(XHTT) Sau nhiều giằng co và tranh cãi giữa Nga, Mỹ và cả Châu Âu về sự kiện Crimea (Crưm) sẽ đi đâu, về đâu, chính quyền Crimea đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý. Với trên 80% cử tri đi bỏ phiếu và với tỷ lệ phiếu ủng hộ Crimea sáp nhập vào Nga đến 96% (95,7%), chắc chắn việc sáp nhập này sẽ là hiện thực. Crimea sẽ sáp nhập vào Nga Theo kết quả từ 75% số phiếu đã kiểm trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 16/3 về tương lai của Crimea, tỉ lệ cử tri ủng hộ Crimea sáp nhập trở lại vào Nga đạt tới 95,7%. Con số này vừa được ông Mikhail Malyshev, Chủ tịch Ủy ban trưng cầu dân ý Crimea thông báo với các phóng viên vào rạng sáng nay, 17/3. Chỉ có 3,2% cử tri muốn Crimea ở lại Ukraine với quyền tự trị lớn hơn và 1,1% cử tri bỏ phiếu trắng, ông Malyshev cho hay. Cử tri được hỏi hai câu hỏi chính trên lá phiếu – in bằng tiếng Nga, tiếng Ukraine và tiếng Tatar, đó là liệu họ muốn tách khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga, hay vẫn là một phần của Ukraine với quyền tự trị lớn hơn. Trong khi đó, hãng thông tấn RIA của Nga dẫn kết quả thăm dò ngoài phòng bỏ phiếu cuộc trưng cầu dân ý ngày 16/3 do Viện nghiên cứu chính trị và xã hội Crimea (Crưm) tiến hành cho thấy có tới 93% cử tri Crimea ủng hộ khu vực này trở thành một bộ phận của Nga, bất chấp việc giới chức mới lên cầm quyền ở Ukraine và một số nước phương Tây coi sự kiện này là bất hợp pháp. 75% số phiếu đã được kiểm trong cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea. Trong một diễn biến khác có liên quan, sau khi cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea kết thúc, Thủ tướng cộng hòa tự trị Crimea, ông Sergey Aksyonov cho biết chính quyền khu vực này sẽ nộp đơn xin sáp nhập vào Liên bang Nga trong ngày hôm nay. “Xô Viết Tối cao của Crimea sẽ chính thức nộp đơn đề nghị cho nước cộng hòa này sáp nhập vào Liên bang Nga trong một cuộc họp ngày 17/3” - Lời của ông Aksyonov trên trang mạng xã hội Twitter. Sau khi tiến hành bỏ phiếu, hàng nghìn người dân Crimea đã đổ xuống đường ăn mừng kết quả trưng cầu dân ý mà các cuộc thăm dò dư luận ngoài phòng bỏ phiếu cho thấy, đa số cử tri Crimea ủng hộ việc bán đảo Crimea tách khỏi Ukraine và hợp nhất với Nga. Ước tính, có khoảng 15.000 người đã đổ về quảng trường Lenin, thủ phủ Simferopol và thành phố cảng Sevastopol cũng thế, nơi đặt căn cứ của Hạm đội Biển Đen, để vẫy cờ Nga và cờ Crimea. Người dân Crimea đi bỏ phiếu ngày 16/3/2014 Người dân cầm cờ Nga đi dọc các con phố. Một số còn vẽ cờ Nga lên mặt để ăn mừng. Có tất cả hơn 59.000 cử tri tham gia bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý này, được cho là trung tâm của cuộc đối đầu địa chính trị nghiêm trọng nhất giữa Nga và phương Tây kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Ukraine và các quốc gia phương Tây gọi cuộc trưng cầu dân ý này là vi hiến, còn Moscow kiên quyết nói rằng những người dân Crưm với đa phần dân số nói tiếng Nga có quyền định đoạt số phận của mình. Các lãnh đạo phương Tây đã đe doạ trừng phạt kinh tế và cấm thị thực đối với quan chức nào tại Nga vi phạm chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine nếu như Crimea ly khai và sáp nhập Nga sau trưng cầu dân ý. Nước cộng hòa tự trị Crimea từng thuộc Ukraine Nước cộng hòa tự trị Crimea nằm ở miền Nam Ukraine, với diện tích gần 30 nghìn km2 và số dân gần hai triệu người (chưa kể TP Xêvaxtôpôn nằm cùng trên bán đảo Crimea nhưng tách biệt về mặt hành chính với CH Crimea), trên một bán đảo cùng tên ở phía bắc Biển Đen và là nước cộng hòa tự trị trong thành phần của Ukraine. Cộng hòa Crimea được điều hành bằng Hiến pháp Crimea và luật pháp của Ukraine. Người dân tộc Nga chiếm đa số ở Crimea (58,5%) và phần lớn họ được cho là sẽ bỏ phiếu ủng hộ gia nhập Nga. Còn người dân tộc Tatar thì tuyên bố tẩy chay sự kiện này, thề trung thành với Kiev. Vùng lãnh thổ Crimea từng bị chiếm đóng nhiều lần trong lịch sử. Từ thế kỷ 18, Nga sáp nhập Crimea, sau hàng loạt cuộc chiến tranh giành lãnh địa với đế chế Ốttôman, vốn cai quản Crimea từ thế kỷ 15. Thời kỳ Liên Xô (trước đây), Crimea thuộc nước Nga Xô viết trước khi trực thuộc nước cộng hòa Ukraine trong thành phần Liên Xô. Crimea từng là khu du lịch, nghỉ dưỡng dành cho công nhân các nước Cộng hòa Xô viết và là địa chỉ ưa thích của khách du lịch từ Đông Âu. Nga, Mỹ nhất trí thúc đẩy cải cách hiến pháp Ukraine Trong một diễn biến khác, cuộc điện đàm ngày 16/3, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Mỹ John Kerry đã nhất trí sẽ tiếp tục tiếp xúc để tìm giải pháp cho khủng hoảng tại Ukraine, thông qua việc thúc đẩy cải cách hiến pháp sớm. Hai bên cũng thỏa thuận cuộc cải cách hiến pháp này sẽ được tổ chức với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, được các bên chấp thuận và tôn trọng lợi ích của tất cả khu vực của Ukraine. Ông Lavrov cũng tái khẳng định quan điểm nhất quán của Nga về tính hợp pháp của cuộc trưng cầu dân ý về quy chế của cộng hòa tự trị Crimea, hiện vẫn đang diễn ra tại bán đảo. Ngoại trưởng Nga kêu gọi Mỹ sử dụng ảnh hưởng của mình để yêu cầu chính quyền hiện nay tại Kiev tiến hành các biện pháp hữu hiệu chấm dứt tình trạng vô luật pháp đối với người dân nói tiếng Nga tại nước này. Về phần mình, Ngoại trưởng Kerry cam đoan Washington đã thực thi các công việc cần thiết để ngăn chặn tình trạng bất tuân thủ luật pháp tại Ukraine và hy vọng sẽ sớm đạt kết quả tích cực. Thanh Trà (tổng hợp) Nguồn Xã hội thông tin