10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Flappy Bird “hồi sinh” trên Appstore.vn

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by Robot Siêu Nhân, Mar 3, 2014.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 509)

    (XHTT) Trong tuần qua (từ 24/2 – 2/3/2014), “âm hưởng” của game Flappy Bird vẫn khá nóng, nổi bật là sự “hồi sinh” của nó trên trang Appstore.vn. Cạnh đó, sự kiện MWC 2014 diễn ra với nhiều sản phẩm công nghệ mới “chào sân”, đã thu hút sự chú ý của báo giới. Ngoài ra, cũng có nhiều thông tin nổi bật khác…


    1- Internet của Việt Nam bị ảnh hưởng trong 8 ngày

    Thông tin từ Tập đoàn VNPT cho biết, tuyến cáp quang biển quốc tế AAG sẽ bắt đầu tạm ngưng liên lạc để sửa chữa và bảo dưỡng từ 23h00 ngày 2/3/2014, tức 1 giờ trước khi bước sang tuần này. Dự kiến công việc sửa chữa tới ngày 9/3/2014 mới hoàn thành. Vì thế, suốt tuần này, việc truy cập Internet quốc tế sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là các dịch vụ của Google, bao gồm tất cả các nhà mạng: VNPT, FPT và Viettel...

    Và VNPT cũng cho hay, các đơn vị quản lý dịch vụ Internet của Tập đoàn đã thực hiện chuyển hướng kết nối ưu tiên nhằm đảm bảo duy trì liên lạc cho người dùng; Xúc tiến công tác phối hợp với các bên liên quan để khắc phục sự cố trong thời gian sớm nhất.

    2- Vietnamobile “thất hứa”, điều chỉnh cước 3G

    Trong đợt 3 nhà mạng lớn: Viettel, MobiFone và VinaPhone tăng giá cước 3G (ngày 16/10/2013), Vietnamobile đã “hùng hồn” tuyên bố, "Cam kết không tăng cước 3G". Tuy nhiên mới đây, đi ngược với cam kết này, Vietnamobile đã âm thầm điều chỉnh lại một số gói cước 3G, bằng cách giảm 200MB dung lượng sử dụng miễn phí thay vì tăng giá.

    Theo đó, gói D25 chỉ còn 300MB dung lượng miễn phí với giá thuê bao 25.000 đồng/tháng; Gói D40 là 1.3GB với giá thuê bao 40.000 đồng/tháng. Và đây là những gói cước 3G có số người dùng chiếm tỷ trọng lớn của mạng này.

    [​IMG]

    Bảng giá cước 3G mới của Vietnamobile.

    Thế nên, thay vì tăng giá dịch vụ 3G, Vietnamobile tìm cách "lách” qua bằng việc hạ dung lượng miễn phí của các gói cước. Nhưng việc này cũng đồng nghĩa với việc nhà mạng đã từ bỏ cam kết không tăng cước 3G (của mình) cách đây không lâu. Sự “thất hứa” trên đã làm không ít thuê bao Vietnamobile mất hứng. Chưa biết chừng, khi không thỏa mãn, họ lại ùn ùn rời mạng cũng nên.

    3- CleverAds trở thành đối tác ủy quyền của Facebook tại Việt Nam

    Sau 4 năm phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam, mới đây, Facebook đã chọn Công ty Cổ phần Quảng cáo Thông Minh - CleverAds để ký hợp đồng làm đối tác ủy quyền tại Việt Nam. Quyết định này được mạng xã hội lớn nhất thế giới này đưa ra sau một năm chọn lọc và thương thảo. Mặc dù Facebook đã có nhiều đối tác kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên mạng xã hội của mình tại Việt Nam trước đó.

    Theo đó, công ty CleverAds có quyền truy cập vào những số liệu thống kê cao cấp của Facebook, để từ đó, có thể tư vấn tốt hơn cho khách hàng quảng cáo trên mạng xã hội Facebook. Đổi lại, họ phải cung cấp những kế hoạch chiến lược và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt khác trong mảng quảng cáo trên mạng xã hội này.

    Tiết lộ về thương vụ hợp tác, đại diện của CleverAds cho biết, họ được chọn làm đối tác ủy quyền chính thức bởi họ có lượng khách hàng marketing online lớn trên Google. “Facebook và Google là những kênh marketing online hiệu quả hiện nay. Người dùng dịch vụ quảng cáo trên Google thường cân nhắc sử dụng kênh Facebook và ngược lại. CleverAds cũng là đối tác cao cấp đầu tiên của Google tại Việt Nam từ năm 2009, có tập khách hàng phong phú, do đó Facebook đã chọn CleverAds”, vị này nói.

    Tính đến hết năm 2013, Việt Nam có 20 triệu người dùng Facebook, chiếm gần một phần tư dân số và hơn 70% người dùng Internet. Trong đó, 90% Facebooker thuộc độ tuổi từ 14 đến 35, là những người trẻ.

    4- Flappy Bird “hồi sinh” trên Appstore.vn

    Khi thông tin Nguyễn Hà Đông quyết định gỡ bỏ trò chơi Flappy Bird tại các kho ứng dụng trên Appstore và Google Play được đăng đầy trên các báo và trang mạng, rất nhiều người đã đổ xô tìm kiếm trò chơi này để thử độ khó, cũng như tìm hiểu xem tại sao nó lại gây sốt trên toàn thế giới.

    Bắt nhịp hoạt động ấy, lập tức các nhà phát triển ứng dụng đã “nhân bản” ra nhiều trò chơi “nhái” chú chim Flappy Bird để thu hút cộng đồng mạng. Tuy nhiên, tất cả các trò chơi “nhân bản”, “nhái” không thể có sức lôi cuốn bằng bản game chính Flappy Bird.

    [​IMG]

    Người dùng hệ điều hành Android dễ dàng tải bản gốc Flappy Bird từ Appstore.vn

    Thế nhưng mới đây, cộng đồng mạng đã chia sẻ với nhau rằng, vẫn có thể chơi hoặc tải bản gốc của Flappy Bird trên trang mạng Appstore.vn. Khi chơi, người chơi không thấy có sự khác biệt với phiên bản do Nguyễn Hà Đông đã chia sẻ trên Google Play và Appstore trước đây. Và trò chơi này vẫn được Appstore.vn phát hành miễn phí.

    Anh Nguyễn Duy Hiến, admin của mạng chia sẻ nội dung số Appstore.vn xác nhận, trò chơi này được trang Appstore.vn chia sẻ từ ngày 11/1/2014. Đến nay, trò chơi đã thu hút trên 1 triệu lượt xem và hơn 90.000 lượt tải về. Và anh cho hay, mạng chia sẻ nội dung số Appstore.vn cho phép người dùng tải trò chơi lên để cung cấp cho cộng đồng mạng. Trò chơi sẽ được chấp nhận sau khi đội ngũ của Appstore kiểm tra về mặt kỹ thuật như không chứa virus, mã độc (tự động nhắn tin về tổng đài để trừ tiền từ tài khoản của người dùng) v.v...

    Về bản chất, việc chia sẻ này cũng giống như việc chia sẻ tập tin trên các mạng xã hội, diễn đàn và trước đó, Flappy Bird cũng được Nguyễn Hà Đông chia sẻ miễn phí nên không có vấn đề về bản quyền. Thêm nữa, khi người dùng tải Flappy Bird, cho dù do người khác chia sẻ thì số tiền thu được từ quảng cáo cũng sẽ được đưa về với “cha đẻ” của trò chơi, anh Hiến cho biết thêm.

    Ngoài Appstore.vn, người dùng vẫn có thể tìm thấy Flappy Bird - bản gốc trên mạng. Khi thử tìm kiếm bằng cụm từ “Flappy Bird” và “Download” trên Google, có khoảng 54.600.000 kết quả xuất hiện. Như vậy, cho dù Flappy Bird đã được chủ nhân của nó gỡ xuống nhưng bằng cách này hay cách khác, người dùng vẫn có thể tìm và tải trò chơi nổi tiếng này một cách dễ dàng.

    5- MWC 2014: Xuất hiện smartphone giá “siêu rẻ” của Mozilla

    Trong khuôn khổ của MWC 2014, có rất nhiều sản phẩm công nghệ mới thuộc hàng “đỉnh”, được các nhà sản xuất, hãng công nghệ giói thiệu. Tuy nhiên, đi kèm với sự “mới”, “đỉnh” về một/vài tính năng, công dụng nào đó, giá của chúng không hề rẻ. Thế nên, sự xuất hiện của một dòng smartphone với giá 25 USD (khoảng hơn 500.000 đồng), thậm chí còn rẻ hơn cả những máy điện thoại bình dân nhất, chỉ có tính năng nghe, gọi và nhắn tin – thường có giá dưới 1 triệu đồng (phổ biến là từ 6-8 trăm nghìn đồng), quả thực là một “điểm nhấn” của sự kiện.

    Mozilla đã trình diễn mẫu smartphone chạy hệ điều hành Firefox OS có giá 25 USD, hướng tới các thị trường đang phát triển. Họ tin rằng, với smartphone giá rẻ, những người dùng không đủ tiền để mua những dòng điện thoại cao cấp, như iPhone 5S hay Galaxy S4… họ vẫn có cơ hội mua và dùng. Như vậy, sẽ giúp hệ điều hành Firefox OS giành được chỗ đứng trên thị trường điện thoại di động hiện nay. Và để có giá đó, công ty nổi tiếng với trình duyệt Firefox đã hợp tác với nhà sản xuất chip giá rẻ Spreadtrum của Trung Quốc để phát triển các mẫu smartphone trên.

    [​IMG]

    Smartphone chạy Firefox OS giá 25 USD của Mozilla.

    Không thể mạnh bằng các mẫu smartphone cao cấp, điện thoại Firefox OS của Mozilla sẽ chạy các ứng dụng và tận dụng kết nối Internet di động. Với những người đã quen dùng điện thoại chạy Android và iOS, smartphone của Mozilla sẽ có vẻ nhỏ nhoi, kèm khả năng xử lý thấp và ít tính năng. Nhưng theo ông Mitchell Baker, chủ tịch của Mozilla, smartphone chạy Firefox OS cần được đánh giá theo những tiêu chuẩn khác, dành cho các sản phẩm giá rẻ.

    Mozilla cũng đã mở rộng hợp tác với các nhà sản xuất thiết bị chạy Firefox OS như Alcatel và ZTE, phát hành các mẫu điện thoại được nâng cấp lên vi xử lý lõi kép và màn hình lớn hơn. Một trong các mẫu điện thoại chạy Firefox của Alcatel là One Touch FireS, dùng vi xử lý lõi tứ và hỗ trợ mạng 4G LTE tốc độ cao.

    6- Thêm 2 ứng dụng Việt gây ấn tượng giới công nghệ

    Trong khi “cơn sốt” Flappy Bird vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, mới đây, giới công nghệ quốc tế lại thêm một phen “trầm trồ” về 2 ứng dụng di động khác, cũng được xây dựng bởi các tác giả người Việt Nam.

    2 ứng dụng trên có tên là Notes Plus và INKredible, của nhóm phát triển có tên gọi Prime Circa, cho phép người dùng viết/ghi chép lên thiết bị di động những ghi nhớ bằng ngón tay giống như khi ta sử dụng bút và giấy.

    Trong 2 ứng dụng, Notes Plus ra đời từ cách đây 2 năm và có giá 9,99USD cho phiên bản trên nền tảng iOS. Tuy là một ứng dụng có thu phí, nhưng tính đến nay, đã có hơn 6 triệu lượt tải và cài đặt, một con số không nhỏ với một ứng dụng có thu phí. Còn ứng dụng thứ 2 - INKredible (miễn phí) vừa được giới thiệu cách đây khoảng 1 tháng, nhưng cũng đã có hơn 1 triệu lượt tải và cài đặt (sau 1 tháng xuất hiện) trên kho ứng dụng App Store dành cho iOS.

    Hiện cả 2 ứng dụng này đang nhận được rất nhiều lời khen ngợi của người dùng quốc tế và được đánh giá rất cao trên iOS. Và nhiều người cho rằng, Notes Plus là ứng dụng tốt nhất dành cho iOS với chức năng ghi chú bằng tay.

    [​IMG]

    Nhóm tác giả người Việt đằng sau Prime Circa đa phần đang sống tại TP.HCM.

    Sau khi chúng được nhiều người dùng chú ý, trang công nghệ nổi tiếng TechInAsia đã tiến hành tìm hiểu về nhóm tác giả của 2 ứng dụng này và phát hiện ra, phần lớn các thành viên của Prime Circa hiện đang sống tại Việt Nam, chủ yếu tại TP.HCM. Người sáng lập ra nhóm có tên là Việt Trần, hiện đang sống tại California (Mỹ). Hiện nhóm có hơn 10 thành viên, không có văn phòng hoạt động. Thay vào đó, họ làm việc trực tuyến với nhau từ bất kỳ đâu có Internet và liên hệ qua email, Skype…

    Duy Nguyễn, thành viên quan trọng thứ 2 của nhóm Prime Circa, người chịu trách nhiệm về chất lượng của sản phẩm đang sống tại TP.HCM. Theo chia sẻ của Duy, mỗi thành viên trong nhóm đều có thế mạnh riêng và có vai trò khác nhau, cùng đóng góp để tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh.

    Hạn chế lớn nhất mà nhóm này đang gặp phải chính là vấn đề nhân sự. Họ cho hay, trong số 600 đơn dự tuyển tham gia nhóm phát triển thông qua trang web tuyển dụng trực tuyến tại Việt Nam thời gian qua, chỉ có 2 người được chọn để tham gia vào nhóm. Bởi nơi đây đòi hỏi các thành viên phải có trình độ tương đối cao, đáp ứng nhu cầu công việc trong một nhóm khởi nghiệp.

    7- Có thể gọi taxi bằng ứng dụng trên di động

    GrabTaxi là ứng dụng đặt chỗ (gọi) taxi trên điện thoại di động lớn nhất Đông Nam Á. Mới đây, GrabTaxi đã ra mắt phiên bản beta ở Việt Nam và đây là thị trường thứ năm, ứng dụng này được triển khai sau Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore.

    Khi ứng dụng được khởi động, GrabTaxi sẽ tự động xác định vị trí của hành khách (người cần đi) thông qua hệ thống định vị toàn cầu - GPS và hiển thị số lượng taxi đang hoạt động trong vòng bán kính 5 km. Sau đó, hành khách chọn điểm đến rồi đặt yêu cầu (đi), ứng dụng sẽ tự động gửi yêu cầu này đến các tài xế trong vòng bán kính trên. Các tài xế sẽ phản hồi lại yêu cầu của người cần đi và xe taxi gần nhất sẽ nhận được yêu cầu đặt xe kia.

    Hành khách sẽ nhận được xác nhận đặt xe trong vòng 1 phút, cùng với các thông tin như quãng đường ước lượng, biển số xe, thông tin về tài xế... Đồng thời, hành khách cũng có thể theo dõi xe taxi di chuyển đến địa điểm của mình trong thời gian thực.

    Ứng dụng GrabTaxi có sẵn trên các kho ứng dụng, có mặt trên 5 quốc gia (bao gồm cả Việt Nam), dành cho các thiết bị di động sử dụng hệ điều hành iOS, Android và Windows Phone. Người dùng có thể vào các kho ứng dụng để tải về và sử dụng ứng dụng này. Hiện đã có hơn 600.000 lượt tải GrabTaxi về và người dùng có thể đặt taxi từ ứng dụng này ở bất kì đâu trong 5 quốc gia nói trên.

    8- Phóng viên quốc tế quyên tiền để sang phỏng vấn Nguyễn Hà Đông

    Mặc dù game Flappy Bird đã được gỡ bỏ từ đầu tháng 2/2014, nhưng cho đến nay, giới truyền thông trong nước lẫn quốc tế vẫn dành sự quan tâm đặc biệt cho nó. Trang công nghệ TechCrunch, một trang khá uy tín trên thế giới đang cố gắng thực hiện một cuộc “tác nghiệp” ở Việt Nam - phỏng vấn Nguyễn Hà Đông.

    Trên trang mạng xã hội của Kim-Mai Cutler, một phóng viên gốc Việt của TechCrunch, đang diễn ra cuộc quyên góp tiền nhằm trang trải cho chuyến sang Việt Nam của phóng viên này. Dự kiến số tiền cần để thực hiện xong cuộc phỏng vấn với Nguyễn Hà Đông là 3.000 - 3.500 USD. Mặc dù còn hơn 10 ngày nữa việc gây quỹ mới kết thúc, nhưng hiện Kim-Mai Cutler đã nhận được hơn 5.000 USD, vượt xa con số đề ra.

    Sẽ không có gì để nói nếu đây là một cuộc “tác nghiệp” thông thường. Vấn đề là cách thức triển khai công việc này khá độc đáo. TechCrunch đã không bỏ kinh phí cho phóng viên sang Việt Nam mà thay vào đó là kêu gọi sự đóng góp từ cộng đồng. Họ đã “đánh trúng” vào sự hâm mộ, lòng mong muốn được tiếp tục trò chơi Flappy Bird của cộng đồng để vừa khỏi mất tiền lại được tiếng (nâng tầm thương hiệu cho tờ báo). Thật sự là một cách làm hay!

    9- Việt Nam không công nhận đồng Bitcoin là phương tiện thanh toán

    Ngày 27/2/2014, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ra thông cáo báo chí cho biết, thời gian qua có nhiều thông tin đề cập đến đồng Bitcoin - dạng tiền kỹ thuật số (tiền ảo), không được phát hành bởi chính phủ hay một tổ chức tài chính, mà được tạo ra và vận hành dựa trên hệ thống các máy tính kết nối mạng Internet ngang hàng.

    Theo đó, NHNN nhấn mạnh, theo các quy định của pháp luật hiện hành về tiền tệ và ngân hàng, Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) không phải là tiền tệ và phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Do vậy, việc sử dụng Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ, các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng.

    NHNN khuyến cáo: Việc sở hữu, mua bán, sử dụng Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ. Do vậy, NHNN khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác.

    Tại Việt Nam, việc “đào” và đầu tư vào Bitcoin bắt đầu có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Việc sở hữu Bitcoin do “khai thác” được tại Việt Nam là rất ít, chủ yếu là mua qua một số sàn giao dịch. Chính vì thế, đã xuất hiện việc sử dụng Bitcoin như là một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán.

    Cũng trong thông cáo ngày 27/2, NHNN phân tích: Bitcoin bắt đầu được giao dịch trên sàn Mt.Gox vào tháng 6/2010, đến năm 2013, Bitcoin được sử dụng trên cả phương diện thanh toán, giao dịch hàng hóa và tài sản đầu tư. Sự xuất hiện của Bitcoin đã gây ra nhiều tác hại, rủi ro cho người sử dụng.

    Thứ nhất, các giao dịch bằng Bitcoin có tính ẩn danh cao nên Bitcoin có thể trở thành công cụ cho tội phạm như: rửa tiền, buôn bán ma túy, trốn thuế, giao dịch, thanh toán tài sản phi pháp.

    Thứ hai, Bitcoin là tiền ảo được lưu giữ dưới dạng kỹ thuật số nên nguy cơ bị tấn công, đánh cắp, thay đổi dữ liệu hoặc bị ngừng giao dịch là rất lớn.

    Thứ ba, do giá trị đồng Bitcoin biến động mạnh và phức tạp trong thời gian ngắn nên hoạt động đầu tư vào Bitcoin ẩn chứa nhiều nguy cơ về bong bóng, tiềm ẩn gây thiệt hại cho người đầu tư.

    Thứ tư, Bitcoin không bị chi phối và kiểm soát giao dịch bởi cơ quan quản lý nhà nước nào, do đó, người sở hữu Bitcoin sẽ chịu toàn bộ rủi ro vì không có cơ chế bảo vệ quyền lợi.

    Trên thế giới, hầu hết các quốc gia đã có thông báo không chấp nhận Bitcoin là phương tiện thanh toán hợp pháp, không thừa nhận Bitcoin là một đồng tiền hợp pháp được lưu thông trên thị trường, đồng thời đưa ra các cảnh báo rủi ro cho người sử dụng loại đồng tiền ảo này như Thái Lan, Nga, Pháp, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Na Uy...

    10- Việt Nam đã sản xuất được chip vi xử lý 8 bit

    Sáng 26/2, tại Nhà Điều hành ĐHQG TP.HCM (Q.Thủ Đức, TP.HCM), chip vi xử lý 8 bit đầu tiên do Việt Nam chế tạo mang tên SG-8V1 đã được Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch (ICDREC) cho ra mắt.

    Nhận biết tiềm năng chất xám của Việt Nam và sự bành trướng của các doanh nghiệp nước ngoài trên thị trường vi xử lí nội địa, từ năm 2008, Sở KH-CN TP.HCM đã đặt hàng ICDREC sản xuất sản phẩm này. Sau bốn năm nghiên cứu, ICDREC đã chế tạo và vận hành thành công chip SG-8V1 với những tiến bộ kĩ thuật vượt bậc. Chip SG-8V1 chỉ cần 1 chu kì xung (clock) đã thực hiện xong 1 lệnh, nhanh hơn hẳn chip PIC18F87J60 của Microchip - cần tới 4 clocks. Mặt khác, dữ liệu của SG-8V1 lên tới 3 KByte Flash, 16 Kbyte RAM thay vì chỉ 3808 Byte Ram như của PIC.

    Thêm nữa, chip SG-8V1 dù sở hữu chức năng “khủng” nhưng giá bán khá mềm, với 40.000 đồng/chip cho lô hàng trên 1000 con, rẻ hơn giá bình quân trên thị trường của dòng chip 8 bit hiện nay là 75.000 đồng/chip cho lô hàng trên 5000 con.

    Trung bình hàng năm, nếu chỉ tính riêng thị trường thiết bị dân dụng sử dụng chip 8 bit, chúng ta cần khoảng 1 triệu con chip/năm. Như vậy, thay vì mất khoảng 75 tỉ đồng cho việc nhập khẩu 1 triệu con chip ngoại thì với SG-8V1, chúng ta chỉ tốn 40 tỉ đồng, ngân sách quốc gia tiết kiệm được 35 tỉ đồng.

    Hiện, chip vi xử lí SG-8V1 đang được ICDREC ứng dụng trong các sản phẩm đa dạng như: Hộp đen xe gắn máy XM100, bộ giải mã Setup Box, khóa định vị Container,... và trong năm 2014, dự tính sẽ có khoảng 150.000 chip SG-8V1 được sử dụng tại thị trường Việt Nam.

    Thanh Trà (tổng hợp)

    Nguồn Xã hội thông tin
     
  2. Facebook comment - 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Flappy Bird “hồi sinh” trên Appstore.vn

Share This Page