Các nhà khoa học cho rằng sự cần thiết phải giữ cho đầu lạnh là lý do khiến loài người trở thành những sinh vật duy nhất “trần truồng”. Việc giảm nhiệt trong cơ thể bằng cách đổ mồ hôi là một trong những quá trình quan trọng giúp người tiền sử có thể đi được bằng 2 chân và bộ não phát triển lớn hơn. Nhiệt độ của bộ não quá lớn có thể gây nguy hiểm tính mạng. Điều này có nghĩa quá trình tiến hóa đã bị đặt lên một áp lực rất lớn là làm sao để loại bỏ bớt nhiệt độ cơ thể thông qua quá trình bốc hơi của mồ hôi trên da. “Đây chính là nguyên nhân chính khiến con người bị mất lông trên cơ thể từ hơn 1 triệu năm trước” – Nina Jablonski, giáo sư nhân chủng học tại trường đại học liên bang Pennsylvania cho biết. Da người có rất nhiều tuyến mồ hôi nội tiết, và đây chính là đường mà mồ hôi thoát ra để làm giảm nhiệt độ cơ thể. Một lớp lông dày trên cơ thể có thể khiến quá trình đổ mồ hôi và bốc hơi nước gặp trở ngại và ảnh hưởng đến khả năng giảm nhiệt của cơ thể. Con người mất lông cơ thể để đi lại bằng 2 chân dễ dàng hơn và để bộ não phát triển hơn. “Việc mất lông trên cơ thể là một cách điều chỉnh nhiệt độ cơ thể. Chúng ta mất lông cơ thể, nhưng lại tăng cường số lượng tuyến mồ hôi nội tiết. Nghiên cứu nhân chủng học về người cổ, như bộ xương của “cậu bé Turkana”, sinh sống tại khu vực đông Phi hơn 1 triệu năm trước cho thấy các hoạt động như chạy, đi bằng 2 chân cùng nhiều hoạt động khác trong ngày có thể khiến cơ thể bị nóng quá mức. Nhiệt độ cơ thể quá cao này buộc phải được điều chỉnh”. Tuy nhiên, một làn da “trần truồng” lại rất dễ bị tác động của Mặt trời. Và màu da tối để bảo vệ da khỏi sự tàn phá của Mặt trời cũng được coi là mọt tiến hóa của loài người khi lông trên cơ thể biến mất. Chỉ khi những người cổ đầu tiên tại châu Phi, xuất hiện cách đây khoảng 70.000 năm bắt đầu di cư sang các khu vực ở phía bắc của châu Âu và châu Á thì làn da sẫm màu của họ mới được thay thế bằng những màu da sáng hơn để sản xuất ra vitamin D từ tia cực tím. Nguồn KhoaHoc.com.vn