(XHTT) Không còn bao lâu nữa, một kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) mới lại bắt đầu. Công tác chuẩn bị, đăng ký dự thi của các thí sinh bắt đầu được xúc tiến. Thế nên những thông tin liên quan đến kỳ thi tuyển này có liên quan và ảnh hưởng đến hàng triệu học sinh sắp tốt nghiệp phổ thông cũng như hàng triệu gia đình (của các học sinh này), chưa kể lượng thí sinh tự do có nhu cầu thi trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay. Ngừng tuyển sinh 207 ngành đại học Vừa mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành quyết định dừng tuyển sinh 207 ngành đại học của 71 cơ sở đào tạo ĐH, CĐ trên toàn quốc. Lý do khiến Bộ GD&ĐT đưa ra quyết định này là do các trường ĐH không đảm bảo điều kiện về đội ngũ giảng viên cơ hữu (giảng viên chính thức trong biên chế của trường). Theo quy định, ở các ngành đào tạo bậc ĐH, các trường phải có tối thiểu 1 tiến sĩ, 3 thạc sĩ. Căn cứ vào báo cáo của chính các trường, Bộ đã quyết định dừng những nhành đào tạo tại những đơn vị không đảm bảo tiêu chí, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người học, đồng thời còn đảm bảo về chất lượng đầu ra. Trong danh sách các trường có ngành bị ngừng tuyển sinh năm nay, không thiếu những tên trường khiến nhiều người phải giật mình. Đó là những trường “đình đám”, có danh tiếng và có truyền thống lâu đời như: ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Mỹ thuật TP.HCM, ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Kiến trúc TP.HCM, Học viện Âm nhạc Việt Nam, Trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội… Lại có những trường bị đình chỉ hầu hết các ngành tuyển sinh, như ĐH Hà Tĩnh ngừng tuyển sinh 14/16 ngành, Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội 15/18 ngành, v.v. Việc dừng đào tạo 207 ngành học của 71 cơ sở đào tạo bậc ĐH, CĐ trên toàn quốc này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc chọn nguyện vọng của các thí sinh dự thi ĐH, CĐ trong năm nay. Vì thế, việc tìm hiểu kỹ những ngành bị Bộ “tuýt còi” của các trường là việc làm hết sức cần thiết đối với các thí sinh ngay từ bây giờ. Quyết định này của Bộ GD&ĐT được cho là mạnh tay và cương quyết. Tuy nhiên, nó hoàn toàn thuyết phục hay chưa và hàng chục nghìn sinh viên đang dự định đăng ký dự thi vào những ngành này sẽ phải suy xét lại, thay đổi quyết định khi mà thời điểm đăng ký dự thi chỉ còn hơn 1 tháng nữa. Và vụ việc này đang gây nhiều tranh cãi. Phía các trường ĐH hiện vẫn tiếp tục gửi giải trình lên Bộ GD&ĐT để hy vọng Bộ rút tên họ ra khỏi danh sách này. Nhiều trường ĐH, CĐ đã có đề án tuyển sinh riêng Theo lộ trình "đổi mới thi cử", Bộ GD&ĐT sẽ bắt đầu giao quyền tự chủ cho các trường từ năm 2014. Cùng đó là ba năm chuyển tiếp, Bộ tiếp tục tổ chức thi 3 chung cho các trường có nguyện vọng. Và các trường có thể áp dụng nhiều phương án, như vừa thi, vừa xét tuyển, hay sử dụng kết quả học tập phổ thông. Điều bắt buộc là các trường phải xác định "ngưỡng tối thiểu" về kiến thức đối với các thí sinh. Với các học sinh THPT, kỳ thi tuyển ĐH, CĐ là một “bước ngoặt” quan trọng trong đời. Theo thứ trưởng bộ Giáo dục và đào tạo Bùi Văn Ga, ngày 10/3/2014 Bộ sẽ công bố danh sách các trường ĐH thi chung hay riêng. Tính đến thời điểm này, đã có 50 trường ĐH, CĐ nộp phương án tuyển sinh riêng năm 2014về Bộ GD&ĐT. Bao gồm: Các trường ĐH có phương án tuyển sinh riêng năm 2014, gồm: ĐH Hòa Bình; ĐH Nông lâm Bắc Giang, ĐH Dân lập Hải Phòng; ĐH Đà Nẵng; ĐH Thái Nguyên; ĐH Bách Khoa Hà Nội; ĐH Kiến trúc TPHCM; ĐH Đồng Tháp; ĐH Quốc tế Sài Gòn; ĐH Quang Trung; ĐH Nguyễn Tất Thành; ĐH Kinh tế – Kỹ thuật Long An; ĐH Lương Thế Vinh; ĐH Thái Bình Dương; ĐH Kiểm sát Hà Nội; ĐH Chu Văn An; ĐH Công nghệ Đông Á; ĐH CNTT Gia Định; ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM; ĐH Nguyễn Trãi; ĐH Quốc tế Bắc Hà; ĐH Quốc gia Hà Nội; ĐH Việt Bắc. Các trường ĐH có phương án tuyển sinh riêng kèm phương án khác trong năm 2014, gồm: ĐH Lạc Hồng (thi chung xét tuyển riêng năm 2014); ĐH Quốc tế Hồng Bàng (thi kết hợp xét tuyển năm 2014); ĐH Đại Nam (vừa thi 3 chung vừa xét tuyển kết quả học phổ thông) ; ĐH Vinh (tuyển sinh 2014 theo hình thức xét tuyển kết hợp thi tuyển); ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM (tuyển sinh 2014 theo 3 hình thức); ĐH Thành Đông (tuyển sinh năm 2014 theo 2 phương thức); ĐH Phan Châu Trinh (thi riêng và xét tuyển chung năm 2014); ĐH Đông Á (tuyển sinh riêng 2014 theo 2 phương pháp xét tuyển). Các trường Cao đẳng tuyển sinh riêng năm 2014, gồm: CĐ nghệ thuật Hà Nội; CĐ Kinh tế – Công nghệ TP.HCM; CĐ ASEAN; CĐ Đông Á; CĐ Sư phạm Trung ương Nha Trang; CĐ Bách khoa Hưng Yên; CĐ Hóa chất Việt Trì; CĐ Văn hóa nghệ thuật Sài Gòn; CĐ Đại Việt; CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM; CĐ Văn hóa nghệ thuật Thái Bình; và CĐ Văn hóa nghệ thuật Nghệ An (kết hợp xét tuyển năm 2014) Riêng hai trường ĐH: ĐH Kinh tế-Tài chính TPHCM (UEF) và ĐH Công nghệ Sài Gòn lại đề nghi được xét tuyển, không tổ chức thi tuyển năm 2014. Các trường thi “3 chung”: Về cơ bản vẫn như cũ Do Bộ GD&ĐT đã cho phép các trường đủ điều kiện được tổ chức thi riêng nên không ít thí sinh dự kỳ thi “ba chung” năm nay có nhiều băn khoăn, không biết việc tổ chức cũng như ra đề thi năm nay có gì khác so với mọi năm? Giải đáp vấn đề này, ông Trần Văn Nghĩa - phó Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết, so với năm 2013, kỳ thi chung năm 2014 chỉ có một điểm thay đổi về một số điều chỉnh của chính sách ưu tiên. Về cơ bản, các đối tượng được hưởng ưu tiên sẽ được giữ ổn định, nhưng mức độ ưu tiên, điểm cộng ưu tiên cho một số đối tượng sẽ có thay đổi. Trong Dự thảo, có bổ sung đối tượng khuyết tật nặng được cộng 1 điểm ưu tiên trong tuyển sinh. Những điều chỉnh này sẽ được quy định chi tiết trong thông tư sửa đổi Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2014, dự kiến ban hành trong tháng 2. Cũng theo ông Nghĩa, đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo “ba chung” của năm 2014 sẽ tiếp tục tăng cường mô hình đề thi mở, khơi gợi khuynh hướng học tập kích thích tư duy, không phụ thuộc vào việc học tủ, học thuộc lòng. Ở các môn thi trắc nghiệm sẽ bổ sung, cải tiến hình thức câu trắc nghiệm để giảm thiểu khả năng đoán mò, “ăn may” của thí sinh. Ở đề thi tự luận của các môn khoa học xã hội như văn, sử, địa sẽ tăng cường đề thi mở, hạn chế việc ra các câu hỏi yêu cầu học sinh phải nhớ máy móc các con số và sự kiện. Với các môn khoa học tự nhiên như toán cũng định hướng tăng cường các câu hỏi nhằm phát huy khả năng vận dụng kiến thức tổng hợp của học sinh vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, khắc phục tình trạng học sinh giải quyết vấn đề một cách máy móc theo khuôn mẫu có sẵn… Ông Nghĩa cho biết thêm, đề thi năm nay sẽ không quá khó. Các thí sinh hãy yên tâm tập trung ôn thật tốt chương trình trung học hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12. Đề thi ĐH, CĐ năm nay sẽ bám sát chương trình trung học và sẽ có nhiều câu để kiểm tra bao quát toàn chương trình trung học, chủ yếu là chương trình lớp 12, bảo đảm cân đối giữa các phần trong chương trình, đúng quy định về điều chỉnh nội dung môn học. Dĩ nhiên, trong đề thi đại học, cao đẳng luôn có câu hỏi khó để phân loại thí sinh. Lịch thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 cho các trường “3 chung” Cuối năm 2013, Bộ GD&ĐT đã công bố kế hoạch công tác tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) năm 2014 cho những trường tổ chức thi theo hình thức “3 chung”, bao gồm các môn thi cho các khối. Cụ thể: Đợt I kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2014 sẽ diễn ra từ ngày 4 - 5/7/2014, thi đại học khối A, A1 và V. Thí sinh thi khối V, sau khi dự thi môn Toán, Lý, thi tiếp năng khiếu Vẽ đến hết ngày 11/7/2014. Đợt II: Sẽ diễn ra từ ngày 9 - 10/7/2014, thi đại học khối B, C, D và các khối năng khiếu. Thí sinh thi khối năng khiếu, sau khi dự thi các môn văn hoá (Khối H, N thi môn Ngữ văn theo đề thi khối C; Khối M thi môn Ngữ văn, Toán theo đề thi khối D; Khối T thi môn Sinh, Toán theo đề thi khối B; Khối R thi môn Ngữ văn, Lịch sử theo đề thi khối C). Đợt III: Sẽ diễn ra từ ngày 15 - 16/7/2013, thi cao đẳng tất cả các khối thi. Thí sinh thi khối năng khiếu, sau khi dự thi các môn văn hóa, thi tiếp các môn năng khiếu đến ngày 21/7/2014. Các trường ĐH có tổ chức thi tuyển sinh hoàn thành chấm thi, công bố điểm thi thí sinh trên các phương tiện thông tin đại chúng trước ngày 1/8/2014. Các trường CĐ công bố điểm thi thí sinh trước ngày 5/8/2014. Các trường ĐH, CĐ công bố điểm trúng tuyển, gửi giấy báo chứng nhận kết quả, phiếu báo điểm, giấy báo trúng tuyển cho các Sở GD&ĐT trước ngày 20/8/2014. Đối với những trường tuyển sinh riêng, Bộ GD&ĐT và các trường sẽ thống nhất với nhau về thời gian thi nhưng không quá xa thời điểm thi 3 chung để tạo sự công bằng và điều kiện học tập, thi cử cho các thí sinh. Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) sẽ ban hành quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy trước ngày 25/2. Các trường THPT thu hồ sơ và lệ phí ĐKDT và các Sở GD&ĐT thu hồ sơ và lệ phí ĐKDT của thí sinh tự do từ ngày 10/3/2014 đến 10/4/2014. Các trường ĐH, CĐ thu hồ sơ và lệ phí ĐKDT tại trường từ 11/4-17/4/2014. Chính thức loại bỏ điểm sàn trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ Theo quyết định mới đây của Bộ GD&ĐT, trong mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014, khái niệm về điểm sàn chính thức được xóa bỏ. Thay vào đó, sẽ có rất nhiều ngưỡng đảm bảo chất lượng riêng áp dụng cho từng trường. Những tiêu chí này bao gồm hàng loạt các yếu tố như: Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm, mức điểm trung bình đầu vào kỳ tuyển sinh năm 2013 của trường đó cũng như số lượng hồ sơ nộp vào trường, chỉ số cơ hữu của các trường, v.v. Và Bộ sẽ lập các diễn đàn mở để huy động ý kiến đóng góp của các nhà giáo, chuyên gia, phụ huynh cũng như toàn xã hội về bộ tiêu chí lựa chọn nguồn tuyển cho kỳ thi tuyển sinh năm nay. Về phương án thay thế điểm sàn, ông Bùi Anh Tuấn (Vụ trưởng Vụ Đại học, Bộ GD&ĐT) chia sẻ: “Bộ GD&ĐT đã nhận sự khó khăn về phía mình để tạo sự dễ dàng cho người học, tiêu chí là đảm bảo chất lượng nguồn tuyển. Những năm trước đây, Bộ có hội đồng điểm sàn để tư vấn cho Bộ nhằm xác định điểm sàn cho từng khối. Năm 2012 - 2013, Bộ đã đưa lên diễn đàn và nhận được nhiều ý kiến đóng góp về xây dựng phương án điểm sàn. Vì vậy, năm 2014 sẽ không có Hội đồng điểm sàn mà có chỉ có Hội đồng tư vấn đảm bảo chất lượng nguồn tuyển”. Những điều chỉnh trên nằm trong lộ trình đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ theo Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới nội dung, phương án dạy học, hình thức và phương pháp thi, kiểm tra đánh giá học sinh. Tiếp tục kiến nghị bỏ thi tuyển sinh đại học Ngày 9/1/2014, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam đã tổ chức Hội thảo góp ý cho dự thảo quy định về tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy giai đoạn 2014 - 2016 của Bộ GD&ĐT. Theo đó, Hiệp hội này cho rằng, trong điều kiện Việt Nam hiện nay, phần lớn các cơ sở giáo dục ĐH có quy mô tuyển sinh nhỏ, đơn ngành… nên thường gặp khó trong việc chuẩn bị đề thi nhưng lại hoàn toàn đủ năng lực để thực hiện công việc xét tuyển. Do đó Bộ nên xem xét tuyển (hoặc xét tuyển kết hợp với thi tuyển hạn chế) là phương thức tuyển sinh chủ yếu để giúp các trường nhanh chóng thể hiện quyền tự chủ tuyển sinh của mình chứ không coi việc tuyển sinh là kỳ thi như quy định của dự thảo. GS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập phát biểu. Đồng thời Bộ GĐ&ĐT cần công bố ngay quy định quốc gia về trình độ đầu vào tối thiểu của các cơ sở giáo dục bậc ĐH. Tất cả những ai đạt được chuẩn này đều đủ điều kiện để được tiếp nhận vào các cơ sở giáo dục ĐH, còn điều kiện để thí sinh được vào học tại một trường cụ thể (căn cứ xét tuyển, điểm xét tuyển, nội dung thi, các kỳ thi bổ sung, kết quả học lực phổ thông, hạnh kiểm, năng lực xã hội…) thì phải dành cho các trường tự quyết định và tự công bố công khai, tuỳ theo đặc điểm ngành nghề và thương hiệu của mình, Bộ không nên can thiệp quá sâu. Chính điều đó mới thể hiện quyền tự chủ tuyển sinh thực sự của các cơ sở giáo dục ĐH, theo đúng tinh thần của Điều 34 luật Giáo dục đại học. Đặc biệt, Hiệp hội còn kiến nghị Bộ cần sớm nhập hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng làm một, thực hiện việc trao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục ĐH. Nếu việc này trở thành hiện thực, gánh nặng thi cử (đối với học sinh) cũng như chi phí xã hội cho các đợt thi cử (của các gia đình, xã hội) sẽ nhẹ hẳn. Tuy nhiên (theo NV), để đạt được điều này, chính các trường ĐH, CĐ cũng phải đảm bảo được chất lượng đầu ra, đặc biệt là sinh viên tốt nghiệp phải có việc làm, đó mới là việc làm thật sự tốt, đúng đắn, đáng để xã hội khuyến khích. Thanh Trà (tổng hợp) Nguồn Xã hội thông tin