MWC 2014: Nóng bỏng cuộc chiến công nghệ vi xử lý di động

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by Robot Siêu Nhân, Mar 4, 2014.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 412)

    Mobile World Congress 2014 vừa qua cho thấy một chiến trường ác liệt: Cuộc chiến để mang lại sức mạnh cho hàng tỉ thiết bị di động trong những năm tới - bổ sung thêm lõi, điện toán 64-bit, hỗ trợ độ phân giải cao hơn và máy ảnh tốt hơn và tích hợp công nghệ không dây 4G LTE nhanh hơn nữa.


    Intel

    Trong thị trường PC truyền thống, các cuộc chiến về chip xử lý dường như đã không còn nóng bỏng như trước. Intel đã có một vị trí vững chắc và dẫn đầu trong công nghệ và hiệu suất, trong khi AMD lại đóng vai trò giữ mức giá cho toàn thị trường. Mặt khác, Mobile World Congress 2014 vừa qua lại cho thấy một chiến trường khác thậm chí còn ác liệt hơn: Cuộc chiến để mang lại sức mạnh cho hàng tỉ thiết bị di động trong những năm tới. Các nhà sản xuất chip đang chạy đua để bổ sung thêm lõi, thực hành điện toán 64-bit, hỗ trợ hiển thị độ phân giải cao hơn và máy ảnh tốt hơn và tích hợp công nghệ không dây 4G LTE nhanh hơn nữa.

    Tin tức đáng chú ý nhất của Intel là sự ra mắt của chip xử lý lõi kép 64-bit Atom Z3480 cho điện thoại thông minh và máy tính bảng Android. Các sản phẩm Z3480 này còn được gọi là Merrifield, là một nâng cấp đáng kể so với phiên bản 32-bit Z2580 Clover Trail+ được giới thiệu tại Mobile World Congress năm ngoái. Tương tự như nền tảng Bay Trail cho máy tính bảng, Merrifield sử dụng quy trình sản xuất 22nm tiên tiến nhất của Intel và lõi Silvermont. Các sản phẩm Z3480 này cũng có khả năng hoạt động với tốc độ lên đến 2,13GHz. Theo tuyên bố của Intel, sản phẩm mới sẽ mang lại hiệu suất cao hơn đến 1,7 lần so với tiền nhiệm Z2580, tính trên các ứng dụng đơn luồng. Merrifield cũng sử dụng thế hệ đồ họa PowerVR mới của Imagination mà theo Intel là nhanh hơn thế hệ cũ đến 2 lần. Cuối cùng, Merrifield được thiết kế để làm việc với XMM 7160, modem 4G LTE đa chế độ thế hệ đầu tiên của Intel, vốn hỗ trợ tốc độ tải lên đến 150Mbps. Intel cũng đã trưng ra một số benchmark cho thấy rằng Z3480 vận hành các ứng dụng và chơi game 3D tốt hơn cả bộ xử lý Apple A7 hoặc Qualcomm Snapdragon 800.

    Bên cạnh đó, Intel cũng công bố chi tiết về dòng sản phẩm chip xử lý 4 nhân Atom Z35xx, với tên gọi khác là Moorefield, dự kiến ​​phát hành vào cuối năm nay. Ngoài việc tăng gấp đôi lõi và bộ nhớ cache, Moorefield sẽ chạy ở tốc độ lên đến 2,3GHz, tăng cường đồ họa PowerVR và hỗ trợ bộ nhớ nhanh hơn. Moorefield cũng sẽ tương thích XMM 7260, modem đa chế độ đầu tiên của Intel hỗ trợ tốc độ chuẩn LTE-Advanced Category 6. Tại Mobile World Congress 2014, Intel đã chứng tỏ rằng XMM 7260 có thể đạt được tốc độ dữ liệu tải về 300Mbps và tải lên 50Mbps cùng một lúc. Các sản phẩm XMM 7260 này cũng sẽ có hàng trong quý 2/2014. Tuy nhiên, thứ mà Intel vẫn chưa có là một sản phẩm chip duy nhất tích hợp cả bộ xử lý ứng dụng và modem baseband. Để giải quyết vấn đề này, Intel đã lên kế hoạch cho ra đời dòng sản phẩm có tên mã Sofia, loại chip 22nm với lõi Silvermont và tích hợp modem 3G vào cuối năm nay; theo sau đó là phiên bản tiếp theo với chip 14nm lõi Airmont, tích hợp 4G LTE vào năm tới.

    Intel đã công bố tất cả những bước đi lớn của mình trên thị trường di động, tuy nhiên, họ vẫn chưa đưa ra được một thứ khá quan trọng: việc chắn chắn sẽ nằm trong lộ trình phát triển sản phẩm của các hãng sản xuất, mặc dù hứa hẹn sẽ có khá nhiều thiết bị sử dụng nền tảng của Intel sẽ được xuất xưởng trong quý II. Sản phẩm XMM 7160 đã được sử dụng trong một số phiên bản của Samsung Galaxy Tab 3, và tại Mobile World Congress, Asus cũng đã công bố một phiên bản cập nhật Fonepad 7 với chip LTE kết hợp với bộ vi xử lý cũ Clover Trail. Và theo tuyên bố của Acer, Dell lẫn Lenovo cũng đang phát triển các thiết bị sử dụng với modem LTE của hãng. Bên cạnh đó, Intel cũng công bố rằng hãng đã có các thỏa thuận lâu dài với Asus, Dell, Lenovo và Foxconn để phát triển smartphone và máy tính bảng sử dụng nền tảng chip của mình, tuy nhiên thông tin chi tiết về các thỏa thuận này vẫn được Intel giữ kín.

    [​IMG]
    Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là cho đến nay nền tảng Bay Trail, vốn được ra mắt lần đầu vào Quý 3/2013, lại không có thêm nhiều chuyển biến tích cực sau khi đã được ứng dụng trên khoảng 140 model thiết bị. Đã có một số mẫu máy tính bảng sử dụng Bay Trail chạy Windows, đáng chú ý nhất là các sản phẩm của Acer, Dell và Lenovo. Nhưng đáng ngạc nhiên là hầu như không có sản phẩm nào chạy Android kết hợp với nền tảng này. Trước đây, Intel đã từng khẳng định rằng mục đích ban đầu của Bay Trail là nhắm đến Windows và các sản phẩm máy tính bảng Android kết hợp với Bay Trail sẽ không xuất hiện nhiều cho đến trước Quý 2/2014. Tuy vậy, ngay cả trong trường hợp đó, nhiều người vẫn muốn thấy được những sản phẩm đầu tiên ra đời từ sự kết duyên Android và Bay Trail nhay từ bây giờ. Intel dường như cũng đã "đặt sai chân" khi xâm nhập vào thị trường Android bắt đầu từ những sản phẩm giá rẻ. Cherry Trail, phiên bản 14nm của Bay Trail với lõi Airmont mới và đồ họa Intel nâng cấp dự kiến ​​sẽ ra mắt vào cuối năm nay mới là thứ có thể giúp hạ giá thành sản xuất của các loại thiết bị di động.
    Qualcomm

    So với Intel, Qualcomm lại đang ở một tư thế khác. Hãng này đã thống trị thị trường chip di động với bộ xử lý Snapdragon tích hợp 3G và 4G LTE không dây. Bởi vậy, việc của hãng này là phải bảo vệ sân nhà của nó cả ở thị phần cao cấp trước các đối thủ Intel, Samsung và Nvidia; cho tới thị phần giá thấp trước những hãng đang có tốc độ phát triển rất nhanh tại châu Á như MediaTek, Spreadtrum và Allwinner.

    Ở thị phần cao cấp, Qualcomm đã công bố sản phẩm 801 - bản cập nhật nhỏ của Snapdragon 800. Bộ xử lý này được sản xuất với cùng quy trình 28nm, cùng CPU 4 nhân Krait 400 32-bit, đồ họa Adreno 330 và tích hợp LTE 150Mbps. Tuy nhiên tốc độ CPU được nâng lên đến 2,45GHz, GPU đạt cực đại ở 578MHz và bus bộ nhớ nhanh hơn. Samsung Galaxy S5 và Sony Xperia Z2, cả hai đều được công bố tại Mobile World Congress, là một trong những smartphone sẽ sử dụng Snapdragon 801. Trước đó, Qualcomm cũng đã công bố về Snapdragon 805 với đồ họa mạnh mẽ hơn, nhưng chip này sẽ không có sẵn cho đến cuối năm nay.

    [​IMG]
    Ở thị phần thấp hơn, Qualcomm đã công bố hai chip 64-bit mới cho smartphone tầm trung: Snapdragon 610 có 4 lõi CPU Cortex-A53 và Snapdragon 615 với 8 lõi A53 được sắp xếp theo hai cụm xử lý big.LITTE. Đây là một điểm khác biệt của Qualcomm so với các đối thủ. Đầu tiên, ngoại trừ chip cấp thấp nhất của hãng, Qualcomm thường tự thiết kế lõi CPU của riêng mình chứ không sử dụng thiết kế của ARM. Thứ hai, Qualcomm đã từng công khai nghi ngờ về tiềm năng của công nghệ chip di động hiện nay, bao gồm công nghệ 64-bit, CPU tám lõi và quy trình big.LITTLE. Nhưng có lẽ thời gian đưa ra thị trường nhanh và chi phí thiết kế thấp hơn đã làm lu mờ giá trị của việc tự thiết kế lõi, đặc biệt trong thị trường smartphone đang phát triển rất nhanh. Tuy nhiên, Qualcomm vẫn hoàn toàn có thể tin tưởng vào nền tảng đồ họa Adreno, và đặc biệt là modem LTE tích hợp của hãng, để trở nên khác biệt trên thị trường. Trước đây, Qualcomm cũng đã công bố chip 64 -bit đầu tiên hãng: sản phẩm tầm trung Snapdragon 410. Cả ba sản phẩm này sẽ bắt đầu xuất xưởng trong Quý 3/2014 và sẽ xuất hiện trong các thiết bị di động có trên thị trường trong quý 4. Ngay tại Mobile World Congress, Microsoft cũng thông báo rằng bản cập nhật cho hệ điều hành Windows Phone vào mùa xuân này cũng sẽ thêm hỗ trợ toàn bộ dòng Snapdragon, bao gồm cả 200 và 400.
    Samsung

    Samsung đã công bố hai bộ xử lý Exynos mới cho smartphone và máy tính bảng. Trong đó, Exynos 5422 là phiên bản cập nhật của chip 8 lõi Exynos 5420, kết hợp bốn lõi Cortex-A15 2.1GHz và bốn lõi Cortex-A7 1.5GHz trong quy trình big.LITTLE cấu hình đa xử lý không đồng nhất. Điều này đồng nghĩa với việc bất kỳ sự kết hợp nào lên đến tám lõi đều có thể được sử dụng cùng một lúc tùy thuộc vào nhiệm vụ. Exynos 5422 sử dụng cùng nền tảng đồ họa Mali-T628 MP6 của tiền nhiệm 5420. Sản phẩm Exynos 5260 có tổng cộng sáu lõi CPU (2 lõi A15 1.7GHz và bốn lõi A7 1.3GHz), cũng cùng quy trình đa xử lý không đồng nhất, tuy nhiên lại có có khả năng cung cấp sự cân bằng tốt về hiệu suất và sức mạnh trong các thiết bị giá thấp hơn. Cả 2 sản phẩm này đều sử dụng quy trình sản xuất 28nm của Samsung và lõi ARMv7 32-bit. Trước mắt, Exynos 5422 sẽ được sử dụng trong một số phiên bản của Galaxy S5 và Exynos 5260 được sử dụng trong Galaxy Note 3 Neo.

    [​IMG]
    Nvidia
    Sau những màn xuất hiện hơi lòe loẹt tại CES, Nvidia lại tương đối yên hơi lặng tiếng tại Mobile World Congress. Tegra K1, bộ vi xử lý di động đầu tiên của Nvidia với kiến ​​trúc Kepler sử dụng trong đồ họa máy tính, dự kiến sẽ không ​​ra mắt vào cuối năm nay. Thay vào đó, hãng này đã thêm công nghệ modem i500 LTE Category 3 vào thiết kế Tegra Note 7 dành cho máy tính bảng và thông báo rằng Wiko Mobile, hãng sản xuất điện thoại di động tại Pháp, sẽ là nơi đầu tiên cung cấp sản phẩm smartphone với bộ xử lý Tegra 4i - chip xử lý đầu tiên của Nvidia tích hợp công nghệ i500. Ngoài ra, LG cũng thông báo rằng phiên bản G2 Mini của hãng tại thị trường Nam Mỹ cũng sẽ sử dụng Tegra 4i. Tuy nhiên, đây chỉ là những công bố tương đối nhỏ. Vào năm ngoái, Nvidia dường như đã quá tập trung vào các dòng smartphone chính, trì hoãn việc triển khai Tegra 4 để nhanh chóng phát triển Tegra 4i. Dạo gần đây, Nvidia lại thay đổi và tuyên bố rằng hướng phát triển cho Tegra, bắt đầu từ những "siêu smartphone" sẽ nhắm đến các mục tiêu khác như máy tính bảng, set-top-box và TV thông minh, ô tô, và các dòng điện thoại trước đây đã không còn nằm trong tập trung định hướng của hãng.

    Các đối thủ khác

    Thêm một đối thủ cạnh tranh khác là Imagination Technologies đã sử dụng Mobile World Congress để "show hàng" công nghệ chip mạnh mẽ nhất của mình - chip xử lý đồ họa PowerVR GX6650 với 192 lõi - giống như Tegra K1 - và tuyên bố rằng PowerVR sẽ mang lại hiệu suất tốt hơn và hiệu quả năng lượng cao hơn. Tuy nhiên, do vẫn chưa có ứng dụng vào thực tế, chúng ta sẽ vẫn phải chờ thêm một thời gian để xem những điều thực sự mà GX6650 có thể mang lại.

    MediaTek cũng công bố chip 64-bit đầu tiên của mình. Các sản phẩm MT6572 và MT6732 sử dụng cùng CPU Cortex-A53 đa lõi hỗ trợ đa xử lý không đồng nhất, đồ họa Mali-T760 và tích hợp 4G LTE 150Mbps. Sự khác biệt ở đây là MT6572 có tám lõi A53 2.0GHz và MT6732 có bốn lõi A53 1.5GHz. Cả 2 sản phẩm này sẽ không có sẵn cho đến cuối năm nay, nhưng MediaTek lại có một bộ xử lý 8 lõi khác: MT6595 32-bit sẽ được tung ra thị trường trong nửa đầu 2014.

    Allwinner cũng công bố sản phẩm chip tám lõi 32-bit mang tên UltraOcta A80, kết hợp bốn lõi Cortex-A7 và bốn lõi Cortex-A15, đồ họa PowerVR G6230 của hãng Imagination. Allwinner cho biết thiết bị sử dụng A80 sẽ có trên thị trường trong "vài tháng tới".

    Hãng Marvell cũng công bố bộ vi xử lý 64-bit đầu tiên của mình, có tên Armada PXA1928, tích hợp modem LTE đa chế độ, sử dụng bốn lõi A53. Cuối cùng, Spreadtrum công bố chipset SC6821 sẽ được sử dụng trong các smartphone giá 25 USD chạy hệ điều hành Firefox của Mozilla.

    Đứng từ góc độ kỹ thuật, những lợi ích của bộ vi xử lý tám lõi hoặc điện toán 64-bit ứng dụng trong máy tính bảng hay smartphone vẫn chưa được chứng tỏ rõ ràng. Sau khi tất cả những cuộc chiến về công nghệ chip, thì sự thật là iPad Air vẫn chạy tốt chỉ với một chip lõi kép. Google thậm chí vẫn chưa phát hành phiên bản 64-bit của Android - mặc dù điều này có thể sẽ khác khi Google I/O diễn ra vào tháng 6 - và các ứng dụng 32-bit sẽ vẫn còn tồn tại thêm khoảng thời gian dài nữa.

    Mặt khác, thông số kỹ thuật là những gì được bán cùng smartphone, và một khi nó vẫn còn là vấn đề hàng đầu thì cuộc chiến về công nghệ chip vẫn sẽ tiếp tục.

    Nguồn PC World VN
     
  2. Facebook comment - MWC 2014: Nóng bỏng cuộc chiến công nghệ vi xử lý di động

Share This Page