(XHTT) Ukraine không những đang chịu sự khủng hoảng về kinh tế, với tình hình chính trị bất ổn cộng thêm bạo loạn ở nhiều khu vực miền Đông, hiện quốc gia này chẳng khác nào “quả bom nổ chậm” đang trông chờ người tháo kíp... Hết TP. Donetsk đến TP. Kharkiv tuyên bố “độc lập” Sau khi Crimea “tự quyết” việc “độc lập”, xin gia nhập và chính thức được nhập vào Nga, hàng loạt động thái tương tự của người dân và các tổ chức tại các tỉnh miền Đông Ukraine đã diễn ra. Ngày 7/4, những người biểu tình ở thành phố Donetsk đã tuyên bố thành lập "Cộng hòa nhân dân Donetsk” và kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin gửi quân đội “gìn giữ hòa bình" đến hỗ trợ họ. Người biểu tình treo cờ tại trụ sở chính quyền thành phố Donetsk. Những người biểu tình tại Donetsk đã lên kế hoạch tuyên bố độc lập hay ly khai khỏi Ukraine trước khi gia nhập Liên bang Nga, tương tự như sự kiện Crimea. Ngay tối hôm đó (7/4), người dân tại thành phố Kharkiv cũng tuyên bố thành lập “Cộng hòa nhân dân Kharkiv”, tương tự như thành phố Donetsk. Những người biểu tình đã cố gắng xông vào tòa nhà chính quyền Kharkiv vào tối 7/4, nhưng đã bị lực lượng an ninh chặn bên trong tòa nhà. Cảnh sát đã sử dụng lựu đạn gây choáng và súng phóng lửa để đẩy lùi đám đông. Theo các nhân chứng, bạo lực được kích hoạt bởi một nhóm người khiêu khích. Những người biểu tình đã ném bom xăng để đuổi cảnh sát ra khỏi tòa nhà, nhưng cảnh sát vẫn cố thủ trong trụ sở chính quyền, trong khi một nhóm khác ở bên ngoài tòa nhà cố đẩy đám đông ra xa. Tuy nhiên sau đó, một nhóm người biểu tình đã vào được tòa nhà chính phủ sau khi căng thẳng hạ nhiệt. Với diễn biến này, Ukraine đang đối mặt với mối đe dọa ly khai lần thứ hai sau khi những người biểu tình ủng hộ Nga đã chiếm tòa nhà chính phủ tại thành phố Donetsk và Kharkiv, rồi tuyên bố độc lập khỏi Kiev, chuẩn bị trưng cầu dân ý gia nhập Nga. Ukraine, Mỹ và Nga cáo buộc lẫn nhau Trong khi đó, Ukraine cáo buộc Nga kích động tình trạng bất ổn tại quốc gia này, còn Nhà Trắng cũng yêu cầu Moscow ngừng "làm mất ổn định tại Ukraine" và đe dọa trừng phạt. Quyền tổng thống của Ukraine Oleksandr Turchynov đã cáo buộc lực lượng đặc biệt Nga đứng đằng sau các cuộc nổi dậy và đang lặp lại kịch bản Crimea tại nước này. Ông đã ra lệnh tăng cường lực lượng an ninh tới khu vực biên giới phía Đông, nơi đang rộ lên phong trào biểu tình đòi ly khai. "Những hành động này có nghĩa là để làm mất ổn định đất nước, lật đổ chính phủ Ukraine, tấn công các cuộc bầu cử và xé nước ta thành từng mảnh," Turchynov cho biết trong bài phát biểu trên truyền hình quốc gia. Chính phủ Kiev xem vụ chiếm giữ tòa nhà chính phủ tại Donetsk, Luhansk, Kharkiv là sự tái diễn các sự kiện ở Crimea. Tuy nhiên, Moscow đã bác bỏ những cáo buộc trên và gọi là rắc rối mới nhất của Ukraine là một dấu hiệu của sự thiếu khả năng và sự không chính danh của các nhà lãnh đạo Kiev được phương Tây hậu thuẫn. Bộ Ngoại giao Nga đã đáp trả bằng một tuyên bố yêu cầu Kiev "dừng chỉ tay vào Nga, đổ lỗi cho Moscow về tất cả các vấn đề tại Ukraine hiện nay". Nhưng Nhà Trắng đặt trách nhiệm này trở lại Moscow bằng cách mô tả những diễn biến mới nhất "là kết quả của sự tăng áp lực của Nga đối với Ukraine." "Chúng tôi kêu gọi Tổng thống Putin và chính phủ của ông chấm dứt những nỗ lực để gây bất ổn cho Ukraine," phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney cho biết. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã kêu gọi người đồng cấp Nga thảo luận về việc tổ chức các cuộc đàm phán giữa Mỹ, Nga, Ukraine và Liên minh châu Âu. Ông Kerry đã đàm thoại với Ngoại trưởng Lavrov. Tuy nhiên, "Nga đã công khai chối bỏ đứng sau các hoạt động ly khai, phá hoại và khiêu khích" ở Ukraine, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong tuyên bố sau đó. Ukraine chiếm lại tòa thị chính Kharkov Sau khi những người biểu tình chiếm các tầng trên của tòa thị chính Kharkov, thượng cờ Nga và tuyên bố thành lập “Cộng hòa Nhân dân Kharkov”, lực lượng của Bộ Nội vụ ở Kharkov đã phản công, quét sạch những nhân vật ly khai chiếm và đốt tòa thị chính Kharkov - Văn phòng báo chí của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov cho biết. Khoảng 70 đối tượng tình nghi vi phạm pháp luật đã bị bắt giữ do liên quan tới ly khai, tổ chức bạo động số lượng lớn, gây tổn hại cho sức khỏe người dân và vi phạm một loạt quy định khác. Đám cháy đã được dập tắt. Chiến dịch phản công của chính quyền Kharkov được tiến hành mà không sử dụng tới vũ khí sát thương. Nga: Cảnh báo nguy cơ nội chiến ở Ukraine Trước tình hình bạo động gia tăng tại các tỉnh miền Đông Ukraine, ngày 8/4, Bộ Ngoại giao Nga đã bày tỏ quan ngại trước thông tin chính quyền lâm thời Kiev có những hành động trấn áp mạnh tay đối với các cuộc biểu tình, đồng thời cảnh báo về nguy cơ xảy ra nội chiến tại quốc gia láng giềng Ukraine. Thông báo của Bộ Ngoại gia Nga nêu rõ, Moskva lo ngại về tuyên bố Ukraine điều các đơn vị Bộ Nội vụ, Tự vệ nhân dân Ukraine đến các tỉnh miền Đông đang xảy ra các cuộc biểu tình. Nga kêu gọi ngừng ngay lập tức bất cứ hành động chuẩn bị quân sự nào để tránh dẫn tới nội chiến. Tuyên bố của Nga được đưa ra sau khi người đứng đầu tỉnh Kharkov - Ihor Baluta thông báo "chiến dịch chống khủng bố" do lực lượng Bộ Nội vụ ở thành phố Kharkov tiến hành đã giành lại quyền kiểm soát trụ sở chính quyền tỉnh vốn bị những người biểu tình chiếm đóng từ 7/4. Ông này cũng khẳng định sẽ tiếp tục chiến dịch trong toàn thành phố này. Bộ Ngoại giao Nga đã kêu gọi ngừng ngay lập tức mọi sự chuẩn bị quân sự ở Ukraine bởi điều này có thể dẫn tới nội chiến. Thông báo của Bộ Ngoại giao Nga lưu ý “theo thông tin có được, tại các tỉnh Đông-Nam Ukraine, trong đó có Donetsk, việc củng cố các đơn vị của Bộ Nội vụ và Vệ quốc quân Ukraine có sự tham gia của các chiến binh ‘Pravyi Sector’ cực đoan trang bị vũ khí bất hợp pháp.” Bộ Ngoại giao Nga cũng “đặc biệt quan ngại trước việc trong hoạt động này có khoảng gần 150 chuyên gia Mỹ thuộc tổ chức quân sự tư nhân Greystone giả làm binh sỹ của đơn vị Sokol.” Ukraina: Đang bị chia rẽ nghiêm trọng Hãng tin RT cho hay, đụng độ nổ ra giữa cảnh sát Ukraina và những người biểu tình nói tiếng Nga tại thành phố Kharkov vào chiều qua. Trước đó, các nhà hoạt động tại thành phố lớn thứ hai Ukraina tiếp bước Dotnesk tuyên bố độc lập và thành lập nhà nước Cộng hòa Nhân dân Kharkov. Còn hãng tin AP đưa tin, tại Washington, Mỹ nói rằng bất kỳ động thái nào của Nga tại miền đông Ukraina đều là một sự 'leo thang rất nguy hiểm' có thể kéo theo nhiều lệnh trừng phạt khác. Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney nói rằng, có chứng cứ rõ ràng cho thấy những người biểu tình thân Nga đều được trả tiền và không phải người dân bản địa. Cùng lúc, Mỹ tuyên bố rằng Ngoại trưởng John Kerry sẽ gặp các quan chức ngoại giao cấp cao của Nga, Ukraina và Liên minh châu Âu nhằm thúc đẩy giải tỏa căng thẳng. Trong một động thái khác, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đăng tải bài viết thể hiện quan điểm về Ukraina. Ông Lavrov kêu gọi NATO nên ngừng giọng điệu tham chiến trong cuộc khủng hoảng tại Ukraina và quay trở lại hợp tác bình thường với Nga. Bộ Ngoại giao Nga cũng thể hiện lo ngại rằng, Ukraina có thể rò rỉ công nghệ tên lửa đạn đạo, sau khi có một số báo đưa tin công ty Yuzhmash ở thành phố Dnepropetrovsk đang đàm phán với các công ty nước ngoài về việc bán các côn nghệ liên quan tới việc sản xuất tên lửa đạn đạo RS-20 Voyevoda. Và tình hình biên giới Nga-Ukraine Nga có biên giới rất dài với Ukraine, trong đó có khoảng 700km là ở khu vực Rostov. Trong những tuần gần đây, đã có những biến động đáng kể về các hoạt động quân sự ở trong và ngoài khu vực này. Ngày 1/4, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga thông báo rằng một tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn cơ động 15, vốn đóng quân ở khu vực Rostov để tham gia một cuộc diễn tập, đã rời khỏi khu vực này và di chuyển về nơi đóng quân thường trú tại khu vực Samara. Mặc dù số lượng binh sĩ ở biên giới với Ukraine đang giảm dần, nhưng sự hiện diện của quân đội Nga ở khu vực biên giới vẫn còn khá lớn. Các xe tải quân sự vẫn hướng về phía biên giới. Người dân địa phương ở Taganrog cho biết trước cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea, rất nhiều xe quân sự đi qua khu vực này hướng tới Ukraine, nhưng vẫn chưa ai thấy những phương tiện này quay trở lại. "Có lẽ họ đang thực hiện một nhiệm vụ hết sức quan trọng, bởi vì những chiếc xe tải quân sự này thường cơ động vào ban đêm thay vì di chuyển vào ban ngày", Yevgeny Fridman, một nhà báo địa phương cho biết. Cuộc diễn tập vốn được cho là đã kết thúc, dường như vẫn đang diễn ra. Một loạt hoạt động huấn luyện quân sự gần khu vực Kuzminka và Chkalov, cách biên giới Ukraine 130 km, diễn ra từ ngày 11 - 14/3 với sự tham gia của 1.500 lính dù và hàng chục các trang thiết bị quân sự khác. "Khu vực này sẽ bị cấm tiếp cận trong vài ngày nữa", một nhân viên bảo vệ đồng thời là một học viên trong quân đội nói với các phóng viên và cho biết thêm rằng những nhân viên quân sự như vậy được đưa đến khu vực Rostov vào đầu tháng 3. "Chúng tôi phải tham dự một kỳ kiểm tra lúc này. Nhưng có cho đến nay không biết khi nào chúng tôi trở lại trường. Tin mới nhất cho biết có thể chúng tôi sẽ rời khỏi đây trong một vài ngày tới", học viên trên nói. Ở phía bắc của khu vực này, tình hình hoàn toàn khác hẳn. Tại thị trấn Novoshakhtinsk gần biên giới với Ukraine, không có bóng dáng một nhân viên hoặc xe quân sự nào trên tuyến đường giao thông từ Novoshakhtinsk tới khu vực phía bắc, dọc theo biên giới, song song với đường cao tốc Don. Trong những tuần gần đây, các nhà thầu xây dựng đang tiến hành mở rộng và nâng cấp tuyến đường này. Một nhân viên điều hành trạm xe bus trên tuyến đường này cho biết: "Chúng tôi vẫn đi qua biên giới với giấy phép Nga. Nếu muốn bạn có thể đi bộ qua biên giới và bắt xe bus tới Luhansk (Ukraine)". Tuy nhiên, lính biên phòng Nga đã cảnh báo rằng một số người có hộ chiếu Nga sẽ không được phép sang Ukraine. Thanh Trà (tổng hợp) Nguồn Xã hội thông tin