10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Dùng biện pháp kinh tế “quản” thuê bao trả trước

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by Robot Siêu Nhân, Mar 24, 2014.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 412)

    (XHTT) Trong tuần thứ 12 (từ 17/3 - 24/3/2014), có sự kiện khá lớn “Ngày hội máy tính” ở Thái Nguyên, nhưng ở đây, Xã Hội Thông Tin chọn việc Bộ TT-TT đẩy mạnh biện pháp kinh tế để “quản” thuê bao trả trước là nổi bật, bởi tuy có vẻ bình thường, nhưng về lâu dài, sẽ làm hài lòng đa số người dùng điện thoại hiện nay.


    1- VNPT Global của MobiFone tham gia thị trường Campuchia

    Cuối tuần qua, tại Phnom Penh, VNPT Global, Công ty con của MobiFone đã tổ chức lễ khai trương văn phòng đại diện tại khách sạn Nagaworld, với sự tham dự của nhiều quan khách cấp cao, trong đó có đại diện các Bộ: Bưu chính Viễn thông, Công nghệ Thông tin, Điều tiết Viễn thông Campuchia. Đây là một sự kiện quan trọng đối với ngành bưu chính - viễn thông của quốc gia láng giềng.

    Bước đầu, VNPT Global sẽ triển khai các dịch vụ chính yếu, gồm dữ liệu (data), thoại (voice) và các giải pháp truyền thông dành cho đối tượng khách hàng doanh nghiệp. Với ưu thế về kỹ thuật, hạ tầng, kinh nghiệm quốc tế và kinh nghiệm quản lý, được thừa hưởng từ công ty mẹ MobiFone, VNPT Global cam kết sẽ là nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất, chuyên nghiệp nhất và có giá thành hợp lý nhất để đồng hành, cùng phát triển với cộng đồng doanh nghiệp viễn thông - CNTT và nền kinh tế Campuchia.

    VNPT Global đặt mục tiêu: Hết năm 2014, sẽ đạt 25% thị phần tại thị trường mới này, và chiếm 50% thị phần vào cuối năm 2015. Sau Campuchia, VNPT Global đã có kế hoạch để bước chân vào thị trường Thái Lan và Myanmar.

    2- “Ngày hội máy tính cho cuộc sống” lần thứ 1 tại Thái Nguyên

    "Ngày hội Máy tính cho cuộc sống" lần thứ 1 do Bộ TT-TT phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên và Hội Tin học Việt Nam tổ chức, diễn ra tại Thái Nguyên trong 2 ngày, 21 và 22/3/2014. Sự kiện đã thu hút nhiều doanh nghiệp CNTT-TT lớn như VNPT, FPT, Viettel, Intel, Microsoft, Tinh Vân... tham gia.

    Tập đoàn VNPT tham gia chương trình “Ngày hội Máy tính cho cuộc sống” với vai trò là nhà tài trợ Kim Cương.

    Trong khuôn khổ của “Ngày hội Máy tính cho cuộc sống”, sẽ có hoạt động tổng kết giai đoạn đầu của hoạt động quyên góp, trao tặng máy tính, kết nối miễn phí Internet thuộc Chương trình Máy tính cho cuộc sống (PCs for Life).

    Một trong những hoạt động đáng chú ý nhất của Ngày hội là đào tạo phổ cập sử dụng máy tính và Internet miễn phí với hình thức vừa học vừa chơi cho người dân và học sinh. Khu đào tạo rộng khoảng 500m2 được phân làm 5 quầy, mỗi quầy 10 máy tính, đào tạo theo 5 chủ đề: Sử dụng máy tính cơ bản (Word, Excel, Powerpoint); Truy cập Internet đọc báo, nghe nhạc, xem phim miễn phí; Tạo địa chỉ Yahoo emaill, Gmail, tạo Yahoo chat với bạn bè, viết blog, google, tạo trang mạng xã hội facebook; Sử dụng dịch vụ lưu trữ trực tuyến Dropbox, Google Drive, Sky Drive…

    [​IMG]

    Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son thăm hỏi chị Nguyễn Thảo Vân, Giám đốc Trung tâm Nghị lực sống tại “Ngày hội Máy tính cho cuộc sống”.

    Tối 21/3, một cuộc tọa đàm với chủ đề “CNTT - Nền tảng cho sáng tạo và thành công”, với mục đích gửi đi thông điệp: CNTT là nền tảng cho sáng tạo và thành công tới giới trẻ, sinh viên và người dân tại vùng miền núi phía Bắc; Thúc đẩy những dự định, hoài bão về CNTT của giới trẻ, khuyến khích sự đam mê, sáng tạo trong lĩnh vực CNTT, tạo động lực cho giới trẻ gắn bó với ngành CNTT cũng như niềm tin của họ đối với những chính sách của Chính phủ và địa phương trong lĩnh vực này.

    Theo dự kiến, “Ngày hội Máy tính cho cuộc sống” sẽ thu hút sự tham gia của 900 khách mời, trong đó có 500 sinh viên.

    3- PMNM chưa phổ biến tại Việt Nam vì thiếu người hỗ trợ

    Ngay từ năm 2004 - 2005, Văn phòng Trung ương Đảng đã hợp tác với hai công ty NetNam và CMC ứng dụng phần mềm nguồn mở (PMNM) để triển khai hệ thống kết nối các máy tính của các cơ quan Đảng trên toàn quốc cùng hệ thống kiểm soát truy nhập (tường lửa mềm). Cho đến nay, tại Việt Nam, vẫn chưa có sản phẩm, dịch vụ PMNM nào được triển khai trên hệ thống diện rộng như hệ thống cơ quan Đảng. Năm 2006, phần mềm quản lý văn bản trên mã nguồn mở cũng đã được phát triển và thử nghiệm thành công. Nhưng sau đó, nó không được đưa vào sử dụng trong các cơ quan Đảng vì nhiều lý do, trong đó chủ yếu là không có đội ngũ hỗ trợ, đảm bảo kỹ thuật, và bản thân sản phẩm còn yếu.

    Giám đốc Trung tâm Tin học của Văn phòng Trung ương Đảng Vũ Duy Lợi nhận định, "5 năm trước, việc yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng PMNM trong các cơ quan Nhà nước rất không phù hợp vì chưa hội đủ yếu tố cần thiết. Thời điểm này cũng vẫn chưa phù hợp vì thiếu lực lượng hỗ trợ kỹ thuật cho các sản phẩm được phát triển trên nền nguồn mở, chưa nói sản phẩm thuần PMNM. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật trong các cơ quan có thể đảm bảo cho hệ thống ứng dụng PMNM vận hành tốt còn thiếu rất nhiều. Rất mong các cơ quan quản lý và doanh nghiệp CNTT-TT ưu tiên tập trung phát triển nhân lực có kỹ năng về PMNM và phát triển cộng đồng doanh nghiệp có khả năng đáp ứng nhu cầu hỗ trợ kỹ thuật cho quá trình ứng dụng PMNM. Không nên chỉ quá nhấn mạnh vấn đề nghiên cứu phát triển sản phẩm để làm kinh tế. Cách đây 5 – 10 năm đã có chương trình phát triển sản phẩm nguồn mở nhưng không đạt kết quả như mong muốn".

    Ở góc độ cơ quan quản lý chuyên ngành về CNTT-TT và đã ban hành nhiều văn bản, chính sách khuyến khích thúc đẩy phát triển ứng dụng PMNM, ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ TT-TT thừa nhận việc đưa PMNM vào cuộc sống không dễ dàng do cộng đồng PMNM vẫn còn yếu.

    Cuối năm 2011, Viện Công nghiệp Phần mềm và Nội dung số (Bộ TT-TT) đã công bố dự kiến thành lập Trung tâm Kiểm định đánh giá PMNM, trong đó có một trung tâm hỗ trợ (call-center) để sẵn sàng hỗ trợ từ xa giúp các cán bộ ở địa phương xử lý vướng mắc trong quá trình sử dụng PMNM. Thế nhưng cho đến nay, vẫn chưa thấy công bố thông tin chính thức nào về kết quả hoạt động hỗ trợ của trung tâm này.

    Còn TS. Bùi Mạnh Hải, Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam cho biết: "Nhiều năm trước, Thủ tướng đã giao cho Bộ Khoa học Công nghệ thành lập một tổ chức hỗ trợ kỹ thuật cho các hoạt động liên quan đến PMNM, nhưng nhiều năm qua, mảng này vẫn chưa có tổ chức nào đảm nhiệm. Nếu không có hỗ trợ thì các địa phương và các cơ quan Nhà nước sẽ khó có thể vận hành các hệ thống ứng dụng PMNM. Thời gian tới, khi đi vào hoạt động, Trung tâm Đào tạo và phát triển PMNM sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động ứng dụng PMNM tại Việt Nam".

    4- MobiFone điều chỉnh tin nhắn Flash

    Mạng di động MobiFone khẳng định, giá cước các dịch vụ trong tin nhắn Flash mà người dùng nhận được đều được hiển thị dưới dạng rút gọn ở phần cuối nội dung. Người dùng chỉ bị tính tiền khi chủ động bấm lựa chọn tới lần thứ hai chứ không "dễ dàng bấm nhầm" như lo ngại của nhiều người.

    Trước việc Thanh tra Bộ TT-TT cho rằng, đã ghi nhận hiện tượng một số nhà mạng gửi đi các tin nhắn dạng Flash nhằm cung cấp dịch vụ và đây là dạng tin nhắn tự động xuất hiện trên điện thoại và một khi người dùng mở tin nhắn, điện thoại sẽ tự kích hoạt ứng dụng có sẵn trên SIM để gửi tin nhắn tới các đầu số có thu cước, khiến người dùng mất tiền oan mà không hề hay biết. MobiFone giải thích rằng, LiveInfo là dịch vụ cung cấp thông tin chủ động đến khách hàng dưới dạng các bản tin Flash (bản tin không lưu lại trong thiết bị đầu cuối của khách hàng mà chỉ hiển thị trên màn hình trong một khoảng thời gian nhất định). Khi tiêu đề tin hiển thị trên màn hình thiết bị đầu cuối, nếu có nhu cầu xem tin, khách hàng bấm chọn để đọc thông tin chi tiết. Tiêu đề tin sẽ tự động biến mất trong vài giây nếu khách hàng bỏ qua, không chọn đọc tin.

    Về việc điện thoại tự động gửi tin nhắn tới các đầu số và trừ tiền trong tài khoản chính khi người dùng chọn các mục trong Menu, phía MobiFone khẳng định, người dùng chỉ bị tính tiền sau hành động chủ động bấm chọn để yêu cầu gửi nội dung và sẽ nhận được nội dung dưới dạng SMS, MMS, wap link,… chứ không tự động nhắn tin đến các đầu số. Hiện nhà mạng chỉ cung cấp dạng tin nhắn Flash sms đối với dịch vụ Live Info chứ không cung cấp với bất kỳ dịch vụ nào khác. Nếu không muốn sử dụng dịch vụ LiveInfo, khách hàng có thể hủy dịch vụ.

    Đối với các dịch vụ tích hợp sẵn trên SIM mà Bộ TT-TT yêu cầu các nhà mạng phải quản lý chặt, MobiFone cho biết sẽ tuân thủ đúng theo chỉ đạo. Mạng này đã điều chỉnh kịch bản dịch vụ LiveInfo để bổ sung bước gửi xác nhận đồng ý trước khi tải nội dung, cũng như chỉnh sửa lại phần Menu dịch vụ theo hướng có lợi cho người dùng. Sau khi tiến hành nâng cấp hệ thống kỹ thuật, MobiFone sẽ chính thức cung cấp tính năng "xác nhận đồng ý" để ngăn chặn tối đa nguy cơ người dùng vô tình bị trừ tiền oan.

    5- Tới truyền hình trả tiền cạnh tranh khốc liệt

    Việc các nhà mạng lớn như VNPT, Viettel và FPT Telecom tham gia “cuộc chơi”, làm thị trường truyền hình trả tiền tới đây chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi. Người xem sẽ được tiếp cận với truyền hình giá rẻ, thay vì liên tục phải chịu cảnh tăng giá như trước đây.

    Theo các chuyên gia, với hơn 6 triệu thuê bao (người xem truyền hình trả tiền) hiện có cùng 20 triệu thuê bao tiềm năng, thị trường truyền hình trả tiền được đánh giá là thị trường “béo bở” với bất cứ doanh nghiệp nào. Tuy nhiên, sức hút lớn hơn chính là số tiền mà thị trường này có thể đem lại cho các doanh nghiệp.

    Theo số liệu ước tính của Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương), tổng doanh thu của thị trường truyền hình trả tiền trong nước đạt gần 2 tỷ USD vào năm 2011. Con số này đã tăng lên 2,5 tỷ USD (tương đương 54.000 tỷ đồng) vào năm 2012. Trong đó, doanh thu từ quảng cáo lên tới khoảng 850 triệu USD trong năm 2011 và hơn 1 tỷ USD vào năm sau. Đây là một khoản tiền lớn, hấp dẫn đối với bất cứ nhà mạng nào.

    Với khoảng 40 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đang hoạt động, nhưng đến hết năm 2013, thị phần chủ yếu vẫn nằm trong tay hai nhà đài lớn là VTV và HTV. Trong đó, SCTV chiếm khoảng 40%, tiếp theo là VTVCab với 30%, kế là HTVC với 15%. Trên 30 doanh nghiệp còn lại chia nhau 15% thị phần.

    [​IMG]

    "Đấu trường" truyền hình trả tiền tới đây sẽ khốc liệt chẳng kém lĩnh vực viễn thông.

    FPT Telecom cho biết, trong quý 2 năm nay sẽ triển khai dịch vụ truyền hình trả tiền bằng công nghệ số tại 8 tỉnh/thành, gồm: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Dương, Cần Thơ, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Đăk Lắk. Các địa phương khác sẽ được FPT Telecom cung cấp bằng công nghệ analog. Và doanh nghiệp này sẽ đưa công nghệ mới vào, giúp người xem có thể theo dõi các chương trình truyền hình trên smartphone, máy tính bảng… khi đang di chuyển.

    VNPT khẳng định sẽ sớm gia nhập thị trường. Hiện hồ sơ xin cấp phép của VNPT đang được lãnh đạo Bộ TT-TT xem xét. Còn Viettel cho biết, sẽ chính thức tham gia thị trường với chiến lược “lấy nhiều bù ít”.

    Đại diện Viettel cho biết, từ giữa tháng 3/2013, Viettel đã đưa vào thử nghiệm dịch vụ truyền hình cáp tại Hà Nội, TP.HCM và Hà Nam. Dự kiến tháng 4/2014, Viettel sẽ đồng loạt triển khai cung cấp dịch vụ tại 15 tỉnh, thành phố lớn trên cả nước.

    Hiện, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình đang ráo riết thực hiện việc cơ cấu lại các gói cước, tính toán lại giá thành (theo hướng giảm giá) hay đưa ra các chương trình khuyến mãi cho các thuê bao của mình. Truyền hình cáp Saigontourist (SCTV) hiện có mức cước phí thuê bao thấp nhất, 60.000 đồng/tháng. Truyền hình cáp Hà Nội (HCATV), trên 80.000 đồng/tháng trong khi VTVcab có mức giá cao nhất 110.000 đồng/tháng cho tivi thứ nhất và 33.000 đồng/tháng cho tivi thứ hai trở đi.

    Đại diện một nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền khẳng định, nhìn bề ngoài tưởng dễ ăn, nhưng thực tế hoàn toàn khác. Các số liệu cho thấy, thị trường đang cạnh tranh rất khốc liệt và hầu hết các nhà cung cấp đều phải đối mặt với tình trạng thuê bao rời mạng, thuê bao ảo gia tăng. Có doanh nghiệp có tới hơn 30% thuê bao rời mạng trong năm 2013, con số thuê bao ảo cũng lên tới 32%. Nhiều doanh nghiệp đến nay vẫn phải chịu mức lỗ rất lớn.

    Thế nhưng, việc Viettel, FPT Telecom và VNPT tham gia vào thị trường, chắc chắn sẽ giúp người dùng giảm chi phí thuê bao hàng tháng. Với Viettel, các đài truyền hình sẽ rất thận trọng. Viettel hoàn toàn có thể tung ra các gói cước giá rẻ để thu hút khách hàng giống như họ đã làm trong lĩnh vực viễn thông, một đài truyền hình cho biết.

    Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình chính là nội dung của các chương trình. Giữa các doanh nghiệp, rất khó để chia sẻ nội dung với nhau, đặc biệt là với Viteel. Thực tế từ thị trường viễn thông cho thấy, việc chia sẻ nội dung sẽ giúp Viettel phát triển rất nhanh, đồng nghĩa với việc các nhà đài sẽ bước vào cửa tử. Còn về phía người xem, chắc chắn là có lợi, một “nhà đài” phân tích.

    “Những năm qua, do có thị phần lớn, VTV luôn “một mình một chợ” trong việc mua và chia sẻ bản quyền các kênh truyền hình độc quyền cũng như thỏa sức tăng giá cước. Có thêm các “tân binh” tham gia sẽ giúp thị trường xuất hiện khái niệm mới “truyền hình giá rẻ”. Đại diện một đài truyền hình nói.

    6- Sản phẩm OTT Việt - Zalo đạt mốc 10 triệu người dùng

    Vào ngày 20/3/2014, Zalo – Dịch vụ OTT của Việt Nam chính thức đạt mốc 10 triệu người dùng cùng 120 triệu tin nhắn trao đổi qua hệ thống mỗi ngày. So với con số 1 triệu vào tháng 3/2013, Zalo đã tăng trưởng 10 lần sau 1 năm. Với con số này, ước tính Zalo đã phủ sóng 50% thị trường điện thoại thông minh ở Việt Nam.

    Ra mắt vào cuối năm 2012, Zalo được người dùng đánh giá cao ở tính năng tin nhắn thoại cũng như tốc độ gửi tin nhanh, ổn định. Nó đã nhanh chóng chiếm vị trí đầu bảng xếp hạng của các ứng dụng iOS, Android, Nokia đến Windows Phone. Zalo là ứng dụng Việt Nam duy nhất được cài đặt sẵn trên Nokia X – dòng smartphone chiến lược của hãng điện thoại này, sẽ ra mắt vào đầu tháng 3/2014.

    Hiện, Zalo đã được một số cơ quan chọn làm một công cụ quảng bá và tuyên truyền như: Văn phòng Chính phủ chọn làm kênh truyền thông, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) sử dụng Zalo làm cầu nối để cộng đồng gửi những lời nhắn động viên đến nhân dân và các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa. Rồi các nhãn hàng toàn cầu như McDonald’s, Coke, Domino’s Pizza, Lotte… cũng chọn Zalo làm kênh tiếp cận và chăm sóc khách hàng.

    7- Nguyễn Hà Đông được săn đón ở Mỹ

    Nguyễn Hà Đông, “cha đẻ” của game nổi tiếng Flappy Bird vừa được mời tham dự Hội thảo Internet di động toàn cầu (GMIC) tại vịnh San Francisco (Mỹ) vào tối 19/3. Hội thảo được tổ chức trên du thuyền, với số lượng khách mời hạn chế. 100 nhân vật tham dự đều là những nhà lãnh đạo hàng đầu trong ngành di động, đến từ Thung lũng Silicon, Trung Quốc, Nhật Bản, trong đó có cả các nhà phát triển game di động, nhà phân phối, nhà xuất bản, nhà đầu tư…

    Nguyễn Hà Đông, tác giả game di động Flappy Bird từng “làm mưa làm gió” cũng được mời dự. Trong các bức ảnh được đăng tải lên tài khoản Facebook của GMIC, có thể thấy Hà Đông được giới công nghệ quốc tế chào đón nồng nhiệt. Hội nghị nhằm để các khách mời gặp gỡ, trao đổi và học hỏi, tạo quan hệ và hiểu rõ hơn về xu hướng công nghệ di động cũng như cách di động đang thay đổi thế giới.

    [​IMG]

    Nguyễn Hà Đông chụp ảnh cùng một thành viên ban tổ chức

    Cũng trong tuần, ở một bình diện khác, trên mạng xã hội Twitter ngày 20/3, Nguyễn Hà Đông cho biết, anh đang lên kế hoạch để đưa game Flappy Bird quay trở lại App Store. Theo đó, giới phân tích cho rằng, Đông sẽ đủ khôn ngoan để không làm mọi thứ quá muộn, khi thế giới chuyển sang một trò game di động gây nghiện khác.

    8- Hà Nội cấm sử dụng mail Yahoo, Gmail trong việc công

    Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc vừa ký ban ban hành văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành và quận huyện chấm dứt việc sử dụng các hòm thư điện tử công cộng (Yahoo, Gmail…) và thực hiện nghiêm việc sử dụng hộp thư điện tử .gov.vn để gửi văn bản, tài liệu, trao đổi công việc.

    Mặc dù UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quy định trao đổi, lưu trữ, xử lý văn bản điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; Tuy nhiên, theo Văn Phòng UBND TP. Hà Nội, vẫn còn một số đơn vị chưa nghiêm túc triển khai gửi, nhận văn bản điện tử theo quy định, chưa khai thác, sử dụng hòm thư điện tử @hanoi.gov.vn nghiêm túc.

    Bà Ngọc yêu cầu, đối với văn bản phát hành của các cơ quan vi phạm quy định về việc sử dụng hòm thư điện tử trong giao dịch hành chính điện tử, bà Ngọc yêu cầu các cơ quan nhận văn bản không tiếp nhận xử lý.

    Trước đó, UBND thành phố Hà Nội cũng nhận được công văn của Bộ TT-TT nhắc nhở việc sử dụng hộp thư điện tử .gov.vn để trao đổi công việc.

    9- Hà Nội cấp hộ chiếu phổ thông qua mạng

    Từ ngày 20/3, Phòng quản lý xuất nhập cảnh (PA72) Công an Hà Nội bắt đầu thí điểm việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục cấp hộ chiếu phổ thông thông qua mạng Internet.

    Cụ thể, từ ngày 20/3 Hà Nội bắt đầu tổ chức việc tiếp nhận giải quyết thủ tục cấp hộ chiếu phổ thông cho mọi công dân theo 3 hình thức, gồm: (1)-Công dân tự đến PA72 Hà Nội (số 89 Trần Hưng Đạo, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) để được hướng dẫn thủ tục. (2)-Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu đề nghị cấp hộ chiếu cho nhiều người (từ 10 người trở lên) thì gọi điện đến số máy (04).39396694 để đăng ký, sau 1 ngày PA72 Hà Nội sẽ cử cán bộ đến tận nơi làm thủ tục; (3)- Công dân có nhu cầu cấp hộ chiếu thực hiện tự kê khai (việc kê khai này có thể thực hiện trước khi đến hoặc ngay tại trụ sở PA72 Hà Nội) vào mẫu tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông trên mạng Internet theo địa chỉ trang web http://hochieu.cahn.vn.

    Sau khi hoàn tất các thủ tục, mọi công dân sẽ được nhận hộ chiếu tại nhà thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh, với giá cước dịch vụ tại các quận nội thành là 15.000 đồng/hộ chiếu và tại các huyện ngoại thành, thị xã là 20.000 đồng/hộ chiếu.

    Trong bài tổng hợp của Xã Hội Thông Tin về 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần trước, việc cấp thị thực qua mạng đã được Bộ Ngoại giao triển khai. Tuần này, đến Công an Hà Nội thực hiện việc cáp hộ chiếu qua mạng (địa phương đầu tiên) và theo đà đó, chúng ta có quyền hy vọng việc này sẽ được nhân rộng ra các tỉnh/thành khác, giảm phiền hà cho người dân.

    10- Sẽ dùng biện pháp kinh tế để “quản” thuê bao trả trước

    Trong đợt thanh tra diện rộng về thuê bao di động trả trước tại TP.HCM cuối năm 2013, Sở TT&TT Thành phố cho biết, gần như 100% các đại lý đăng ký thuê bao trả trước cũng như các nhà mạng hoạt động trên địa bàn đều vi phạm quy định về đăng ký thông tin, như một CMND được khai cho nhiều số cùng lúc, khai man thông tin....

    [​IMG]

    Hầu hết các đại lý lẫn nhà mạng vẫn chưa tuân thủ nghiêm túc các quy định của Bộ TT-TT.

    Bình luận về tình trạng hoạt động của các đại lý được ủy quyền đăng ký thuê bao di động trả trước hiện nay, ngay Cục Viễn thông (Bộ TT-TT) cũng buột miệng than thở: "Các điểm này không ổn chút nào, vẫn đồng thanh làm bậy khiến cho số lượng thuê bao rác vẫn cứ phát sinh, không biết bao giờ mới ngừng".

    Bất chấp những biện pháp kiên quyết và mạnh tay của Bộ TT-TT suốt thời gian qua, tình hình thuê bao trả trước tại Việt Nam vẫn diễn biến rất phức tạp, tin nhắn rác vẫn bùng phát mạnh trong dịp Tết vừa qua. Theo các chuyên gia, nguồn phát tán tin nhắn rác có thể quy về ba đầu mối chính: Đó là chính các doanh nghiệp di động (Telco), các nhà cung cấp dịch vụ nội dung qua tin nhắn (CP) và đối tác thứ ba (SubCP).

    Trong một cuộc họp mới đây giữa Sở TT-TT TP.HCM với Bộ TT-TT, đại diện của Sở cho rằng, hai nút thắt đầu có thể “gỡ” được (tương đối dễ) bằng biện pháp quy định tần suất tin nhắn. Hơn nữa, đó là những doanh nghiệp lớn, "có tên có tuổi", cơ quan quản lý nắm được. Riêng nút thắt cuối - các SubCP mới là đối tượng "trôi nổi nhất". Các SubCP hầu hết đều sử dụng SIM rác trả trước để phát tán tin nhắn rác, nên việc truy ra nguồn gốc cũng như ngăn chặn bằng chế tài gần như bất khả thi. Cách duy nhất để chặn các SubCP chính là siết thuê bao trả trước, siết SIM rác. "Chung quy lại thì gốc vẫn là SIM rác", vị đại diện Sở nhấn mạnh.

    Về vấn đề này, Cục Viễn thông thừa nhận rằng, việc quản lý thuê bao trả trước đúng là đang mắc nhất ở các đại lý được ủy quyền đăng ký thuê bao. "Các điểm đăng ký này không ổn chút nào, phớt lờ quy định khiến cho số lượng thuê bao rác vẫn cứ phát sinh, không biết bao giờ mới ngừng".

    Cũng theo Cục Viễn thông, việc áp dụng quản lý thuê bao trả trước như trả sau là chưa có tiền lệ, chưa có nước nào trên thế giới áp dụng và có thể vi phạm thông lệ Quốc tế. Hơn nữa, cơ quan quản lý cũng không được phép tùy tiện trong việc xây dựng các văn bản quy định, bởi nếu quản quá cứng thì lại có nguy cơ hạn chế sự phát triển của thị trường. Trong thời gian chờ các quyết sách mới của Bộ TT-TT, các địa phương cần tăng cường quản lý, thanh kiểm tra để hạn chế đại lý, doanh nghiệp làm bậy.

    Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng chia sẻ hai cách để quản lý thuê bao trả trước, từ đó “siết” được thuê bao ảo và SIM rác. Đó là ngoài biện pháp hành chính đơn thuần như tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp, đại lý, ông cho rằng cần phải áp dụng biện pháp kinh tế, đánh thẳng vào quyền lợi các bên liên quan.

    Theo ước tính của Bộ TT-TT, số thuê bao di động thực (thường dùng-PV) trên thị trường chỉ khoảng 60 triệu, nghĩa là hiện vẫn còn khoảng 20-30 triệu thuê bao rác đang lưu hành. Bởi vậy, Bộ đã yêu cầu các nhà mạng phải ra quyết định hủy SIM lưu hành sau 2 năm mà không kích hoạt.

    "Phải đợi các SIM này hủy hết thì thị trường mới qua được một thanh lọc khác. Số liệu thuê bao lúc đó mới tương đối chính xác được", Thứ trưởng nhận định.

    Hiện, hướng quản lý của Bộ là tập trung vào các biện pháp kinh tế, không còn các chương trình khuyến mãi sai quy định để số lượng thuê bao rác, SIM rác giảm mạnh một đợt nữa, như thời gian qua đã chứng minh.

    Thứ trưởng cũng nhất trí với đề nghị của Sở TT-TT TP.HCM về việc xem xét quy định các doanh nghiệp, CP có nhu cầu nhắn tin lớn phải đăng ký số lượng tin nhắn tối đa với nhà mạng, có thể 100 hay 200 tin nhắn/ngày. Quy định này sẽ không ảnh hưởng đến người sử dụng thông thường, kể cả trong dịp Tết.

    Thanh Trà (tổng hợp)

    Nguồn Xã hội thông tin
     
  2. Facebook comment - 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Dùng biện pháp kinh tế “quản” thuê bao trả trước

Share This Page