(XHTT) Nếu như Huyền Chip, với một số chuyến “du lịch bụi” đã cho ra cuốn sách “Xách ba lô lên rồi đi”, Vừ Già Pó – Chàng “Working Men” người Mông ở Mèo Vạc còn đẳng cấp hơn nhiều? Vừ Già Pó sinh năm 1977, nhà ở thôn Lũng Lầu, xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Hai vợ chồng Pó có tới 5 người con (2 gái, 3 trai), con gái lớn 18 tuổi, đã lập gia đình và đứa nhỏ nhất 10 tuổi. Ngày 30.4/2012, Vừ Già Pó vượt biên sang Trung Quốc để làm thuê. Sau đó đã trốn khỏi nơi làm thuê và mất tích, đến trung tuần tháng 11/2013, anh bị lực lượng tình báo quân đội Pakistan (MI - Military Intelligence) bắt giữ. Kẻ đột nhập nói ngôn ngữ lạ lùng Sau thời gian kiểm tra an ninh, Lực lượng tình báo quân đội đã bàn giao Vừ Già Pó cho cơ quan cảnh sát phòng chống tội phạm của tiểu bang (CIA - Crime Investigation Agency) ở Muzaffarabad để điều tra tiếp vì tội xâm nhập bất hợp pháp. Dựa vào cách phát âm tên của mình (bằng tiếng Mông), lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm ở Muzaffarabad đặt tên cho anh là Wu Ta Puma. Trên người anh khi đó không một mảnh giấy tờ tùy thân, không biết một thứ tiếng nào khác ngoài tiếng mẹ đẻ, rất lạ lùng của mình. Vợ và con gái lớn của Vừ Già Pó ở Khâu Vai. Theo thông tin đăng tải trên một tờ báo địa phương, dẫn lời của Raja Yasir, một điều tra viên cho biết: “Ban đầu chúng tôi nghĩ anh ta bị câm vì chả nói năng gì cả, có lẽ do quá hoảng loạn. Tuy nhiên sau khoảng 10 đến 12 ngày, anh ta bắt đầu nói chuyện bằng thứ tiếng kỳ lạ của mình mà chúng tôi hoàn toàn không thể hiểu được”. Ông Raja Yasir sau đó đã mời một số công nhân người Trung Quốc, Hàn Quốc đang làm việc tại một số công ty xây dựng ở Muzaffarabad đến để thử giao tiếp nhưng không một ai hiểu được ngôn ngữ của anh cả. Ông Yasir cũng cho biết thêm là cơ quan điều tra cũng không nhốt anh vào buồng giam có khóa hay gửi anh ta vào nhà tù trung tâm vì e ngại “anh ta sẽ ở đó đến cuối đời mất”. Không khai thác, điều tra được gì từ kẻ đột nhập nói thứ ngôn ngữ lạ lùng ngoài cái tên mà dựa theo phát âm là: Wu Ta Puma, cơ quan cảnh sát phòng chống tội phạm tiểu bang đành gửi Wu Ta Puma về đồn cảnh sát thị trấn nhỏ Athmuqam vùng Neelum cách đó 75 km về phía bắc, nơi gần với biên giới chỗ anh bị Lực lượng Quân báo Pakistan bắt được vào trung tuần tháng 11/2013. Mừng rỡ khi nhìn thấy cờ Việt Nam, tiền Việt Nam Ở Đồn cảnh sát thị trấn Athmuqam, Wu Ta Puma cũng không bị giam giữ. Anh được bố trí ở khu nhà đổ trong khuôn viên, sau lưng trụ sở đồn. Sự xuất hiện của anh ở thị trấn nhỏ cũng là một sự kiện gây xôn xao cho cư dân nơi đây với rất nhiều tò mò. Amiruddin Mughal, một phóng viên ảnh tự do, cộng tác viên của Reuters và EPA tại Neelum và cũng là một biên tập viên của Đài truyền hình địa phương Saama TV đã đến đưa tin. Amiruddin cho biết: “Tôi gặp anh ta ở Đồn cảnh sát Athmuqam, anh ta được tự do đi lại trong khu vực đồn với sự cho phép của cảnh sát. Họ cung cấp cho anh ta 3 bữa ăn mỗi ngày. Thỉnh thoảng những người dân xung quanh còn mang cho anh ta một ít thức ăn và cho tiền tiêu vặt nữa”. Lần gặp gỡ ấy, Amiruddin thất bại trong việc làm tin tức vì không khai thác được thông tin gì từ Wu Ta Puma do chả ai hiểu ai nói gì, anh chỉ quay một đoạn video trong đó Wu Ta Puma nói hơn 2 phút rồi post lên trang cá nhân của mình kêu gọi mọi người ai hiểu được ngôn ngữ và biết thông tin gì thì báo về cho anh để giúp người đàn ông kia tìm được gia đình. Cảnh sát ở Athmuqam nhận định Wu Ta Puma chỉ đi lạc vào đất Pakistan chứ không có động cơ gì khác nên họ đối xử thoải mái với anh. Họ còn mua cho anh quần áo ấm, mũ len vì thời tiết ở vùng ven Himalaya rất lạnh. Cảnh sát cũng nhờ các cơ quan, báo chí, truyền thông sở tại giúp tìm tông tích gia đình Wu Ta Puma để anh sớm đoàn tụ mặc dù đây thực sự là công việc “mò kim đáy bể”. Thật may mắn là vài ngày sau đó, có người đã giúp cảnh sát ở thị trấn Athmuqam xác định được quốc tịch của Wu Ta Puma. Đó là ông Mukhtar Qureshi, nhân viên của Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ địa phương đến đồn cảnh sát. Ông mở mạng internet, tìm hình ảnh cờ và tiền giấy của những nước châu Á và cho Wu Ta Puma xem. Khi nhìn thấy ảnh cờ và tiền Việt Nam trên màn hình, “Anh ta rất phấn khích và hạnh phúc. Anh ta nói gì đó và ra dấu hiệu để nói rằng “những thứ này của tôi” - ông Mukhtar cho biết. “Sau đó, với sự nhẫn nại quan sát ngôn ngữ cử chỉ kết hợp với những gì anh ta nói, tôi có thêm một số thông tin là: Anh ta có vợ và có 5 con, 2 con gái lớn và 3 con trai nhỏ. Bố mẹ anh ta đều đã chết. Và những ngày sau đó thì anh ta trở nên muộn phiền, khóc lóc thảm thiết cả ngày lẫn đêm” - ông Mukhtar trao đổi thêm. Mấy hôm sau, ông Mukhtar Qureshi đã viết thư, thông báo đến Đại sứ quán Việt Nam tại Islamabad về câu chuyện của Wu Ta Puma. Trong thư có đoạn viết: “Với lòng từ tâm của một con người và cũng là người đang làm việc cho một tổ chức nhân đạo, tôi gửi những thông tin này cho các ông để xem xét và có hướng giải quyết tiếp theo”. Bức thư gửi ngày 7/1/2014. Đoạn băng ghi âm giúp “Working Men” tìm về quê hương Trong đoạn video của phóng viên Amiruddin Mughal đã ghi được, chàng “Working Men” người Mông đã nói về mình và gia đình. Sau đây là bản dịch (ra tiếng Kinh) đầy đủ nội dung đoạn video hơn 2 phút kia. Khâu Vai, nơi có “chợ tình” nổi tiếng của Việt Nam, hấp dẫn nhiều du khách viếng thăm. “Tôi là Vừ Già Pó, tôi ở Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, Việt Nam. Bây giờ tôi chỉ đi lao động Trung Quốc, tôi không phải là người xấu, người buôn bán hay trộm cắp, tôi bị bộ đội (Pakistan) bắt tôi về giam được 3 tháng. Bây giờ mong nước bạn đưa tôi về biên giới Việt Nam để tôi trở về nuôi con cái và gia đình. Gia đình tôi gồm: Vợ tôi là Ly Thị Lía - xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, con gái cả là Vừ Thị Chúa cũng ở xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, con thứ hai là Vừ Thị Hờ, con thứ ba là Vừ Mí Súa, con thứ tư là Vừ Mí Chả và con thứ năm là Vừ Mí Vư là các con trai. Cả nhà tôi ở Khâu Vai còn 6 mẹ con, mong cơ quan chức năng đưa tôi về biên giới Việt Nam để chăm sóc vợ con tôi. Tôi không phải là người Trung Quốc, tôi mong cơ quan chức năng đưa tôi về Việt Nam, cơ quan chức năng hết bao nhiêu tiền tôi sẽ trả. Nay tôi nghèo tôi mới đi làm thuê, tôi không phải là người xấu, hay trộm cắp. Tôi là Vừ Già Pó - xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, Việt Nam. Vì ông Vư với ông Phình đưa tôi đi làm thuê chứ không phải tôi đi trộm cắp, nay tôi xin hãy đưa tôi về. Hết bao nhiêu tiền tôi vay trả song tôi phải về Việt Nam, tôi không phải là người Trung Quốc. Tôi xin cán bộ đưa tôi về Việt Nam để chăm sóc vợ con và gia đình. Xin hãy đừng làm gì tôi để tôi được trở về nước”. Cộng đồng Việt bái phục, “Một Odysseus của thời đại!” "Thân ái like bạn 1001 phát!"; hay "Bái phục! Mình không đi nổi 5.800 Km kiểu này đâu"; rồi "Em không biết nói gì hơn. Phục sát đất về sự ngây thơ của chú ấy"; nữa là "Dự kiến là sau vụ này, các nhà thám hiểm thế giới sẽ lũ lượt tới bái anh này làm sư phụ"... là những thán từ mà cư dân mạng dành cho Vừ Già Pó sau khi hay tin. Còn trên một diễn đàn, thành viên Phan Hoang Han ngưỡng mộ: “Ôi trời, đọc xong mà nổi da gà không ngờ anh ấy có thể đi xa đến vậy. Việt Nam mình có siêu nhân. Trời ơi! Anh ấy băng qua cả Himalaya cơ đấy. Ngưỡng mộ quá!”. Rồi một thành viên khác hài hước: “Đoạn đường anh ấy đi còn dài hơn đoạn đường thầy trò Đường Tam Tạng đi thỉnh kinh. 4 thầy trò Đường Tăng đi đến 14 năm mà chú này chỉ mất 2 năm! Đúng là chuyến phiêu lưu để đời. Hâm mộ chú này quá!”. Hay như phóng viên báo Thnh niên khi viết về Vừ Già Pó đã tự đặt câu hỏi rồi tự trả lời trong sự nghi vấn: Phải chăng trong khi về Pó đã lạc đường và cứ đi mãi, đi mãi theo hướng ngược lại cho đến tận Kashmir? Nhưng thú thật dù trí tưởng tượng phong phú đến đâu, tôi cũng không thể hình dung được người đàn ông ấy, không tiền bạc, giấy tờ lại vượt quãng đường gần 6.000 km qua hai vùng giáp ranh đầy nguy hiểm và tranh chấp giữa Trung Quốc và Ấn Độ, Ấn Độ và Pakistan. Hoặc nếu Pó đi theo đường từ Trung Quốc vòng lên Tây Tạng còn xa xôi hơn và có cả dãy Hymalaya sừng sững chắn ở giữa… Còn trên Facebook cá nhân, Giáo sư Ngô Bảo Châu cho rằng, người đàn ông người Mông bị lạc sang Pakistan đã trở thành một biểu tượng, “Một Odysseus của thời đại !". Giáo sư Ngô Bảo Châu không ngần ngại ví Vừ Già Pó như Odysseus - một nhân vật cơ trí vào bậc nhất trong thần thoại Hy Lạp, hay một sự pha trộn giữa thần trí của Khổng Minh với mưu chước của Tào Tháo trong thời Tam Quốc để có thể tồn tại và vượt qua bao hiểm nguy, khó khăn dọc đường. Sau khi chia sẻ thông tin kèm theo dòng trạng thái nói trên, rất nhiều Facebooker khác "nhảy" vào bình luận, bày tỏ quan điểm cá nhân. Đa số đều đồng tình và "tâm đắc" với nhận xét của Giáo sư Ngô Bảo Châu. Nhà báo, nhiếp ảnh gia Nason Nguyen chia sẻ: "Cậu ấy luôn nhắc đi nhắc lại trong trả lời phóng viên truyền hình Saama TV của Pakistan: "Tôi là người Việt Nam, không phải người Trung Quốc. Tôi là người tốt, không trộm cắp gì". Facebooker có nickname Châu Nguyễn đồng tình: "Tìm cái gì ko quan trọng..., anh nhớ mình là người tốt. Quá chuẩn ạ". "Anh này mà gặp được... chưa biết chừng lại trở nên xuất chúng như em Huyền Chip đấy nhỉ!", Facebooker Vo Kim Phong hài hước. Thậm chí, Facebooker Nguyễn Việt comment một cách phấn khích (hơi thái quá) rằng: "Một trong số ít người Việt Nam ‘bước ra thế giới’ dám nói mình là người Việt Nam !". Chúng ta hãy chờ “Working Men” trở về, và thế là Việt Nam đã có cả “Running Men lẫn Working Men”! Thanh Trà (tổng hợp) Nguồn Xã hội thông tin