(XHTT) Theo hãng hàng không Malaysia, chiếc Boeing 777-200 của Malaysia mang số hiệu MH370, chở 239 người đi từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh. Hành khách trên chiếc máy bay mất tích chủ yếu là người Trung Quốc và có ít nhất 5 trẻ dưới 5 tuổi. Máy bay bị mất liên lạc khi đang bay qua vùng biển giữa Malaysia và Việt Nam. Nếu phi cơ MH370 Malaysia Airlines rơi, đây sẽ là thảm kịch lớn thứ hai trong vòng gần một năm qua với dòng máy bay Boeing 777. Tháng 7/2013, chiếc Boeing 777-200ER của hãng hàng không Asiana Airlines đã gặp nạn tại San Francisco, Mỹ, làm 3 người chết và hơn 180 người bị thương - Lời của hãng chế tạo máy bay Boeing. Hiện, hãng Boeing chưa đưa ra bất cứ bình luận nào. Những điểm lạ đầy nghi vấn Boeing 777 thuộc dòng phi cơ an toàn nhất thế giới Theo chuyên gia hàng không của Malaysia Richard Quest, chiếc Boeing 777-200 của Malaysia mang số hiệu MH370 bị rơi có vẻ đang hoạt động tại thời điểm an toàn nhất khi được thông báo gặp sự cố. Thêm vào đó, thời điểm máy bay bị đứt liên lạc cũng là lúc ít sự cố nhất về mặt lý thuyết. CNN dẫn lời: "Chuyến bay đã khởi hành được 2 giờ, đang hoạt động ở giai đoạn bay bằng là an toàn nhất và ít nguy cơ xảy ra sự cố. Trong thời gian bay bằng, các phi công chỉ điều khiển cho máy bay lên hoặc xuống ở một mức cân bằng mới bằng cách điều chỉnh cánh tà và cánh lái. Tuy nhiên, hậu quả sẽ cực kỳ nghiêm trọng nếu có sự cố xảy ra đúng vào thời điểm này", vị này nhận định. Ông Quest cũng cho biết, chiếc Boeing 777-200 gặp sự cố của Malaysia đã được sử dụng khoảng 11 năm, với hai động cơ Rolls-Royce Trent do Anh chế tạo. "Với thời hạn sử dụng như vậy, máy bay này chưa quá cũ. Malaysia hiện có tới 15 chiếc 777-200 và có nhiều kinh nghiệm trong việc vận hành". Theo số liệu thống kê, Boeing 777 là dòng máy bay an toàn nhất thế giới với chỉ 3 sự cố trong vòng 20 năm qua. Phi công lái chiếc Boeing 777 kia đã có hơn 30 năm kinh nghiệm Theo Straitstimes, cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah, 53 tuổi, là người điều khiển chuyến bay số hiệu MH370 từ Kuala Lumpur, Malaysia tới Bắc Kinh, Trung Quốc rạng sáng ngày 8/3. Ông là người đã có hơn 30 năm kinh nghiệm lái phi cơ cho hãng hàng không Malaysia Airlines (MAS). Còn giám đốc điều hành MAS, ông Ahmad Jauhari Yahya, cho biết, các phi công điều khiển chiếc Boeing 777 mất tích có tổng cộng 21.000 giờ bay. Cơ trưởng Zaharie có 18.365 giờ và cơ phó Fariq Ab.Hamid, 27 tuổi với 2.763 giờ bay. Trong khi ông Zaharie làm việc cho MAS từ năm 1981 thì Fariq làm việc cho hãng này từ năm 2007. Chuyên gia Việt Nam: Chiếc máy bay mới khởi hành 1 giờ trước khi gặp sự cố Chia sẻ trên trang cá nhân, ông Lương Hoài Nam, nguyên Tổng giám đốc Air Mekong, chiếc Boeing 777 phải bay ngang Tân Sơn Nhất nếu đã cất cánh được 2h thay vì được xác định mất tích khi còn cách đảo Thổ Chu đến 300km. "Vị trí nghi vấn này cách Mũi Cà Mau khoảng 225 km, cách sân bay Kuala Lumper 510 km. Nếu đúng là ở đây thì sau khi rời đường băng, máy bay mới chỉ bay chưa đầy 1h. Với 2 giờ bay, Boeing 777 phải lên đến ngang sân bay Tân Sơn Nhất", vị này phân tích. Chuyên gia Mỹ: Nghi Boeing 777 gặp vấn đề về áp suất khi đang bay Đề cập đến nghi vấn máy bay không báo cáo dấu hiệu sự cố trước đó, ông Greg Feith, cựu điều tra viên của Ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ (NTSB) khẳng định, phi công vẫn có thể báo cáo về sự cố ngay cả khi máy bay mất điện bằng acquy dự trữ. Do đó, việc không có thông báo trước đó của phi hành đoàn khiến vị này đặt giả thiết chiếc Boeing 777 gặp vấn đề về áp suất khi đang bay. "Ở độ cao 9.000m - 12.000m, nếu xảy ra vấn đề về điều áp, phi hành đoàn chỉ đủ oxy để xử lý tình huống trong một vài giây", ông này cho hay. Máy bay bị rơi không có dấu hiệu gặp nạn Bộ trưởng Giao thông Malaysia Hishamuddin Hussein cho hay, họ không tìm thấy dấu hiệu cho thấy chiếc Boeing 777-200 của hãng hàng không Malaysia Airlines đã gặp nạn, đồng thời phủ nhận các báo cáo trước đó về việc máy bay gặp nạn ở phía nam một hòn đảo của Việt Nam. “Chúng tôi đang thực hiện mọi biện pháp để xác định vị trí và đảm bảo xem xét mọi khả năng”, ông Hishamuddin nói với các phóng viên gần sân bay quốc tế Kuala Lumpur. “Nhà chức trách đang trông chờ thông tin chính xác từ quân đội Malaysia. Họ cũng đang chờ đợi thông tin từ phía Việt Nam”, Tân Hoa Xã dẫn lời ông. Thủ tướng Malaysia Najib Razak (giữa) đến sân bay Kuala Lumpur an ủi người thân của các hành khách trên chiếc máy bay bị mất tích Và Malaysia không loại trừ khả năng bị khủng bố trong vụ này Các quan chức Malaysia đang ráo riết điều tra vụ mất tích của chuyến bay này, không loại trừ khả năng liên quan đến khủng bố, hoặc bất kỳ nguyên nhân nào khác. Liên quan đến nghi vấn bị khủng bố, sau khi có tin hai người châu Âu có trong danh sách hành khách nhưng thực ra không có mặt trên máy bay, họ bắt tay kiểm tra hành tung của hai người này, gồm một người Áo và một người Italy, bị mất hộ chiếu tại Bangkok cách đây hai năm. Theo LA Times, sau khi hãng hàng không Malaysia Airlines cập nhật bản danh sách hành khách, hãng thông tấn Italy ANSA cho biết ông Luigi Maraldi, 37 tuổi, có tên trong văn bản này nhưng không có mặt trên chuyến bay MH370. ANSA nói ông này đã gọi điện cho gia đình vào báo tin vẫn sống khoẻ ở Thái Lan. Bộ Ngoại giao Italy cũng xác nhận công dân Maraldi không lên máy bay mà đang ở Thái Lan và hoàn toàn khỏe mạnh. Maraldi nói với tờ Corriere della Sera rằng hộ chiếu của ông bị ăn cắp từ tháng 8 năm ngoái. "Có khả năng tên ông được ghi trong danh sách bởi vì ai đó đã dùng hộ chiếu của ông để lên máy bay", tờ báo đưa ra giả thuyết. Người phát ngôn của Malaysia Airlines nói chưa nhận được thông tin từ ông Maraldi. Hãng thông tấn Áo APA cũng ra thông báo tương tự về công dân nước này có tên trong danh sách hành khách. Anh Christian Kozel, 30 tuổi, thông báo rằng hộ chiếu của anh bị mất cắp hai năm trước đấy tại Thái Lan. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Áo nói với Reuters rằng Đại sứ quán nhận được thông tin có công dân của họ là hành khách trên máy bay của Malaysia. "Nhưng hệ thống của chúng tôi phát hiện ra rằng đây là cuốn hộ chiếu bị đánh cắp". Việt Nam tích cực tìm kiếm máy bay bị mất tích của Malaysia Chiều 8/3, máy bay tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam đã phát hiện vết dầu loang trên biển gần khu vực được dự đoán có sự cố đối với chuyến bay MH370. Hai vệt dầu loang kéo dài 15 - 20km trong vùng biển gần đảo Thổ Chu và mũi Cà Mau, được cho là điểm nghi vấn máy bay rơi. Do trời tối, các máy bay của Việt Nam và các nước đã trở về căn cứ và các tàu cứu nạn (của Việt Nam) sẽ tiếp cận khu vực nghi ngờ ngay trong đêm. Các chuyên gia Việt Nam đang tính toán vị trí (có khả năng) máy bay bị rơi. Sáng 9/3, hai máy bay cứu nạn AN26 của Bộ quốc phòng đã thẳng tiến ra vùng biển có nghi vấn để tham gia tìm kiếm máy bay mất tích của hãng hàng không Malaysia. Chiếc AN 26 đầu tiên cất cánh trước 7h từ sân bay Tân Sơn Nhất và đến 7h23’, thêm một chiếc khác cũng lên đường tiếp cận điểm nghi vấn máy bay rơi. Hai chiếc AN26 này là máy bay vận tải của Bộ Quốc phòng, có lợi thế là bay được ở tầm thấp, phù hợp cho công tác tìm kiếm. Trong khi đó, các tàu tìm kiếm cứu nạn đã xuất phát từ đêm qua, 8/3. Khoảng 7h, tàu khu vực 3 đã tiếp cận khu vực tìm kiếm nhưng báo về chưa có phát hiện gì. Hiện khu vực tìm kiếm đã có 2 tàu của lực lượng Hải quân vùng 5 và 2 tàu vùng 3. Tổng lực lượng tìm kiếm cứu nạn sẵn sàng gồm 7 máy bay, 9 tàu. Ông Đinh Việt Thắng, Trưởng ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn cho biết, AN26 sẽ rà soát khu vực tìm kiếm rộng hơn trước, bao gồm cả đảo Thổ Chu, tập trung vào vùng phía Nam. Trường hợp phát hiện nghi vấn sẽ điều trực thăng ra để rà soát kỹ hơn. Theo ông Thắng, Việt Nam sẽ phối hợp với Singapore để tránh trùng lấn vùng bay. Hôm nay Việt Nam không có phương tiện vào vùng nghi vấn dầu loang mà do Singapore rà soát bằng máy bay. Nếu điều kiện thời tiết tốt sẽ cho bay tầm thấp. Hiện, chưa có kết luận về chất nghi vấn dầu (vệt dầu) mà chỉ được gọi là vùng nước khác màu. Chiếc máy bay của Malaysia Airlines có thể gặp nạn trong khu vực cách đảo Thổ Chu của Việt Nam khoảng 300 km. FBI cũng điều tra vụ mất tích máy bay Boeing 777 Cục điều tra liên bang Mỹ đã điều đặc vụ và phương tiện để tìm hiểu nguyên nhân máy bay Malaysia Airlines mất tích, đồng thời, các tàu và máy bay của Mỹ cũng được cử đến để hỗ trợ công tác tìm kiếm. Theo thông lệ, giới chức Mỹ sẽ điều tra xem, liệu đây có phải là một vụ khủng bố hay không cho đến khi nó được chứng minh là gặp nạn bởi nguyên nhân khác. FBI sẽ rà soát lại nhân thân từng hành khách, xem các đoạn video từ quầy vé đến phần kiểm tra an ninh và lên máy bay, rồi so sánh với hệ thống dữ liệu chống khủng bố khổng lồ mà cơ quan này có được, xem có trường hợp nào liên quan đến Al Qeada hay các tổ chức cực đoan khác không. Có hai người châu Âu đã bị mất cắp hộ chiếu, và sau đó tên của họ có trong danh sách hành khách chuyến bay MH370 (nhưng thực tế không đi). Và đây là những đầu mối quan trọng để họ điều tra, tìm hiểu sâu hơn. Một cuộc tìm kiếm diện rộng đang được nhiều nước tham gia, nhằm lần ra tung tích chiếc Boeing 777-200 bị rơi. Tàu và máy bay trinh sát của các nước Malaysia, Việt Nam, Singapore, Trung Quốc, Thái Lan đã được triển khai từ hôm qua. Nếu tìm ra chiếc máy bay rơi, số liệu trong hộp đen của máy bay sẽ “hé lộ” nhiều vấn đề quan trọng, liên quan đến việc chiếc Boeing 777-200 bị rơi đột ngột giũa biển Đông. Hành trình của chuyến bay mất tích, dựa trên số liệu theo dõi của FlightRadar24. Các chuyên gia hàng không bi quan về số phận máy bay Malaysia Các chuyên gia hàng không lâu năm của Mỹ nhận định, việc chiếc máy bay của hãng Malaysia Airlines bị mất tích là điều rất bất thường, bởi nó có thiết kế ưu việt và đang hoạt động trong điều kiện tốt nhất. "Viễn cảnh có vẻ không được khả quan", một phi công đã nghỉ hưu của hãng hàng không Mỹ American Airlines, Jim Tilmon nói trên CNN. Ông nhấn mạnh rằng đường bay của phi cơ mang số hiệu MH370 hầu hết là đi qua đất liền nên việc liên lạc với nó thông qua ăng-ten, radar và sóng vô tuyến là rất dễ dàng. "Tôi đã cố gắng vẽ ra mọi kịch bản để có thể giải thích cho vụ việc này nhưng tôi đã không thành công", Jim Tilmon nói. Jim cho rằng chiếc Boeing 777-200 có thiết kế rất tinh vi như bất kỳ loại máy bay thương mại nào, với một hồ sơ an toàn vượt trội. "Việc thiếu thông tin liên lạc khiến tôi nghi ngờ rằng có một điều gì đó đáng tiếc nhất đã xảy ra", ông Mary Schaivo, cựu tổng thanh tra của Bộ Vận tải Mỹ cũng đồng quan điểm. "Nhưng tất nhiên, điều đó không có nghĩa là không cần cứu hộ. Việc tìm máy bay và cứu hộ là rất cấp bách", vị này nói. Còn Giám đốc điều hành hãng Malaysia Airlines, ông Ahmad Juahari Yahya, cho hay, phi công điều khiển máy bay trên không hề phát tín hiệu nguy cấp trước khi mất tích. "Ưu tiên cao nhất của hãng lúc này là phối hợp với lực lượng ứng phó khẩn cấp và các nhà chức trách để huy động sự hỗ trợ đầy đủ", ông Yahya nói. "Chúng tôi và mọi người đều đang hướng về các hành khách và phi hành đoàn cùng thân nhân của họ". Trong trường hợp chiếc máy bay gặp sự cố, bắt buộc hạ cánh trên biển, khả năng tử vong của hành khách và phi hành đoàn sẽ rất cao bởi thông thường, máy bay sẽ bị gãy đôi, gây nổ hoặc nhanh chóng chìm xuống biển. Theo một tiếp viên hàng không Việt Nam đang làm việc cho hãng Etihad Airways, nếu hạ cánh an toàn xuống biển, tốc độ để thoát hiểm cho toàn cabin chỉ là 90 giây, bao gồm cả tổ lái và tiếp viên. "Trên chiếc máy bay này có có 8 cửa trang bị phao trượt, với khả năng trượt tối đa là 70-80 người. Khi khách thoát ra xong thì cầu phao để tuột xuống tự biến thành xuồng hơi cứu hộ. Tuy nhiên, 2 cửa thoát hiểm ở bên cánh không trang bị phao này, do đó, khách phải tự nhảy ra ngoài và bơi đến phao nhanh nhất có thể. Trong tất cả trường hợp đáp khẩn cấp, đáp trên biển có tỷ lệ tử vong cao nhất", tiếp viên này cho biết. Mọi công việc, từ tìm kiếm máy bay rơi, truy tìm nguyên nhân bị rơi (và không ngoại trừ bị khủng bố),... vẫn đang được gấp gáp tiến hành. Nhưng dù gì đi chăng nữa, những sự cố về lĩnh vực hàng không, đặc biệt là các chuyến bay dân dụng luôn làm cho thế giới lo sợ, bất an về một môi trường sống bất ổn. Thanh Trà (tổng hợp) Nguồn Xã hội thông tin