dùng.

    Khi cả mạng và người sử dụng mạng sử dụng công nghệ này, các tốc độ sẽ được đẩy lên gấp 2 - 3 lần. “Sử dụng MU-MIMO giống như chạy ở làn đường ô tô: xa lộ Wi-Fi không thay đổi, nhưng nhóm những người sử dụng khác nhau sẽ cho phép bạn chạy nhanh hơn trong khi làm thông thoáng các làn đường khác”, Qualcomm cho biết.

    Theo dự kiến, Qualcomm sẽ trình diễn công nghệ này trong vài tháng tới trước khi đến tay khách hàng vào đầu năm sau.

    5- Doanh nghiệp truyền hình cáp đòi EVN giảm giá thuê cột

    Hiệp hội Truyền hình trả tiền dự định sẽ kiến nghị EVN tính lại giá thuê cột điện (treo cáp truyền hình) theo hai phương án, đó là: EVN phải giảm 50% giá thuê cột điện tại những khu đô thị và tính giá thuê cột theo doanh thu tại các khu dân cư thưa thớt và ít thuê bao truyền hình.

    Cụ thể: Phương án thứ nhất, đề nghị EVN áp dụng giá thuê cột điện bằng 50% giá thuê treo cáp viễn thông hiện hành đối với các đơn vị truyền hình cáp có số thuê bao lớn (trên 20.000 thuê bao) và cung cấp dịch vụ tại các địa bàn đô thị, đông dân cư.

    Phương án hai, EVN áp dụng giá thuê cột điện theo tỷ lệ doanh thu đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ tại các địa bàn ngoại thành, dân cư thưa thớt hoặc các đơn vị truyền hình cáp có dưới 20.000 thuê bao theo đơn giá thỏa thuận giữa hai bên.

    Giá cho thuê cột treo cáp của EVN đang bị cho là quá cao, bình quân khoảng 20.000 đồng/sợi/cột/tháng. Và vấn đề giảm giá thuê cột treo cáp truyền hình vẫn chưa được giải quyết triệt để do tính chất phức tạp.

    Một doanh nghiệp đã tính toán, "chi phí trồng một cột điện khoảng 4 triệu đồng trong khi thu tiền thuê cột đã được từ 400.000 đồng - 500.000 đồng/tháng/cột. Nếu nhà nước cho phép các doanh nghiệp khác được trồng cột thì chắc không ít doanh nghiệp cũng xin trồng cột chỉ để cho thuê vì siêu lợi nhuận".

    Từ 1/3/2014, việc kiểm soát giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật dùng chung được áp dụng theo Thông tư Liên tịch số 210/2013/TTLT-BTC-BXD-BTTTT ngày 30/12/2013. Điều 4 của Thông tư này quy định, Nhà nước thực hiện kiểm soát giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bên thuê, bên cho thuê và lợi ích chung của xã hội theo quy định của pháp luật. Việc kiểm soát giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung được thực hiện thông qua phương thức kiểm soát giá thuê và phương pháp xác định giá thuê quy định tại Thông tư này.

    6- VNPT có thể giải thể những đơn vị yếu kém

    Ngày 8/4, Bộ TT-TT đã tổ chức cuộc họp để thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu VNPT. Chủ trì là Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, tham dự là các Thứ trưởng: Trần Đức Lai, Nguyễn Thành Hưng, Nguyễn Minh Hồng, Trương Minh Tuấn, cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ, lãnh đạo VNPT và lãnh đạo các Ban thuộc VNPT.

    Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, VNPT là thương hiệu lớn của đất nước. Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đánh giá cao VNPT bởi đây là đơn vị tiên phong trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh. VNPT đã góp phần mang lại diện mạo mới cho đất nước, cả trong lĩnh vực viễn thông và ứng dụng CNTT, đóng góp vào phát triển kinh tế, xã hội. VNPT có vai trò rất lớn đối với ngành Thông tin và Truyền thông và là niềm tự hào của đất nước, của doanh nghiệp nhà nước. Ông đã nêu vắn tắt những căn cứ, những lý do chính để tái cơ cấu VNPT. Quá trình xây dựng đề án, trình, phê duyệt đều diễn ra công khai, minh bạch, thận trọng, hội tụ được trí tuệ của tập thể với mục đích để hai mạng viễn thông Mobifone, Vinaphone nói riêng cũng như VNPT nói chung tiếp tục phát triển, đáp ứng được yêu cầu. Theo đó, trong quá trình tái cơ cấu Tập đoàn VNPT, với những đơn vị trực thuộc quá yếu kếm, Bộ và Tập đoàn có thể xem xét cho phá sản hoặc giải thể.

    Bộ trưởng cho biết thêm, việc giải thể hoặc cho phá sản này là để tránh lãng phí, phân tán nguồn lực doanh nghiệp, bởi nguồn lực của VNPT lúc này rất cần được tập trung cho mạng VinaPhone. Mục tiêu cuối là để củng cố và tăng cường khả năng cạnh tranh cho mạng này, đảm bảo VinaPhone có thể cùng với MobiFone và Viettel tạo thành thế chân vạc tương xứng cho thị trường viễn thông

    7- Hội nghị WTDC-14 đã kết thúc

    Từ ngày 30/3–10/4/2014, tại Dubai (các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất - UAE), Hội nghị phát triển viễn thông thế giới 2014 (WTDC-14) đã diễn ra, với sự tham dự của Ban lãnh đạo ITU, các nhà lãnh đạo lĩnh vực TT-TT của trên 50 nước và vùng lãnh thổ.

    Đây là sự kiện lớn và quan trọng nhất của ITU-D nhằm hoạch định chiến lược hành động của ITU về lĩnh vực phát triển thông tin và truyền thông trong giai đoạn 2014-2018. Chủ đề của Hội nghị lần này là “Băng rộng cho sự phát triển bền vững” đã nhấn mạnh vai trò của ICT đối với mọi mặt của đời sống xã hội. Trong bối cảnh tăng trưởng mạnh mẽ của lưu lượng dữ liệu, truyền thông M2M, điện toán đám mây, mạng xã hội và các ứng dụng ICT, hạ tầng băng rộng ngày càng có vai trò quan trọng giúp thúc đẩy sự phát triển của ICT.

    Theo báo cáo đánh giá tại Hội nghị, tính đến cuối 2013, trên thế giới hiện có khoảng 6,8 tỷ thuê bao di động. Trong đó, di động băng rộng đã có những bước phát triển mạnh mẽ, góp phần giảm khoảng cách số. Theo thống kê, hiện có khoảng 2,7 tỷ người sử dụng internet trên toàn cầu. Như vậy, hiện nay vẫn còn khoảng 4,4 tỷ người chưa tiếp cận được với Internet. Một trong những thách thức toàn cầu hàng đầu hiện nay là không để “khoảng cách số” trở thành “khoảng cách băng rộng”.

    Tham gia Hội nghị lần này, Việt Nam thay mặt cho khu vực APT chủ trì 6 đề xuất, trong đó Cục Tần số vô tuyến điện chủ trì 2 đề xuất, là sửa đổi các Nghị quyết 43 về Hỗ trợ triển khai IMT, Nghị quyết 62 về Đo lường phơi nhiễm trường điện từ cùng với các sáng kiến của khu vực.

    8- Cảnh báo người dùng với các giao dịch trực tuyến

    Mấy ngày gần đây, thông tin về lỗ hổng “Trái tim rỉ máu” (lỗi OpenSSL Heartbleed) đe dọa hàng ngàn website và dịch vụ web trên toàn thế giới. Lỗ hổng cực kỳ nguy hiểm này còn ảnh hưởng tới cả các thiết bị mạng của Cisco, Juniper, vốn đang được sử dụng rộng rãi để kết nối mạng Web trên toàn cầu.

    Chuyên gia bảo mật Bruce Schneiner đã gọi lỗ hổng “Trái tim rỉ máu” là "nguy hiểm ngoại hạng"; Và, "Trên thang điểm từ 1 đến 10 thì lỗ hổng này phải 11", ông tuyên bố và không quên ước tính rằng, có tới nửa triệu website trên toàn thế giới đang có nguy cơ bị HeartBleed tấn công.

    Vì thế, các chuyên gia an ninh mạng tại Việt Nam đã khuyến cáo người dùng nên tạm ngưng các giao dịch trực tuyến, do các hệ thống thanh toán trực tuyến tại Việt Nam cũng bị lỗi OpenSSL Heartbleed.

    Lỗi OpenSSL Heartbleed được công bố trên internet, cụ thể là trên trang diễn đàn lớn nhất thế giới Reddit và trang Heartbleed.com vào tối ngày 7/4. Trước đó chương trình thư viện mã hóa nâng cấp nền tảng OpenSSL đã âm thầm vá lỗi, và các hệ điều hành nguồn mở được thực hiện vá lỗi ngay trong đêm. Mã khai thác sơ khai của lỗi OpenSSL Heartbleed được đưa lên mạng vào buổi sáng ngày 8/4. Nhiều hệ thống website và dịch vụ online lớn trên thế giới ngay lập tức bắt tay vào việc vá lỗi.

    Tại Việt Nam, thông tin về lỗi này cũng được lan truyền ngay trong đêm 7/4 và liên tục theo dõi để cập nhật cho cộng đồng các quản trị hệ thống. Sáng 8/4, một số trang dịch vụ online lớn đã được vá. Chiều 8/4 khi các công cụ khai thác bắt đầu phổ biến, các báo cáo tấn công liên tục cho thấy rất nhiều website ebanking của các ngân hàng và cổng thanh toán tại Việt Nam bị tấn công thành công. Tới rạng sáng ngày 9/4 qua kiểm tra sơ bộ, phần lớn trang chủ ebanking của các ngân hàng đều đã được vá, nhưng chưa thể khảng định được rằng, toàn bộ hệ thống ebanking của các ngân hàng đã vá xong.

    Sau sự cố lỗi bảo mật này, Ngân hàng Nhà nước chính thức khuyến cáo, người dùng dịch vụ nên thay đổi mã khóa giao dịch và sử dụng các dịch vụ kiểm soát giao dịch, số dư tài khoản để giám sát tài khoản của mình. Đồng thời, phản hồi ngay cho ngân hàng đối với các thông báo về các giao dịch không phải do mình thực hiện.

    9- Bộ ra Chỉ thị yêu cầu nhà mạng phải đảm bảo chất lượng 3G

    Nhận định gần đây dịch vụ 3G phát triển nhưng chưa đảm bảo chất lượng dịch vụ cho người sử dụng, vì vậy, Bộ TT-TT đã ra Chỉ thị, yêu cầu các mạng phải đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng.

    Chỉ thị của Bộ nêu rõ, trong những năm qua, thị trường dịch vụ viễn thông đã có bước phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, góp phần giúp thị trường viễn thông trở nên ngày càng cạnh tranh, cung cấp nhiều loại hình dịch vụ đa dạng với giá cả và chất lượng phù hợp, mang lại lợi ích cho người sử dụng. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt ưu điểm, tích cực, thời gian gần đây, nhất là từ khi các dịch vụ 3G phát triển, thị trường dịch vụ viễn thông có những biến động, nảy sinh các hiện tượng như: Gọi nhiều lần mới thiết lập được cuộc gọi, cuộc gọi bị ngắt giữa chừng, âm thanh không ổn định, băng thông cho các dịch vụ dữ liệu bị hạn chế không theo đúng hợp đồng hoặc cam kết cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp viễn thông.

    Để tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông, Bộ TT-TT yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng mạng lưới để đảm bảo và nâng cao khả năng cung cấp dịch vụ. Rà soát, tối ưu hóa mạng lưới, đảm bảo chất lượng dịch vụ viễn thông do doanh nghiệp cung cấp đúng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đã cam kết và công bố. Các doanh nghiệp viễn thông phải nâng cao chất lượng vùng phủ sóng, vùng cung cấp dịch vụ di động, đảm bảo tốc độ truy nhập tương ứng với các gói dịch vụ cung cấp ra thị trường.

    10- VNPT tài trợ Festival Huế lên đến 2 tỷ đồng

    Festival Huế 2014, sẽ diễn ra từ ngày 12/4-20/4/2014, là sự kiện văn hóa thường niên, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và thu hút nhiều khách quốc tế đến. VNPT Thừa Thiên Huế, đơn vị chủ quản địa phương của VNPT và các công ty dọc, công ty chủ dịch vụ đã triển khai nhiều dịch vụ VT-CNTT, phục vụ du khách và người dân tham dự.

    VNPT cho biết, bên cạnh khoản tài trợ bằng tiền mặt, VNPT còn tài trợ bằng hiện vật theo nhiều hình thức, như: Các sản phẩm, dịch vụ VT-CNTT, cước dịch vụ viễn thông, cung cấp báo in, tài trợ dạng chuyển giao thiết bị (máy in, photo, modem Wi-Fi...) phục vụ Ban Tổ chức lễ hội. Tổng giá trị tài trợ phục vụ Festival Huế lên đến 2 tỷ đồng.

    Với mục đích đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong thời gian diễn ra Festival, VNPT Thừa Thiên Huế đã phối hợp với Công ty Viễn thông liên tỉnh VTN lắp đặt các đường dẫn truyền hình, đường dây nóng phục vụ cho truyền hình trực tiếp các sự kiện tại Lễ hội, phân công nhân lực trực xử lý sự cố hệ thống máy điện thoại, Internet, lắp đặt hệ thống VNPT Wi-Fi miễn phí 24/24h cho 9 điểm/khu vực chính của TP.Huế. Còn Trung tâm VinaPhone 3 cũng triển khai tăng cường 2 xe phát sóng BTS lưu động, đảm bảo không để xảy ra nghẽn mạng VinaPhone trong thời gian diễn ra lễ hội.

    Để hỗ trợ cho đội ngũ phóng viên, nhà báo trong việc tác nghiệp, thu thập, xử lý thông tin, từ tháng 2/2014, VNPT đã khai trương Trung tâm thông tin Báo chí Festival Huế 2014, được trang bị 20 máy tính nối mạng cùng hệ thống máy in, máy photo, hệ thống Wi-Fi… Trong thời gian diễn ra Festival, VNPT Thừa Thiên Huế sẽ tổ chức các điểm bán hàng lưu động trong khuôn viên Trung tâm Báo chí, mở gian hàng trong Hội chợ Triển lãm quốc tế, tổ chức VinaPhone Tour, Roadshow và các chương trình khuyến mãi để quảng bá, giới thiệu dịch vụ và phục vụ nhu cầu VT-CNTT cho du khách tại đây.

    Thanh Trà (tổng hợp)

    Nguồn Xã hội thông tin
     
  2. Facebook comment - 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Thủ tướng luận về tái cơ cấu VNPT

Share This Page