(XHTT) Cố vấn của Tổng thống Nga Sergei Glazyev tuyên bố, nếu EU tiến hành biện pháp trừng phạt Nga, châu Âu sẽ hứng chịu thiệt hại khổng lồ. Nhưng ở chiều ngược lại, Nga cũng thiệt hại không nhỏ. Châu Âu có thể mất 1.000 tỷ euro? Theo quan điểm của cố vấn Tổng thống Nga, Mỹ có thể xem xét phương án bất ổn định của hệ thống tài chính châu Âu, mà đó là trò chơi địa chính trị lớn trên bờ vực chiến tranh thế giới. Ông Glazyev nhận định: “Xét dưới góc độ thiệt hại tối đa, có câu hỏi lớn là hình thức trừng phạt này nhằm chống ai. Nếu người Mỹ cố gắng thực hiện mô hình đã áp dụng cho Iran, mà đó là hầu như loại trừ đất nước này khỏi hệ thống tài chính thế giới trong các thị phần đồng USD và đồng euro, thì theo ước tính của chúng tôi, mất mát của EU có thể đạt tới mức 1.000 tỷ euro”. Hậu quả lâu dài Tình hình căng thẳng xung quanh Ukraine đang là một nguy cơ lớn, gây ảnh hưởng “xâu chuỗi” tới các hoạt động kinh tế của Nga, châu Âu cũng như thị trường tài chính toàn cầu, bởi sự tác động của khí đốt/giá dầu lẫn những nguy cơ xung đột chiến tranh. Hiện các tổ chức xếp hạng Moody và S&P đã hạ cấp dự báo của họ cho xếp hạng tín dụng của Nga. Xếp hạng bị hạ cấp khiến chính phủ Nga phải vay nước ngoài với lãi cao hơn, dẫn tới việc các tổ chức tài chính quan trọng của Nga như Sberbank, VTB và VEB đều gặp khó, đồng thời ảnh hưởng xấu tới tất cả các chủ nợ ở phương Tây. Theo Ngân hàng Trung ương Nga, tính đến đầu năm 2014, các ngân hàng Nga đã nợ nước ngoài gần 215 tỉ USD, các doanh nghiệp Nga nợ nước ngoài khoảng 438 tỉ USD. Trong hai năm tới đây, các ngân hàng Nga phải trả gần 88 tỉ USD nghĩa vụ nước ngoài của họ và các công ty Nga trả trên 182 tỉ USD. Chính phủ Nga hiện đang tích trữ, dự phòng trong trường hợp sẽ phải mua lại nợ của công ty chiến lược của Nga để trả nợ nước ngoài. Căng thẳng leo thang hơn nữa với phương Tây có thể dẫn đến việc các công ty của Nga có thể bị từ chối tiếp cận các trung tâm tài chính toàn cầu. Trong nhiều năm, hầu hết các công ty Nga đã tiến hành đợt IPO trên thị trường chứng khoán London cũng như NYSE và NASDAQ tại Mỹ. Hiện nhiều đợt IPO hoặc sẽ bị hủy bỏ hoặc hoãn vô thời hạn. Tuy nhiên, một hậu quả tiêu cực là dòng vốn, có thể đạt được lên tới 50 tỷ USD mỗi quý, sẽ chẳng còn. Hậu quả nghiêm trọng nữa có thể xảy ra là sau khi EU giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt của Nga. Khi đó, châu Âu buộc phải tìm nguồn cung khác, còn Nga phải tìm kiếm nơi tiêu thụ và giá của năng lượng này sẽ khó lường. Tuy nhiên, hiện EU vẫn đang phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga bởi châu Âu sẽ không thể ngừng mua dầu và khí đốt của Nga ngay trong ngày mai. Các ngoại trưởng EU kêu gọi hợp tác Trong lúc khủng hoảng Ukraine vẫn đang căng thẳng, ngoại trưởng các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã có một hội nghị không chính thức tại thủ đô Athens, Hy Lạp vào ngày 5/4. Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh EU, Catherine Ashton cho biết, ngoại trưởng các nước nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong vấn đề Ukraine. Trong khi đó, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng nước chủ nhà Hy Lạp, Evangelos Venizelos khẳng định mục tiêu chính của EU hiện nay là giảm căng thẳng tại khu vực thông qua các kênh chính trị và đối thoại ngoại giao để đi tới một giải pháp phù hợp được các bên chấp nhận. Ngoại trưởng Nga. Ngoại trưởng Anh, William Hague cho rằng khối 28 nước châu Âu vẫn nên chuẩn bị sẵn sàng mọi phương án hành động mặc dù hiện "vẫn còn quá sớm" để có các biện pháp trừng phạt mạnh tay đối với Moskva. Người đồng cấp Đức, Frank-Walter Steinmeier lại cho rằng thay vì có các đòn trừng phạt Moskva, EU hiện nay nên tập trung vào các nỗ lực trợ giúp Kiev. Còn Ngoại trưởng Hà Lan, Frans Timmermans lại khẳng định, EU có thể hỗ trợ Ukraine theo nhiều cách. Trước mắt, EU có kế hoạch hỗ trợ Kiev triển khai gói cứu trợ đã được thỏa thuận với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và tổ chức kỳ bầu cử Tổng thống vào ngày 25/5 sắp tới. Bên cạnh tình hình Ukraine, cuộc họp kéo dài hai ngày này cũng bàn tới một loạt vấn đề liên quan đến chính sách của khối này với các nước láng giềng từng thuộc Liên bang Xô viết cũ, cũng như các nước ở Bắc Phi và Trung Đông, như kế hoạch chi thêm 15 tỷ euro tính đến cuối năm 2020 để hỗ trợ các nước láng giềng gần nhất, thúc đẩy việc ký kết các thỏa thuận thương mại với các nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô viết cũ nhằm kéo họ vào vòng ảnh hưởng của EU. Nga: Trả giá đắt cho vụ Crimea? Nga đã bắt đầu tính toán các chi phí của việc sáp nhập Crimea từ Ukraine, trong bối cảnh các nước phương Tây đang chuẩn bị cho một vòng trừng phạt thứ hai. Nhóm G8 đã loại Moskva ra khỏi nhóm và đang chuẩn bị cho tình trạng bị cô lập một phần trong những năm tới. Còn Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần này nói Nga sẽ tự xây dựng hệ thống thẻ tín dụng riêng. Các lệnh trừng phạt mới của phương Tây hiện gồm: Không cấp thị thực và phong tỏa tài sản của một số quan chức cấp cao Nga, và các lệnh cấm vận có thể sẽ được mở rộng để gây thêm thiệt hại, trong bối cảnh thị trường chứng khoán Nga đã giảm 6% trong tháng Ba. Ảnh hưởng ngay lập tức là dòng tư bản chảy khỏi Nga, mà theo các nhà kinh tế, đã ở mức 60 - 70 tỷ USD trong quý 1, cao hơn so với cả năm 2013 cộng lại. Bộ trưởng kinh tế Nga, Alexei Ulyukayev tuần trước trở thành quan chức Nga đầu tiên thừa nhận việc can thiệp vào Crimea có thể ảnh hưởng xấu tới GDP của Nga. Ông nói, kinh tế Nga có thể chỉ tăng trưởng 0,6% trong năm 2014 nếu dòng vốn ra ở mức khoảng 100 tỷ USD trong năm nay, một con số mà các nhà kinh tế nói là rất lạc quan dựa trên các khuynh hướng hiện giờ. Theo AFP, kinh tế Nga sẽ suy giảm 1,8% nếu dòng vốn ra ở mức 150 tỷ USD, đồng nghĩa với suy giảm 8% trong tổng mức đầu tư - Theo một tiên đoán từ Ngân hàng thế giới. “Hiện tranh luận trên thị trường là liệu Nga có thể duy trì mức tăng trưởng dương, hay sẽ rơi vào suy thoái”, Ngân hàng Alfa bình luận. Ông Alexei Kudrin, cựu bộ trưởng tài chính Nga đã từ nhiệm năm 2011 nhưng vẫn được ông Putin tin tưởng, nói Nga có thể phải trả giá đắt vì một quyết định chính trị. “Chúng ta đang trả giá hàng trăm tỷ USD cho những gì đã diễn ra. Nếu đây là lựa chọn được ủng hộ, chúng ta phải hiểu nó đi cùng với các tổn thất kinh tế”, ông nói với hãng tin RIA Novosti. Rủi ro càng lớn khi Nga đang vật lộn với tỉ lệ tăng trưởng thấp do không thể tiến hành các cải cách cần thiết với một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu nhiên liệu. “Sự tăng trưởng chậm của Nga, trên bình diện chung, là do cấu trúc nền kinh tế”, hãng Standard and Poor’s viết trong một báo cáo về cuộc khủng hoảng tuần này. Nga có tỉ lệ tăng trưởng cao và ổn định trong những năm đầu khi ông Putin nắm quyền, tới 8,5% vào năm 2007, sau đó là cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 làm tăng trưởng chậm hẳn lại và nền kinh tế chỉ tăng trưởng 1,3% trong năm 2013. Một vấn đề quan trọng là liệu phương Tây có nới rộng các lệnh trừng phạt thương mại và tài chính hay không. “Khả năng mở rộng lệnh cấm vận là không cao, trừ khi các lực lượng Nga tiến vào những vùng khác của Ukraine”, Chris Weafer của Tổ chức tư vấn Marco tại Moskva, bình luận. Các nhà kinh tế cảnh báo, nếu Nga bị cô lập hoàn toàn khỏi các nền kinh tế phương Tây, thì đó sẽ là một thảm họa với nước Nga. Ông Putin đã rất cẩn thận tránh viễn cảnh đó và có cuộc gặp ngày 26/3 với giám đốc điều hành Siemens, Joe Kaeser, người đã cam kết doanh nghiệp Đức khổng lồ này vẫn sẽ tiếp tục việc đầu tư ở Nga. Nga đang tìm cách vượt qua sức ép Quan hệ căng thẳng giữa Nga và các nước phương Tây bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng Ukraine, kéo theo việc Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, đã làm cho những tồn tại của kinh tế Nga hiện lên rõ hơn và đẩy nước này đối mặt các khó khăn mới. Tuy nhiên, giới phân tích cũng cho rằng, chính điều đó lại trở thành động lực thúc đẩy Nga tăng cường cải cách, đổi mới bản thân bằng các giải pháp hữu hiệu. Trước khi Crimea sáp nhập vào Liên bang Nga, tăng trưởng của kinh tế Nga đã yếu đi, thậm chí gần như chững lại với mức tăng trưởng 0,3% trong tháng 2/2014, trong bối cảnh lạm phát tăng nhanh, đầu tư dậm chân tại chỗ và vốn chảy khỏi nước này. Số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho hay, tài sản dự trữ của nước này đã giảm xuống 493,3 tỷ USD trong tháng 2/2014, so với mức 509,6 tỷ USD trong tháng 12/2013. Ngân hàng trung ương Nga đã phải tăng lãi suất thêm 1,5 điểm % để ngăn chặn sự xuống giá của đồng rouble. Từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán Nga đã giảm 18%, còn đồng rouble giảm gần 9%. Theo số liệu mới nhất của công ty EPFR Global, từ tháng 9/2013 đến giữa tháng 3/2014, các nhà đầu tư đã rút khoảng 4,4 tỷ USD đầu tư cổ phiếu và 4,1 tỷ USD đầu tư trái phiếu. Sau khi Crimea sáp nhập vào Nga hồi đầu tháng Ba, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đẩy mạnh việc bán chứng khoán, trái phiếu, đồng rouble cũng như rút vốn đầu tư khỏi thị trường Nga. Còn Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhanh chóng ban hành lệnh cấm cấp thị thực và phong tỏa tài sản đối với một số quan chức của Nga và Crimea. Mỹ cũng đã cấm cấp giấy phép xuất khẩu các dịch vụ và mặt hàng liên quan đến quốc phòng cho Nga. Thêm vào đó, Nhóm G-8 với bảy nước còn lại (trừ Nga) - gọi là G-7 đã nhóm họp tại Brussels (Bỉ) để loại trừ Nga khỏi nhóm. Mặc dù việc sáp nhập Crimea ảnh hưởng không nhỏ đến việc Nga triển khai các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, song không ít chuyên gia cho rằng kinh tế Nga vẫn có thể đạt mức tăng trưởng dự kiến 2,5-3% trong năm 2014. Ngoài những tác động bất lợi và khó khăn đã nêu ở trên, căng thẳng với phương Tây hiện nay cũng đem lại không ít cơ hội. Trước hết, khó khăn từ bên ngoài sẽ khiến kinh tế Nga tự nâng cao “sức đề kháng”, thúc đẩy cải cách để hỗ trợ tăng trưởng và đưa ra các chính sách tăng trưởng theo hướng giảm bớt và giảm dần sự lệ thuộc vào thị trường bên ngoài. Thêm vào đó, các nhà đầu tư Nga cũng có thể rút bớt vốn đầu tư ở nước ngoài về đầu tư trong nước. Giải pháp này được xem là “cứu cánh” cho kinh tế Nga trong lúc khó khăn, dù rằng điều này chưa thể diễn ra ngay do các nhà đầu tư Nga cần thời gian để điều chỉnh chiến lược kinh doanh. Về tác động lên thị trường tài chính, giám đốc một số quỹ đầu tư lớn lại nhìn thấy cơ hội đầu tư từ thị trường chứng khoán Nga vào thời điểm thị trường này đang được đánh giá là một trong những thị trường "rẻ" nhất thế giới. Chủ tịch công ty Rogers Holdings, Jim Rogers, còn ví von “đây là thời điểm để mua nước Nga.” Điều này đồng nghĩa với việc thị trường chứng khoán Nga đang trở thành “hấp lực” với các dòng vốn đầu tư trở lại, qua đó đẩy thị trường này đi lên. Và hướng về phương Đông Trong tình hình hiện nay, có vẻ như Nga đã đưa ra một kế hoạch phát triển quan hệ thương mại và kinh tế với phương Đông để đối phó với lệnh trừng phạt từ phương Tây. Với Nga, Châu Á có thể trở thành một lựa chọn thích hợp để thay thế cho thị trường Châu Âu. Sergio Nam, Giám đốc Eurasia Capital Partners có trụ sở chính tại Hồng Kông đã chỉ ra rằng, các nước Đông Á và Đông Nam Á là thị trường phát triển nhanh nhất cho các loại hàng xuất khẩu chính của Nga: Dầu khí , kim loại, sản phẩm hóa chất, thực phẩm. Trung Quốc, từ năm 2009, đã là đối tác thương mại lớn nhất của Nga (89 tỉ USD trong năm 2013). Và Nga cũng có thể tăng cường hợp tác với các đối tác Hàn Quốc và Nhật Bản. "Kể từ khi nội các mới của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lên nắm quyền, Tokyo đã đặt nhiều hy vọng vào sự hợp tác với Nga. Mục đích không chỉ là phát triển kinh doanh của công ty Nhật Bản ở vùng Viễn Đông của Nga, mà còn để Nga không trở thành nơi cung cấp nguyên liệu thô cho Trung Quốc", một chuyên gia tư vấn của chính phủ Nhật Bản cho biết. Để thúc đẩy quan hệ Nhật-Nga và quan hệ cá nhân với Tổng thống Putin, Thủ tướng Nhật Abe là nhà lãnh đạo duy nhất của các nước G7 tham dự Thế vận hội Mùa đông ở Sochi vừa qua. Mỹ đang đau đầu lựa chọn: Hoặc tiếp tục gây áp lực với Tokyo và Seoul để tăng sự cô lập Moskva, hoặc cho phép các đối tác châu Á của mình hợp tác với Nga để hạn chế tác hại của lệnh trừng phạt – nhằm tránh đẩy Nga về phía Trung Quốc. Thanh Trà (tổng hợp) Nguồn Xã hội thông tin