(XHTT) Với những phân tích, đánh giá của Xã Hội Thông Tin xoay quanh vụ Crimea trong loạt bài trước, ở bài này, xin phân tích thêm một khía cạnh khác: Thế mạnh của Nga trong lĩnh vực dầu lửa và khí đốt. Với kim ngạch xuất khẩu dầu lửa và khí đốt trị giá 160 tỷ USD mỗi năm của Nga sang châu Âu và Mỹ hiện nay, dầu lửa và khí đốt này có thể sẽ đóng vai trò như một thứ “vũ khí” tốt nhất để ông Putin chống lại các đòn trừng phạt từ phương Tây, đặc biệt là châu Âu trong cuộc đối đầu ở Ukraine. Hệ thống khí đốt của Nga - Một thế mạnh tiềm ẩn. Cả châu Âu không thể quên những mùa đông lạnh lẽo khi phải trông chờ vào nguồn khí đốt từ Nga. Chính Ukraine và nhiều nước Đông Âu chưa thể thoát nỗi ám ảnh từ những đợt khủng hoảng khí đốt và bị Nga cắt hoặc giảm nguồn cung. Con bài ngửa với “chiến lược dầu khí” này của ông Putin đã thực sự khiến châu Âu và Mỹ đứng ngồi không yên. Mặc dù vài ngày trước, Mỹ và các nước đồng minh châu Âu đã họp để bàn biện pháp trừng phạt Nga, đồng thời không (hoặc không muốn) công nhận kết quả của cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea ngày 16/3 - với đại đa số dân ở đây muốn tách khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga, cho đây là vi phạm luật quốc tế, trong khi Nga giữ lập trường ủng hộ Crimea tách khỏi Ukraine và nói rằng, làm như thế là không phạm luật. Nhưng ẩn sâu bên trong, nỗi lo về nguồn cung dầu lửa và khí đốt từ Nga vẫn làm cho châu Âu và Mỹ phải lo lắng. Giới quan sát đánh giá, phương Tây dường như không có nhiều “thế cờ” cũng như “quân cờ” để ngăn chặn việc Tổng thống Putin cho phép Crimea sáp nhập vào Nga và với thế “thượng phong” trên, bất chấp những lời cảnh báo của châu Âu và phương Tây, Nga chưa hề chùn bước. Những động thái mới nhất cho thấy, tất cả các hành đông của phương Tây và châu Âu mới chỉ dừng lại ở các tuyên bố không thiện chí với những lời cáo buộc như: "Không công nhận", "không thể chấp nhận được", "trái pháp luật", "sẽ trừng phạt bổ sung"... Tất cả đều hiểu rằng, các biện pháp trừng phạt có thể gây ảnh hưởng đến các hợp đồng kinh tế, buôn bán vũ khí toàn cầu và quan trọng hơn là những hợp tác về năng lượng, cụ thể là dầu và khí, mà nếu bị phá vỡ thì các bên đều thiệt hại nặng nề. Với vị thế là nước xuất khẩu dầu lửa và khí đốt lớn nhất thế giới, Nga đạt kim ngạch 160 tỷ USD đối với các mặt hàng dầu thô và khí đốt xuất sang châu Âu và Mỹ trong năm 2012. Theo ông Jeff Sahadeo, một nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Đại học Carleton của Canada, việc phương Tây, đặc biệt là châu Âu ngưng nhập khẩu dầu thô và khí đốt từ Nga sẽ khiến ngân sách của Moscow thâm hụt, nhưng ngược lại, cái giá mà người tiêu dùng châu Âu phải trả có thể cũng sẽ rất lớn, và ông Putin sẽ không thay đổi kế hoạch. Nhìn vào hệ thống ống dẫn dầu và khí đốt của Nga cung cấp cho các nước Tây Âu trên đất nước Ukraine, đủ thấy nếu Nga “siết” nguồn cung, sẽ có bao người khốn khổ. Với quan điểm tương tự, các nhà phân tích từ Goldman Sachs, Bank of America và Morgan Stanley, nhiều khả năng châu Âu sẽ không ủng hộ các lệnh trừng phạt hạn chế dòng dầu lửa và khí đốt từ Nga. Dữ liệu từ Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy, 30% nhu cầu khí đốt trong năm 2012 của các nước trong Liên minh châu Âu (EU), Thổ Nhĩ Kỳ, Nauy, Thụy Sỹ và các nước vùng Balkan được đáp ứng bởi nguồn nhập khẩu từ Nga. Phần lớn số khí đốt này đi qua hệ thống ống dẫn chạy qua Ukraine. Còn Phó giáo sư Seva Gunitsky thuộc Đại học Toronto của Canada nhận định, vấn đề trừng phạt năng lượng nhằm vào Nga có thể sẽ khiến Mỹ và châu Âu bất đồng quan điểm, bởi châu Âu phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn dầu khí của Nga. Kim ngạch nhập khẩu dầu lửa và khí đốt từ Nga của châu Âu trong năm 2012 lớn gấp 38 lần so với mức nhập khẩu nhiền liệu từ Nga của Mỹ. Năm 2012, châu Âu nhập 156,5 tỷ USD dầu khí từ Nga. Bởi thế, nếu Nga “phản đòn” bằng lệnh trừng phạt năng lượng, sẽ khiến giá năng lượng tăng vọt, kéo theo phản ứng dữ dội từ người tiêu dùng châu Âu. Trong lịch sử cuộc chiến dầu khí, con bài này đã được các quốc gia dùng đến từ lâu. Tuy nhiên, kể từ khi Putin lên nắm quyền, có lẽ nó mới thực sự hiệu quả. Châu Âu lo ngại, Mỹ cũng biết điều này nhưng dường như họ không có (và chưa tìm ra) biện pháp hữu hiệu nào để khắc phục được yếu điểm ấy. Trong khi hệ thống “vòi bạch tuộc” là các đường dẫn dầu và khí của Nga ngày một được tỏa rộng, vươn khắp châu Âu như những “mao mạch”, nuôi một cơ thể sống hàng ngày, hàng giờ thì với Mỹ, dù có trữ lượng dầu và kho dự trữ khí tự nhiên khổng lồ cũng không thể giành được ưu thế, không tạo ra đối trọng trước Nga trong vấn đề Ukraine. Bởi, vị trí địa lý của Mỹ quá xa châu Âu, hơn nữa, trong những chính sách riêng của mình, Mỹ đã không có cách giúp Ukraine và châu Âu thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga. Và điều này có thể còn xảy ra cả trong tương lai, bởi việc cung cấp dầu khí ở Mỹ là do các công ty tư nhân, dựa trên cung cầu, giá cả. Ở thời đại mà nền kinh tế các nước phụ thuộc chặt chẽ vào nhau như hiện nay, việc trừng phạt nhau ở mức độ sát phạt giữa các cường quốc có lẽ khó có thể xảy ra. Nga cũng muốn yên ổn để kinh tế phát triển, trong khi châu Âu cũng muốn yên thân và muốn hợp tác về năng lượng chặt chẽ với Nga. Theo cuốn World Factbook của CIA, năm 2012, Nga xuất khẩu gần 200 tỷ feet khối khí tự nhiên, dẫn đầu thế giới về lĩnh vực này. Qatar là quốc gia đứng thứ nhì, với 114 tỷ feet khối khí được xuất khẩu. Trong khi đó, Mỹ chỉ xuất khẩu được 46 tỷ feet khối khí. Thanh Trà (tổng hợp) Nguồn Xã hội thông tin