Thứ tư, 27/2/2013, 08:55 GMT+7 Cách đây 10 năm, sếu đầu đỏ về khu vực xã Bình An, huyện Kiên Lương, Kiên Giang thường trên 360 con. Nhưng, hai năm gần đây, số lượng loài này ngày càng ít và dần vắng bóng. Nguyên nhân là do môi trường sống của chúng ngày càng thu hẹp. Những cánh đồng năn - nguồn thức ăn chính của sếu ngày nay trở thành những vuông tôm, công trình khai thác đá, đất sét. Từ trung tuần tháng 2/2013 đến nay, hàng ngày có trên 30 con sếu đầu đỏ di trú về kiếm ăn và sinh sống tại khu vực ấp Hòn Chông và Ba Núi, xã Bình An. Nhiều người ở địa phương cho biết, hàng ngày sếu đi ăn rất sớm, từ 6h30 đến chiều tối sếu mới bay về tập trung ngủ cạnh nhà máy ximăng Holcim. Khác với các lần trước, sếu không tập trung đi ăn từng đàn mà chia từng nhóm nhỏ 3-4 con đi ăn lẻ ở nhiều nơi. Cùng thời gian này, tại huyện vùng biên giới Giang Thành, khu bảo tồn sếu đầu đỏ đồng cỏ bàng Phú Mỹ, sếu không về kiếm thức ăn như các năm trước, bởi đồng cỏ năn bị chết do khô hạn, mất nguồn thức ăn chính. Người dân địa phương cho biết, từ đầu năm 2013 sếu có vào đây vài ba con thăm dò rồi vắng bóng đến nay. Theo Vietnam+ Kiên Giang,sếu đầu đỏ,đồng cỏ,khu bảo tồn,động vật,thức ăn,khai thác đá Nguồn VNExpress