'Làm khoa học không thể tự biện, tự sướng'

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, Feb 28, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 512)

    Thứ năm, 28/2/2013, 10:28 GMT+7
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    Tiến sĩ Phạm Bích San. Ảnh: Tamnhin.
    - Ông có nhận xét như thế nào về khoa học và các nhà khoa học ở ta?
    - Đã không còn một trường đại học Việt Nam nào đứng trong bảng xếp hạng 500 trường đại học đứng đầu thế giới. Số lượng các bài báo công bố quốc tế cả nước 90 triệu dân chỉ bằng khoảng số lượng một trường đại học Thái Lan. Còn số bằng sáng chế, phát minh thì khỏi phải nói khi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vậy mà số giáo sư, tiến sĩ nước ta nhiều nhất Đông Nam Á. Việt Nam có khoảng 9.000 giáo sư và phó giáo sư, 24.000 tiến sĩ và hơn 100.000 thạc sĩ.
    Nước ta cũng có lượng vô số các viện nghiên cứu của nhà nước, lẫn không nhà nước. Cả nước đua nhau thi vào đại học, hàng trăm đại học mở ra mấy năm qua, nhưng hiện nay như một bệnh dịch lây lan, hết tỉnh này rồi tỉnh khác từ chối tiếp nhận bằng tại chức, các doanh nghiệp than phiền không tuyển được người có tay nghề sẵn sàng cho vị trí công việc cần đến họ.
    Chúng ta có số lượng nhiều người làm khoa học, song ít người có tay nghề làm khoa học, gần như không có ai có nghiệp khoa học, tức là những người làm việc quên mình trong khoa học và được ghi nhận bằng các giải thưởng khoa học quốc tế tầm cỡ.
    - Vì sao khoa học Việt Nam lại ít công bố quốc tế?
    - Tôi e rằng nền khoa học Việt Nam là nền khoa học không cần có kết quả. Xung quanh vấn đề này có rất nhiều điều cần bàn tới như trắc trở về định hướng, đòi hỏi dân chủ khoa học, điều kiện cần và đủ phải có vai trò thị trường mạnh mẽ mới có khoa học được.
    Đừng nói khoa học không cần đến thị trường, phải tồn tại thị trường mới đặt ra yêu cầu với khoa học được. Nhưng đó là vấn đề lớn.
    Nền khoa học Việt Nam không có định hướng yêu cầu đặt ra cho trách nhiệm nhà khoa học với các kết quả cụ thể. Khó nhất của quản lý khoa học là khoa học đòi hỏi sự tự do, nhất là sự tự giác của nhà nghiên cứu, vì vậy, chỗ đó có thể là chỗ người có tài làm việc nhưng cũng là chỗ người không có tài cũng làm được, vì họ nói rằng họ "đang tư duy"; hoặc họ bảo họ đang nghiên cứu khoa học. Không có đòi hỏi định hướng nên khoa học Việt không có kết quả nghiên cứu.
    Trong lĩnh vực nhỏ hơn nữa là khoa học xã hội, ngoài điều tôi vừa nói trên, Việt Nam có ít công bố quốc tế là do không chia sẻ với thế giới cùng một phương pháp luận nghiên cứu, tạm gọi là phương pháp luận khoa học xã hội. Phải chia sẻ phương pháp luận xã hội, người ta mới chia sẻ kết quả của mình, chứ mình làm theo một kiểu phương pháp luận, họ làm một kiểu luận là không được. Do đó, những gì mình công bố họ rất khó hiểu, thậm chí là không hiểu nên làm sao mà đăng được.
    Quan trọng là chúng ta có cùng chia sẻ một phương pháp luận với giới khoa học xã hội thế giới hay không, nếu không sẽ là thiệt thòi lớn cho khoa học nước ta. Ví dụ làm nghiên cứu khoa học xã hội cần có phương pháp luận là những bằng chứng khách quan, độc lập, chứ không ngồi tự biện, tự sướng có kết quả.
    - Một số nhà khoa học nói rằng nguyên nhân khiến họ không có công bố là do không có tiền để tải bài báo quốc tế tham khảo, Việt Nam lại chưa có cơ chế đãi ngộ với nhà khoa học có đăng bài trên tạp chí quốc tế. Tình trạng này nên được giải quyết như thế nào?
    - Chuyện này không đáng kể. Tôi nghĩ đã là chuyên gia giỏi về nguyên tắc phải có tiền, làm ra tiền, nếu không thì chỉ là những người rất thông minh thôi. Chuyên gia giỏi sẽ biết làm thế nào có đủ tiền trang trải cuộc sống của mình. Tôi tính bần cùng lắm như nhà khoa học nổi tiếng người Nga, ông từng giải bài toán về giả thuyết nổi tiếng khi ông không nghề nghiệp, ngồi nhà làm toán mà vẫn tải (dowload) số liệu và công bố số liệu thông qua internet. Điều vĩ đại là khi tặng cho ông giải thưởng một triệu USD ông từ chối nhận vì ông đang bận làm toán.
    Điều đó có nghĩa là nguyên nhân Việt Nam không có công bố quốc tế là do từ trong chính nội tại. Nội tại phải yêu cầu làm khoa học để kiếm sống thì khoa học đó phải định hướng bằng kết quả, phải có công bố khoa học, chứ không phải hết năm này qua năm khác gọi là nghiên cứu khoa học và tự biện được.
    - Vậy làm thế nào để các nhà khoa học Việt Nam có nhiều công bố quốc tế thưa ông?
    - Tôi thấy để công bố khoa học đòi hỏi nhiều điều kiện, ngoài điều kiện trên, cá nhân tôi ngày xưa khi còn làm việc tại viện xã hội học, tôi biết rất rõ ràng là để những có công trình công bố nghiêm túc thông thường nằm trong dự án nào đó. Để có bài báo chấp nhận được trung bình cần khoảng 20.000 USD đầu tư đúng người đúng việc. Song đây chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ gồm nhiều yếu tố khác như chi tiêu cho đúng, nghiên cứu có tài năng.
    Trong cách tổ chức khoa học, nước ta còn rất nhiều vấn đề, đó là vấn đề dân chủ trong khoa học; về lâu dài chúng ta cần vận hành của thị trường, tức tính đến kết quả. Ngô Bảo Châu nếu không đạt kết quả gì chắc không ai thuê giáo sư về giảng dạy tại trường Đại học Chicago danh tiếng.
    Theo tôi, Việt Nam nên đi theo chuẩn chung của thế giới là tốt rồi, hay để khoa học tự vận hành theo cách bình thường tự nhiên. Chỉ cần tổ chức lại chắc chắn giới khoa học Việt Nam sẽ có công trình công bố tốt.
    Nói riêng trong ngành khoa học xã hội, tôi biết trên thế giới rất cần công trình nghiên cứu của người Việt viết về vấn đề của chúng ta. Nhưng như tôi đã nói, chúng ta nhiều khi không chia sẻ chung cùng một phương pháp luận. Ví dụ, nếu bạn muốn công bố một công trình nghiên cứu trong ngành xã hội học, các bạn bắt buộc phải sử dụng tương quan đa biến, dùng toán học rất nhiều, chứ tương quan một hay hai biến thì không đăng được.
    Khi chuẩn chung thế giới đòi hỏi tương quan đa biến, Việt Nam lại không có hay không biện luận chặt chẽ tại sao thế này sao thế kia, vì vậy thế giới thấy ta không đảm độ tin cậy và không đăng công trình nghiên cứu.
    - Trong một hội thảo trước đây, các nhà khoa học từng đưa ra con số 70% tiến sĩ không làm khoa học. Nhiều người cho rằng số lượng nhà khoa học này chuyển sang làm quản lý. Ông nghĩ sao?
    - Nếu chỉ 70% tiến sĩ Việt Nam không làm khoa học, thì điều đó là quá may cho đất nước mình. Vì số còn lại chúng ta có hơn 10 nghìn người thông thạo một ngoại ngữ, cập nhật thông tin hàng ngay và có công trình công bố quốc tế, như thế nền khoa học nước ta tiến đến đâu rồi ấy chứ.
    Thứ hai, các nhà khoa học mà đi làm quản lý thì cũng may cho giới khoa học quá. Vì các nhà khoa học đi làm quản lý lại rất thích làm khoa học khi "ông" nào cũng có một đề tài rất to.
    Nhưng thực tế là khi có đề tài dẫn đến các hệ lụy xảy ra. Bản chất nghề khoa học là nghề có vấn đề xảy ra là phải cân nhắc, đào trước đào sau; còn quản lý việc đó phải quyết ngay, khi quyết ngay phải có mệnh lệnh, bản chất của quyền uy mệnh lệnh đó không phù hợp với bản chất tự do, đào sâu suy nghĩ của khoa học, vì vậy có hại cho khoa học.
    - Ông nghĩ sao khi giới trẻ, đội ngũ kế cận khoa học đang dần rời bỏ nghiên cứu, vì gánh nặng "cơm áo gạo tiền"?
    - Nếu các nhà khoa học trẻ kiếm sống tốt bằng nghề khác, chúng tôi rất hoan nghênh. Làm khoa học mà không kiếm sống tốt thì nên làm cái khác, điều này thậm chí còn góp ích cho xã hội. Hãy để khoa học tự điều chỉnh.
    Khoa học đòi hỏi đam mê, vì vậy ngày xưa, phần lớn nhóm người có điều kiện mới làm khoa học, sau này khoa học công nghệ trở thành lực lượng sản xuất, khi đó khoa học bắt đầu tạo thu nhập. Tuy nhiên, đúng là làm khoa học thường thu nhập không cao, chỉ thuộc tầng lớp trung lưu thôi. Nhưng bù lại, nhà khoa học có quyền sáng tạo thỏa mãn nhu cầu cá nhân.
    Vì vậy, để ghi nhận đóng góp lớn vì sự phát triển nhân loại, hàng loạt giải thưởng đề ra cho giới khoa học bằng uy tín danh dự và sau đó là bằng thu nhập cụ thể. Trước đây khi Marie Curie nhận giải thưởng Nobel đầu tiên, bà cho rằng đây là sự giúp đỡ đồng nghiệp Thụy Điển để bà đỡ khó khăn trong việc làm khoa học mà thôi.
    - Ông có đề xuất gì về cách trả tiền cho người làm khoa học?
    - Khoa học là phát minh của các cá nhân, không có phát minh tập thể. Vậy trả tiền bình quân như nhau cho tất cả mọi người sẽ không còn là khoa học. Việc để cô cán bộ tài chính quyết định sự hợp lý của mức chi cho công tác khoa học sẽ biến hoạt động trí óc sáng tạo thành công việc của lao động giản đơn, nên mãi mãi chúng ta không có khoa học. Tệ hơn thế, lao động khoa học thật rất vất vả, trong khi chia nhau tiền làm khoa học thì thoải mái hơn nhiều. Lâu dần người ta không làm khoa học nữa. Chỉ còn cách là khoán gọn và trả tiền theo kết quả được đánh giá bởi các công trình, các nghiệm thu nghiêm túc và trả thù lao của thị trường.
    - Theo ông, so với thế giới nền khoa học Việt Nam đang ở vị trí nào?
    - Không so sánh được. Vì muốn so sánh, Việt Nam phải đi cùng hướng với họ. Nếu chúng ta cùng đi chung con đường, người đi sau có lúc sẽ đuổi kịp người đi trước, chẳng qua chỉ là tốc độ và khoảng cách thôi.
    Tôi không biết Việt Nam đang theo hướng nào. Còn các nước đi theo chuẩn chung của thế giới. Tôi ngạc nhiên khi có nghe thông tin chuẩn bị luật sửa đổi khoa học công nghệ, các trường đại học ở Việt Nam không được tính là đơn vị nghiên cứu khoa học, tôi chưa kiểm tra thông tin này, nhưng nếu đại học không phải nơi nghiên cứu khoa học thì còn nơi nào xứng đáng hơn đây?
    Hương Thu
    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - 'Làm khoa học không thể tự biện, tự sướng'

Share This Page