Sang xuân, trời bắt đầu ấm áp. Những cơn mưa phùn rả rích trong cả mùa Tết đang dần nhường chỗ cái nắng hanh hao vàng, nhẹ nhàng, bay bổng. Cả đất trời đang rộn lên, ngập tràn sức sống bởi hơi thở của vạn vật đang sinh sôi. Có lẽ cái tiết xuân như thế khiến con người lại muốn nghỉ ngơi và tận hưởng chút nhựa sống từ tự nhiên. Mọi người tạm gác lại sự bộn bề công việc để cùng nhau đi du lịch, đi tận hưởng cái khí xuân đang phơi phới khắp đất trời. Đi du lịch cũng có nhiều kiểu đi, đi theo đoàn, đi tự túc, đi phượt… Nhưng trong thời buổi kinh tế "khó khăn" này, nhiều chị em ra chiến lược đi theo kiểu tiết kiệm. Tức là chỉ đi dã ngoại trong ngày, các vấn đề gì tự làm được mang theo là tốt nhất. Đặc biệt là đồ ăn, vừa ngon lại đảm bảo vệ sinh. Tuy nhiên các món ăn này chỉ có thể ăn trong ngày, chứ không thể để lâu được. Nếu đi dã ngoại thì rất hợp lý. Bếp Eva sẽ gợi ý một vài món mà chị em có thể mang theo nhé! Cứ tưởng tượng cùng bạn bè, đồng nghiệp, hay người thân cùng nhau ngồi thưởng thức những món ăn do chính tự tay mình làm trong không gian thoáng đãng, ấm áp dưới ánh nắng chan hòa của mùa xuân thật là tuyệt diệu! Kimbap Đây là món ăn tuy là đặc trưng của xứ sở kim chi nhưng rất dễ ăn mà mang theo lại nhanh gọn. Mọi nguyên liệu đều được cuộn chung với cơm, vì thế chỉ cần thưởng thức luôn thôi. Hơn nữa, mỗi cuộn kimbap chứa đầy đủ các chất cần thiết như tinh bột, chất đạm và chất xơ vì thế không lo đói và thiếu chất nhé! Nếu ăn kèm cùng kim chi cải thảo nữa thì quá tuyệt chị em nhé! Nguyên liệu: - Gạo Tám (nếu có gạo Nhật thì càng ngon) - Lá kim (miếng rong biển khô dùng để cuốn cơm) - Trứng gà - Rau cải, cà rốt, dưa chuột - Sốt mayonaise - Muối, đường, dấm - Dầu vừng - Mành tre Cách làm: - Vo gạo, thổi chín cơm theo cách thông thường. Trong khi đợi cơm chín thì các bạn đập trứng ra bát, đánh tan với 1 chút muối và tráng trong 1 chảo nhỏ để miếng trứng được dầy. Cà rốt, dưa chuột thái thành những thanh dài. Đun sôi nước, cho cà rốt và rau vào luộc nhanh trong khoảng 2-3 phút, vớt ra ngâm nước đun sôi để nguội. Muốn ăn rau đậm đà hơn thì thay vì luộc, các bạn có thể xào rau cũng được nhé. - Trứng thái sợi to, dài. Vớt rau ra đĩa cho ráo nước để chuẩn bị cuộn cơm. - Cơm chín, ngay khi cơm còn nóng các bạn nhanh tay trộn cơm với 1 lượng nhỏ muối, đường, dấm tạo vị hơi chua mặn ngọt. Nếu có dấm Nhật thì các bạn chỉ việc trộn luôn cùng với cơm vì dấm Nhật thay thế cho các gia vị vừa nêu. - Trải lá kim lên trên miếng mành tre, dùng chổi phết dầu vừng lên mặt lá. Dầu vừng có tác dụng giảm mùi tanh (đặc trưng) của rong biển, các bạn cũng có thể dùng tạm dầu oliu nếu như không có dầu vừng. Hoặc nếu như đã quen với mùi rong biển của lá kim thì các bạn có thể bỏ qua bước này. - Dàn mỏng cơm lên lá kim, chừa lại 1 mép khoảng 2-3 cm. Xếp trứng và các loại rau củ lệch về bên phết kín cơm hơn các bạn nhé, thêm 1 lượt sốt mayonaise nữa. - Cầm 1 đầu của mành khéo léo cuộn lá kim lại, vừa cuộn vừa nắn nhẹ để cuộn cơm được tròn, xiết nhẹ chiếc mành để cuộn cơm chặt hơn, khi cắt miếng cơm sẽ đẹp, nhân không bị rơi ra ngoài. - Dùng dao sắc cắt cuộn cơm thành những khoanh dầy khoảng 1,5 - 2 cm. Sẽ dễ cắt hơn nếu như sử dụng dao có lưỡi răng cưa, hoặc trước khi cắt, lưỡi dao được bôi 1 lớp dầu mè. Xôi khúc Cứ đến độ xuân về thì cây lá khúc bắt đầu sinh sôi nảy nở. Vì thế, kiếm lá khúc để chế biến món ăn mùa này thật chẳng khó. Hơn nữa món xôi khúc vừa ngon lại chắc bụng, vì thế chị em thử làm nhé! Nguyên liệu: - Rau khúc tươi: 0,5 kg - Đậu xanh: 100 gr - Nếp cái hoa vàng: 300 gr - Bột nếp: 200 gr - Bột tẻ: 50 gr - Bột năng: 1 thìa cà phê - Thịt sấn vai xay: 200 gr - Hành khô, hạt tiêu. Cách làm: - Rau khúc thường lẫn nhiều rạ nên các bạn chú ý nhặt rửa sạch, luộc rau chín, vớt ra cho ráo rồi vắt bỏ nước. Sau đó dùng chày giã nhuyễn, kiểm tra thêm lần nữa xem còn lẫn xơ già thì các bạn nhặt bỏ để rau được mịn nhé. - Phi thơm hành khô rồi cho thịt vào xào chín, nêm chút gia vị cho vừa miệng, bắc ra rắc thêm hạt tiêu. - Đậu xanh ngâm nở, đem đồ chín rồi tán hoặc dùng chày giã thật mịn, trộn đều đậu xanh với thịt băm, chia thành các viên nhỏ để làm nhân. Trộn bột tẻ và bột nếp cùng với rau khúc, hạt nêm để làm phần vỏ xôi. Vừa nhào các bạn vừa chế thêm từng chút nước một đến khi thu được hỗn hợp bột ráo tay nhé. - Chia bột thành các phần đều nhau, dàn mỏng rồi đặt viên nhân vào giữa, gói lại, vê kín. Gạo nếp ngâm qua đêm, vo sạch, để ráo rồi xóc với chút muối. Sau nặn xôi xong, ta lăn nhẹ những viên xôi qua 1 lớp mỏng gạo nếp. - Rải một lớp gạo nếp xuống đáy chõ, xếp nhẹ nhàng những nắm xôi vào, mỗi lớp bánh lại rắc một lượt gạo nếp phủ lên. Sau đó, hấp xôi trong khoảng 45 - 60 phút là gạo nếp nở căng, xôi chín nục tỏa hương thơm ngào ngạt rất hấp dẫn. - Giữa tiết trời đông giá lạnh, được thưởng thức miếng xôi khúc nóng hôi hổi thật chẳng gì sánh bằng Xôi chim Làm món xôi chim tuy hơi cầu kỳ một chút nhưng khi ăn đảm bảo miễn chê luôn. Nguyên liệu: - Chim bồ câu - Gạo nếp cái hoa vàng - Hành khô Cách làm: - Gạo nếp ngâm qua đêm, đãi sạch, để ráo nước, đảo đều với chút muối. - Chim bồ câu mổ lọc lấy phần thịt ức, băm nhỏ. Nếu mua được chim non thì có thể băm nhuyễn luôn cả phần xương chim. - Hành khô bóc vỏ, thái mỏng. Lấy một ít băm nhỏ, phi thơm rồi cho thịt chim vào xào. Nêm một nước mắm, có thể nêm đặm hơn một chút để xôi được đậm đà. - Chỗ hành còn lại đem phi vàng. - Cho gạo nếp vào dụng cụ hấp của nồi cơm điện. - Khi xôi đã chín thì trút thịt chim vào, trộn đều, rưới thêm chút dầu vừa dùng phi hành để hạt xôi được bóng. - Khi ăn nhớ rắc hành phi lên trên nhé. Kẹo dẻo Món kẹo dẻo này mà mang theo nhâm nhi dọc đường thì quá tuyệt! Nguyên liệu: - Chanh leo: 4 quả - Bột gelatine: 50 g - Đường: 200 g - Nước lọc: 130 ml Cách làm: - Bổ đôi quả chanh leo, dùng thìa nạo phần ruột chanh ra một chiếc rây để lọc lấy nước cốt chanh leo. - Trộn đường với gelatin rồi trút phần nước cốt chanh leo đã được hòa với nước lọc vào nồi. Ban đầu các bạn sẽ thấy gelatin vón lại thành những cục hơi lổn nhổn nhưng đừng lo nhé, sau khi đun nóng gelatin tan ra và hiện tượng đó sẽ biến mất. - Bắc nồi lên bếp, đun thật nhỏ lửa, vừa đun vừa quấy đều cho đường và gelatin tan hoàn toàn. - Khi thấy hỗn hợp nóng lên và nổi bọt thì các bạn dùng thìa vớt sạch để món kẹo của chúng ta được trong nhé. - Đổ hỗn hợp gelatin chanh leo vào khay rộng, phẳng hoặc các khuôn nhỏ đã được thoa 1 lớp mỏng dầu oliu. - Vào mùa hè nóng nên các bạn cần đợi tầm 8 tiếng hoặc để qua đêm cho kẹo đông lại. Mùa đông lạnh hơn nên chỉ cần từ 3-4 tiếng là kẹo đã đông lại rồi. Lấy kẹo ra khỏi khuôn hoặc dùng những dụng cụ cắt có hình thù ngộ nghĩnh để cắt kẹo nhé. - Vì kẹo dẻo vị chanh leo khi ăn có độ dai dai dẻo dẻo giống như loại kẹo chip chip có bán trên thị trường nên các bé thường thích thú gọi món kẹo này là kẹo chip chip. Tuy nhiên, nếu xét về độ an toàn và hương vị tự nhiên thì đảm bảo chúng ta sẽ yên tâm hoàn toàn. Phần kẹo không ăn hết, các bạn dùng màng nilon dùng để bọc thực phẩm cắt nhỏ ra và gói kẹo lại, hoặc đựng kẹo vào các túi zip loại nhỏ để ăn dần. Tuy nhiên, vì kẹo hoàn toàn không chứ chất bảo quản nên sẽ không để được lâu, hạn sử dụng chỉ trong vòng 3 ngày thôi các bạn nhé! (Tổng hợp) Món ngon tại Bếp Eva: Món ăn nhẹ mang theo khi đi du lịch Xôi gấc thơm ngon Xôi xoài bạn đã thử chưa Hạnh nhân bọc sô cô la Trứng cuộn lá kim Bánh mỳ kẹp hành xào Xem thêm chủ đề: mon an, da ngoai, tu lam do an di da ngoai, mon an mang theo khi di da ngoai, du lich, bep eva, bao phu nu Nguồn EVA.VN