Những bí ẩn xung quanh tượng nhân sư Ai Cập

Discussion in '1001 bí ẩn' started by bboy_nonoyes, Mar 16, 2014.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 440)

    Bức tượng đồ sộ đã tồn tại qua hàng nghìn năm nhưng dường như những tranh cãi xung quanh nó vẫn chưa đi đến hồi kết.

    Sau khi giành được quyền lực tại Pháp và xưng bá tại Châu Âu, Napoleon bắt đầu nhìn sang lãnh thổ châu Phi. Đạo quân nước Pháp bắt đầu đổ bộ lên bờ biển Alexandria và tiến thẳng tới Cairo vào mùa hè năm 1798. Nhưng sự khắc nghiệt của thời tiết, cùng với màn chào đón không lấy gì làm thân thiện lắm của cư dân bản địa trở thành một thách thức thật sự với những người lính Pháp. Một số kêu gào đòi được trở về, một số khác tiêu khiển bằng những chuyến du ngoạn đến tượng đài Nhân Sư, một trong những kỳ quan bí ẩn của Ai Cập, tại thời điểm đó gần như đã bị chôn sâu dưới lớp cát dày.

    Những người lính này đã bị cáo buộc vì đã đánh đổ chiếc mũi của tượng Nhân sư. Một vài nhà sử học cho rằng, họ đã sử dụng biểu tượng thiêng liêng này như một…. chiếc bia tập bắn. Nhưng những nghiên cứu của Frederick Lewis Norden cho thấy, chiếc mũi này đã biến mất khoảng 50 năm trước khi binh đoàn của Napoleon đặt chân đến đây. Thậm chí, nó có thể đã biến mất từ cách đây vài thế kỷ.

    [​IMG]

    Sự vắng mặt của chiếc mũi chỉ là một trong những câu đố nan giải xung quanh bức tượng vĩ đại này. Đầu của tượng nhân sư, được khoác lên kiểu tóc truyền thống, vươn cao hơn 20 mét so với mặt đất, nằm yên lặng trên thân mình được khắc họa như hình dáng của một con sư tử với chiều dài gần 60 mét. Tượng nhân sư, cùng với Kim tự tháp và vô số những ngôi mộ khác cùng tọa lạc trong khuôn viên của Thành phố của người chết – một công trình vĩ đại được dựng lên bởi các Pharaoh Khufu, Khafre và Menkaure trong khoảng thời gian từ năm 2560 tới 2450 trước công nguyên.

    Trong khi nụ cười của nàng Monalisa đã tiêu tốn không biết bao nhiêu công sức của nhiều nhà nghiên cứu trong vô số những cuộc tranh luận không có hồi kết, vẻ mặt khắc khổ và đầy vẻ chịu đựng của tượng nhân sư dường như lại là thứ ít được đem ra bàn tán nhất trong số những bí ẩn xung quanh bức tượng này. Đa số các sử gia Ai Cập đều thống nhất với nhau rằng, khuôn mặt ấy có những nét gần nhất với khuôn mặt của Pharaoh Khafre – cũng là điều dễ hiểu vì nó được khởi công trong thời kỳ trị vì của vị vua này.

    Tuy nhiên, những lời đồn đại xung quanh bức tượng này dường như vẫn chưa bao giờ có được lời giải đáp xác đáng. Chính xác hơn, từ sau cuộc khai quật với quy mô đồ sộ của Emile Baraize bắt đầu từ năm 1926, dường như bức tượng này cho ra nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời.

    [​IMG]

    Giữa hai bàn chân của tượng nhân sư là bia mộ của vua Thutmose IV, người đã trị vì Ai Cập từ năm 1400 đến năm 1390 trước công nguyên. Trên bia mộ khắc lại câu chuyện của chàng trai trẻ Thutmose, người đã ngủ gục dưới cái bóng vĩ đại của tượng nhân sư. Trong giấc mơ, nhân sư xuất hiện dưới hình dáng vị thần mặt trời - Horus, yêu cầu Thutmose làm tất cả những gì có thể để bảo vệ mình khỏi sự tàn phá của nắng, gió và cát. Đổi lại, Nhân sư hứa sẽ trao cho Thutmose quyền trị vì Ai Cập. Cả 2 bên đều đồng ý với thỏa thuận này, và vị vua tương lai này đã trở thành người đầu tiên khởi xướng một cuộc đại tu cho bức tượng.

    Nhưng thành quả của cuộc tu sửa này cũng dần bị bào mòn theo năm tháng. Khí hậu khắc nghiệt của vùng sa mạc đã dần làm biến dạng khuôn mặt của bức tượng, biến nó trở thành nét mặt ẩn chứa sự đe dọa, một nỗi sợ hãi mơ hồ đến từ thế giới bên kia. Trên thực tế, người Ả rập đã đặt tên cho bức tượng này là Abu-hol – Kẻ reo rắc nỗi kinh hoàng.

    [​IMG]

    Sự kỳ bí của bức tượng Nhân sư đã thu hút rất nhiều sự chú ý, đồng thời đặt ra vô số những giả thiết về sức mạnh siêu nhiên của bức tượng này. Một trong số đó là con đường dẫn đến thành phố Atlantis huyền thoại. Thực ra, những lời đồn đại về mối liên hệ này đã bắt đầu dấy lên từ khi Pluto bắt đầu viết về một xã hội không tưởng. Khoảng đầu thế kỷ 20, nhà ngoại cảm người Mỹ, Edgar Allan Cayce nói rằng ông đã nhìn thấy một căn phòng bên trong tượng nhân sư, nơi ẩn chứa bí mật về địa điểm của Atlantis. Ông cũng đưa ra tiên đoán rằng, căn phòng này sẽ được tìm thấy vào năm 1998.

    Những nhà sử gia và những nhà khảo cổ học vẫn tiếp tục tranh cãi về tuổi thọ của bức tượng Nhân sư. Nhiều sử gia cho rằng, nó ra đời vào giai đoạn trị vì của vua Khafre (khoảng 2500 năm trước công nguyên). Năm 1996, một nhóm các nhà khảo cổ học và địa chất học, dựa trên hiện trạng của bức tượng, cùng với sự ước tính về mức độ tàn phá của gió, cát và mưa, đã đưa ra con số 4000 tuổi, trước thời vua Khafre khá lâu.

    [​IMG]

    Sự khác biệt về phong cách kiến trúc của tượng Nhân sư so với những công trình xung quanh, sự không cân xứng về mặt tỷ lệ giữa đầu và thân mình cũng làm dấy lên khá nhiều thắc mắc cho các nhà nghiên cứu. Nếu những giả thuyết của họ là đúng, hẳn đã có một xã hội cực kỳ phát triển về mặt công nghệ đã từng tồn tại vào thời điểm đó, nhưng cũng đồng thời đã biến mất hoàn toàn mà không để lại bất cứ dấu vết nào.

    Zahi Hawass, Tổng thư ký của Hội đồng tối cao Ai Cập về các di tích cổ, mặt khác, lại khẳng định rằng những giả thuyết trên là hoàn toàn không có cơ sở. Không có bất kỳ di tích nào trong khu vực Thành phố của người chết ra đời trước thời Ai Cập cổ đại, và những nghiên cứu địa chấn không cho thấy bất cứ một hang động hay căn phòng bí ẩn nào ở bên trong hay được chôn sâu dưới bức tượng. Đối với Hawass và những nhà khảo cổ học chính quy, câu đố khó giải nhất về bức tượng này, chỉ là việc làm cách nào để bảo vệ nó khỏi sự tàn phá của thời gian.

    Trong thần thoại Hy Lạp, tượng nhân sư từng xuất hiện như một người cản đường những lữ khách với nhiều câu đố hóc hiểm. Một trong những câu hỏi đó là: Loài vật nào có 4 chân, 2 chân, và rồi 3 chân?

    Oedipus, vị vua xứ Thebes đã có câu trả lời chính xác: Con người. Đầu tiên họ bò bằng bốn chân, đi bằng 2 chân, và cuối cùng phải chống gậy (chiếc chân thứ ba) khi đã về già. Câu trả lời này đã buộc Nhân Sư phải tự sát.

    Nguồn KhoaHoc.com.vn
     
  2. Facebook comment - Những bí ẩn xung quanh tượng nhân sư Ai Cập

Share This Page