Khám phá tận cùng những khả năng sống sót, giới hạn con người có thể vượt qua để sinh tồn… Con người được coi là sinh vật toàn năng nhất trên thế giới. Chúng ta nghĩ rằng mình làm chủ thiên nhiên, có suy nghĩ, trí thông minh và ngôn ngữ… hơn hẳn các động vật bậc thấp. Tuy nhiên, con người cũng có những giới hạn riêng không thể vượt qua nổi. Hãy cùng tìm hiểu về những giới hạn ấy ở loài người cũng như khả năng sinh tồn của chúng ta khi đối mặt với hiểm nguy hay tình huống khẩn cấp, gặp nạn… Con người sở hữu khả năng sống sót hoàn hảo? Sinh tồn là bản năng vốn có của mọi loài động vật nói chung cũng như con người nói riêng. Sẽ không sai khi cho rằng, con người sinh ra vốn đã sở hữu khả năng sống sót tiềm ẩn. Các nghiên cứu khoa học chứng minh, khi gặp nạn hay đối mặt với nguy hiểm kề cận, vùng dưới đồi của não hoạt động rất mạnh, giải phóng lượng lớn adrenaline vào trong máu, làm tăng nhịp tim và sức mạnh cơ bắp. Đó là lý do vì sao mà một người mẹ yếu đuối có thể nhấc bổng cả chiếc ô tô nặng hàng tấn lên khi nhìn thấy con mình bị nó đè lên người. Hình ảnh anh Mitsutaka Uchikoshi Một trong những câu chuyện nổi tiếng nhất minh chứng khả năng sống sót tiềm ẩn nói trên chính là trường hợp của anh Mitsutaka Uchikoshi người Nhật Bản. Ngày 7/11/2006, Mitsutaka bị lạc trên núi Rokko phía Tây Nhật Bản, vô tình trượt chân và bất tỉnh nhân sự. 24 ngày sau, người ta tìm thấy anh chàng này với một cơ thể gần như… chết khi thân nhiệt chỉ là 22 độ C mà không hề có thức ăn hay nước uống. Dẫu vậy, các bác sĩ theo dõi đã vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng không hề có chút tổn thương nào trong não bộ Mitsutaka và anh ta sẽ sống lại. Những "giới hạn đỏ" con người khó có thể vượt qua… Song phép màu của Mitsutaka có lẽ chỉ là một câu chuyện hi hữu mà thôi. Sự thực thì khả năng sống sót khi gặp nạn của con người không được dài đến vậy. Trong những tai nạn như lạc vào rừng, núi, sa mạc, lênh đênh trên biển… thì thức ăn, nước uống, nhiệt độ và thú dữ có lẽ là những điều đáng lo ngại nhất. Và trong những trường hợp tồi tệ nhất, con người sẽ buộc phải nhịn ăn, nhịn uống và thức suốt đêm để canh chừng thú dữ. Đối với tình trạng thiếu không khí, thiếu nước, thiếu thức ăn, khả năng sinh tồn của con người tuân theo “quy luật số 3” lừng danh: 3 phút, 3 ngày, 3 tuần. Trong đó, tỷ lệ và khả năng sống sót của những người gặp nạn trên biển là thấp hơn so với ở trên cạn. Trên mặt biển, con người phải đối mặt trực tiếp của ánh nắng mặt trời ban ngày. Thời tiết nhiệt độ cao có thể khiến chúng ta bị cháy nắng, mất 1,5l nước qua tuyến mồ hôi và trong điều kiện nước biển không thể uống được, con người có thể bị sốc nhiệt và tử vong trước khi tới giới hạn 3 ngày. Quá trình mất nước này diễn ra với việc cơ thể giảm tiết nước bọt trong khoang miệng. Con người sẽ đi tiểu ít đi và nước tiểu có mùi rất khó chịu. Khi mất nước nặng hơn, miệng, mắt bắt đầu khô đi, thậm chí nạn nhân không thể đi tiểu. Cuối cùng, họ rơi vào tình trạng ảo giác, da chuyển sang màu xám xanh và tử vong. Nếu như con người chỉ nhịn khát được 3-5 ngày thì lại có khả năng nhịn đói lâu hơn, lên tới 3 tuần. Sở dĩ có điều này là bởi trong tình trạng không thức ăn, cơ thể sẽ tự sử dụng nguồn năng lượng tích trữ bằng cách đốt cháy carbonhydrate, chất béo và cuối cùng là các protein. Điều đó đồng nghĩa những người béo và khả năng trao đổi chất chậm hay thể trạng khỏe có thể sống sót lâu hơn nếu thiếu lương thực. Chưa hết, khi lạc trong vùng đất có nhiều sư tử, hổ báo hay lênh đênh giữa biển khơi với đàn cá mập xung quanh, chắc hẳn bạn sẽ không có một phút nghỉ ngơi nào ngon giấc. Trong tình trạng thức liên tục, con người không thể trụ quá nổi 11 ngày. Cụ thể, chỉ 1 đêm thức trắng cũng làm sút kém khả năng kiểm soát hành động của cơ thể con người như khi say rượu. Theo thời gian, nếu thức càng nhiều thì khả năng chịu đựng càng giảm và chắc chắn sẽ dẫn tới cái chết nếu không được cứu chữa kịp thời. Một thách thức khác, đặc biệt là nếu bạn gặp tai nạn giữa biển khơi, đó chính là cái lạnh thấu xương của đại dương khi màn đêm buông xuống. Theo các chuyên gia, con người khó thích nghi với cái lạnh hơn là cái nóng. Khi tiếp xúc với gió lạnh, cơ thể phản ứng bằng cách co thắt các mạch, chuyển máu về trung tâm cơ thể để hạn chế sự thất thoát nhiệt. Thậm chí nếu gió thổi ở nhiệt độ (-27,2 độ C), tế bào da sẽ gần như bị đóng băng ngay lập tức. Khi thân nhiệt giảm xuống dưới 37 độ C, bạn bắt đầu run lên; khi thấp hơn 35 độ C thì đó là lúc bạn thấy lạnh vì cơ thể gặp khó khăn trong việc duy trì nhiệt độ. Ở mức 32,7 độ C, con người bắt đầu bị mất trí nhớ, nhiều trường hợp còn cởi bỏ tất cả quần áo vì ảo giác cho rằng mình bị thiêu cháy vì lạnh cóng. Mức độ nguy hiểm là khi thân nhiệt từ 27,7 độ C tới 29,4 độ C với sự mất ý thức và cuối cùng, chúng ta sẽ tử vong nếu nhiệt độ tụt xuống dưới 23,3 độ C. Mọi chuyện trên thực tế không tuân đúng hoàn toàn theo lý thuyết. Khả năng sống sót nếu gặp tai nạn của mỗi người là khác nhau, tùy theo điều kiện thể trạng mỗi cá nhân. Hãy chuẩn bị cho mình những kĩ năng sinh tồn cũng như một sức khỏe tốt để có một cuộc sống tươi đẹp và an toàn. Nguồn KhoaHoc.com.vn