Một điều trớ trêu là những hứa hẹn của Microsoft về khả năng tương thích lại trở thành tác dụng ngược, tạo lí do để người dùng giữ lại cái họ đang có và không chịu nâng cấp Hệ điều hành kỳ cựu có tuổi đời 13 năm Windows XP của Microsoft sẽ không đơn giản là biến mất khỏi thị trường cho dù hãng này đã tìm đủ mọi cách từ kêu gọi đến đe dọa người dùng để họ chuyển sang sử dụng phiên bản Windows mới hơn. Tới thời điểm hiện tại, đây vẫn là hệ điều hành phổ biến thứ 2 của Microsoft (chiếm 34% thị phần) bất chấp thực tế là sau nó đã có tới 3 phiên bản Windows khác. Điều này hoàn toàn trái ngược với tình hình của người dùng hệ điều hành Mac. Hệ điều hành máy tính mới nhất của Apple là Maverick tung ra từ mùa thu năm ngoái và ngay lập tức đã chiếm 48% thị phần, trong khi số người dùng phiên bản Snow Leopard ra đời trước đó 5 năm chỉ còn chiếm 19%. Để thấy rõ hơn sự tương phản này, hãy nhìn vào thị phần chỉ vỏn vẹn 4% của phiên bản hệ điều hành mới nhất của Microsoft là Windows 8. Nguyên nhân thực sự của sự khác biệt giữa hai cộng đồng người dùng này không nằm ở chất lượng của phiên bản hệ điều hành kế tiếp mà hai hãng này đưa tới người dùng. Windows 8 cũng không tệ hơn phiên bản trước đó của nó. Vấn đề nằm ở chỗ 2 hướng đi chiến lược khác nhau mà 2 công ty này đã định ra từ cách đây 30 năm. Và có vẻ như chúng chưa gặp nhau tại một điểm! Hiện tại đã sắp tới thời điểm Microsoft “rút ống thở” đối với Windows XP và hãng ngày càng nhận được nhiều yêu cầu kéo giãn thời hạn này. Các khách hàng của Microsoft có vẻ như muốn dùng Windows XP mãi mãi và điều này ngăn cản mục đích “hiện đại hóa’ cộng đồng người dùng Windows của Microsoft. Trong khi ấy, chỉ khoảng 1/5 người dùng Apple sử dụng phiên bản “cũ’ Snow Leopard” (đa số chỉ vì phần cứng của họ không đủ tiêu chuẩn để chạy các phiên bản mới hơn), còn thì cộng đồng Mac luôn có xu hướng tiến lên phía trước cùng với Apple. Tỷ lệ các phiên bản HĐH Mac và Windows. Source: Net Applications Hãy nhìn vào biểu đồ trên , ta có thể thấy vào thời điểm tháng 12/2013, chỉ 2 tháng sau khi Apple tung ra phiên bản hệ điều hành mới nhất, gần nửa số người dùng Mac đã nâng cấp ngay lên bản OS X 10.9 Mavericks. Trong khi ấy, tính đến tháng 2/2014, tức là 16 tháng sau khi ra mắt, chỉ có 9% người dùng Windows chuyển sang xài Windows 8.x. Tất nhiên là các số liệu của Net Applications dùng trong biểu đồ trên chỉ căn cứ vào dữ liệu àm thu thập được từ những máy tính kết nối Internet của các nước phương Tây và hãy tin rằng số lượng các PC chạy hệ điều hành “lậu” của Microsoft ở Trung Quốc và Ấn Độ còn nhiều hơn rất nhiều. Số lượng PC chạy Windows bất hợp pháp ấy dự kiến còn gấp đôi số lượng các PC đã được dùng để thu thập số liệu. Thêm vào đó cũng còn nhiều máy tính không kết nối Internet được sử dụng như những thiết bị đo đạc và cũng không được Net Applications dùng để tính toán số liệu. Điều đó có nghĩa là thị phần Windows XP thực sự có thể gấp đôi những gì thể hiện trong biểu đồ này. Nhưng tại sao người dùng lại “lưu luyến” với Windows XP đến như vậy? Chiến lược của Microsoft: làm cho Windows trở nên đa năng Tất nhiên là chuyện gì cũng có tiền nhân hậu quả của nó. Chúng ta có thể thấy rằng chiến lược của Microsoft trong quá khứ đã dẫn đến kết cục ngày hôm nay. Cũng không thể không nhắc tới một bộ phận người dùng thực sự chán ghét những gì Microsoft đang thực hiện với Windows và không muốn trải nghiệm thêm chút nào với bản Windows 8 nữa. Đây không phải là nguyên nhân chủ yếu song nó lại là một trong những nhân tố chủ lực cho việc thay đổi. Nguyên nhân chủ yếu nhất chính là quyết định chiến lược mà Microsoft đưa ra ngay từ ban đầu – biến Windows trở thành hệ điều hành phổ biến nhất thế giới, có mặt trong máy tính của mọi nhà. Đây là chiến lược mà nhà sáng lập Bill Gates luôn theo đuổi và khuyến khích cấp dưới đạt được. Điều đó cũng có nghĩa là Windows luôn tìm cách hỗ trợ mọi thứ và vấn đề nổi cộm luôn là sự tương thích giữa phần cứng và phần mềm. Microsoft đã phải cực kỳ cố gắng để làm cho các phần mềm chạy trên nền tảng Windows 95 cách đây cả 20 năm vẫn chạy được trên các phiên bản hệ điều hành hiện tại. Và việc này cũng làm cho khách hàng của hãng, các đối tác sản xuất phần cứng, các nhà phát triển cũng khó nhận thấy được những điểm thay đổi của Windows mỗi khi có phiên bản mới. Trái ngược với điều này, Apple ngay từ đầu đã quyết định để cho nền tảng Mac được “tiến hóa” sau một khoảng thời gian nhất định. Và điều này đảm bảo cho các phần mềm cũ cũng như phần cứng lạc hậu không có “cửa” xuất hiện trên các phiên bản mới và như thế thì hệ điều hành sẽ đảm bảo hoạt động mượt mà hơn. Khách hàng và các nhà phát triển thường bị gạt sang một bên của quá trình này, kể cả giờ đây Apple đã có tiến bộ hơn trong lĩnh vực này. Người mua máy tính Mac giờ đây hiểu rõ một điều là họ sẽ có khoảng 5 năm sử dụng trước khi Apple tung ra phiên bản hệ điều hành mới và hầu hết các driver và dịch vụ đang sử dụng sẽ không còn chạy được với phiên bản mới. Số lượng máy Mac cài hệ điều hành OS X 10.6 Snow Leopard không thể cài đặt phiên bản 10.7 Lion là khá nhiều. Người dùng dường như không có lựa chọn nào khác là mua máy Mac mới hoặc dần dà bị Apple lãng quên. Chiến lược này của Apple cho thấy một sự thực là số lượng ứng dụng chạy trên OS X cũng như lượng phần cứng đặc thù là khá ít ỏi. Thị phần của máy tính Mac vẫn khá nhỏ, nó rơi vào khoảng 3% vào thời điểm năm 1999 và cho tới nay vẫn chỉ dừng ở con số 7%. Con số này thậm chí còn ít hơn cả thị phần của Windows 8 hiện tại và xét trên một ý nghĩa nào đó, OS X là một hệ điều hành không thành công sống nhờ vào lòng trung thành của một số ít các fan cuồng luôn sẵn lòng móc ví ra để nâng cấp phiên bản mới khi Apple giới thiệu. Chiến lược của Microsoft là tạo ra một tiêu chuẩn toàn cầu cho doanh nghiệp và hộ gia đình, xuất hiện trong mọi lĩnh vực kể từ game cho tới dự báo thời tiết. Trẻ em làm bài tập trên Windows, người lớn làm việc trên Windows, các ngân hàng cài đặt Windows trong các máy ATM và NASA cũng sử dụng Windows trên tàu vũ trụ của mình (!). Có rất ít sản phẩm có độ phổ biến toàn cầu và độ thẩm thấu vào mọi mặt của cuộc sống sâu đến như thế. Tình hình kinh doanh của PC truyền thống đang suy giảm trong giai đoạn vài năm trở lại đây do bị ảnh hưởng mạnh mẽ từ sự bùng nổ của thiết bị di động. Cụ thể hơn là số lượng máy tính cài đặt Windows bán ra đang giảm đi còn doanh số máy tính Mac lại tăng lên. Kể cả chiếm thị phần khá nhỏ và đà tăng trưởng đang có xu hướng chững lại, song Apple vẫn chiếm được gần nửa lợi nhuận của thị trường máy tính truyền thống. Song tất cả những điều trên vẫn không thể giải thích được tại sao người dùng Windows lại trung thành với hệ điều hành cũ đến như vậy! Nguồn PC World VN