Nhằm giúp người khiếm thị nâng cao chất lượng cuộc sống, các nhà khoa học Israel đã phát triển những ứng dụng dành cho điện thoại thông minh, có khả năng "phiên dịch" hình ảnh camera ghi được thành âm thanh. Hệ thống vOICe được phát minh bởi kỹ sư người Hà Lan Peter Meijer năm 1992, trong đó độ cao của âm thanh tương ứng với độ cao của vật thể, còn âm lượng tương ứng với độ sáng. Ví dụ, một vạch sáng hướng lên được "dịch" thành âm thanh lớn dần, một điểm sáng (như bóng đèn) thể hiện bằng một tiếng bíp, vật sáng hình chữ nhật (như cửa sổ vào ban ngày) sẽ là một tiếng nổ, còn một vật có dạng hình kẻ dọc (như bánh quế hay hàng rào) tương ứng một chuỗi nhịp điệu. Từ năm 2007, Giáo sư Amir Amedi, nhà thần kinh học tại Đại học Hebrew ở Jerusalem bắt đầu huấn luyện người khiếm thị sử dụng hệ thống vOICe. Với khoảng 70 giờ tập luyện, những người tham gia đã có thể nhận biết sự hiện diện của con người, cũng như nhận biết chính xác tư thế của người trong ảnh và bắt chước nó. Ứng dụng vOICe for Android (dành cho điện thoại chạy hệ điều hành Android) ra đời đã giúp công nghệ hóa hệ thống này. Theo đó, hệ thống vOICe chuyển đổi hình ảnh chụp từ điện thoại sang âm thanh bằng cách quy định các nốt nhạc và độ cao thấp khác nhau sẽ tương ứng với những hình dạng vật thể khác nhau. Ví dụ, những vật hình xiên, như cầu thang, được thể hiện bằng một chuỗi các nốt nhạc cao dần. Ứng dụng này sử dụng máy ảnh của điện thoại để ghi lại cảnh vật và địa hình xung quanh, sau đó hướng dẫn người dùng cách nhận biết ý nghĩa của từng loại âm thanh. Không chỉ vậy, Giáo sư Amedi gần đây còn phát triển ứng dụng EyeMusic dành cho các thiết bị xài hệ điều hành iOS, dùng kết hợp với vOICe for Android. EyeMusic cung cấp thông tin về mức độ tỏ-mờ của vật thể bằng âm thanh của các nhạc cụ khác nhau. Ví dụ, hình ảnh rõ nét với độ phân giải cao sẽ được thể hiện bằng những nốt cao của đàn piano, kèn trumpet hoặc đàn violon, còn hình ảnh mờ với độ phân giải thấp sẽ được "dịch" thành những nốt thấp hơn. Nguồn KhoaHoc.com.vn